TIN TỨC

Một tập bình thơ tâm huyết và đầy sáng tạo về hình tượng Hồ Chủ tịch

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-05-19 08:21:51
mail facebook google pos stwis
904 lượt xem

ĐẶNG BÁ TIẾN

Trong vòng mười năm trở lại đây, nhà thơ Lê Thành Văn nổi lên như một cây bút bình thơ ấn tượng trên văn đàn cả nước. Thế mạnh của tác giả là làm nghề dạy học, trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Ngữ văn bậc Trung học phổ thông, vậy nên việc cảm thụ, truyền dạy kiến thức về thơ ca cũng tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày. Chính từ thực tiễn ấy, Lê Thành Văn xem bình thơ và dạy học hòa quyện cùng nhau không thể tách rời; nhờ đó, anh đã có nhiều bài bình thơ rất thành công, được trao nhiều giải thưởng ở thể loại này.

Sau thành công của tập thơ Tây Nguyên mong đón Bác về (Giải B, không có giải A, của Ban Tuyên giáo Trung ương viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021 - 2023), Lê Thành Văn tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập bình thơ Khi lòng ta có Bác.  Tác phẩm tập hợp 28 bài bình thơ viết về Bác, đã được đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những bài thơ được Lê Thành Văn chọn bình phần lớn của các nhà thơ tên tuổi như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hải Như, Viễn Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Phan Hách...; trong đó có ba bài thơ của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lúc sinh thời.

Dù chọn thơ Bác hay của một số nhà thơ khác, tiêu chí đầu tiên của Lê Thành Văn là phải phát hiện được vẻ đẹp tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người trong tác phẩm được cảm thụ. Ở mỗi bài thơ chọn bình, anh đều đặt nhan đề cô đọng để hướng độc giả đến nội dung chính khi cần tiếp nhận. Chẳng hạn, với bài thơ Sáu mươi tuổi của Hồ Chí Minh, Lê Thành Văn phát hiện được nét “hóm hỉnh, yêu đời” trong phong cách sống của Bác. Bài Chúc Tết Mậu Thân 1968, anh lại thấy được “tư tưởng toàn thắng” trong “lời hiệu triệu nước non” của Người. Ở bài Bác Hồ đi chúc Tết của Nguyễn Hưng Hải là tấm lòng thương dân thiết tha của Bác, khiến tất thảy chúng ta đều xúc động... Chọn điểm nhấn cần thiết cho mỗi bài bình, qua đó, Lê Thành Văn không những giúp cho người đọc cảm nhận được nội dung tư tưởng tác phẩm mà còn học tập được ở Bác những phẩm chất về lẽ sống, đạo đức cách mạng, đạo đức làm người.

Đọc tập sách Khi lòng ta có Bác của Lê Thành Văn, tôi đặc biệt ấn tượng với một số bài bình thực sự có giá trị, vừa thấu suốt về nội dung, đồng thời đạt được phẩm chất nghệ thuật qua lối hành văn nghị luận giàu nhạc điệu và mê đắm. Các bài bình “Từ bàn chân trần Hồ Chí Minh, nghĩ về sự bình dị mà vĩ đại của một nhân cách lớn”, “Học Bác từ những vần thơ lay động lòng người”, “Cây trong vườn Bác – mùa màng nhân gian”, hay “Tiếng Người lắng lại thành lời Tuyên ngôn”... thật sự lôi cuốn và hấp dẫn. Qua mỗi bài bình thơ ấy, ta thấy Lê Thành Văn không chỉ viết ra từ một khả năng am tường chữ nghĩa, sự cảm thụ và hiểu thơ tinh tế; mà lắng đọng hơn, sâu sắc hơn, thấm thía hơn là niềm kính yêu vô hạn, sự rung động thiêng liêng trước tấm gương đạo đức và phong cách sống của Bác Hồ. Chẳng hạn, khi anh cảm nhận ba câu thơ trong bài Bàn chân trần Hồ Chí Minh của Thai Sắc, nghệ thuật so sánh và khả năng khái quát ở đây rất tài tình: “Hai động từ “đạp” và “băng” đã dựng lên một chân dung lẫm liệt, một khí thế quật cường, xả thân vì nghĩa lớn. Lê Lợi thuở đánh giặc Minh giữa rừng núi Lam Sơn đã phải “nếm mật nằm gai/ há phải một hai sớm tối”, Hồ Chí Minh cùng những người lính đánh Pháp cũng chấp nhận hi sinh, chấp nhận để bàn chân trần của mình bao lần gai đâm tứa máu. Nhờ vậy, vóc dáng sử thi từ một bài thơ nhỏ nhắn, ngắn gọn cũng nằm ở chỗ đó: “Bàn chân trần Hồ Chí Minh/ Đạp gai sâu những ngày tháng chiến khu/ Người lính già vẫn băng ra trận” (Trang 18, 19). Ở bài thơ Cây vú sữa trong vườn Bác của Quốc Tấn, Lê Thành Văn cũng có những cảm thụ rất riêng về bốn câu thơ sau:

“Tay nghiêng thùng tưới bên cây

Rưng rưng... hoa tím uống đầy nắng tươi

Ung dung Bác đứng ngắm cười

Cả trời xuân ấm tình Người thương yêu.

Thật vậy, mười lăm năm, kể từ ngày miền Nam dâng tặng cây vú sữa đến lúc Bác qua đời là quãng thời gian miền Nam luôn hiện về trong trái tim da diết nhớ thương của Bác. Chăm cây vú sữa, qua từng phiến lá cành xanh, từ mỗi bông hoa tím nở và nhìn từng quả ngọt đong đưa làm lòng Bác bồi hồi không sao tả xiết. Khắc họa nỗi lòng nhớ thương miền Nam qua hình ảnh cây vú sữa phát triển mỗi ngày, tác giả Quốc Tấn khéo léo lồng vào đó cả cuộc kháng chiến chống Mỹ mà miền Nam là thành đồng “đi trước về sau”, trải bao hi sinh, gian khổ. Cây vú sữa càng cao lớn, vững chãi cũng chính là miền Nam “trưởng thành nở hoa”. Hình tượng thơ nhờ đó vừa ẩn dụ, lung linh, vừa sống động, cụ thể… Bác và cây, cây và Bác quấn quýt không rời suốt mười lăm năm ấy, mười lăm năm mà mỗi sớm mỗi chiều Người không quên nâng niu từng lá biếc cành xanh chăm chút cho cây như trái tim mình dành tất cả cho miền Nam ruột thịt” (Trang 117, 118).

Khi lòng ta có Bác là tập bình thơ tâm huyết và đầy sáng tạo của nhà thơ Lê Thành Văn về hình tượng Hồ Chủ tịch. Bởi lẽ, theo tôi biết, có một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học thẩm bình thơ văn Bác Hồ, nhưng hầu như chưa ai bình thơ của các tác giả khác viết về Bác để in riêng thành một tập sách. Vì vậy, đây là sự cố gắng mang tính sáng tạo riêng, rất đáng trân trọng của nhà thơ Lê Thành Văn.

Với dung lượng bài viết ngắn để giới thiệu tập sách này, tôi không thể trích dẫn trọn vẹn những đoạn văn, lời bình phẩm hay về các bài thơ mà tác giả đã cảm thụ. Chỉ qua một số dẫn chứng tiêu biểu trên đây, chúng ta đủ thấy được khả năng cảm thơ, hiểu thơ của tác giả về đề tài Bác Hồ thật tinh tế, có khả năng tác động sâu xa đến tâm hồn bạn đọc. Hy vọng tập bình thơ Khi lòng ta có Bác sẽ được bạn đọc đón nhận với niềm vui và niềm trân trọng cao. Vì sau mỗi bài thơ và lời bình, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn những phẩm chất cách mạng cao quý từ tấm gương đạo đức của Bác; từ đó chúng ta sẽ học tập và làm theo Bác tốt hơn, nhất là trong “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay. Một lần nữa, xin trân trọng giới thiệu tập bình thơ Khi lòng ta có Bác của tác giả Lê Thành Văn với bạn đọc gần xa.

Bài viết liên quan

Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm