TIN TỨC
  • Truyện
  • Lộc tình - Truyện ngắn Lại Văn Long

Lộc tình - Truyện ngắn Lại Văn Long

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2462 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Nhà văn Lại Văn Long sinh 1964 tại Đà Lạt, quê cha  Thừa Thiên Huế, quê mẹ Tuy Phước – Bình Định. Tốt nghiệp khoa Triết ĐH Tổng hợp TP.HCM 1988, công tác tại Báo Công an TP.HCM từ đầu năm 1992 đến nay. Hiện anh là Hội viên hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Anh đã xuất bản hơn chục tiểu thuyết trong đó có nhiều tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyện và nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Vanchuongthanhphohochiminh.vn trân trọng giới thiệu truyện ngắn Lộc tình của anh đến với bạn đọc.

Nhà văn Lại Văn Long

- Chào bàn!

Quản lý phẩy tay, năm sắc váy phong phanh da thịt tiến vào dựa tường, ngửa mặt cho khách chọn đào.

- Áo xanh được... giảm biên chế!

Câu đùa mang từ công sở vào bia ôm của ông đeo kính, thắt cravat làm cả phòng cười rộ. Miên áo xanh tê tái, ngượng ngùng đi nhanh ra ngoài. Bốn cô còn lại thầm thở phào và cả tự hào thầm kín, len vào ngồi xen kẽ với nhóm khách. Quản lý đổi đèn sáng thành đèn mờ, từng cặp đu vai bá cổ nhau cười rúc rích, bọt bia trào dâng theo môi đỏ, ngực tròn...

Miên thểu não, lắc lư trên hành lang, dợm bước lên cầu thang để trở về cái ổ chờ thời của hơn năm chục tiếp viên nữ trong cái quán có tên “lẳng lơ”, quản lý gọi giật. Miên quay lại chạm ngay nụ cười đểu giả:

- Ba ngày “dội bàn” (bị khách đuổi không cho ngồi phục vụ) sáu lần... lên gom đồ đi tìm “duyên mới” đi mắm!

Miên mếu máo, tay run run bám lang can thang lầu cho khỏi ngã, mắt cô nhìn quản lý van lơn:

- Cho em ở lại phụ bếp, lau nhà cũng được...

Quản lý trề môi:

- Mày lùn tẹt, da đen mốc meo, răng hô, mắt xếch... rửa cầu tiêu cũng không đủ tiêu chuẩn với nhà hàng danh giá như vầy.

Gã móc ra tờ 50 ngàn dúi tay Miên:

- Cầm lấy rồi biến nhanh!

Miên như khụy xuống, mặt cô xanh chàm sợ hãi...

Bỗng từ dưới cầu thang lú lên mái tóc vàng nhạt cùng cái mùi khác lạ. Anh bồi nhóc con đi phía sau đẩy lưng một ông Tây lừng lững, mặt đỏ như gà chọi, quần Jean rách gối, áo thun đen lè phè... Quản lý nhìn ông Tây thiếu thiện cảm rồi quay sang bồi cằn nhằn:

- Mẹ... mấy thằng Tây rách gọi được hai chai bia với dĩa đậu phộng là ngồi lầy... mày rước lên làm gì?

Bồi mặt non như học sinh lớp mười, lắp bắp:

- Dạ... dạ... em tưởng Tây là Vip...?

Ông Tây chả hiểu đối thoại giữa hai thầy trò, ánh mắt xanh biếc nhìn Miên trân trân. Miên nhỏ bé, mặc cảm co rúm lại chờ thái độ phũ phàng. Quản lý nhạy bén đập tay vị khách đáng thất vọng này, hỏi:

- Do you like her? (Ông thích cô ấy không?)

Khách gật đầu, quản lý bật cười quay sang Miên:

- Cho mày cơ hội đó mắm, đưa con gà Tây này lên phòng áp mái đi!

“Sảnh cưới” là tiếng lóng mà các nữ tiếp viên dành cho phòng áp mái. Khi khách đã uống hết một thùng bia hoặc một chai rượu ngoại đảm bảo doanh thu 3 – 4 triệu cho mỗi phòng Vip, tiếp viên “được quyền” đưa khách lên đi “tàu nhanh”. Miên mới vào làm ba ngày, toàn bị “dội bàn” nên chưa thể biết “công năng” của “sảnh cưới” hay phòng áp mái. Nhưng các đồng nghiệp thường rúc rích kể cho nhau về cái nơi các cô kiếm thêm thu nhập này. Cậu bồi thoăn thoắt leo thang bộ lên trước mở cửa, bật cầu dao... Căn phòng hiện ra dưới ánh đèn tệ quá. Trần nhà thấm dột loang lỗ, giấy dán tường bung lộ bên trong mốc xanh. Một ghế sofa bọc simili sờn tróc, có chỗ bị rách lòi vải vụn. Một bàn kiếng thấp. Dưới nền nhà còn vương vãi mấy bao cao su bốc mùi tanh, bồi kín đáo dùng chân đá vào gầm ghế khi trên môi nở nụ cười đon đả mời “gà tây” vào…

Bồi bưng vào mấy lon bia, hai tẩy, thùng đựng đá, vài gói đậu phộng, bò khô rồi cúi chào, đi ra khép cửa. Miên làm phận sự một tiếp viên bia ôm. Đầu tiên là xé khăn lạnh lau mặt, tay cho khách. Kế đến bỏ đá, khui bia và cuối cùng – tiết mục hồi hộp nhất là nhõng nhẽo, khuyến khích bàn tay lông lá thám hiểm cơ thể mình.

Nhưng...

Ông Tây không vồ vập. Ông ngồi nghiêng, chỉ uống bia tì tì và ngắm cô gái bé nhỏ ngồi chung sofa với mình. Miên nhìn vào ánh mắt xanh lơ thầm cảm ơn đã không chê bai, xua đuổi cô như những người cùng quốc tịch, màu da phũ phàng suốt ba ngày qua…

Ông Tây nói gì đó, Miên ngơ ngác lắc đầu. Từ đó ông không dùng ngôn ngữ nữa, chỉ thỉnh thoảng nắm tay Miên vuốt ve tỏ thái độ trìu mến…

Họ ngồi với nhau đến gần nửa đêm thì ông ra hiệu bảo cô tính tiền. Miên ra lan can gọi bồi, nhưng cả quản lý cũng có mặt phụ bồi đếm hơn chục vỏ lon bia. Mấy gói đồ khô Miên khui ra còn để nguyên làm quản lý hài lòng:

- Khá lắm mắm, tao cứ tưởng Tây rách này chỉ dám uống hai lon bia!

Tờ hóa đơn hơn hai triệu được quản lý dịu dàng đặt trước mặt khách. Ông Tây chẳng thèm nhìn, ông loay hoay nghiêng trái, nghiêng phải để rút hết mọi thứ trong bốn túi quần jean đang mặc. Toàn tiền một ngàn, hai ngàn, năm ngàn đổ thành một đống ra bàn. Quản lý cười khẩy:

- Sao giống mấy gã Tây đeo bảng “mất bóp, xin được giúp đỡ” ở chợ Bến Thành quá? Mày phụ con mắm đếm mớ bạc lẻ bố thí xem được bao nhiêu. Thiếu thì tao với mày phải đền cho chủ đó!

Bồi ngồi xuống, bươi bươi trong đống tiền lẻ nhàu nhĩ được mấy tờ 500 ngàn với 200 ngàn gấp lại còn nhỏ xíu. Mắt quản lý sáng lên, giọng cố che giấu mừng rỡ:

- Ổn rồi, ổn rồi... Mắm đưa gã hành khất tội nghiệp này xuống đi!

Miên biết đống tiền đó ít nhất cũng gấp đôi số tiền trả theo hóa đơn. Nhưng cô chả dám ho he, ra hiệu mời khách đi theo mình. Ông khách bỗng nói một tràng tiếng Anh, quản lý chăm chú nghe gật, gật rồi phì cười:

- Lão tên “Hiêu” (Hill), lão khen mày đẹp nhất Sài Gòn đó mắm. Lão muốn được đưa mày về vì khuya quá không yên tâm khi phụ nữ đi một mình...

Rồi quản lý buông câu độc địa:

- Có khi lão rủ mày đi ăn xin cho có cặp đó... he he!

*

*     *

Chiếc taxi dừng ở đầu hẻm, Hill lại lục lọi khắp người rồi nhoẻn miệng cười khi tìm thấy tờ 100 ngàn bị gấp lại còn bằng ngón tay cái. Miên thầm lo lắng ông ta sẽ không còn tiền để đi thêm cuốc xe nữa về nhà nên nói với tài xế:

- Em xuống đây, anh chở ông đi về khách sạn giúp!

Tài xế nói bằng tiếng Anh, Hill lắc đầu rồi mở cửa bước xuống theo Miên. Ông còn phẩy tay bảo tài xế đi đi...

Miên nhìn ông Tây nhiệt tình thở dài…

Cả hai sóng đôi đi vào con hẻm tranh tối tranh sáng. Nước ngập lênh láng, rác nổi lềnh bềnh bốc mùi cống rãnh. Hill bỗng ngồi thụp xuống, ra hiệu cho Miên lên vai để cõng. Ánh đèn le lói từ mái hiên nhà ai đó đủ để Miên thấy một khuôn mặt chân thành. Cô bỗng nhớ lời gã quản lý... “Lão khen mày đẹp nhất Sài Gòn đó mắm!”. Miên áp vào, ôm cái cổ to khỏe thay lời cảm ơn…

Hill sung sướng khi được cõng Miên, cô gái nhẹ quá dưới sức vóc của Hill. Lão phăm phăm lội nước, cánh tay phải quàng ra sau bợ mông Miên, tay còn lại giữ hai chân bé nhỏ của Miên trước bụng. Hill che chở không để dù chỉ một giọt nước bẩn bắn lên người cô... Miên áp mặt vào mái tóc bồng bềnh phả mùi bạc hà kẹo cao su pha với mồ hôi chua chua của men bia. Bia uống vào bụng giờ trào ra các lỗ chân lông vì mệt; mệt vì sợ Miên ướt chân... Hai cánh tay Miên đang ôm trước cổ Hill tự nhiên tìm đến bộ râu cằm xum xuê mâm mê…

Con hẻm hun hút ngắn dần theo bước chân mạnh mẽ của Hill, Miên chỉ vào ngách nhỏ tăm tối, Hill bắt đầu thở gấp vì nước đã ngập quá nửa ống chân. Ngực Miên ướt mồ hôi từ lưng áo Hill, nhưng trái tim bên trong các lớp vải, lớp da lại ấm chứ không phải lạnh dần…

Xóm ổ chuột ngập nước và lềnh bềnh rác rưởi vẫn say giấc dưới ánh đèn hắt ra từ những khe chắp vá tạm bợ bằng cây gỗ, carton, nilon, tole cũ. Mấy con chó đánh hơi người lạ sủa dây chuyền. Xóm nghèo, nhà rách, bốn bề chật chội nên nuôi toàn cún loắt choắt, tiếng sủa yếu ớt như thiếu sữa mẹ. Chó ở đây còn nhỏ hơn con mèo và phải thay mèo đánh nhau với bầy chuột xạ, chuột cống, chuột chù để giành miếng ăn nên chẳng còn cái oai của giống nòi khệnh khạng như mấy con berger, Tây tạng, Alaska... của nhà giàu. Tiếng sủa đói nghèo, thấp bé nhẹ cân chẳng đủ để đánh thức bóng tối mênh mông sau những cuộc rượu li bì của những người làm thuê, ở mướn. Hơn nữa nghèo đến mức này thì có tiền bạc, của cải gì mà sợ trộm, cướp! Chó cứ sủa và xóm nghèo cứ say giấc mơ của mình…

Hill dùng hai cánh tay rất khỏe nắm dưới hai nách Miên nâng cô ngồi hẳn lên vai mình. Miên chỉ cần chồm lên là nắm được lan can sắt để leo vào căn gác ọp ẹp. Không còn Miên trên vai, Hill nhảy một phát, đu bám là cũng lên được như Miên. Miên thuê căn gác trọ có lối đi chung với chủ là cặp vợ chồng  già. Hôm nay cô không muốn gọi cửa vì khuya và có thêm một ông Tây to lớn về cùng. Cô thò hai ngón tay qua khe cửa để nâng chốt khóa, nhẹ nhàng mở cửa, rồi đưa tay ra hiệu cho Hill im lặng, vào nhà. Một bóng đèn trái ớt phát ánh sáng lờ mờ, đỏ lừ đủ để Hill nhìn hết căn gác mỗi bề không quá sải tay, trải một tấm nệm mỏng. Miên bật cái quạt nhỏ xíu ở đầu giường rồi ra hiệu bảo Hill cởi cái quần jean đã ướt sũng nước cống, cái áo thun đẫm mồ hôi, chỉ còn quần lót trên người. Miên chỉ Hill đi ra lan can, có một nhà vệ sinh nhỏ xíu để tắm rửa. Sau đó cô mới giặt cả áo lẫn quần cho Hill rồi phơi trên lan can. Tắm xong, cô thay cái váy xanh củn cởn ở quán bia ôm bằng đồ bộ rồi đóng cửa, vào nằm bên cạnh Hill. Hill nằm nghiêng lại, chừa chỗ cho Miên. Miên nhỏ bé rúc vào. Cô không hồi hộp hay lo âu, cô nồng nàn dâng hiến, đón nhận tình yêu của người đàn ông đầu tiên trên trái đất khen cô đẹp và làm mọi cách chứng minh cho lời khen ấy...

*

*     *

Cả vùng đồi mênh mông, khô cằn bốc khói như ảo ảnh dưới nắng trưa. Biển dưới chân đồi lặng im như được phủ lớp sương mờ mờ, chấp chới theo từng tia nắng ánh lên từ mặt nước. Bầy cừu đông đúc rúc hết vào mấy bụi xương rồng xơ xác tránh nắng. Cừu nào cũng ốm nhom, lông rụng nham nhở, mặt mũi ngu ngơ như say nắng. Bụi cây dại cao không quá đầu người, vươn những cành khẳng khiu, gai góc được Miên phủ tấm bạt bằng những bao bố cắt ra, ráp lại. Thế là thành mái lều che nắng. Miên trải tấm nilon dưới gốc cây, dỗ con trai 5 tuổi ngủ trưa. Bộ cà mèn nhựa 3 ngăn đựng suất ăn trưa của hai mẹ con nằm lăn lóc trong góc, được chú cừu non bé xíu tò mò đến ngửi ngửi, liếm láp chút thức ăn thừa. Cu Hiếu nũng nịu đòi mẹ cho ôm con cừu bé bỏng đó, Miên phát yêu vào mông con, dọa:

- Con hư quá, ngày mai không cho chăn cừu bắt đi học...

Thằng bé lập tức nằm im, nhắm mắt, vờ như ngủ trưa theo ý mẹ. Miên nằm nghiêng vuốt ve mái tóc vàng hoe của con rồi mâm mê đôi má bầu bĩnh, rám nắng của nó. Cô bỗng ôm siết, rúc mặt vào lưng con như sợ cơn lốc đang cuồn cuộn tung hoành bốc bụi mù mịt ở chân trời ảo ảnh kia hút mất báu vật của mình. Cu Hiếu xoay người, mở choàng đôi mắt xanh màu biển, cười ré lên:

- Mẹ làm con nhột quá!

Miên sờ lên sống mũi phương Tây chót vót của nó rồi mỉm cười, vén áo hôn ngấu nghiến lên làn da bụng trắng hồng của con. Thằng bé cong mình cười nắc nẻ...

*

*     *

Hai mươi năm trước Miên cũng không biết mặt cha, cũng lẽo đẽo theo mẹ chăn cừu trên cánh đồng sỏi đá khô khốc, hạn hán triền miên nằm kẹt giữa dãy núi trơ trụi và mênh mông biển xanh này. Ngày đó cô cũng từng hỏi “cha đâu?” và mẹ cô – người phụ nữ lam lũ suốt đời lẻ bóng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. 17 tuổi, Miên dậy thì nhưng vẫn bé choắt như đứa trẻ lên 10. Niềm an ủi lớn nhất là chủ tính thêm một công chăn cừu chứ không phải nửa công như thời cô phụ mẹ nuôi đàn chiên gần 200 con lớn, nhỏ.

Rồi một hôm, lúc nửa đêm, ba tên cướp đột nhập trại cừu giữa đồng không mông quạnh. Chúng trói, nhét giẻ vào miệng Miên rồi lôi Thám – bà mẹ 36 tuổi của Miên ra cây rơm sau chòi. Hai tay bị trói quặt ra sau, hai chân bị cột túm lại, Miên lết lết bằng đầu gối ra cửa chòi. Trời tối, đụn rơm như trái núi con đen thẫm nằm cách cửa chòi hơn mười bước chân. Bóng mẹ trắng lốp như con cừu bị lột lông giữa ba bóng hổn hển to hơn. Miên từng sợ nhìn cảnh con cừu bị vật ngửa ra đất, kẹp vào giữa hai chân như cùm sắt của ông thợ, rồi mũi tông đơ chà dọc khắp thân cừu, vào cả nách, mông, tai, cổ... để từng mảng lông bị lột sạch, phơi da thịt trắng hếu. Cừu cạo lông trông cứ như một phụ nữ bụng xệ ngơ ngác, trần trụi, hoang man vì xấu hổ. Đè bên này xong, các ông thợ lại lật bên kia, có lúc ấn đầu, lúc lại kẹp cổ lôi cừu đứng dậy, lúc banh chân, chà bụng... Cả cuộc đời sinh ra, lớn lên theo hành trình rong ruổi của đàn cừu, Miên coi đó như gia đình mình. Cô nâng niu từng con cừu non, yêu thương từng con cừu lớn trong bầy đàn đông đúc được đánh dấu hình ngôi sao bằng sơn đen trên lưng mỗi thành viên bốn chân. Chủ cũng cấp phát cho mẹ con Miên mỗi người một áo che nắng bền bỉ có biểu tượng ngôi sao đen sau lưng để thành cặp thành viên hai chân của đàn cừu. Một hôm ông chủ lái xe hơi bóng lộn chở vợ và con gái ra thăm cừu. Cô bé trạc 6, 7 tuổi như Miên nhưng cao gấp rưỡi, trắng trẻo, xinh đẹp trong bộ đầm hồng bước ra từ chiếc xe hơi mát rượi, được mẹ hối hả che dù. Cô hỏi:

- Sao lưng con cừu nào cũng có ngôi sao đen?

- Để cừu nhà mình không đi lạc vào đàn cừu khác – mẹ cô giải thích.

Cô bé chỉ vào mẹ con Miên hỏi vô tư:

- Mình có cả cừu hai chân hả mẹ?

Bà mẹ thơm ngát phấn son và lấp lánh trang sức dưới nắng trưa vuốt đầu con gái cười:

- Cũng phải tính chi phí như nuôi cừu luôn con ạ!

Cô bé xinh tươi lột một thanh socola dí vào mõm một con cừu, cừu lắc đầu quay đi. Cô đưa cho Miên đang đứng gần, Miên cầm ăn ngon lành làm tiểu thư cười nắc nẻ:

- Cừu hai chân thích socola như con mẹ ơi!

... Tiếng súng chát chúa xóa tan màn đêm yên tĩnh và cắt ngang hồi ức, Miên giật thót mình nhìn theo ánh đèn pin loang loáng, bước chân chạy thình thịch rung chuyển mặt đất cùng tiếng thét lanh lảnh:

- Đứng im, giơ hai tay lên...

Nhiều bóng người lao vào vật ngã, còng tay, lật sấp cả ba tên cướp.. Một ông oai vệ chiếu đèn pin vào từng khuôn mặt tội phạm lì lợm, cười đắc thắng:

- Du Keo, Bi Lác, Môn đen cuối cùng vào chung mẻ lưới của hình sự!

Một gã ngước lên cười khẩy:

- Mười tám năm vùng vẫy giang hồ cũng đủ rồi, giờ về “hộp” (nhà tù) nghỉ ngơi thôi!

Bà Thám đã mặc lại quần áo, được các nữ công an dìu vào căn chòi. Miên cũng vừa được tháo dây trói lao đến ôm mẹ, cả hai khóc ướt vai nhau...

Đêm đó, trên tấm chiếu cũ trải trên cái sạp kê bằng ván, bà Thám vuốt tóc Miên thủ thỉ:

- Mười tám năm trước họ cũng đến đây vào đêm tối trời...

Linh cảm chuyện hệ trọng, Miên ngồi bật dậy lay vai mẹ:

- Và... mẹ đã...?

Thám thở dài:

- Lần đó họ không cướp cừu, chỉ bắt mẹ thành... đàn bà...

- Sao mẹ không báo công an?

- Mẹ vừa xấu, vừa nghèo, vừa bơ vơ nơi hoang vu... Được đàn ông, dù là trộm cướp thích thì cũng may rồi!

- Sau đó mẹ đẻ ra con?

Thám kéo con nằm xuống, xoa lưng:

- Có vậy mẹ mới thoát cảnh trơ trọi. Sống với con vui hơn với cừu...

Miên thấy ức nghẹn trên cổ. Cô muốn trách nhưng thương mẹ quá nên quay sang hỏi:

- Làm sao mẹ biết ba ông hồi nãy là người xưa?

- Trên đời chỉ họ khen mẹ đẹp.

- Họ có nhớ chuyện đã làm với mẹ?

- Có... họ khen lâu ngày gặp lại mẹ vẫn đẹp và nồng nàn mùi cừu...

- Mẹ cũng như họ - thất vọng khi công an bất ngờ ập vào?

Giọng Thám nhỏ lại như xấu hổ:

- Dù gì, họ cũng là... chồng của mẹ

- Ai trong ba ông ấy là cha của con?

Thám buông tay ôm con, mắt ngấn lệ nhìn lên mái chòi, giọng xa xôi:

- Con có thể tìm được cha của con cừu mới đẻ hôm qua giữa mấy chục con cừu đực không?

Im lặng một lát mẹ quay sang vuốt nước mắt cho Miên, thủ thỉ:

- Mai mẹ xin cho con về giúp việc nhà bà chủ.

Miên lắc đầu:

- Con chỉ ở với mẹ...

- Khổ nhục lắm! – Thám nấc lên.

*

*     *

Mười năm có lẻ, Miên mới gặp lại Mai – con bé nhà giàu từng gọi Miên là “cừu hai chân”. Mai vừa vào đại học, cao đẹp như hoa hậu, tiếng cười tự mãn vang khắp ngôi biệt thự xa hoa. Miên thường mở cổng cho những thiếu gia bảnh bao lái những chiếc siêu xe xuống hầm rồi làm nước mời họ trong lúc chờ Mai trang điểm lộng lẫy, từ thang lầu kiêu sa bước xuống phòng khách. Mai thích giữ Miên lại chốc lát để trách móc cô giúp việc trước mặt khách về ly nước mời không hoàn hảo, bình hoa ngả màu chưa kịp dọn hoặc tấm thảm chùi chân hơi lệch. Miên là cái nền ảm đạm để Mai thêm rực rỡ, quyền uy trước mắt các công tử hào hoa đang say sưa mê đắm tiểu thư đài các. Có chàng khéo léo ngăn Mai mắng đầy tớ, có chàng hùa theo, nhưng Miên nhớ ơn Phong nhất. Chàng mới du học tiến sĩ về, con một đại gia thường xuất hiện trên ti vi tài trợ các chương trình giúp đỡ trẻ em nghèo. Phong thường đến bằng xe đạp, ánh mắt giản dị và chân thành như quần áo trên người. Phong bênh Miên và có lần tặng hai bức tượng Phật bằng gỗ quý giống hệt nhau cho Mai với Miên nhân ngày quốc tế phụ nữ. Miên lặng đi vì xúc động, Mai tái mặt khi lời chúc cho mỗi người nhận quà khác nhau:

- Đặt món quà này vào tâm sẽ vơi khổ đau, bất hạnh và tham, sân, si...

Ứng cử viên đẹp trai, có học vị và gia đình danh giá nhất bị Mai cấm cửa vì cho rằng chửi xéo cô là kênh kiệu, tham lam, háo thắng. Phong thản nhiên mỗi ngày gửi tới biệt thự một bó hoa hồng đính thiệp ghi rõ “Nhờ Mai chuyển đến em Miên. Cám ơn Mai”. Đến lần thứ ba thì Mai nức nở qua điện thoại: “Anh hạ nhục em như vậy đủ rồi”... Miên lặng lẽ gom quần áo nhét vào ba lô ra đi. Cô không muốn cặp đôi “môn đăng hộ đối” đó khó xử vì con ở như cô. Miên ngủ bến xe mấy đêm, vật vờ ở công viên mấy ngày trước khi xin được vào quán bia ôm có tên “lẳng lơ”. Cũng như các “đào nhập môn”, cô phải vay tiền của “má mì” để sắm sửa và học cách mặc bộ đầm khêu gợi, xài phấn son và da thịt để câu đàn ông. Nhưng Miên xấu quá nên cứ bị “dội bàn” và ngày thứ tư trong “tửu lầu” cô đã gặp Hill – người mà gã quản lý gọi là “Lão Tây ăn mày”. Sau một đêm bên nhau trong căn gác trọ ọp ẹp nằm sâu trong con hẻm dích dắc, lềnh bềnh rác rưởi, sáng hôm sau Miên lại được Hill cõng ra đầu hẻm. Họ chia tay với nụ hôn say đắm thay cho ngôn ngữ bất đồng. Miên lang thang ở Sài Gòn thêm mấy tháng, trôi dạt từ quán bánh xèo sang hàng cơm tấm rồi trụ hơi lâu với công việc rửa dọn quán phở. Đến lúc bụng bầu căng tròn, cô quay về trại cừu với mẹ. Thám giở nón lá, tháo khăn chống nắng lau mồ hôi rồi sờ vào bụng Miên. Miên chờ những lời mắng mỏ, nhưng mẹ cô cười, vui ra mặt:

- Mẹ có trúng gió lăn đùng ra chết cũng yên tâm rồi. Nó là con trai hay gái về già con cũng có nơi nương tựa...

Ngừng một lúc, Thám chỉ vào đàn cừu:

- Con chăm tụi nó, mẹ sẽ gom phân lại đi bán. Lúc này phân cừu có giá lắm. À con tính đặt tên cho nó chưa?

Miên mừng rỡ vì mẹ vui, cô khoe:

- Cha nó là Tây nên chắc nó sẽ đẹp lắm. Trai hay gái con cũng đặt là Miên Hiếu...

- Con mong nó có hiếu?

- Cha nó tên “Hiu” (Hill) con đặt thành “Hiếu” cho dễ gọi, con cũng mong nó hiếu thảo nữa!

*

*     *

Đoàn ba chiếc ô tô phóng băng băng trên con đường bốc bụi rồi dừng trước trại cừu. Thám xúc phân, Miên với cu Hiếu đang cho bầy cừu uống nước. Sáu cặp mắt cùng hướng về đoàn khách lạ đang lục tục từ ba chiếc xe bước xuống. Họ gồm cả người Việt và những ông Tây cao lớn, ăn mặc trịnh trọng. Miên bỗng nhìn chằm chằm một ông thấp, trạc năm mươi, đầu hói ôm cặp đen. Ông gọi to:

- Cô Miên, nhớ tui không?

Miên ngờ ngợ rồi reo lên:

- Chú Sáu?

- Tôi đây!... Sáng hôm đó ông Hill gọi điện bảo tui đến đón ở đầu hẻm nhà trọ của cô...

- Cháu nhớ rồi, chú đi xe máy màu đỏ, có cho cháu ba triệu đồng...

- Đúng rồi, ông Hill bảo tui có bao nhiêu tiền đưa hết cho cô. Nhưng lúc đó tui chỉ có bấy nhiêu...

- Chú là bạn ông Hill à?

Ông Sáu không trả lời, quay sang nói một tràng tiếng Anh với mấy ông Tây đeo kính trắng, mặc complet, xách cặp táp. Vừa nói ông vừa chỉ vào Miên với cu Hiếu (lúc này Hiếu đã mười tuổi, cao hơn mẹ, xấp xỉ bà ngoại). Mấy ông Tây lấy trong cặp ra vài bức ảnh to như cuốn tập học trò đưa cho Miên. Miên nhìn ảnh rú lên thảng thốt:

- Đúng là ông Hill...

Cô quay sang mẹ và cu Hiếu, cất giọng run run:

- Ba thằng Hiếu đó mẹ... Ba của con đó Hiếu...

Ông Tây già nhất xổ một tràng, ông Sáu dịch lại:

- Mấy ngài luật sư Mỹ khen thằng cu giống Hill, nhưng phải thử ADN mới kết luận được...

Trống ngực đập thình thình, Miên linh cảm điều gì đó hệ trọng nên lạc giọng:

- Ông... Hill... nhờ các ông tìm con à?

Ông Sáu thở dài:

- Ông ấy... mất được 5 năm...

Miên thả mấy tấm ảnh, xụi xuống, nấc lên:

- Vậy là cha con vĩnh viễn không bao giờ biết mặt nhau...

Thám đỡ Miên đứng dậy, cu Hiếu mếu máo:

- Cha con chết rồi hở mẹ?

Miên ôm con khóc tu tu. Ông Sáu an ủi:

- Ông ấy để lại cho cô và thằng bé điều may mắn lớn. Đó chính là lý do tui phải vất vả tìm lại cô suốt mấy tháng qua. Cũng may ở công an phường nơi cô từng ở trọ còn lưu lại địa chỉ này trong sổ đăng ký tạm trú... Bây giờ mẹ con cô phải theo chúng tôi về Sài Gòn để làm thủ tục bay sang Mỹ nhận thừa kế.

Miên ngơ ngác:

- Thừa kế? Thừa kế?... là sao? Quản lý của cháu hồi đó nói Hill là “Tây rách”, xin ăn ở chợ Bến Thành mà?

Ông Sáu lấm lét nhìn các luật sư Mỹ, nháy mắt cho Miên. Ông nói vừa đủ nghe:

- Ngài ấy là tỉ phú, sang Việt Nam đầu tư mấy khách sạn năm sao. Tui là trợ lý của Hill nên phải có trách nhiệm với chủ...

Cả ba mẹ con, bà cháu tròn mắt kinh ngạc. Giọng ông Sáu vẫn dịu, vừa đủ nghe:

- Ông ấy khen cô rất nhiều, bảo tui phải lo cho cô những gì tốt đẹp nhất. Nhưng ông ấy cứ bay như chim nên cô chưa được hưởng gì...

Miên tự tin, dốc hết tự hào vào câu hỏi ông Sáu:

- Chồng tôi bị bệnh chết?

- Không, Hill thích phiêu lưu mạo hiểm, một mình lái máy bay thể thao vượt biển và gặp tai nạn. Ông ấy chưa có vợ chính thức nên các luật sư Mỹ phải đi khắp thế giới để tìm các con rơi của Hill về thừa kế tài sản hơn 1 tỷ đô la...

Một luật sư cúi mình lịch lãm nói gì đó với Miên, ông Sáu dịch lại:

- Xin mời phu nhân và cậu chủ thu xếp hành lý về Sài Gòn cho kịp...

Miên, Hiếu ôm bà Thám. Bà cười như điên dại khi nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt khắc khổ, lam lũ rồi quay sang nắm tay ông Sáu:

- Có thật không ông, sao giống chuyện cổ tích quá?

Ông Sáu chỉ vào các luật sư Mỹ, mỉm cười gật đầu...

*

*     *

Trong lúc chờ họp tổ dân phố, mọi người chỉ nhau đọc trên điện thoại chuyện “Con rơi tỷ phú Mỹ ở Việt Nam được hưởng thừa kế hàng trăm triệu đô la” đang rất “hot”. Quý bà mộ đạo đọc xong chấp tay trước ngực:

- Mô Phật - ở hiền gặp lành!

Cô hoa hậu mơ màng:

- Ước gì em... xấu như nàng Miên!

Luật sư ngồi cạnh gật gù:

- Luật pháp Mỹ thật... vĩ đại!

Nhân viên bảo tàng nghiêm mặt:

- Phải lập ngay phương án gìn giữ căn nhà trọ và các hiện vật trong đó!

Giám đốc du lịch lữ hành háo hức:

- Khẩn trương mở tour tham quan...

Nghệ sĩ già vuốt râu bạc:

- Chuyện tình lãng mạn này làm phim rất ăn khách!

Một “đại ca” mới ra tù mân mê hình xăm trên tay chặc lưỡi:

- Miên có trả ơn trọng cho 3 thằng cướp đã cưỡng hiếp mẹ cô ấy không nhỉ? Nếu quên thì... tệ quá!

Cuối cùng, bí thư chi bộ khu phố - thầy giáo chính trị nghỉ hưu, trầm ngâm kết luận:

- Cái xấu trong phông văn hóa này là cái đẹp với phông văn hóa khác. Cái ác trong mối quan hệ này lại là cái thiện trong quan hệ khác. Nhân loại lớn lên nhờ những ý kiến đa chiều...

Tất cả cùng sững sờ nhìn ông bí thư... Sau đó đồng loạt vỗ tay.

4.11.2018

L.V.L

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm