TIN TỨC
  • Truyện
  • Giấc mơ bà giá | Nguyễn Thị Bích Nhàn

Giấc mơ bà giá | Nguyễn Thị Bích Nhàn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1532 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Tôi tên Như Ý. Bố muốn con gái “cầu được ước thấy” nên đặt cho cái tên rất… mĩ mãn. Nhưng cuộc sống chẳng chiều lòng người. Trải qua ngần ấy bể dâu, tôi đã đau lòng kết luận: Hạnh phúc cầu mong cũng giống như đợi xe buýt mà đứng trật lề vậy. Có vẫy rớt tay, có chạy rớt dép, có gào rớt răng xe cũng không dừng. Nên, đừng ngó chừng thứ hạnh phúc… mơ ước, mong manh lắm, mong manh đến không tưởng.

 

Lên núi lấy chồng

Ba mẹ không ủng hộ chuyện trở thành cô giáo vùng cao. Nhưng tôi không bỏ cuộc, lén trốn nhà đi nộp hồ sơ.

Ngôi trường tồi tàn nằm trên một ngọn đồi. Hoang sơ. Vắng lặng. Cũng may, gần đó có một khu đất bỏ hoang, thanh niên địa phương cùng mấy thầy ở nội trú đá bóng buổi chiều, tăng 2 có thể cà phê tại một quán nhỏ nào đó. Và tôi, cô giáo mới về trường được xếp ngồi cạnh chàng trai địa phương để giao lưu trong lần cà phê tận bờ hồ thị trấn.

Toàn không thanh thoát nhưng khá bảnh. Mắt đen, mũi thẳng, cao vừa đủ. Anh hơn tôi 1 tuổi, học xong Trung cấp tại chức Luật và chưa xin được việc (với miếng bằng ấy, chỉ hy vọng vùng cao thiếu người). Vì chưa xin được việc nên đi chặt mía mướn. Sau đêm giao lưu đó, tối tối anh hay mua bì sinh tố và hái trái ổi trong vườn đạp xe lên nội trú thăm tôi. Chỉ vậy mà cảm động lịm người. Toàn thề, tình yêu với tôi là vĩnh cửu. Tôi sến sẩm nên khi anh ném chiếc đồng hồ đang đeo xuống hồ nước ngay chân núi, bảo khi nào tìm được nó anh mới hết yêu tôi. Pha tỏ tình siêu ướt át đã trúng ý nên lịm người. Tôi cũng chẳng hiểu nổi mình. Tôi - nói một cách trung thực, không đẹp nhưng có duyên. Hóm hỉnh, sống động. Vậy mà thê lương tới mức cho tới lúc đi dạy vẫn chưa có mối tình vắt vai nào. Chuyện như… đùa. Nội trú có hàng tá thầy độc thân, tình nguyện đưa đón, đến mức cầm pin dắt đi tiểu tiện nhưng lại đi phải lòng chàng trai bản địa, trên răng dưới… dép.

Yêu là cưới - tôi tâm niệm vậy. Trước đó đã te te chạy tới ngân hàng vay trừ lương mua xe máy cho người yêu, sau sốt sắng lên đảo nợ cho anh về lo đám cưới. Đêm tân hôn, chồng nói bằng giọng rầu rĩ: Người ta xong đám cưới ôm một cục tiền, mình xong đám cưới ôm một đống nợ. Tôi ôm anh, động viên: Mình sẽ là đôi vợ chồng nghèo mà hạnh phúc nhất thế gian. Tôi nói chắc như dao chém đá. Vì tôi có lòng tin hạnh phúc nghèo là thứ hạnh phúc tối cao, nếu ai chưa tin nó từng/đang/sẽ tồn tại thì tôi xin lấy tình yêu và thanh xuân của mình để làm minh chứng.

Cưới nhau về, để chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, tôi đã phải làm việc như một bà lực điền chính hiệu. Vừa dạy vừa vác cuốc mang rựa đi làm mướn. Tối mắt tối mũi, dè sẻn từng đồng chứ dễ gì có được cơ ngơi khiêm tốn ấy khi chồng vẫn phong lưu đi đá bóng mỗi chiều. Té ra, chuyện chặt mía mua sinh tố ngày xưa chỉ là làm cho vui.

Cuộc đời vô thường hay trò đùa vĩ đại của số phận – tôi nghĩ chắc là cả hai. Chỉ cần gặp khúc cua, đường đời sẽ rẽ. Câu này đúng với tôi cả nghĩa đen lẫn bóng. Hôm đó Toàn đang nhậu nhưng tôi điện về, chở xuống bệnh viện thăm ông bác chồng bị tai nạn. Sần mà cầm lái, qua cua tự té, người bị thịt nát xương tan là tôi.


Áp lực trong suốt – tranh sơn dầu – Nguyễn Xuân Nguyên.

Tôi được/bị bệnh tàng…”. Cùng lúc đó, chồng công khai hẹn hò với một cô gái trẻ. Đi vui vẻ, về chì chiết. Vợ đang bệnh mà như cái gai trong mắt, cái xương trong thịt. Tôi đau toàn diện từ thân đến tâm, thiếu nước nhảy lầu cho rảnh kiếp.

Nhưng nghề đời, đâu phải cứ muốn chết là được. Cũng tự tử nhưng bất thành. Con trai thấy tay mẹ băng bó, theo hỏi: Con gì cắn mẹ vậy? Con ngây thơ mà lòng mẹ đứt đoạn. Con mới 3 tuổi, nhỏ lắm. Bỏ qua tự trọng đàn bà, tôi sụp xuống níu chân:

- Anh sao cũng được nhưng đừng ly hôn. Em còn bệnh, con còn nhỏ.

Chồng bây giờ đã là cán bộ của ủy ban xã, anh hét -  như một cái tát:

- Chỉ thằng điên mới sống với thứ chập mạch như mày!

Ha ha… tôi rụng rời. Cười trong tiếng nấc. Dùng từ rất đắt. Những từ ngữ giết người không thấy máu.

Mạt sát nghìn lần rồi đơn phương đem đơn đi nộp. Tôi không biết phải đùng từ gì để diễn tả sự khủng hoảng tột cùng của mình lúc đó. Dốc lòng yêu thương nên vỡ mộng cực kì cay đắng. Đau tái mặt, như con kiến đã nằm bẹp dưới đế giày mà chẳng biết vì sao mình chết.

 

Trở thành bà giá                                                   

28 tuổi, bị chồng bỏ, tôi bị phong “bà giá”. Người ta gọi ngắn gọn… “Giá Ý”. “Giá Ý” - cái tiếng chỉ khiến người trong cuộc bẽ bàng sâu thẳm.

“Bà giá” là gì hả? Cũng không biết nữa, có người bảo tương đương “bà góa” nhưng hình như không phải. Ở quê tôi, đàn bà không chồng vì bất cứ lí do gì (từ lỡ thì đến chồng chết, chồng bỏ hoặc bỏ chồng) đều được gọi chung “bà giá”. Có người lí giải: “giá” = “vá” (phương ngữ Phú Yên). Có nghĩa đàn bà không chồng như chiếc áo rách cần vá lành. Tóm lại, từ đó được lưu hành với nghĩa gì tôi không rõ, chỉ biết tôi phẫn nộ với cách gọi đó. Đau khủng khiếp. Đau không chịu nổi.

Cũng như buổi sáng hôm đó, tôi mặc bộ đầm màu mận chín đi làm. Vừa bước vô văn phòng thì nghe:

- “Bà giá” kiểu này chắc đêm nào cũng có anh gõ cửa quá!

Tôi không nói gì, chỉ cười nhạt, chị Hạnh làm tới:

- Thì mình cứ nói “có” cho chị em cùng cơ quan mừng dùm. Làm bộ làm tịch chi hông biết. Đàn bà, đã biết “mùi đời” rồi thì không nhịn được đâu. Mà đàn ông, ông nào đứt tay còn chảy máu là còn mê “bà giá” hà!

Tôi nghẹn ứ, chưa biết phải nói gì thì một chị khác đãi ra từng tiếng, nói như xát muối:

- Chắc cũng đêm có đêm không. Như sáng nay thấy có quầng thâm ở mắt, bộ thiếu cồ không ngủ được hả em?

Vừa lúc đó anh Thiên cầm chiếc hộp lại, chắc không nghe mấy chị nói gì, anh tỉnh bơ hỏi:    

- Cái này em ưng không?

- Dạ, em xin để đựng mấy món đồ lặt vặt như nơ, kẹp thôi, anh cho gì em lấy nấy! (Cười)

- Thế ảnh cho tinh trùng em lấy không? - Lại chị Hạnh. Tôi đứng hình sau câu đùa đó. Tôi không đủ sức để cười nữa, dù đó là kiểu cười nào. Nhưng cũng không phản pháo khi tôi dư sức làm điều đó. Kệ hết đi, phải lì ra mới sống nổi với thói đời hóng hớt. Có phải như một người nổi tiếng nào đó đã nói: Điều tồi tệ nhất của con người là cái gì rồi cũng quen, quen rồi chai, chai rồi hết biết nhục?

Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ. Nỗi bẽ bàng đã tăng lên cấp số nhân khi tôi mắc Hysteria, di chứng khủng khiếp sau những chấn thương thể xác, tinh thần. Con trai đi học về nói: Mẹ ơi, bác kia nói mẹ bị bệnh thiếu trai, họ hỏi con đêm có thấy ông nào tới nhà không? Trời ơi, lúc đó tôi đã nghĩ đời mình hệt bi kịch của Sếch-xpia. Những người vợ đáng kính, họ luôn nhìn bà giá bằng đôi mắt nghi ngờ: Liệu ả có đang cặp bồ và móc ví chồng mình?

Tôi cũng thử đặt mình vào “tư cách vợ” để thông cảm cho họ. Nơi tôi đang sống, nhiều người rơi vào hoàn cảnh đơn thân rồi một số lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Những cuộc tình ồn ào rồi vội vã chia ly. Họ cũng rủ rê tôi nhập hội, nhưng tôi xin từ chối. Vì tôi hiểu, đó chẳng phải tình yêu. Chẳng qua cũng là cách thức trả thù đời, một thứ nghi thức ăn mừng sống sót, một cách để vớt vác sĩ diện sau khi bị ruồng bỏ chứ chẳng có gì khác. Suy cho cùng, họ thật đáng thương. Tôi thông cảm hành động và cách nghĩ lầm lạc đó, thông cảm cho cả hai, đàn bà đơn thân và “đa thân”.

Nhưng hình như đàn ông, phần lớn họ không thông cảm hay ít thông cảm hay có thông cảm nhưng nghiêng về bản năng nên vẫn xem “bà giá” là chỗ tìm vui. Xin lỗi những người đàn ông đứng đắn nhưng bằng trải nghiệm của mình, qua bao lần tức tưởi, tôi đã phẫn nộ nghĩ: Đàn bà không chồng chẳng khác miếng đất bỏ hoang. Đàn ông, từ người có học hành địa vị đến gã ít học làm nghề tự do, thậm chí đến một chàng thanh niên mới vào đời, dường như ai cũng muốn cắm mốc lên miếng đất vô chủ, nhưng cơ bản chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Khổ lắm! Những tay có gia đình viện đủ lí do để lăn tăn - kể cả hạ bệ người vợ tào khang. Có gã tiến bộ hơn, bảo yêu vợ, yêu cả bà giá tôi. Có gì sai khi muốn đem lại hạnh phúc cho hai người đàn bà? Tôi cười khuẩy ý nghĩ “nhân văn” đó. Chưa bao giờ tôi thấy ghét đàn ông như lúc ấy.

Để tôi yên, đàn ông, làm ơn đừng rây vào tôi. Sau chừng ấy tổn thương, tôi tạm thời không cần đàn ông và tình yêu. Tôi muốn dồn hết năng lượng của mình vào con. Con, đó mới thực sự là động lực để tôi tồn tại.

Sau ly hôn, hai mẹ con cui cút trong ngôi nhà lạnh lẽo.

Con đi học về, từ ngoài cổng đã mẹ ơi, mẹ ơi… Con ngây thơ kể ba bạn nọ ba bạn kia, toàn những chuyện chơi với con, giúp con học, kể cả “gây nhau” rồi hờn dỗi với con. Kể bằng tất cả thèm muốn. Sự vô tư của con khiến mẹ xót xa. Hôm đó tôi có việc đột xuất nên đón con trễ, chạy ngược chiều, thấy con mình và bạn cùng ngồi phía sau lưng một người đàn ông. Kì lạ, hai đứa trẻ bình an sau tấm lưng vững chãi, nói cười rộn rã. Nhìn khuôn mặt vui vẻ hết nấc của con, tôi nhớ những lần con đòi có ba, có em mà hai hàng nước mắt chảy ròng… Để hôm sau nữa, tới cổng trường đón con sớm nhưng thằng bé vừa thấy mẹ là khóc mếu, nói trong tiếng nấc: Các bạn lục cặp con lấy bút.

Đó mới chính là lúc tôi thực sự hiểu được con. Sợ tuổi thơ con thiệt thòi nên chăm gấp đôi gấp ba để bù đắp mà không hay vật chất và tình thương của mẹ không thể nào bù đắp được mặc cảm không cha…

“Tôi không nghĩ ra được nhu cầu nào thời thơ ấu lại mạnh mẽ hơn mong muốn có được sự bảo vệ của người cha”.  Tôi nhớ mình đã đọc/nghe câu đó ở đâu. Nó ám vào tâm trí. Bây giờ tôi ước có thể đổi 20 năm tuổi thọ để tìm cho con một người bố.

