TIN TỨC

Một năm cũ mèm dạy ta điều gì?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-03 11:02:45
mail facebook google pos stwis
527 lượt xem

LƯU VĨ LÂN

Cái may của sự "cũ mèm" này là chúng ta biết để "ôn cố tri tân". 2022 là "giờ ôn bài" cần thiết để đi vào 2023 và sau nữa.


Lịch sử là sự lặp lại chính nó, giấy dán và chất liệu tổng hợp, Mathilde Aubier. Ảnh: Wired.com

2022 đối với tôi là một năm cũ kỹ, dù có quá nhiều biến cố tưởng là mới. Với các bạn trẻ, những chuyện ấy có thể mới, còn với những "người muôn năm cũ" như chúng tôi thì chỉ là chuyện "cũ muôn năm". Con người dường như không mấy thay đổi theo thời gian.

Những vòng lặp tai quái
 

Chẳng hạn, biến cố Vạn Thịnh Phát là lạ hay quen? Mùa Noel, xuân về này ta không còn gặp dàn đèn trang trí rực rỡ ở các con đường trung tâm dưới cái logo bảo trợ của "người khổng lồ" này. 

Ta không còn trầm trồ, lẫn tự lự và kinh ngạc tự hỏi khi đi ngang hai tòa tài sản khổng lồ trên đường Đồng Khởi: Union Square, trước có tên Vincom A mà Vạn Thịnh Phát mua lại với giá kinh hoàng, xong để đó chơi, không thấy kinh doanh gì, hay tòa nhà Time Square tọa lạc trên mảnh đất kim cương giữa Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, xây xong cũng chẳng thấy hoạt động rôm rả gì cho đáng với giá trị không đếm xuể của nó.

Thiên hạ xầm xì đồn đại, rằng tiền của một cường quốc lân bang hùng mạnh, mua để đó chơi, để giữ chỗ… Tưởng Tôn Tử binh pháp có chiêu gì mới nên ngóng chờ xem, sau cùng mới té ngửa ra, chẳng có Tử hay Tôn, binh hay pháp gì sất. 

Lượng tiền nhiều kinh hoàng ấy là của bà con mình "được" họ gom lại để cái công ty ấy thành đại gia. Dùng "nước sông, công lính" để lòe, để ra uy, để tiếp tục gom… Mấy người bạn nhà giáo hưu trí của tôi gom hết gia sản được vài trăm triệu mua trái phiếu ấy nay đang khóc ròng. Tưởng chiêu mới ai dè lại cũ mèm…

Nói chiêu không mới, nhưng chuyện có mới không? Thưa cũng không luôn. Ai sống đủ lâu đều biết xì căng đan Nước hoa Thanh Hương cách nay 32 năm. Nên nhớ bối cảnh kinh tế những năm 1985, 1986 ấy, Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến thống nhất mới hơn 10 năm, nền kinh tế bao cấp đang gây tác hại lớn, cấm vận kinh tế đang bao trùm, và suy thoái do cuộc chiến phía Tây Nam vẫn còn tiếp diễn… Nhưng, đổi mới kinh tế đã bắt đầu và giới làm ăn thế hệ mới của xứ ta lúc đó còn khá non nớt, bởi phần lớn dân tài phiệt làm ăn kinh bang tế thế đầy kinh nghiệm đã ra đi hết. 

Nền kinh tế đang thiếu vốn tiền và vốn người, một loạt hợp tác xã tín dụng xé rào trở thành loại ngân hàng tư nhân để huy động số tiền còm cõi trong dân và cấp cho các nhà kinh doanh chưa đủ lớn… Trong lúc chập choạng mở cửa làm ăn đó, vào cái lúc mà quảng cáo trên truyền hình và báo in chỉ mới mò mẫm như một dạng thử nghiệm, thì các mẩu quảng cáo "Nước hoa Thanh Hương" - một loại nước hoa rẻ tiền, xức vào thấy mình không thăng hoa mà chỉ… giáng họa với người đẹp - đã chiếm lĩnh sóng và tất cả các trang báo.

