- Tin tức - Hoạt động Hội
- “Lửa thơ” Hòa Đồng xúc động qua một phần tư thế kỷ
“Lửa thơ” Hòa Đồng xúc động qua một phần tư thế kỷ
Tối mùng 4 tết, dù trời mưa bay bay và se sắt lạnh, những người yêu thơ vẫn hội ngộ tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên háo hức chờ đón đêm thơ vừa tròn 25 mùa xuân. Trên khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, hiếm có xã nào như Hòa Đồng, đã giữ lửa đêm thơ truyền thống suốt một phần tư thế kỷ!
Từ trái sang: Nhà thơ Phan Hoàng, ông Phan Đình Phùng và ông Ngô Đình Thiện, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa trong đêm thơ truyền thống Hòa Đồng. Ảnh Yên Lan
Đêm thơ – “thương hiệu” của Hòa Đồng
Một trong những khách thơ đặc biệt tham dự đêm thơ truyền thống ở Hòa Đồng là ông Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Những người gắn bó với đêm thơ nơi đây nói rằng từ lúc còn làm việc tại Bảo tàng tỉnh, Sở VH-TT&DL tỉnh, trở thành phó chủ tịch UBND tỉnh cho đến sau khi nghỉ hưu, ông Phan Đình Phùng – một người yêu thơ say đắm – hiếm khi vắng mặt trong đêm thơ Hòa Đồng. Khi thấy ông một mình một xe máy từ Tuy Hòa lên Hòa Đồng trong mưa bay gió lạnh, nhiều người không khỏi xúc động.
Ông Phan Đình Phùng, lãnh đạo UBND huyện Tây Hòa và nhà thơ Phan Hoàng trao quà động viên các em học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Đây là nghĩa cử và điểm nhấn đẹp mà đêm thơ Hoà Đồng hướng tới.
Được mời mở đầu đêm thơ, nhà sử học Phan Đình Phùng đọc liên khúc thơ, gồm một trích đoạn trong trường ca Bước gió truyền kỳ và những bài thơ khác của nhà thơ Phan Hoàng – người con của Hòa Đồng, một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc duy trì đêm thơ truyền thống của xã suốt 25 năm qua:
…Cảm ơn người mở đường
Hóa thân bước gió truyền kỳ
Ta lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc
Uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm
Dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người
Và:
Người ơi
Từ đâu theo gió bay đi
Từ đâu hồn thiêng quay về cùng gió…
Từ xã Hòa Tân Tây lên Hòa Đồng tham dự đêm thơ, ông Phan Quyết Chí (71 tuổi, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Thơ có thể làm cho con người vui, trẻ, khỏe, động viên người ta hoàn thành các nhiệm vụ. Văn chương chính là nguồn động viên, khích lệ tinh thần”.
Tình yêu thơ ca giúp tâm hồn tươi trẻ. Có lẽ vì vậy mà tác giả Cao Trung, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) có những câu thơ rất trẻ, rất tình về mùa xuân:
Cửa sổ mùa xuân đã vén rèm
Tâm tư lắng lại ngắm nhìn xem
Sắc trời e ấp màu nhung nhớ
Xuân đã đến rồi trong mắt em.
Mắt em là cả một trời xuân
Mây nước ngẩn ngơ, gió ngập ngừng
Đừng trách hờn anh sao đắm đuối
Một chút em nhìn mãi bâng khuâng…
Không chỉ giới thiệu những bài thơ về quê hương đất nước, về mùa xuân, tình yêu… và một số tiết mục dân ca bài chòi, tân nhạc, đêm thơ Hòa Đồng còn để lại dấu ấn đặc biệt. Từ sự ủng hộ, đóng góp của các mạnh thường quân gần xa, trong đó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Minh Trí và một cụ bà hơn 90 tuổi, Ban Tổ chức đêm thơ Hòa Đồng đã trao 30 suất quà động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, mỗi suất 500.000 đồng. Hoạt động tặng quà tiếp sức đến trường được duy trì trong các đêm thơ Hòa Đồng, suốt 25 năm qua.
Sức sống của một hoạt động văn hóa
Là một người con của Hòa Đồng, nhà phê bình văn học – TS Phạm Ngọc Hiền, Chủ nhiệm chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường đại học Sài Gòn, chia sẻ: “Tôi rất vui khi có dịp trở về quê hương. Hòa Đồng là xã có truyền thống văn học nghệ thuật, có nhiều văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu văn nghệ. Trong bối cảnh một số huyện tổ chức đêm thơ không đều đặn thì việc duy trì đêm thơ Hòa Đồng vào mùng 4 tết mỗi năm là điều rất đáng ghi nhận”.
Theo TS Phạm Ngọc Hiền, đêm thơ Hòa Đồng được duy trì đều đặn nhờ nhiệt huyết của nhà thơ Phan Hoàng, cố chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Sự, ông Đắc Dinh và nhiều văn nghệ sĩ khác. Xã Hòa Đồng ở vị trí trung tâm của huyện nên cũng thuận lợi trong giao lưu văn nghệ; lãnh đạo xã, huyện có sự quan tâm nên thúc đẩy phong trào phát triển.
Chị Mỹ Lệ, một giọng ngâm thơ hay của quê lúa Hòa Đồng. Ảnh Yên Lan
Theo anh Lê Tấn Khoa, Phó phân hội Văn học Nghệ thuật xã Hòa Đồng, đêm thơ truyền thống là một sự kiện văn hóa của xã nhà, mang lại niềm vui cho bà con sau một năm lao động. Đối với bà con, thơ ca là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Tham dự đêm thơ Hòa Đồng, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, cảm nhận tình yêu thơ ca của người dân nơi đây. Tác giả Hát với luống cày, Người mẫu trần gian, Nhớ sông… nói: “Đêm thơ được tổ chức tại các huyện, thị xã trong tỉnh đều xuất phát tình yêu thơ của các tác giả và người dân địa phương.
Xã Hòa Đồng là quê hương của những tác giả thơ đã thành danh và có những nhà thơ nổi tiếng, đặc biệt là nhà thơ Phan Hoàng. Họ đã khơi nguồn đêm thơ truyền thống, gây dựng đêm thơ từ buổi sơ khai trở thành “thương hiệu” của quê hương Hòa Đồng. Đêm thơ khẳng định sức sống của một hoạt động văn hóa, của tình yêu thơ ở nơi này trong 25 năm qua. Đây là một quá trình xuyên suốt và được bồi đắp không ngừng cho đến tận bây giờ”.
“Thi ca không làm ra lúa gạo, nhưng thi ca giúp cho những người như chúng tôi, những nông dân, công nhân, trí thức có những giấc mơ đẹp. Thi ca không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng thi ca – cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác – bồi đắp tâm hồn con người, là cơ sở cho sự thành công trong cuộc đời mỗi con người. Chính vì vậy, tôi hết sức cảm ơn các thế hệ lãnh đạo xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đã quan tâm, tạo điều kiện và các mạnh thường quân đã đồng hành với đêm thơ bao năm qua” – Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc kiêm Chủ biên trang vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam tâm sự.
YÊN LAN
Báo Phú Yên