Đúng lúc trường có một giáo viên mới, biên chế về tổ Văn - tôi làm tổ trưởng. Giáo viên mới nhưng lớn hơn chục tuổi, anh hẹn tôi cà phê để trao đổi đôi chút về công việc. Nhắc lại, tôi đến chỗ hẹn vì công việc chứ không phải vì tìm bố cho con.

Trong khi tôi lục tìm đưa anh một số tài liệu thì anh khuấy cà phê cho tôi. Bài hát “Casablanca” bất hủ đang vang, tôi vừa tìm vừa nhịp chân theo điệu nhạc thì điếng hồn vì nghe “rầm”. Một viên gạch được đập mạnh lên bàn, tôi chưa kịp nhìn đã bị túm tóc lu loa:

- Bà giá nè! Thứ đàn bà mất nết nè! Ông trời ơi, ông trên cao ngó xuống mà coi, coi chồng con đang tằng tịu với con giá thối tha, cha mẹ ơi, xóm làng ơi… chồng con đầu hai thứ tóc mà bị con giá đốn mạt này bỏ bùa mê thuốc lú…

Tôi đau đớn, không phải vì mái tóc tết con rết bị cầm giũ bờm xờm mà vì sảng hồn ngơ ngác. Phải khi người đàn bà rồ xe đi, khi thấy người xung quanh vừa tản vừa lao nhao bàn tán tôi mới biết mình bị đánh ghen. Lạy Chúa! Mới bắt quả tang tại quán cà phê mà tôi đã bị 10 móng tay sắc hơn vuốt gà chọi chĩa thẳng vào mặt và cày xuống ngực rồi. Nếu thấy nói cười hoặc ở chỗ nào nhạy cảm hơn chắc tôi sẽ bị nghiền cho tới kì nát vụn.

Kể nãy giờ vẫn chưa hết nỗi niềm của một bà giá nhà quê. Nhưng tiếc là thời gian luôn có hạn. Tôi chỉ tóm lại bằng cái ước mơ to bự nhất: phải lấy chồng. Xấu tốt gì cũng được, để giải phóng mình khỏi cái tiếng “bà giá”, để cho con có một tấm lưng để dựa mỗi lúc tan trường.
 

Và con tim đã vui trở lại

Sức khỏe lại có vấn đề. Những dư chấn… khủng khiếp thật. Đúng là đời người ta không chỉ khổ một lần. Tôi lại khăn áo vào viện.

Chiều hôm ấy, cũng lặng lẽ như những buổi chiều khác, tôi ra hành lang ngồi. Điện thoại đổ chuông, hiện số “Anh Việt” - cố nhân mà tôi mới gặp lại hôm đám cưới một người bạn. Tôi hỏi:

- Gọi em có việc gì không?

- Đang ở đâu đấy?

- Dạ, nằm viện.

- Sao vậy? Em bị gì?

Rồi anh kiên quyết, nói như ra lệnh: “Gặp nhau đi, sẽ đưa em về trước giờ bệnh viện đóng cổng”.

Nể “chút nghĩa cũ càng”, tôi đồng ý gặp. Cũng may có “thủ” một bộ cánh lúc vào viện, tôi mặc chiếc đầm màu hồng xám.

Anh đưa tôi đến một cái quán nhỏ, bài trí trữ tình. Tôi miệng nói tía lia để bọc lại nỗi buồn thăm thẳm, cố tỏ ra mạnh mẽ gan góc. Anh im lặng chằm chằm nhìn khiến tôi sượng sùng rồi lên tiếng, giọng rất nhẹ, rất mỏng:

- Anh biết hết rồi. Đừng mất phương hướng nữa. Sẽ làm tổn thương chính em đấy.

- Anh đang nhìn thấy điều gì?

 - Chiếc đầm em đang mặc. Hồng xám, thứ màu lưng chừng giữa đỏ và đen, giữa niềm vui và khổ hạnh, giữa niềm tin và tuyệt vọng. Màu của người đang mất phương hướng…

 Tôi kinh ngạc đến run rẩy, bị anh nắm thóp rồi.

 Mười năm không gặp, anh thay đổi khủng khiếp. Không là cậu thư sinh tẩm ngẩm, bủng beo nữa mà năng động, tráng khí. Lạ thật, tôi không còn giữ kẽ nữa sau những lời ấy của anh. Là sự tự tin hay cao mạn, kệ, là gì cũng được, tôi chẳng việc gì phải khách sáo với người từng đơn phương mình. Bây giờ anh là cây tùng, cây bách có chủ rồi. Nghe bảo, vợ anh lớn hơn mấy tuổi, cũng nghe “giang hồ” quảng bá, anh chị rất tâm đầu ý hợp. Giá ngày xưa anh có được phong thái này thì biết đâu tôi đã… Ôi trời, lẩn thẩn mất rồi! Ý nghĩ vừa thoáng qua, tôi lật đật rủa xả mình hồ đồ.

Nhà anh ở thành phố, chắc sợ tôi buồn tủi nên chiều tan ca, anh thường tranh thủ đến thăm trước khi về nhà. Tôi hỏi có sao không, bà xã ấy, anh bảo không sao, công việc của anh thường đi sớm về muộn, anh không dễ sa ngã, với lại chị ấy không phải mẫu người nhìn thấy chồng mình nhìn ảnh cô gái trên tấm lịch cũng ghen. Thấy anh cười khẳng định, tôi cũng yên tâm. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, tôi và anh cũng rất vô tư, rồi không biết tự khi nào, vì cái gì, những cuộc gặp cứ tăng lên theo cấp số… nhân.

Rồi một đêm trăng chín, anh rủ tôi đi chơi ở tháp Nhạn. Tôi sợ mùi thuốc, mùi của bệnh viện quá rồi, cũng muốn thay đổi không khí chút nên nhận lời.

Một nam một nữ bị lấp dưới ánh trăng nhập nhòa, huyền ảo, nếu không chịu phó mình cho cảm xúc, hẳn là trọng tội với bản thân. Nhưng tự trọng đàn bà đã dập tắt ngọn lửa rất “người” đang hực lên. Không có gì nghiêm trọng cả! Chỉ là vừa đi vừa nói chuyện, chiếc váy hoa bập bùng bị gió hất, rồi một bước bị trượt cấp, khuôn ngực phập phồng đụng phải cánh tay của người anh đáng kính khi anh nhào lại đỡ. Mọi thứ đều bất khả kháng. Đừng căng thẳng, đừng mất bình tĩnh như thế. Đồ ngốc!

Đêm đó về, tôi không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là thấy tôi và Việt đi sát nhau, nhập nhòa dưới trăng...

… Và như thế, những đêm mất ngủ đã làm tôi không còn thấy mình bơ vơ trơ trọi, chẳng còn tủi thân bẽ bàng, chẳng còn mệt lả nữa. Chúng tôi, đúng hơn là tôi đã yêu lúc nào không hay biết.

Tôi ghét làm kẻ thứ ba nhưng bất lực, giờ tôi không thể bắt mình rời ra anh được nữa. Tôi muốn yêu và được yêu. Tôi bằng lòng nấp trong bóng tối mà không đòi hỏi. Thề với trời, tình yêu vụng trộm này sẽ là bí mật trời không biết đất không hay. Tôi không cần sĩ diện, không tự trọng, không gì nữa hết. Đốn mạt hơn, tôi chẳng còn nghĩ đến người bố cho con nữa. Yêu anh, tôi đã đi từ A sang B thành C rồi, như con sên mù, tôi cứ thế dấn thân, muốn được cháy và bốc cháy hơn nữa...
 

Và cái  kết

Đêm đó, chúng tôi lại gặp nhau.

Nằm trên ngực Việt, mái tóc dài đổ xuống cơ thể anh, tôi ngất ngây thầm thì:

  - Anh là hạnh phúc mà ông trời đã bù đắp cho em sau những đổ nát, tồi tàn.

Trước khi lên xe về, tôi lại ôm anh từ phía sau, bịn rịn không muốn chia xa. Tôi ước gì anh quay người lại ôm lấy tôi, xiết chặt. Anh cũng quay, nhưng không phải ôm mà nhìn vào tôi một cách tội nghiệp rồi cầm tay tôi, đặt vào đó mấy tờ tiền lạnh ngắt, nói:

- Mong em đừng tổn thương. Vợ anh đi công tác đã về…

Không biết lúc nào, mắt tôi đã đẫm lệ. Tôi đứng quay mòng mòng, người đàn ông trước mặt phút chốc bỗng xa lạ, căn phòng đang hoa lệ bỗng tối om như địa ngục, đôi tay tôi đang căng tràn bỗng thõng xuống như bị ai đánh gãy… Tôi tung cửa, chạy băng ra đường để về với con…

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm