- Góc nhìn văn học
- ‘Một thời chân đất’ – Cuốn sách nghĩa tình
‘Một thời chân đất’ – Cuốn sách nghĩa tình
(Đọc “Một thời chân đất” – Nhiều tác giả – NXB Hội Nhà văn – 2021)
Bùi Thanh Hà
Có những tác giả tên tuổi là những nhà văn, nhà báo từng tham gia lực lượng TNXP như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Trần Ngọc Châu, Nam Thiên… hay nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Hồ Thi Ca, Thanh Nguyên, Bùi Chí Vinh… với những tác phẩm thơ, tản văn, truyện ngắn, ký… gợi nhớ về “một thời chân đất” làm lay động lòng người. Có những tác giả là cựu TNXP lần đầu gửi gắm kỉ niệm không quên thời thanh xuân gian khổ, nhiệt huyết vào trang sách, có tác giả đã ra đi khi dự án dần khép lại, chỉ còn những bài thơ, truyện ngắn đọng mãi trong tim những đồng đội xưa…
Tôi ôm vào ngực mình cuốn sách mà tôi mong đợi bấy lâu, đã dõi theo nó từng ngày, từ lúc “hoài thai” cách đây 4 tháng, ngày 7/11/2020, đến khi ra mắt ngày 20/3/2021, một sự kiện ra mắt sách đặc biệt tại cơ quan lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi đã nhận được lời cảm ơn và giấy mời tham dự rất trân trọng với tư cách là tác giả tham gia tuyển tập, nhưng thật tiếc, lại không thu xếp vào tham dự được.
Ngày ra mắt sách, tôi không tập trung làm nổi việc gì, rảnh là mở FB theo dõi lại chương trình “Thay lời muốn nói – Ngọc trong đá”… phát trên HTV9 ngày 14/3/ 2021, trong đó có phần cuối nói về dự án làm một cuốn sách viết về TNXP Một thời chân đất, kỉ niệm 45 năm lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh và 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Tiền thu về sẽ tặng hết cho anh chị em cựu TNXP có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Dự án do nhóm 8 cựu TNXP thực hiện.
Nhà thơ Bùi Thanh Hà và tuyển tập “Một thời chân đất”.
Thật trùng hợp, ngày ra mắt, giao lưu tặng quà 20/3 lại chính là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Lời ca khúc Ngọc trong đá cứ ám ảnh tôi hoài:
“Hạnh phúc như ngọc trong đá không đến với ai đi qua hững hờ
Hạnh phúc như mật ngọt trong hoa không đến với ai không nhọc nhằn tìm kiếm
Hạnh phúc tuyệt vời mà tôi đã thấy, tựa những hạt ngọc trong đá
Mà những đồng đội, bạn bè của tôi tìm thấy trong ngàn gian lao…
Hạnh phúc tuyệt vời mà tôi đã thấy tựa những mật ngọt trong hoa
Bằng trái tim nồng nàn yêu thương, bạn bè tôi đã dâng cuộc đời”
(Nhạc Phú Quang, lời Nguyễn Đông Thức)
Tôi đã may mắn có thời gian 4 tháng, từng ngày, từng ngày dõi theo cách làm thiện nguyện trong sáng, hết lòng, rất văn hóa này với lòng ngưỡng mộ sâu sắc nhóm làm tuyển tập Một thời chân đất. Họ chỉ có 8 người: Phụ trách bài vở nội dung là hai nhà báo cựu TNXP Bùi Nguyễn Trường Kiên và Đoàn Xuân Hải; phụ trách tài chính là các anh Lý Minh Đức, Lê Kim Viên; phụ trách khảo sát hoàn cảnh khó khăn là Huỳnh Kim Hùng, Phạm Ngọc Hồng; Phụ trách phát hành ngoài các đồng chí trên là Nguyễn Thị Cẩm Hồng và Phùng Ngọc Quới… Một ê kíp làm việc nhiệt huyết, nhịp nhàng, ăn ý, công khai minh bạch, dân chủ từng chi tiết, từng sự kiện phát sinh, từng giờ, từng ngày… với tấm lòng hết mình vì đồng đội. Tinh thần làm việc ấy đã cuốn theo sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, các tác giả, các doanh nhân, các cựu TNXP… Bạn có thể tìm hiểu điều này trên trang FB nhóm công khai “MỘT THỜI CHÂN ĐẤT” gồm 1.030 thành viên, hầu hết là cựu TNXP. TP.Hồ Chí Minh. Tôi tin bạn sẽ xúc động và ngưỡng mộ giống tôi.
Bạn đã từng thấy ở đâu, thời buổi này, dự án làm sách mới manh nha đã nhận được bao sự ủng hộ tinh thần, vật chất, tùy sức, tùy tâm vô tư từ những đồng đội cũ, các nhà hảo tâm âm thầm… Chuyện in 4500 cuốn mà bán hết ngay từ khi sách còn là bản thảo và không in tiếp dù nhiều người còn đặt mua không? Rồi ngày ra mắt sách cũng là ngày giao lưu, trân trọng tặng 135 suất quà (mỗi suất gồm 4,5 triệu đồng và một cuốn sách ) cho các cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 24 quận, huyện trên địa bàn một thành phố lớn đầu tàu kinh tế của cả nước và được tổ chức hết sức trang trọng mà ấm tình đồng đội…
Cuốn sách giờ đây đang trên tay tôi, mang tựa đề ý nghĩa “MỘT THỜI CHÂN ĐẤT”, được in màu, đẹp trang nhã trên giấy cao cấp nhẹ, trắng muốt với 416 trang, có sự góp mặt của 48 tác giả, 8 họa sĩ… và là thành quả nỗ lực nhiệt huyết của 8 cựu TNXP thực hiện dự án văn hóa nghĩa tình: Xuất bản sách bán lấy toàn bộ tiền giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt. Tất cả đều toàn tâm toàn ý, hết lòng vì đồng đội.
Có những tác giả tên tuổi là những nhà văn, nhà báo từng tham gia lực lượng TNXP như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Cao Vũ Huy Miên, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Trần Ngọc Châu, Nam Thiên…hay nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà thơ Hồ Thi Ca, Thanh Nguyên, Bùi Chí Vinh…với những tác phẩm thơ, tản văn, truyện ngắn, ký… gợi nhớ về “một thời chân đất” làm lay động lòng người; có những tác giả là cựu TNXP lần đầu gửi gắm kỉ niệm không quên thời thanh xuân gian khổ, nhiệt huyết vào trang sách; có tác giả đã ra đi khi dự án dần khép lại, chỉ còn những bài thơ, truyện ngắn đọng mãi trong tim những đồng đội xưa…
Buổi ra mắt tuyển tập “Một thời chân đất” và trao quà chia sẻ cùng 135 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trên 130 bài viết là nụ cười, nước mắt, là vẻ đẹp thanh xuân hồn nhiên mà sâu sắc của hàng vạn thanh niên, cách đây 45 năm, ngày 28 tháng 3 năm 1976, từ sân vận động Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, đã tạm biệt gia đình, tạm biệt mái trường, phố phường quen thuộc, đến những vùng đất xa xôi, hoang tàn, còn vương đầy bom đạn, đến biên giới khét mùi khói súng, chịu đói, chịu khát, lao động và chiến đấu hết mình để hàn gắn vết thương chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Những trang văn, những bài thơ thấm đẫm vẻ đẹp giản dị, trong veo một thời lý tưởng, thấm đẫm tình đồng đội xuyên suốt tháng năm dài…
Những chiến sĩ TNXP gian khổ, nhiệt huyết ngày ấy nay mái tóc đã bạc, nhiều người vất vả nhọc nhằn về gánh nặng áo cơm, nhiều người ốm đau, cơ hàn…nhưng họ đã gặp nhau, động viên nhau qua trang sách và trong cuộc đời… Họ đã gặp nhau và cất cao tiếng hát của những năm tháng hào hùng: “Xa nông trường ra biên giới/ có đôi khi đi không trở lại/ Nhưng trong lòng nghe tiếng nói/ những gian nan sẽ đo lòng người…”
Giở từng trang sách, bạn sẽ rưng rưng xúc động trước sự hy sinh, mất mát của những người con trai, con gái chân đất bình dị ngày ấy giữa thời bình hay trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Bạn sẽ cười ngây ngất trước những mối tình trong veo kiểu “tôi yêu me”, sẽ “lên rừng xuống biển” gặm nhấm gian khổ cùng tuổi trẻ một thời hậu chiến, và được lắng sâu, tắm trong tình đồng đội một thời; sẽ “chạm vào nỗi nhớ” khôn nguôi, da diết của những con người bình dị, xuất thân từ mọi thành phần, hoàn cảnh khác nhau, khoác cánh áo màu cỏ úa đi khai phá những vùng đất khát mùa no ấm…
Nói như nhà báo, nhà văn Bùi Nguyễn Trường Kiên: Một thời chân đất là nơi kể lại những kỉ niệm vui buồn không thể nào quên của những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của 45 năm về trước…
Một thời chân đất – để những người còn sống hôm nay cùng ngậm ngùi với những mất mát mà không có gì bù đắp được – những TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống ở hiện trường, ở chiến trường và cả ở những góc đời sau đó, khi đã từ giã màu áo xanh trở về với đời thường…
Một thời chân đất – để chia sẻ với những anh chị em, mà cho đến hôm nay vẫn nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh. Tất cả cùng hướng về nhau, để “một thời là đồng đội, cho chúng ta mãi mãi tình thân”.
MỘT THỜI CHÂN ĐẤT – cuốn sách của nghĩa tình đồng đội trọn vẹn!
B.T.H/ VCPN