Rồi ông chủ Nước hoa Thanh Hương, người còn trẻ mà phốp pháp so với thể trạng suy dinh dưỡng chung của công chúng lúc đó xuất hiện với một chiếc xe hơi sang trọng, không nhớ rõ thương hiệu, giữa cái thời mà chạy xe Lada của Liên Xô đã oách rồi lấy đâu ra Merc, BMW, Audi, Roll Royce… Và đặc biệt là một dàn cận vệ, ăn mặc đồ đen giống trong phim xã hội đen nhiều tập của Hong Kong thịnh hành đương thời. 

Thiên hạ lóa cả mắt vì vừa đạp xe đạp, vừa chưa no đủ, vừa thèm khát nhiều thứ, nhìn cái dàn biểu diễn ấy ai cũng lim dim mắt mơ màng, quên mất luôn cái tên khá dân dã của chủ nhân: Nguyễn Văn Mười Hai, chứ không sang chảnh và Tây như Jonathan, Henry, Micheal… bây giờ.

Nói thật, đến giờ này tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại là nước hoa mà không phải là hãng… bánh mì, một cái gì đó thuộc về nhu yếu phẩm một chút, đã tung chiêu lòe mắt được thiên hạ. Nghèo thế mấy ai dùng nước hoa, vậy mà hãng nước hoa đó đã gom được không biết bao nhiêu tiền của dân chúng gởi vào để lấy lãi theo mô thức lừa đảo Ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước…), cho đến một buổi sáng nọ, trụ sở cũng là ngôi nhà của vị chủ nhân nằm trong cái ngách chợ Thái Bình, quận 1 bị phong tỏa. Và cũng đến tận giờ tôi lại vẫn tự hỏi, vì lúc ấy dù chưa có khu căn hộ, biệt thự cao cấp như hiện nay, nhưng đại gia mà ở và xuất thân chỗ này sao đặng ta?

Kết quả sau cùng của vụ Thanh Hương là… thiên hạ mất tiền, còn ông chủ thoát nạn chỉ "nằm ấp" gỡ lịch, luật hình sự được điều chỉnh: đưa thêm mức hình phạt tử hình vào tội lừa đảo.

Vậy vụ moi tiền nhà nước của Việt Á trong năm 2022 có mới chăng? Cũng là "chuyện cũ muôn năm". Vì nếu Thanh Hương hay Vạn Thịnh Phát… gom tiền của dân thì Việt Á giống với Minh Phụng… gom tiền của Nhà nước. 

Còn nhớ, chỉ sau vụ Thanh Hương vài năm, bước vào thập niên 1990, kinh tế bùng nổ mà trước hết là đất đai… Minh Phụng không chịu yên ổn làm một doanh nghiệp may xuất khẩu thành công mà nhảy vào đầu cơ đất. Tên tuổi anh ta bao trùm mọi sự và cách chi tiền của anh ta cũng nổi như cồn. Anh ta gom tiền đầu cơ đất mà hầu hết là lập hồ sơ giả để vay tiền của một ngân hàng quốc doanh. 

Đùng một cái khủng hoảng kinh tế châu Á bùng phát vào cuối thập niên 1990, anh ta vỡ nợ và lòi ra các chiêu giả dối vay tiền này… Cú sụp của Minh Phụng quá lớn và anh ta lãnh đủ hệ quả từ Thanh Hương: án tử hình đã có sẵn.

Lịch sử đi đường vòng
 

Thế sự về "kinh bang" là vậy, còn "tế thế" thì sao? Không biết có trùng hợp hay số phận run rủi mà ngay cái năm 2022 ác nghiệt này của châu Âu, người Đức lại sản xuất bộ phim chiến tranh thật hay - điều mà họ ít làm - mang tên Phía Tây không có gì lạ, tác phẩm người Sài Gòn xưa quen hơn với tên gọi Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh của văn hào Erich Maria Remarque nói về sự tàn khốc của Thế chiến thứ nhất. 

Phim thật công phu, nghe đâu người Đức làm để giành giải Oscar và cũng là lần đầu tiên họ đưa tuyệt tác của một văn hào Đức lên màn ảnh để vượt qua ám ảnh của những cuộc chiến tranh mà họ đã tiến hành.

Vấn đề là ở đây, ta cảm giác về cái chất "cũ muôn năm" của lịch sử đã được lặp lại. Bộ phim rất ám ảnh vì cảnh ngập ngụa trong máu và bùn lầy của người lính trong một chiến tuyến bị rơi vào thế giằng co, không ai tiến lên hay lùi lại, không ai thắng, chỉ có con người chịu đựng cái chết, dơ bẩn và tuyệt vọng… 

Hình ảnh của gần 90 năm trước ở trận địa giữa châu Âu ấy vào đúng 2022 này đang lặp lại, cũng ở châu Âu, chỉ hơi lệch về phía đông một chút. Cuộc chiến ở Ukraine đang rơi vào đúng thế giằng co, lầy lội như thế. 

Người lính Nga và Ukraine cũng đang vật lộn dưới giao thông hào ngập ngụa tuyết non chưa đông cứng, đang tan chảy thành bùn như thế… Và cũng chính tại nơi đây: Đông, Trung Âu và cái vùng mang tên Balkan cạnh đó, mà trong tiếng Anh có thuật ngữ Balkanize (diễn nôm là: trở thành y như Balkan) để chỉ sự hỗn mang, lộn xộn: hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai đã khởi phát. Giờ đây nó đang có khả năng nhen nhóm cho một cuộc chiến thế giới thứ ba và là cuối cùng của nhân loại. Vì nó sẽ là cuộc chiến… hạt nhân.

Chúng ta không quen lắm với xung khắc của hai dân tộc này, nó ở xa và ta không biết nhiều về mối quan hệ giữa họ. Nhưng ở tầm toàn cầu, ta vẫn ngửi thấy cái mùi "khét" của tham vọng và âm mưu quen quen phảng phất quanh đây. 

Ta chợt nhận ra: hầu hết các quốc gia trong liên minh ủng hộ Ukraine đều là các quốc gia phương Tây có quan hệ với giai đoạn thuộc địa: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… Hoặc Mỹ… 

Chúng ta và những nước phương Đông, Ấn Độ, Ả Rập, châu Phi, châu Mỹ Latin… vốn là nạn nhân của giai đoạn ấy, đều như đang gặp lại "người quen cũ". Và không lạ gì, cũng chính các quốc gia của cái liên minh ấy lại là tác nhân gây ra hai cuộc thế chiến trước đó… 

Rồi cũng chính họ đã hai lần tấn công Nga. Năm 1812 Napoleon đã chiếm Máxcơva và đốt cháy kinh đô này, và lặp lại năm 1941 Hitler tấn công Liên Xô. Dù là Sa hoàng, Stalin hay Putin thì họ cũng sẽ nhắm đến nước Nga. Lại là chuyện "cũ muôn năm" phải không nào?

Sau cùng của 2022, nhưng không phải cuối cùng, đó là cơn ám ảnh ma mị covid. Nó phá hỏng hai năm cuộc đời của mọi người. Mai đây trong lịch sử nhân loại hai năm 2020 và 2021 sẽ là một khoảng trống rỗng: nằm nhà, cô lập, lo sợ, chết chóc… và chẳng làm được gì. 

Và 2022 là năm chúng ta tìm cách quay lại cuộc sống bình thường để suy ngẫm về những năm tháng kỳ lạ vừa qua ấy. Nhưng câu hỏi vẫn là: có thật lạ không? Thưa cũng không nốt, nếu bạn nhìn vào bức hình chụp hồi 100 năm trước trong cơn đại dịch cúm Tây Ban Nha, bạn có nhận thấy một phần của chúng ta trong đó không? Sau rốt, mọi sự dường như cũng lại là "chuyện cũ, biết rồi, nói mãi…".

Nhưng trong cái rủi có điều may. Cái may của sự "cũ mèm" này là chúng ta biết để "ôn cố tri tân". Chúng ta đã trải qua, đã biết và đã "thuộc bài" để đối phó với các biến cố trên. Chúng ta xử lý tốt hơn thủ thuật Ponzi Scheme, Vạn Thịnh Phát, hay lật ra toàn bộ câu chuyện Việt Á không nương tay… giúp nền kinh tế của 2022 phát triển ổn định. Chúng ta cũng quá rõ các cuộc chơi địa chính trị, đã trả giá và đã hiểu… 

Do đó, 2022 là "giờ ôn bài" cần thiết để đi vào 2023 và sau nữa.

Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm
“Vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.
Xem thêm
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ.
Xem thêm
Nhà thơ thì chơi với ai?
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm