- Trách nhiệm nhà văn
- Hậu trường đối ngoại văn chương
Hậu trường đối ngoại văn chương
(Mời click vào logo trên đây để truy cập chuyên mục)
KIỀU BÍCH HẬU
Đối ngoại văn chương là một biện pháp khôn ngoan để giới thiệu tâm hồn, phẩm giá con người một dân tộc ra với thế giới. Trong nghề văn, thì nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dùng một từ rất hay – đó là tấm hộ chiếu văn chương – để mỗi nhà văn có thể vượt qua biên giới quốc gia, gặp gỡ những tâm hồn bè bạn và hội nhập, phát triển.
Thói quen tốt để sống đời văn minh
Việc đối ngoại văn chương là trách nhiệm của mỗi cá nhân, của các tổ chức nghề nghiệp, mà ở Việt Nam là Hội Nhà văn, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, và của Nhà nước. Phải cả ba lực lượng này hợp sức cùng làm, thì mới có thể có sự đồng bộ, nhất quán và vững bền trong chiến lược dùng văn chương để đối ngoại. Và khi đó, bạn đọc toàn thế giới, các quốc gia bạn hữu, mới có thể có một hình dung toàn diện về gương mặt văn học Việt Nam.
Từ thời giải phóng cho đến nay, nhìn tổng thể, thì việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới chỉ tập trung vào một số tên tuổi nhất định (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh), và cứ lặp đi lặp lại, khiến thế giới hiểu lầm rằng tổng thể văn học Việt Nam chỉ có vậy thôi, sau đó, lác đác một số tác phẩm của các nhà văn khác cũng được giới thiệu, nhưng không thực sự dày dặn, ấn tượng chưa sâu rộng.
Về phía Nhà nước, chúng ta chưa có một quỹ quảng bá văn học để ngân sách hàng năm chi thường xuyên. Về phía các Hội nghề nghiệp, thì cũng không có quỹ chi thường xuyên quảng bá văn học Việt Nam. Một số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài và xuất bản quốc tế, thì đều do tự phát dịch giả trong và ngoài nước thực hiện, hoặc do một quỹ, một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó tài trợ bất thường, nhân một dịp kỷ niệm có liên quan…
Chúng ta đều biết, muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thì cần có nguồn lực con người và tài chính. Về con người thì cần có lực lượng dịch giả, biên tập viên, nhà xuất bản, về tài chính thì cần có quỹ chi thường xuyên. Và trong tư duy, cần coi việc quảng bá văn học là việc cần thiết như cơm ăn áo mặc thường ngày, như việc phải đứng trước gương nhìn lại mình trước khi dấn bước sống thêm một ngày mới, như một thói quen tốt để sống đời văn minh.
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Trong một lần tham gia “Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ nhất” năm 2019 tại Kazakhstan, tôi thấy các nhà văn nước khác trưng bày sách của họ rất nhiều trong triển lãm sách tại Diễn đàn. Sách đó được dịch ra các ngôn ngữ mạnh như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha. Trong khu vực trưng bày sách văn học Đông Nam Á, thì sách mấy nước Thái Lan, Brunei, Singapore, Phillipines, Indonesia khá sum suê và chất kín kệ trưng bày, còn sách của Việt Nam chỉ có 1 cuốn Nhật ký trong tù, 3 cuốn sách Mai Văn Phấn, 1 cuốn sách “Bản Jazz cuối cùng” của chính tôi được dịch tiếng Anh. Nhà văn Xuân Đức cũng mang sách đi, nhưng sách của ông chỉ in bằng tiếng Việt nên không được đặt lên giá. Tôi phải đi tìm người phụ trách, nói khó với họ, họ mới đặt sách của Xuân Đức lên kệ trưng bày. Tôi biết ông buồn lắm khi nhìn cảnh ấy.
Nhà văn Uzbekistan: Sherzod Artikov với báo chí Việt Nam
Trước kia, ta còn đổ lỗi cho cái sự nghèo, khiến chúng ta lo cơm ăn áo mặc còn chật vật, thì nghĩ gì đến đời sống tinh thần cơ chứ! Nhưng nay Việt Nam đã thoát nghèo, đã vươn lên mức thu nhập trung bình, mà thói quen bỏ đói tinh thần vẫn vậy. Bản thân hầu hết các nhà văn nhà thơ có khi đã xuất bản vài chục đầu sách trong nước, nhưng không hề nghĩ đến việc đầu tư xuất bản một cuốn sách ở nước ngoài. Có tác giả đi xe hơi xịn, ở biệt thự lớn, có dinh thự cho thuê với thu nhập hàng tháng rất cao, nhưng cũng rất so đo tính toán trước việc đầu tư dịch và xuất bản tác phẩm của chính mình ở nước ngoài. Hoặc có nhà văn, nhà thơ cũng rất muốn sách mình được dịch và giới thiệu ra quốc tế, nhưng lại thụ động trông chờ Hội nghề nghiệp hoặc Nhà nước đầu tư kinh phí. Cũng có người khư khư ôm lối nghĩ cũ “hữu xạ tự nhiên hương”, mình cứ viết cho thật hay thì dịch giả và nhà xuất bản nước ngoài sẽ tự biết, tự tìm đến mình và trả tiền bản quyền mua tác phẩm của mình. Và cứ thế ngồi dưới giếng cạn mà mơ!
Tại “Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ nhất”, khi hỏi một số nhà văn nhà thơ tới dự sự kiện, thì tôi thấy hầu hết họ đều đã có sách dịch ra ít nhất 5 ngôn ngữ khác trên thế giới. Có người đã có sách dịch ra 50 ngôn ngữ trên thế giới. Điều ấy tưởng chừng quá kinh khủng khi nghĩ đến tình cảnh của các nhà văn Việt Nam. Chúng ta vẫn cứ chỉ “hát cho nhau nghe” mà thôi. Hay như dich giả Bằng Việt đã kết luận: “Nhiều người cứ tưởng văn học là do những nhà thơ, nhà văn làm nên, nhưng không có những dịch giả thì họ chỉ là những con ếch ngồi đáy giếng mà thôi!” Tuy thế, Việt Nam không phải là không có những trường hợp cá biệt, như nhà thơ Mai Văn Phấn, ông đã tự thân vận động, đặt mối quan hệ với các dịch giả, biên tập, nhà xuất bản nước ngoài, cho đến nay, qua gần hai thập niên, thơ ông đã được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau, sách thơ Mai Văn Phấn cũng xuất bản ở nhiều quốc gia, và hàng năm ông đều giành được các giải thưởng văn học quốc tế.
Từ trường hợp của nhà thơ Mai Văn Phấn, tôi nghĩ rằng, chỉ cần có tâm sức là sẽ thực hiện được quảng bá văn học theo các của mình. Thế là Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội được thành lập, với 5 thành viên vừa là các dịch giả, đồng thời cũng là các tác giả đã thành danh trong làng văn Việt Nam. Tâm niệm “Muốn người khác làm điều gì cho mình, thì mình cần làm đúng điều ấy cho người khác”, chúng tôi đã bỏ công sức kết nối với bạn văn quốc tế, dịch tác phẩm của họ và xuất bản ở Việt Nam. Sau đó, có được sự tin tưởng của họ, chúng tôi mới đề xuất việc các bạn hãy dịch và xuất bản tác phẩm của Việt Nam ở nước các bạn. Điều bất ngờ là bạn văn quốc tế rất nhiệt tình hợp tác. Có những trường hợp điển hình như nhà văn Alexander Konstantinovic Kabishev của Nga, Sherzod Artikov của Uzbekistan, Andrea H Hedes của Romania, Eva Petropoulou Lianou của Hy Lạp, Emmi Rizzo của Ý,… đã dịch và xuất bản hàng chục, hàng trăm tác phẩm văn học cho Việt Nam. Cũng có những giải thưởng văn học đã đề cử hoặc tặng thưởng cho các tác giả Việt Nam như Giải thưởng nghệ thuật Danube của Hungary, Giải thưởng tác giả của năm của Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada), Giải thưởng văn học thế giới Rahim Karim,… Điều này đã tạo nên một làn sóng háo hức, vui mừng cho các tác giả Việt Nam. Nhìn chung, những giải thưởng quốc tế gọi tên một số nhà văn nhà thơ Việt Nam trong những năm qua là giải thưởng do 1 quốc gia trao, hoặc 1 khu vực trao, cũng là điều đáng kể, khuyến khích động viên các tác giả Việt Nam cố gắng hội nhập, bớt đi tự ti rằng chẳng ai biết và đánh giá văn học Việt Nam.
Kabishev Alexander Konstantinovich (KAK)
“Người dân đi trước, làng nước theo sau” – có lẽ hiện trạng đối ngoại văn chương ở Việt Nam bây giờ là vậy, từng cá nhân lẻ tẻ, với sự trợ giúp của Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, đã tự tìm lối ra nước ngoài bằng tấm hộ chiếu văn chương của chính mình. Họ xứng đáng được tôn vinh, chớ nghi ngờ họ. Bản thân Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội cũng đang dành thời gian và thậm chí tự cắt giảm nhu cầu chi tiêu thường ngày để chi cho việc đối ngoại với bạn nước ngoài, xây cây cầu nối cho văn chương Việt đi ra thế giới, mà vẫn hàng ngày đối diện với sự chỉ trích của những người thiếu thông tin hoặc cố tình hiểu lầm việc làm của Nhóm. Điều ấy đôi khi làm một số thành viên của Nhóm chạnh lòng. Tuy nhiên, đến Đức Chúa Jesus còn bị người dân của Ngài xử tội cùng lúc với hai kẻ ăn cắp, thì sự đời nay đâu phải cứ làm đúng là được công nhận! Nhóm tự động viên nhau để bước qua những lời chỉ trích của dư luận, những hòn đá cản đường mà dấn bước.