- Chân dung & Phỏng vấn
- Những kỷ niệm vui với nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Những kỷ niệm vui với nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Mấy năm sau ngày hòa bình, những Tiểu ban Văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên Huấn trong thời kỳ chiến tranh, các hội Văn học Nghệ thuật cả nước được thành lập khá rộn rịp. Tác giả lúc ấy là lực lượng còn trẻ và khá trẻ. Lúc đó tôi được liệt vào loại tre trẻ (24, 25 tuổi).
Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang là ngôi biệt thự cũ khá đẹp, nằm trên đường Lê Lợi, thành phố Mỹ Tho. Chi hội trưởng Chi hội Văn học Huỳnh Thị Thu Trang và Ban Lãnh đạo Hội thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với các nhà văn thuộc hạng cây đa cây đề, chị thường mời nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Trang Thế Hy...về Hội để đàm đạo chuyện văn chương. Lúc ấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng về thường nhất để nói chuyện trong các trại truyện ngắn và tiểu thuyết.
Nói với chúng tôi, ông thường nói theo kiểu tếu táo vui vui, phóng khoáng và chân tình. Ông dặn chúng tôi “Mấy đứa khi viết truyện ngắn hay tiểu thuyết, bất kỳ loại hình nào đều chọn những chi tiết sắc bén, hấp dẫn, có ý nghĩa sâu sắc chớ không phải khoái chi tiết nào cũng đưa vô không nhằm phục vụ cho chủ đề, không phải khoái việc gì thì đưa việc đó, đủ thứ thập vật như nồi lẩu làm cho loãng chủ đề muốn nói, tránh nói dai, nói dài, nói dỏm, người đọc dễ chán, còn tác giả thì “đã” mình mình chớ không ai “đã” hết”. Rồi ông lại dặn “ Con đường sáng tác là con đường gập ghềnh đầy ổ trâu ổ voi, 100 người đi, tới đích chừng 5,7 người. Ai thấy mình theo không nổi thì rẽ qua ngã khác, chớ đeo theo hoài chẳng đi tới đâu mà giống như nguòi bị “bất lực” vậy đó. Ông nói “ Người viết thì phải chịu khó đi nhiều, đọc nhiều, quan sát nhiều rồi ghi chép gọn nhẹ kẻo để quên, hết sức kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ, dẽo dai, lặng lẽ mà viết. Người nào có kiến thức uyên bác cộng chút tài năng, ham học hỏi, biết khiêm tốn thì sớm muộn gì cũng nổi danh, tự nhiên nó muốn nổi thì nổi chớ đừng hám danh quá mà vội lên gân lên cốt là thua liền”...
Năm 1980, tôi đã có chồng, có thai lên Sài Gòn ở nhờ nhà cậu mợ tôi ở Chợ Lớn để chờ sanh. Buổi sáng đó, bụng đau lâm râm, có dấu hiệu săp sanh, cậu mợ tôi cụ bị đồ đạc quần áo để đưa tôi vào bệnh viện Từ Dũ, nhưng trước đó tôi đọc báo Tuổi Trẻ thấy có giới thiệu phim “Cánh đồng hoang” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi liền đề nghị cậu mợ chở tôi đến rạp chiếu phim để... xem phim rồi hãy vào bệnh viện sau. Bà mợ tôi hết sức ngạc nhiên, còn ông cậu nguyên trước đây là Trưởng đoàn Văn công tỉnh Tiền Giang (thời chiến tranh) cậu hiểu cá tính yêu nghệ thuật của đứa cháu nên vui vẻ đưa tôi đi.
Tôi và cậu mợ vô rạp với những túi xách lỉnh kỉnh đồ đạc. Mợ Út dặn “Chừng nào đau nhiều thì đi, đừng ỷ y coi chừng đẻ trong rạp đó”. Tôi dạ rồi chăm chú xem phim, quên cả đau đớn. Phim “Cánh đồng hoang” ra rạp chiếu lần đầu tiên nên khán giả khá đông. Thằng con chắc nó chiều ý tôi nên chờ lúc phim vừa hết là nó quẩy đạp khiến tôi đau quá phải chạy đi liền. Vào tới bệnh viện tôi lên bàn sanh, mẹ tròn con vuông. Thật hú hồn!
Năm 1998, nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi điện bảo với tôi là gia đình sẽ xuống nhà chơi, trước thăm viếng bạn bè ở Tiền Giang, sau là cho hai đứa con của ông và tôi gặp nhau làm quen vì ông nói ông đi khắp nước có ý chọn dâu nhưng ông chấm con gái tôi nên muốn làm “sui”. Tôi rất vui vì từ lâu tôi rất ái mộ tài văn và cá tính chân tình của ông, lại là người cùng vùng miền, cùng văn chương chữ nghĩa (dù tôi chỉ đáng học trò ông thôi) nhưng tình cảnh như vậy, tôi thấy khá hợp rồi. Tôi và nhà thơ Võ Thị Kim Liên lo nấu nướng để đón khách, còn con gái thì lo dọn dẹp phòng khách.
Gia đình anh xuống lúc sáng sớm. Chị Năm (vợ anh) và các cháu Quang, Dũng có mặt đầy đủ, Quang mang theo cây đàn guitar, hai cậu trai vui tính, nhiệt tình, còn bà chị thì tính tình chất phác hiền lành, dịu dàng của một phụ nữ Nam bộ.
Cơm đã chín, canh chua tép bạc nấu với bông so đũa, cá rô chiên, rau luộc và tép muỗi xào bông điên điển. Cả nhà ngồi vào mâm, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, ông Sáng lấy trong cặp ra chai rượu nhỏ, nói “Đi đâu cũng đem bửu bối theo, bữa nay món ăn dân dã như vầy mới ngon nè”. Nhà thơ Kim Liên cũng rất vui khi gặp được gia đình ông. Chúng tôi nói chuyện rôm rả, mấy đứa nhỏ thì hơi ngại ngùng.
Ăn uống xong chúng tôi đến nhà anh Châu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin để ca hát, trò chuyện thật vui. Sau này, chuyện hai đứa nhỏ không duyên nợ, tôi tiếc nuối vô cùng.
Năm 2000, vì đám con lên thành phố Hồ Chí Minh học và làm việc nên tôi phải dời nhà đi theo. Những ngày đầu nhập cư, tôi buồn quá, không biết đi đâu cho khuây khỏa, liền chạy qua Hội Nhà văn thành phố, lúc đó Hội nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu. Tôi gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng, xin anh kết nạp tôi vào Hội. Anh nói tôi đủ tiêu chuẩn rồi chỉ chuyển lên thôi, không cần lễ kết nạp. Cũng trong năm này, anh đề nghị tôi làm hồ sơ anh sẽ nhờ nhà văn Anh Đức và nhà văn Nguyễn Khải giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi rất vui nhưng sợ tác phẩm mình còn mỏng quá, giới thiệu vào hội lớn rủi không được sẽ làm bẽ mặt mấy bậc đàn anh. Nhà văn Anh Đức và nhà văn Nguyễn Khải đọc mấy tập truyện của tôi rồi đồng ý giới thiệu tôi vào Hội. Thời gian đó tôi không dám hỏi thăm ai vì tôi nghĩ là tôi không đậu đâu.
Tôi bị rớt đợt đầu, đợt sau mới vào được Hội. Một hôm, tôi tình cờ xem tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thì thấy danh sách tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam có tên “Kim Nguyên, Tiền Giang”. Tôi liều mạng hỏi nhà văn Anh Đức, ông nói “Cháu đó chớ còn ai vô nữa”, ông kêu tôi gọi ra tờ báo đính chính lại tên tôi nhưng tôi không dám gọi. Mấy ngày sau, có lá thư của Hội báo tin và mời về hội Văn học Nghệ thuật Long An để làm lễ kết nạp cùng với mấy hội viên của các tỉnh khác.
Tại hội Văn học Nghệ thuật Long An, một tối với đèn hoa rực rỡ, trên cao ánh trăng vằng vặc tỏa sáng, sau nghi lễ kết nạp trang trọng, chúng tôi ngồi ăn cháo khuya, nghe nhóm đờn ca tài tử hát vọng cổ. Nhà văn Anh Đức rì rầm nói chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa ăn cháo vừa xuýt xoa “Tuyệt vời quá! Trên cả tuyệt vời..!”, nhạc sĩ Trần Hoàn ôm cây ghi đàn guitar vừa đánh đàn vừa hát bài ruột của mình “Ngày nào… Anh bước đi, em tiễn đưa anh tận cuối đồi... Nghe dặn lời rằng chiến đấu còn trường kỳ, rằng sóng gió đừng sờn lòng, đừng nề gian khổ anh ơi...”. Dáng người cao ráo, giọng hát ấm nồng, ông say đắm với lời ca điệu hát, dưới ánh trăng, trông dáng vẻ của ông thật nghệ sĩ, hào hoa.
Chao ơi! Giây phút đó, tôi ngỡ mình nằm mơ vì không ngờ mình được vào Hội Nhà văn, được diễm phúc có một đêm vui đầy tự hào như vậy. Tôi thầm nhủ, từ nay phải cố gắng viết đều hơn nữa, viết hay hơn nữa, viết những gì cho đất nước quê hương tôi để xứng đáng với sự quan tâm của các nhà văn thuộc bậc trưởng thượng.
Năm 2003, tính ra tôi đã viết được 2 quyển tiểu thuyêt, 2 tập truyện ngắn cùng những truyện ngắn và nhiều bài báo đăng trên các tuần báo của Hội Nhà văn VN, báo Tiếp thị Gia đình, báo Sài Gòn Giải phóng...
Trước khi in tập “Người dưng khác xứ” tôi đến nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết dùm lời tựa. Ông vui vẻ nhận lời, lấy bánh kẹo và nước trà đãi tôi. Ông với tôi ngồi dưới tán cây mận trước sân nhà, nhìn tập bản thảo dày cộm trước mặt và mấy cây bút bi. Tôi hỏi: “Anh viết gì vậy?”, ông nói “Kịch bản phim”. Tôi nói “Bộ viết tay chớ không viết trên laptop cho nhanh và tiện sao”, ông cười: “Thôi nghe! Đừng nói vụ máy móc với anh nghe. Viết kiểu này quen rồi, máy móc để trước mặt là văn nó… không ra”. Tôi bật cười giòn “Hi..hi.. Ngộ quá hén! Thời kỳ hiện đại mà không biết hưởng, để hành thân vậy không biết khổ sao Trời?”
Tôi lập lại lời yêu cầu: “Anh bận như vậy, viết dùm em vài chữ thôi, cho có hơi tay anh chút vậy mà. Viết tầm tầm thôi. Đừng đưa cao quá, coi chừng té chết à! Cám ơn anh trước nghe”.
Mấy ngày sau, nhà văn gọi tôi ra quán cà phê để đưa bài viết giới thiệu. Ông đọc cho tôi nghe bản nháp rồi bảo “Anh viết giản dị thôi, có mấy chữ hà”. Đọc xong, ông hỏi “Vậy được không? Nếu không vừa ý chỗ nào em cứ việc sửa”. “Trời đất! Tự nhiên sửa bài viết về mình coi sao phải”. Tôi cười nói rồi hai anh em uống hết ly cà phê, tôi chào ông về vì ông nhắc tới bản thảo đang bị hối thúc quá cỡ.
Ông là vậy đó! Mộc mạc, chân tình, nói năng bổ bã, ăn uống dễ dàng, ăn mặc giản dị, thương yêu con cái, gia đình, đối với con, ông là người bạn lớn, luôn trao truyền những kiến thức và tình yêu nghệ thuật nên con trai Nguyến Quang Dũng đã là đạo diễn tài hoa nổi tiếng, con trai lớn và con gái cũng thành đạt, hạnh phúc.
Nhà văn về miền mây trắng đã lâu nhưng ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị về văn xuôi và nhiều kịch bản phim, trong đó có kịch bản “Cánh đồng hoang” là một trong những phim kinh điển của Việt Nam, đã đoạt giải “Bông sen vàng” của Liên hoan phim Việt Nam năm 1980, và Huy chương vàng trong liên hoan phim Quốc tế 1981. Ông xứng đáng là “thơ ký của thời đại” xuyên suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đã để lại trong lòng bạn bè bốn phương và những người học trò như tôi những ấn tượng đẹp khó phai mờ.
Ngày 1 tháng 7 năm 2024
K.Q