- Tin tức - Hoạt động Hội
- “Lặng soi” cùng Hạnh Ngộ nhân Ngày Thơ Việt Nam
“Lặng soi” cùng Hạnh Ngộ nhân Ngày Thơ Việt Nam
Để đánh dấu một chặng đường 15 năm bén duyên với Sân Thơ Trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam (2007 – 2022) và hơn 15 năm làm bạn với thơ, nhà thơ Ngô Thị Hạnh với bút danh mới là Hạnh Ngộ sẽ ra mắt tập thơ mới nhất “Lặng soi” vào lúc 9 giờ sáng 12/02/2022 – nhằm Mùng 12 Tháng Giêng, tại Nhà hàng chay Bông Súng (số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP.HCM).
Buổi “Ra mắt Lặng Soi” của Hạnh Ngộ trong Ngày Thơ Việt Nam lần này do Ban Nhà Văn Trẻ (thuộc Hội Nhà Văn TP.HCM) kết hợp với Nhà hàng chay Bông Súng đồng tổ chức.
Tác giả Hạnh Ngộ cho biết: “Sau 8 năm không in sách, hôm nay mình cho xuất bản tập thơ với ý nghĩa kỷ niệm 15 năm với Ngày thơ cùng “Ban Nhà Văn Trẻ” – Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh và cũng thể hiện việc tác giả chưa bao giờ “ngưng làm thơ. Với cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực hiện nay, cá nhân tôi phải nỗ lực hoàn tất bản thảo và tìm kiếm sự kiện để xuất bản tập thơ của mình, nếu không, thời gian cứ trôi đi và không có tập thơ mới nào được xuất bản, như 8 năm vừa qua. Kể từ ngày xuất bản tập “Thơ tình với Sài Gòn” năm 2014, tập “Lặng soi” được chọn lọc khá kỹ lưỡng theo chủ đề “Lặng” từ hơn 200 bài thơ đã viết rải rác trong suốt 8 năm qua”.
Hơn 15 năm trước, tác giả Ngô Thị Hạnh xuất bản tập “Rơi ngược” (2006), lúc đó, tâm thế không phải là để cùng tham gia hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam như tập “Lặng soi” bây giờ nhưng lại rất “tình cờ” được tham gia Ngày Thơ Việt Nam năm 2007 ngay sau đó một cách sôi nổi và trở thành 1 kỷ niệm khó quên. Hoạt động đó đã nuôi dưỡng, tạo động lực cho tác giả xuất bản những tập thơ tiếp theo như: “Nắng từ những ngón chân”, “Thơ tình với Sài Gòn” và năng động tham gia hoạt động Ngày thơ của Ban Văn Trẻ – Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2007, tại Thảo Cầm Viên, Ngày thơ Việt Nam quy tụ hầu hết những tác giả trẻ tham gia. Thế hệ 7X có: nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành, Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Ngô Liêm Khoan,… Bấy giờ, thế hệ 8X có: Thục Linh, Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Nguyệt Phạm, Lê Thùy Vân…
Nhà thơ Hạnh Ngộ tâm sự: “Điều đáng nhớ là, trước Ngày thơ 2007, tôi trở thành hội viên Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh trẻ nhất – nên được ưu tiên trở thành người “kết nối” với những cây bút trẻ chưa vào Hội nhưng có năng lực viết và đã có thơ đăng báo. Ngày Hội Thơ được tổ chức cả ngày, Sân Thơ Trẻ có chương trình giao lưu, đọc thơ trên sân khấu vào buổi chiều tầm 3 giờ. Từ chiều ngày hôm trước, anh em tụ tập trang hoàng Sân Thơ Trẻ: Poster, hoa, sách thơ, gánh thơ, chiếu thơ, trà thơ…
Công việc vui nhất là treo các poster chân dung các bạn thơ trẻ. Trước đó, Ban Nhà Văn Trẻ đã tập hợp nội dung. Năm đó, tôi nhớ nhà thơ Song Phạm thiết kế Poster thơ – thật trân trọng, trong tâm trạng háo hức chờ đợi ngày thơ… như “mối tình đầu” đối với thơ ca. Hoạt động ngày thơ năm đó khiến tôi năng nổ hơn trong việc kết nối các cây bút trẻ đến với Hội Nhà Văn TP.Hồ Chí Minh.
Sau đó thường niên, cứ ngày thơ là Ban Nhà Văn Trẻ có Sân thơ ở trụ sở Hội Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật – 81 Trần Quốc Thảo – Quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Có năm Sân Thơ Trẻ còn trình làng một cuốn thơ độc bản viết về Thành phố Hồ Chí Minh được tuyển chọn từ các tác phẩm của 40 cây bút trẻ đang sống và làm việc tại TP.HCM. Bên cạnh đó, Sân Thơ Trẻ của Ban Nhà Văn Trẻ (thuộc Hội Nhà Văn TP.HCM) còn có nhiều tiết mục sôi nổi, có poster thơ, chiếu thơ, lều thơ hoặc các chương trình để tôn vinh Ngày Thơ Việt Nam, cùng kết nối các bạn trẻ làm thơ”.
Có thể nói, “Lặng soi” – tập thơ thứ 5 của Hạnh Ngộ cũng là cuốn sách thứ 9 của tác giả đã được xuất bản trên tinh thần như trên. Kỷ niệm về những tập thơ và Ngày Thơ Việt Nam hàng năm như những mối nhân duyên trong “đời thơ” của Hạnh Ngộ (ngoại trừ hai năm đầu vì dịch bệnh Covid 2020, 2021 nên không tổ chức được). Bản thân tác giả có thể sáng tác không phụ thuộc vào sự kiện nào, có cảm hứng sáng tác là cầm bút, nhưng để xuất bản thơ thì cũng cần một động lực. Hạnh Ngộ cho biết Ngày Thơ Việt Nam cũng là một động lực để mỗi năm tác giả tự hỏi bản thân “có gì mới không?”.
MINH HƯƠNG