TIN TỨC

Mùa điên điển – Bút kí của Bảo Bình

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1942 lượt xem

Rồi mưa bão cũng qua đi. Hoang tàn, xơ xác. Thật là hiếm hoi khi xuất hiện gió bão ở vùng đồng bằng.

Rồi từng bước, con đường cũng được khắc phục, sửa sang. Tuy vẫn là con đường dẫn ra chợ quê, nhưng đã khác xưa; đẹp hơn, rộng lớn hơn.

Em đi trong gió nồm lạnh, phong phanh chiếc áo ngày ấy – chiếc áo màu điên điển – cái màu của loài hoa dễ thương, làm đẹp bờ ao quê, và làm nên hương vị canh chua mẻ, cái hương vị xa quê em nhớ mãi, cái màu hoa làm nên tình yêu của chúng ta. Và, chiếc áo chỉ được mặc một lần trên năm – trong ngày giỗ anh – em tưởng về tình yêu của chúng mình không có mâm bàn, hoa quả, nến hương…chỉ có em cùng màu hoa điên điển, với một tấm lòng (không quay quắt như ngày mới mất nhau, nhưng thâm trầm, da diết, cứa vào lòng những mũi kim đau), tấm lòng dành cho anh không thay đổi.

Anh à! Quê mình giờ đã khác xưa, thay đổi rất nhiều, thay đổi trong niềm vui, nỗi buồn pha lẫn. Cảnh sắc trở nên sáng sủa hơn nhờ những ngôi nhà được xây tường, nhờ những con đường được tráng nhựa, nhưng, cũng buồn lắm, vì bác Năm đã không còn, thiếm Tám cũng ra đi, thằng Nam dễ thương và hiền lành nhất xóm cũng yểu mạng (một tên say rượu lái xe đâm sầm vào nó, nó chết mà không biết mình chết sau một cú va chạm). Quê mình cũng không còn nhộn nhịp nổ cốm, tráng bánh…Vào những ngày giáp tết, xã hội tiến bộ lắm! (cái gì cũng được chuyên nghiệp hóa). Người ta không cần tự tay làm lấy bánh mới có bánh để dâng lên tổ tiên hay tiếp khách đâu anh, mà lại rất nhiều, rất phong phú bánh mứt, đủ các mặt hàng đắt rẻ của ta, của các nước nhập về phục vụ bà con, không như ngày ấy, mẹ đánh bột, mấy chị em em nướng bánh, hì hụp dăm ba ngày, năm nào sang lắm mới được đủ mặt bánh kẹp, bông lan, mứt dừa và bánh in; thường  có bánh kẹp thì sẽ không có bông lan và ngược lại (mẹ bảo tiết kiệm, dành phần cho ít đòn bánh tét rước ông bà). Vài miếng ruộng, miếng vườn đã được đổi chủ, rồi người ta biến nó thành quán ăn, nơi giải trí… Miếng vườn nhà anh – nơi có thật nhiều hoa điên điển lúc vào mùa, nơi mình hay gặp nhau những khi em tìm hoa, tìm rau để hái, cũng để ngắm nhìn anh những lúc khom lưng nhễ nhại mồ hôi chăm mấy luống cà (không hiểu sao anh cứ thích trồng cà? Hết mùa này đến mùa khác toàn cà. Rồi ngâm nga một mình câu: trèo lên cây bưởi hái hoa…). Miếng vườn ấy, cậu anh cũng đã bán đi rồi. Ưà! Mà chắc là anh biết (vì cậu đã thắp nhang van vái lúc bốc mộ bác, mộ anh đưa về bên Vĩnh Long). Em ngắm làng quê mình, ngắm miếng vườn còn sót lại của nhà em, nhà chú bảy, cô hai…ngắm mấy cây điên điển đang ngã đầu vào nhau nũng nịu, hát ca trong gió mà nhớ anh.

Anh nè, ở nơi xa xôi đó, anh thế nào? Anh có vui và cười giòn tan như những khi oằn cành điên điển cho em? Anh có tấm tắc và ăn ngon lành như mỗi khi em mang qua nhà tô cari ốc (khoai lang là do ba trồng, còn ốc thì đầy dưới ao, trên đồng) là của má nấu, và bảo em mang sang biếu bác, nhưng anh bảo bác không thích cari và anh ăn dùm. Rồi những khi đi giỡ lưới vào những ngày nước nổi, anh có hát vang; “áo nàng vàng anh về thương hoa cúc…” ? Ừa, nhớ lúc đó em hờn dỗi: Anh thích hoa cúc lắm à? Anh cười: Quê mùa như anh, thích bông điên điển thôi. Tại không biết bài  nào về điên điển, để có thể hát vang lên thay lời muốn nói… Em đã đỏ mặt, và hạnh phúc biết bao…

Rồi một ngày, chiếc áo cũng không tồn tại nữa (nó đã cũ đi rất nhiều, và nhạt đi cái màu điên điển). Rồi một ngày, em cũng sẽ không tồn tại nữa (em đã đi hơn nửa cuộc đời; chân mõi, da khô…). Tất cả rồi sẽ lại về với hư vô (sắc không ở cõi dương trần). Thoảng lại nhân gian mùi hương điên điển lúc dậy mùa, làm nên cái đẹp bình dị của làng quê (bình dị mà thân thương đến vậy). Rồi sẽ lại có những cuộc đời, vươn lên từ ao làng, làm nên bao điều hạnh phúc, phải không anh?

Ừa! Thì hãy trôi đi theo thời gian những vui buồn nhân thế. Trôi đi những được mất vô thường. Trôi đi những nghẹn ngào, tức tưởi của điên điển  khi phải rụng vàng bờ ao trước sự vô tình của cuộc đời (không! Là sự vô tình của chúng ta). Em lặng lẽ bên con đường xưa, cho đi những gì có thể (chỉ ích kỉ giữ lại riêng mình tình anh, tình em dành cho anh). Em ích kỉ giữ lại mảnh vườn và ngôi nhà quê (ngôi nhà hương quả, và mảnh vườn có Ba em nằm, mảnh vườn cho em quá nhiều kỉ niệm). Em ích kỉ đi bên cuộc đời, nhận lãnh những điều cay nghiệt của nhân gian, nhưng lại vô vàn hạnh phúc vì được sống thật với chính mình. Em biết, rồi một mai em sẽ ra đi, nên ích kỉ dặn lại con trai rằng: Hãy để mẹ nằm bên ông ngoại. Hãy để mẹ được nghe tiếng vi vu tự tình mùa điên điển quê mình. Con trai em cười: Mẹ cứ lo xa. Khi đã đủ trưởng thành để hiểu về kiếp nhân sinh, để biết nâng niu tình máu mủ, thì người thân đã không còn bên ta nữa. Quay quắt và chua xót biết là bao!

Em ngắm làng quê mình – một buổi chiều giáp tết – nghe hương vị trẻ con trồi lên, thèm cái ấm áp của ngày xưa, thèm được lủng đủng theo ba hái dưa, hai tay hai trái to tròn kẹp vào bên hông, nghêu ngao từ vườn vào nhà, có khi vuột tay tuột rơi, nghe tiếng “ bụp” mà xót, ngó ba như biết lỗi, ba cười: Không sao, con… Thích nhất là những ngày tát mương bắt cá, cá ơi là cá: nào lóc, rô, trê, thác lác… nào rắn, rùa… Sao ngày ấy cá nhiều đến thế anh nhỉ? Sáng sớm em ra vườn hái bông bí, có khi bắt được cả những chú rùa bò lên bờ, chiến công của em luôn được ba kiêu hãnh; “Con gái của ba là nhất” và anh hay cười ghẹo: Thì ra, em cứ thích ra vườn là để “lùng sục” chiến công. Nhớ những lúc mẹ kêu: Tết làm gì? Trăm chuyện lo! Ba cười: chỉ cần hai cái mương là mình ăn tết hoành tráng, lo gì?. Và đúng như thế, lúc nước rút gần cạn, lũ cá lổm ngổm, chen chúc, trông mà mê. Mấy chị em chẳng kể gì mẹ quát, cứ té tát xuống bùn sình bắt chụp, bắt chụp … Cá được phân loại và cho vào các nồi to để rộng ăn dần (những cái nồi dành nấu bánh tét ngày tết, ngày giỗ), và thế là lóc nướng trui gói bánh tráng nè, trê trắng nấu chua với rô kho tộ nè, thác lác chiên sả ớt thơm lừng nè, thêm một nồi thịt kho hột vịt cùng với hủ dưa cải của mẹ, tài nấu ăn của mẹ, làm nên một cái tết quê đậm đà hương vị. Còn những chú cá được cho là  nhỏ – không xứng ăn tết –  thì được tẩm ướp đưa lên nia  phơi khô. “Mấy con cá này nướng lên với dĩa bông điên điển xào và  xị đế là ba mày có thể làm thơ”, mẹ nói thế, và thật. Lúc ngà ngà, ba biểu em ngồi bên phụ họa, trên tay là cây đàn ghita cũ xì – nó là bạn ba từ thời trai trẻ hiển hách – em là đứa con được ba “truyền nghề” từ nhỏ,  chơi đàn không chuyên mà vẫn rất nghề, Ba nói thế chắc để động viên con gái. Em đệm đàn bên tiếng hát vút cao của ba, có khi ngẫu hứng ba ngâm Kiều, ngâm Lục Vân Tiên… mấy chị em ngồi chen nhau nghểnh cổ, anh mơ màng, mẹ thì chẳng thèm bếp núc nhà cửa gì nữa, ngẩn ngơ…em vẫn hay tự hào: Nếu không “ thất thế” về quê, chắc ba sẽ là một nghệ sĩ tên tuổi…Ba lại cười.

Anh ạ! Điên điển vào mùa, là tết lại về, nói sao hết những kí ức đẹp trong em, nói sao hết những da diết nhớ thương về những người thân yêu không còn bên cạnh, nói sao hết những ngậm ngùi của ngày xưa…Quê mình, giờ đổi thay nhiều, như cô thiếu nữ được khoác vào chiếc áo mới, như chàng trai căng nhựa mùa khai hoa.  Em ngắm làng quê mình, một buổi chiều giáp tết, nghe đong đầy tình yêu thương người quê, em cầu chúc cho tất cả bà con mình một cái tết ngọt ngào bên tấm chiếu giữa sân có đông người chen chúc, bên tiếng hát vút cao… Hạnh phúc nào bằng, phải không anh? Thôi, em lại phải đi đây, lại tiếp tục công việc và cuộc sống phía trước. Anh hãy vui vẻ và an lành nhé, dù đang ở nơi đâu!? Góc trời riêng của chúng ta vẫn tím sắc mây, bưởi nhà chú Bảy vẫn trĩu cành và ngọt lịm…Em lại nhìn thấy mấy cô cậu thanh niên tay rỗ, tay lưới cười vang từ đầu làng và vang xa những câu hò sâu lắng…Tiếng hò ấm áp ngày nào của anh.

Điên điển lại vào mùa, vàng rực một vùng quê.

Bảo Bình

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm