- Truyện
- “Ngoại tình” | Nguyễn Ngọc Đào Uyên
“Ngoại tình” | Nguyễn Ngọc Đào Uyên
NGUYỄN NGỌC ĐÀO UYÊN
1. Chị loay hoay với con đường ngập nước. Xe tắt máy, trên đầu mưa như trút nước. Chị muốn gọi cho chồng nhưng anh giờ này đang rất bận. Thế nào anh cũng cằn nhằn mặc dù sau đó sẽ có cách giải quyết, hoặc nhờ ai đó hoặc tự anh xuất hiện. Nhưng kèm theo sẽ là vẻ mặt nhăn nhó với những trách móc kiểu như: “Sao em không lựa đường khác mà đi? Sao hoài vậy em? Sao không chuyện này thì cũng gặp chuyện nọ? Có khi em phải xem lại đường ăn ở của mình”. Kể cả khi những chuyện đó vốn không phải lỗi của chị. Ở chỗ làm bị ấm ức về kể, anh nói là tại chị hiền. Ra đường bị người ta cạnh khóe, anh nói tại chị khờ. Xe hư tại chị không biết cách chạy. Hay bệnh do chị không biết giữ sức khỏe… Dần dần, chị ngại than thở, ngại kể cho chồng nghe những chuyện xảy đến với mình, ngại nhờ chồng. Nhưng đâu phải chuyện gì chị cũng có thể tự giải quyết. Giờ này chắc anh đang làm việc. Công việc của anh lúc nào cũng bận rộn, ngày nghỉ anh cũng ít khi ở nhà. Đường vắng, nhà còn xa, chị dắt xe, nước ngập đến gối. Mưa vẫn chưa ngừng rơi. Không còn nhận ra con đường hàng ngày nữa.
Càng đi chị càng thấy trở nên lạ lẫm. Lẽ nào lại lạc đường trên lối đi đã quá quen thuộc. Người ta dễ chủ quan với những thứ quen thuộc, đến độ thiếu đề phòng. Một con sông như từ trên trời rơi xuống cắt đôi đường đi. Một cái cầu gỗ cũ kỹ bắt ngang. Đến đây chị biết mình đã lạc thật rồi. Mưa vẫn rơi xối xả. Chắc phải gọi cho chồng. Mấy lần quay số, tổng đài vẫn báo thuê bao không liên lạc được. Giờ dắt xe quay ngược lại không phải là quyết định sáng suốt. Hay ở đây chờ mưa tạnh? Mưa vẫn rơi xối xả, lạnh lùng. Theo những giọt mưa tuôn chảy, hồi tưởng của chị cũng tuôn dòng. Chị với chồng quen nhau từ thời sinh viên. Hành trình 6, 7 năm từ yêu đến cưới của họ không dài cũng không phải quá ngắn. Người ta nói với tình yêu, đám cưới không phải là kết thúc mà là khởi đầu. Người ta lại nói hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Quả không sai! Chừng ấy năm yêu thương chờ đợi tưởng đã đủ hiểu nhau nhưng khi thật sự về chung nhà mới thấy có thể đi với nhau mãi mãi thật không dễ dàng. Những “lãng xẹt” thay cho những lãng mạn, mộng tưởng. Ông chồng lôi thôi, đãng trí thay cho chàng người yêu chiều chuộng. Cứ tưởng lấy chồng chỉ phải quản lý tiền lương của chồng, ai ngờ phải quản tất tần tật, từ quần lót, quần đùi, vớ, giày, sơ mi, bàn chảy đánh răng… Tưởng lấy chồng sẽ có những buổi tối ngồi bên nhau thưởng trà trong căn phòng ấm áp chứ đâu ngờ vừa dọn phòng, dọn đống quần áo bừa bãi của chồng vừa ấm ức nhìn đồng hồ đợi chồng đi nhậu về khuya. Tưởng nhiều thứ hay ho chứ đâu tưởng cái cảnh kỷ niệm ngày cưới, ngày sinh nhật, ngày tình nhân… chồng không bao giờ nhớ tới. Sự vô tâm thay thế dần cho những quan tâm. Hôn nhân không phải là cuộc sống như trong mơ của những cô gái chưa chồng. Cơ bản, chồng chị là người tốt. Anh luôn hết mình trong công việc, quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh kiểu hào hiệp trượng nghĩa nên cha mẹ, họ hàng, anh em, bạn bè chị ai cũng yêu mến. Phải, anh luôn đối xử tốt với tất cả mọi người, trừ vợ! Thiên hạ nói chung vẫn luôn ít dành sự quan tâm cho những thứ họ không sợ mất!
Đưa mắt nhìn con đường ngập trong màn mưa, chị nghĩ hay cứ đi qua bên kia sông biết đâu sẽ tìm được đường khác để về nhà. Có những lúc, những ngã rẽ mà ta phải chọn lựa, có những quyết định sẽ thay đổi cuộc đời. Chẳng hạn như bỏ chồng. Chị đã đôi lần nghĩ về điều đó. Nhất là khi phát hiện anh có người khác. Anh chối bay chối biến. Đàn ông mà, dù có bị bắt tại giường vẫn kiên quyết lập trường phủ nhận. Chị đã định làm một trận ra trò. Nhưng suy tính tới lui, xấu chàng hổ thiếp, còn sự nghiệp của chồng. Cha mẹ hai bên hết lòng hòa giải. Suy đến tận cùng thì lúc đó vẫn còn yêu chồng, yêu còn hơi nhiều, nên thôi. Chị bắt chồng hẹn “trà xanh” ra, ba mặt một lời, kiểu khẳng định chủ quyền, rồi thôi. Ít lâu sau, nhỏ đó bị đuổi việc, đến thành phố khác. Việc tiểu tam bị đuổi việc không liên quan gì đến chị, chị chỉ là một người bình thường thì làm gì có quyền phép đó. Tiểu tam bị đuổi vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dính vào một rắc rối kiện tụng khác. Thường những người thích cầm nhầm đồ người khác, yêu nhầm chồng người khác luôn có khiếm khuyết nào đó về đạo đức. Là vũ trụ luôn công bằng, ai sống như thế nào sẽ nhận lại được như thế ấy. Một phần vì suy nghĩ ấy mà chị vẫn chọn cách vun vén cho gia đình, chị tin rồi mình sẽ hạnh phúc.
Hay cứ thử qua sông một chuyến? Dù cây cầu có vẻ già nua, ván có chỗ đã bị gãy, chị vẫn quyết định bước lên. “Rắc… Rắc”. Chị chưa kịp biết chuyện gì xảy ra đã nghe “ầm” thêm một cái. Chới với, hốt hoảng, chị nhận ra mình vừa trồi lên khỏi mặt nước bằng bản năng sống của loài người. Cầu gỗ như trăm năm chưa có ai qua đã không chịu nổi sức nặng của người và xe. Giờ xe đâu chị cũng không biết, trước hết phải tìm cách lên bờ cái đã. Lạ lắm, mặt sông không quá rộng, chỉ nước hơi xiết mà chị vùng vẫy, sải cánh, bơi ếch, thả tàu… tóm lại là vận dụng hết khả năng lội nước của đứa lớn lên từ miệt sông nước mà hoài chẳng tới được bờ. Mệt, đuối, phen này chắc không được về gặp mẹ; phen này chắc chồng danh chính ngôn thuận có vợ mới. Mẹ ơi, con xin lỗi! Chồng ơi, em tha lỗi cho chồng! Chị nghĩ vậy trước khi chìm hẳn. Trong phút sắp lịm đi, chị mơ hồ thấy có một cánh tay chìa về phía mình. Chắc đó là cánh tay của thần chết. Hoặc của thiên thần.
2. Đó không phải cánh tay của thần chết. Chị tin vậy khi mở mắt lơ mơ nhìn xung quanh. Đây không phải cảnh rùng rợn mà con người hay tưởng tượng khi nghĩ về âm phủ. Chị muốn nhỏm dậy để xem chính xác đây là đâu mà tay chân không nhấc được.
- Ủa, em tỉnh rồi hả? Em làm anh lo quá!
Là chồng! Chị mừng muốn khóc. Vậy là anh vừa đem chị về từ cửa tử. Nhưng đây là đâu? Không bệnh viện nào trang trí hoa đèn, nến thơm ấm cúng, lãng mạn như vậy?
- Là anh cứu em? Sao anh có thể xuất hiện kịp lúc?
- Chứ ai vợ! - Anh vừa xoa má chị vừa âu yếm nói - Lúc nào anh chẳng dõi theo em, lúc nào anh chẳng kịp xuất hiện.
Có gì đó sai sai! Cách nói trìu mến này, cử chỉ nhẹ nhàng này đâu phải là anh thường ngày. Hay chị vừa qua cơn thập tử nên anh đối xử dịu dàng? Chị cứ ngờ ngợ, hay đang mơ?
- Đây là đâu vậy anh?
- Thì nhà mình chứ đâu em?
Đến đây thì chị càng tin mình đang mơ. Làm sao lại không nhận ra được căn nhà quen thuộc của mình? Muốn thử làm gì đó để kiểm tra xem mình đang mơ hay tỉnh, như nhéo một cái thật đau. Nhưng tay chân vẫn nặng trĩu. Anh như biết ý, nắm lấy tay chị thật nhẹ nhàng:
- Em đang tỉnh, không mơ hay mê sảng gì đâu. Em đói lắm phải không? Để anh mang thức ăn lên cho em nghen!
- Khoan con! Trước khi vợ con khỏe hẳn, mẹ nghĩ con phải làm bài kiểm tra đi cái đã.
Là mẹ ruột của chị. Bà vừa xuất hiện cùng một chén thuốc bốc khói. Nhìn cách hai người chị lại càng khó hiểu, kiểu như họ là cùng một phe, là mẹ con ruột còn mình mới là con dâu. Nhưng là bài kiểm tra gì? Anh đỡ chị dậy, nâng chén thuốc lên môi cho chị, động viên:
- Em ráng uống ít thuốc, dễ chịu thôi em, xíu là xong hà.
Nỗi nghi hoặc trong lòng càng rõ ràng hơn vì bình thường chị không phải là đứa nhát thuốc. Thể trạng không được tốt nên hay bệnh, mỗi lần có dấu hiệu bệnh, chị sẽ tự khắc tìm thuốc uống không để ai phải lo lắng cho mình. Thường khi chị than thở khó chịu chồng hay ừ hử rồi chốt hạ: “Em lấy thuốc uống thuốc đi”, chứ có đâu thuốc dâng tận miệng và còn an ủi vỗ về như với con nít. Thuốc ấm, đắng, mùi nồng nhưng chị vẫn uống hết. Cảm giác mùi tốt vậy chắc không phải đang mơ. Lát sau chị thấy mình rơi vào trạng thái lơ mơ như người bị thôi miên. Mẹ hỏi: “Con nói đi, con là ai? Chồng con tên gì?”. Chồng hỏi: “Em nói đi, ngoài anh ra em có còn tơ tưởng người đàn ông nào khác không?”. Là bài kiểm tra lòng chung thủy ư? Trong vô thức chị trả lời những câu hỏi ấy, lạ lùng là không hề giận dữ. Chắc đó là trạng thái người bị thôi miên chỉ trả lời sự thật chứ nếu bình thường chắc chị đã bật lại, đã “tới công chuyện” với chị vì câu hỏi đầy tính nghi ngờ, xúc phạm của chồng. Chỉ có một mình chồng trong lòng chị thôi. Dù chồng làm chị buồn, chị khóc bao nhiêu lần đi nữa thì cũng chỉ có chồng. Còn chồng thì sao? Chẳng phải suýt nữa cuộc hôn nhân của hai đứa đã tan vỡ vì người thứ ba sao? Nếu vợ không đủ bao dung, tha thứ, không đủ yêu thương thì giờ đôi ngã đã phân li. Ở đó mà còn nghi ngờ, kiểm tra. Đàn ông thật quá đáng!
3. Sau khi tỉnh dậy khỏi bài kiểm tra ấy, chị được chồng dắt ra bàn thờ. Mẹ kêu hai đứa lạy ông bà. Chị làm theo trong ngơ ngác, hoang mang. Chuyện gì đang diễn ra? Đây là đâu? Chị là ai? Chị ngờ ngợ nhận ra, người đàn ông bên cạnh mình dù rất giống chồng mình nhưng không phải là chồng. Người mẹ dù rất giống mẹ ruột của chị nhưng thật ra lại là mẹ của anh ta. Hay là sau khi bước một chân vào cửa tử, thần kinh chị đã có vấn đề? Người rất giống chồng nhưng không phải chồng vẫn luôn dịu dàng âu yếm với chị. Có vẻ anh ta rất hài lòng về kết quả bài kiểm tra vừa rồi. Thấy chị còn mệt anh ta nói: “Em nghỉ ngơi ít hôm hãy đi làm”. Cùng là quan tâm nhưng đúng là chồng, chồng sẽ nói: “Mệt thì nghỉ đi! Làm cho cố mà không biết lo sức khỏe”. Chị đau đầu, anh ta ngồi bên nhẫn nại xoa đầu cho chị. Nếu đúng là chồng, phải kèm theo câu cằn nhằn: “Mới 30 tuổi mà tưởng 60 tuổi”. Chị nhíu mày, anh ta hỏi vẻ lo lắng: “Em còn đau ở đâu sao?”. Nếu là chồng “chính hãng” phải là: “Bớt nhăn nhó lại đi vợ”. Thực ra chồng cũng có yêu thương vợ nhưng cái cách yêu thương của anh lạ lắm, có kèm chút vô tâm, vô tình, hời hợt, gia trưởng. Trước mắt anh, chị làm cái gì cũng sai. Dù anh thừa biết để toàn tâm xây đắp hạnh phúc gia đình chị đã bỏ qua nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của riêng mình, sẵn sàng lùi về phía sau lưng để anh toàn tâm toàn ý cho công việc mà anh đam mê. Chắc chắn đây không phải là chồng! Vậy chị đang làm gì trong căn nhà xa lạ, bên người đàn ông này? Chị hoang mang tột độ, phải tìm cách gọi cho chồng để chồng tìm cách đưa mình về thôi. Chị nhớ đến điện thoại. Hi vọng nó còn sử dụng được sau cú “dang tay ôm nước vào lòng” vừa rồi. Lén nhìn ra, chị thấy anh ta đang ở ngoài sân gọi điện thoại. Chị lục tìm trong mớ đồ đạc linh tinh trong túi xách của mình nhưng không thấy.
- Em tìm gì vậy? Em muốn gọi cho anh ta phải không? - Người giống chồng mà không phải là chồng bất ngờ xuất hiện.
- Em đừng lo, để anh gọi cho.
Không một chút tức giận nào hiện trên gương mặt. Rất bình tĩnh, anh ta chọn cuộc gọi video. Chồng xuất hiện qua màn hình. Chị hơi thất vọng khi thấy chồng không có chút gì tỏ ra lo lắng. Vậy mà chị nghĩ chồng đã rất lo khi thấy vợ mất tích. Hóa ra chị không quan trọng trong lòng chồng như chị nghĩ. Những nỗi tủi thân, hoang mang đang sắp làm chị nổ tung. Sao lại có hai người giống nhau như vậy trên đời? Anh ta nắm lấy tay chị, thật chặt.
- Em đừng hoảng hốt nữa - Rồi quay sang nói với chồng chị - em ấy đang ở đây, với tôi. Yên tâm đi, tôi sẽ chăm sóc chu đáo bù lại phần thiếu hụt của anh.
Tắt máy, anh nhìn chị điềm đạm: “Em à! Em không nhận ra sao? Anh chẳng phải là người chồng em luôn mơ ước, là phần còn thiếu của anh ta hay sao? Em nhìn đi, cuộc sống ở đây như thế nào? Sao phải tìm cách trở về với anh ta. Anh sẽ mãi chung thủy, yêu thương em”.
Người giống chồng, à không, người chồng hoàn hảo chị hằng mơ nói đúng. Anh ấy chính là những gì mà chị luôn mong chồng thay đổi: biết yêu thương, biết quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia. Vậy có nên tìm mọi cách trở về? Nếu chị hiểu đúng, đây là thế giới song song với thế giới thực. Bằng một cách thần kì nào đó chị đã đến đây. Sống ở đây chị sẽ được hạnh phúc khi tìm được những bù đắp cho những phần còn khiếm khuyết ở thế giới chị đã rời đi. Chị nhớ lại khoảng thời gian đã qua của hai vợ chồng, có đủ mọi cung bậc cảm xúc, có yêu thương, giận hờn, ghen tuông… và vẫn có nhiều điều không hợp, lắm lúc khắc khẩu. Nhưng cuối cùng vẫn chọn ở bên nhau. Trong lòng chị vẫn luôn mong chồng ngày càng hoàn hảo và sẽ luôn yêu thương mình. Giờ đây chị đã có điều mơ ước ấy. Vậy có nên trở về?
...
- Em à! Dậy đi! Sáng bét rồi tính ngủ nướng hoài ha? “Đời người có một gang tay/Những kẻ ngủ ngày còn có nửa gang”.
Tiếng gọi làm chị giật mình, mở mắt. Mất mấy giây định hình lại xung quanh. Căn phòng quen thuộc của chị, trong căn nhà ở một thế giới mà chị chưa bao giờ rời đi.
- Máy lạnh đêm qua bật sao mà lạnh quá, làm anh toàn mơ thấy té nước, mắc mưa!
Bần thần, chị vừa lắng nghe tiếng chồng từ ngoài vọng vào vừa nghĩ đến thế giới song song trong mơ mà mình vừa rời khỏi. Phải chăng chị vừa ngoại tình trong tư tưởng, dù là trong mơ, với một phiên bản khác của chồng? Mắc cười thiệt! Đời sống tình cảm của chị nghèo nàn đến mức cả trong mơ cũng không có nổi một “bạch mã hoàng tử” xuất hiện. Cái tội lớn lên, yêu rồi cưới có mỗi một người. Liệu điều trong mơ xảy ra thật, chị sẽ chọn trở về hay ở mãi mãi trong thế giới song song? Chị vươn vai, xuống giường bắt đầu ngày mới. Nếu cứ mãi mơ về thế giới ngôn tình thì sẽ bị thực tế làm cho sấp mặt. Cuộc đời có triệu triệu tỷ tỷ giấc mơ nhưng cuộc đời mãi mãi không phải một giấc mơ!