TIN TỨC

Người Mẹ ở cồn Bình Hưng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-05 11:18:31
mail facebook google pos stwis
1095 lượt xem

 CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

PHẠM THỊ TOÁN

Cồn Bình Hưng, một cù lao nhỏ thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Từ Ủy ban xã, chúng tôi tới ấp Bình Mỹ A, xuống đò. Con sông Cái mênh mông sóng nước chia 3 ngả: một về Bình Mỹ A, một qua cồn Bình Hưng của Bình Thạnh và một nhánh sang xã Mỹ Hiệp. Hơn 30 năm tôi mới trở lại nơi đây, cảnh vật gần như lột xác hoàn toàn. Cái hoang sơ, trống trải không còn, thay vào đó là cả một vùng quê trù phú với đủ loại cây trái quanh năm: xoài, ổi, mít, chanh, sầu riêng… Anh Vinh, chuyên viên văn hóa - xã hội phụ trách công tác thương binh - xã hội của xã Bình Thạnh dẫn tôi chạy luồn lách vào những con đường nhỏ, trên đầu mát rượi bởi những hàng cây trái đan xen, tít tắp. Cái nắng chói chang dường như núp hết ở trên những bóng cây.

Được biết Bình Thạnh là một xã anh hùng trong kháng chiến, anh hùng trong lao động. Ngày trước nơi đây là căn cứ của nhiều cơ quan cách mạng. Cuối những năm 60, 70, những đơn vị thuộc cấp huyện, tỉnh, khu và trung ương tới trú đóng bởi địa bàn qua lại rất khó khăn. Muốn qua sông Cái lớn không đụng địch, anh em cán bộ phải dừng chân ở đây, nghe ngóng tình hình địch êm, ghe xuồng mới lẹ phóng qua đưa anh em về những vùng căn cứ của tỉnh Kiến Phong, Sa Đéc, Vĩnh Long… công tác an toàn.


Mẹ Việt Nam Anh hùng Lữ Thị Thôi

Chúng tôi gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Lữ Thị Thôi bên con rạch Khém Sâu, ấp Bình Hưng, với nụ cười rạng rỡ. 85 tuổi, bà say sưa kể chuyện ngày xưa. Là gia đình rặt Việt cộng, bà nội là mẹ Việt Nam Anh hùng tên Thái Thị Kim Anh, với 4 người con và 1 cháu nội đều là liệt sĩ, còn người con thứ 8 cũng là thương binh nặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tôi thật ngạc nhiên khi bà lôi cái thùng luộc bằng sắt nhỏ cho tôi xem những Tài liệu tập huấn in roneo, những Danh sách chiến sĩ, Danh sách đoàn viên viết tay trong đơn vị của chồng bà đã ép nilon cẩn thận gần như vẫn còn nguyên vẹn, dù cách nay đã hơn 50 năm rồi: Đề án công tác quí 3/1968 của ngành Giao bưu; Tài liệu chỉnh huấn “Bản chất quân đội” cho cán bộ trung đội và chiến sĩ năm 1967; Tài liệu học tập thời sự “Tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ - ngụy thất bại hoàn toàn”… Danh sách cán bộ, chiến sĩ đơn vị là giấy pelure mỏng dính, úa vàng, hình chữ nhật bằng bàn tay nối dài chừng 30, 40cm. Các ông đa phần sinh năm 1951, 1952, họ và tên thật, họ tên bí danh, cha mẹ, quê quán, có vợ hay chưa, học mới lớp 1, lớp 2… Cái thùng sắt nhỏ này ông luôn xách theo bên mình. Khi địch càn, bố, ông bỏ hết các giấy tờ “bửu bối” này vô thùng thảy xuống ao, đìa rồi trốn xuống hầm bí mật hoặc né sang vùng bên. Phải nói loại thùng luộc của Mỹ ngày xưa kín thật, nằm dưới nước rất lâu mà không hề bị rò rỉ nước vô dù một giọt. Còn tụi địch có “trời” cũng không mò ra được, bà nói. Tụi Mỹ chắc không bao giờ nghĩ ra chúng đã cung cấp cho ta một dụng cụ bảo vệ tài liệu mật quá tuyệt vời nhất là những tháng mùa mưa của vùng miền Tây Nam bộ này.

Chồng bà là người con thứ ba của bà Kim Anh, tên Nguyễn Văn Thọ (còn gọi Ba Thọ). Ông sinh năm 1932, khi theo cách mạng là giao bưu Quân khu 8 đóng ở kinh Bùi, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (Quân khu 9 hiện nay) lúc gặp máy bay đổ quân, bị địch bắn bị thương, mất máu nhiều quá. Đơn vị đưa ông về chôn ở nghĩa trang tạm của dân. Sau ngày thống nhất đất nước mới đưa về nằm ở nghĩa trang tỉnh nhà. Còn con trai là Nguyễn Văn Chiến. Anh sinh năm 1959. Lớn lên trong một gia đình, dòng họ đi theo cách mạng gần hết nên anh cũng nhiễm “cái máu” Việt cộng. Lúc nhỏ, tầm 10 tuổi, anh trốn nhà theo mấy chú, bị lựu đạn nổ, gia đình chở qua Nhà thương Sa Đéc băng bột rồi đem về nhà tr thương. Lớn hơn một chút, ba hy sinh, căm thù tụi lính làng chuyên ức hiếp dân lành, cậu bé lén bỏ kíp nổ vô túi tên trưởng, phó ấp khi tụi này ngồi khề khà uống rượu. Hai tên này đi về một đoạn phát hiện có gì cồm cộm trong túi, thò tay móc ra thấy trái. Hoảng hồn, chúng thảy vội xuống sông, trái nổ nhưng hên cho chúng không sao. Bị lộ, anh chạy trối chết về nhà, mượn vội ghe chú Tám kế bên, lấy máy của gia đình chạy trốn vào du kích xã Bình Thạnh luôn. Gia đình lo lắng thắt ruột. Mấy tháng sau loa phóng thanh bên sông, thông báo Việt cộng về công đồn Khém Sâu của ấp, cả nhà và bà con lối xóm mới biết anh theo bộ đội. Rồi trong một lần đi công tác, anh bị địch bắn tỉa, hy sinh ngày 25/5/1974 khi vừa tròn 15 tuổi. Bốn năm, 2 cái tang 2 người đàn ông trụ cột của gia đình, tim bà muốn đông cứng lại. Bà không khóc nổi nữa, chỉ lo sao nuôi nổi bẩy miệng ăn khi bà còn trơ trọi một mình. Nhiều đêm thao thức, khóc chán rồi lại tự an ủi mình: Thôi, cha con ông ngã xuống để ngày thống nhất càng gần hơn…

Nhìn bà vẫn có những nét đẹp, phúc hậu của thời con gái. Khi kể về ông, về con trai, những người đã ra đi từ những năm 70, tôi vẫn thấy nét mặt rạng rỡ, tự hào trên gương mặt đầy nếp nhăn của bà. Có lẽ thời gian quá xa, bà coi sự ra đi của ông, của con như một lẽ đương nhiên vì non sông đất nước.

Tôi đùa: - Ông, bà có yêu nhau không?

Bà cười, bẽn lẽn quay đi: - Yêu cái gì mà yêu! Ngày ấy không như bây giờ đâu. Nhờ người quen mai mối cho tôi và ông ấy gặp nhau. Ông nhà tôi cũng qua lại năm bẩy lần tôi mới chịu đó! Nói thật với cô, chúng tôi không biết thế nào là yêu, thế nhưng khi ông đi hai ba tháng không về, không tin tức là tôi lo thắt ruột thắt gan bởi hồi đó chiến tranh, nay sống, mai đã chết rồi, nhất là những người đi theo cách mạng, đi Việt cộng như cha con ông. Gửi con trứng gà trứng vịt cho mẹ tôi, tranh thủ làm bánh tét, bánh ít, mua vải, thuốc hút, thuốc tây, muối, đường, bột ngọt… gom góp chút tiền bán lúa, bán mía, đi làm mướn, làm thuê có được, giấu kín rồi quầy quả bơi xuồng một mình đi thăm ông. Còn tôi không biết chữ, chỉ biết thay chồng nuôi con, cáng đáng mọi việc nhà để ông ấy yên tâm đi du kích. Con cái lớn lên một chút là cho nó nối gót theo ông luôn. Lúc đó mà nhắc tới hai từ “yêu nước” tôi chưa hiểu hết. Nhưng tôi nghĩ đi đằng mình là một lẽ đương nhiên. Đàn ông nơi đây không theo cách mạng thì phải đăng lính cho chúng thôi. Mà đi lính thì… nói thật, nhục nhã lắm, chắc tôi bỏ ông luôn! Xã này là cái nôi của cách mạng, dân tốt lắm cô à, không có ai theo giặc đâu. Mà ông ấy thoát ly gia đình đi cách mạng, có nghĩa tất tần tật mọi việc trong nhà đều do tôi phải gánh vác, thỉnh thoảng ông mới tranh thủ ghé thăm vợ con ít tiếng rồi lại đi liền sợ chúng bố ráp thình lình. Nghĩ lại cũng sợ thật! Sao mà chúng tôi vẫn có thể sống được qua cái thời đạn bom ác liệt ấy. Lúc đó tôi chỉ hơn 40 kí nhưng phải cầm cày, đạp lúa, lợp nhà, kéo cá, chặt tràm mướn… tất cả mọi việc kiếm gạo, kiếm cá để mẹ con sống qua ngày như một người đàn ông thực thụ trong gia đình. Nói thật tôi “không dám” bệnh đâu, nuôi cả bầy con thơ dại để ông khỏi bận tâm, yên lòng mà đi hoạt động.

- Sao bà nuôi con hay vậy!? Một mình nuôi 6 người con và mẹ già ở quê.

- Ngày xưa tôm cá xung quanh mình nhiều lắm. Mấy đứa nhỏ nhảy xuống sông hay ra ngoài ruộng kéo lưới một lát là đủ ăn vài ngày. Rau rác cũng vậy, này rau muống, bông súng, điên điển, lục bình… Chỉ cần có gạo sẵn là không ai bị đói. Con thì cách nhau 3 năm, cứ đứa lớn giữ đứa nhỏ. Tôi còn nhớ khi gặp, nắm bàn tay chai sần, còn trầy trụa của vợ, ông hay thủ thỉ:

- Tôi biết bà ở nhà vất vả lắm, nhưng về thăm nhà, lính tới sao chạy kịp. Tôi không sao đâu. Bà ráng về nhà thay tôi nuôi con. Chuyện nước để tôi lo…!

Tôi ứa nước mắt khi nghe bà kể. Lo cho mẹ già, con gái gánh nặng không nhẹ nhưng bà vẫn sẵn lòng mà không hề than thở hay đòi hỏi gì, dù nhỏ ở ông. Ông và bà tuy không nói ra nhưng như một mặc nhiên, chuyện lớn lo cho nước sẽ do ông gánh vác. Thật đáng quí với những con người Việt Nam sẵn sàng xả thân vì dân tộc.

Tranh thủ 2, 3 ngày ở với ông rồi lại quay quả trở về cặm cụi làm ăn nuôi con. Không ngờ lần gặp ông hôm ấy là lần bà và ông âm dương cách biệt. Ông và con chết đi, đơn vị nhắn vào gặp ông và sau này là con thì chỉ còn thăm nấm mộ mới được đắp vội lên chưa kịp xanh cỏ. Gìàn giụa nước mắt, bà chỉ biết thầm trách ông: Sao không giữ lời hứa với tôi? Tôi có lỗi gì đâu, sao ông và con không về? Còn thằng con. Đau đớn lắm, mới 15 tuổi, nó chưa kịp lớn mà phải chết tức tưởi!            

Xẻo Quýt, Bình Thạnh là vùng căn cứ cách mạng nhưng dài xuống Mỹ Hiệp, Mỹ Long… là dày đặc đồn bốt của địch. Riêng rạch Khém Sâu là vùng cồn ngày ấy còn nhỏ, hẹp. Đa phần là dân nghèo nhưng đi theo cách mạng. Còn bà cũng là cơ sở chuyên móc nối bà con đi thăm những anh em thoát ly, nuôi giấu cán bộ, mua đồ tiếp tế cho anh em trong căn cứ. Thời ấy cách mạng không có dân thì sao mà sống nổi. Không được lòng dân là mất nước. Thương lắm! Bà con, cô bác chèo xuồng qua lại buôn bán, sinh hoạt, dưới những đống trái cây, rau cỏ, tôm cá… luôn có cả những đồ tiếp tế thiết yếu cho anh em.

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, mỗi tấc đất chúng ta giành được đều thấm máu thịt của những liệt sĩ đã ngã xuống nhưng nỗi đau và những vết thương, mất mát vẫn còn hằn sâu đến hôm nay. Cả dân tộc này mãi mãi biết ơn họ trong đó có những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như mẹ Lữ Thị Thôi bên con rạch Khém Sâu, cồn Bình Hưng. Sự hy sinh của các Mẹ vô cùng lớn.

Chính các Mẹ là những người phụ nữ anh hùng và vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm