TIN TỨC
  • Truyện
  • Người thua cuộc | Trần Đắc Hiển Khánh

Người thua cuộc | Trần Đắc Hiển Khánh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-26 09:36:33
mail facebook google pos stwis
726 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

TRẦN ĐẮC HIỂN KHÁNH

I.

Tôi nửa đùa nửa thật nói với em Lan là con dì Tư: Chị bị yêu từ tuổi 16. Nay đã nửa đời hương phấn, vẫn lớ ngớ chưa biết tình yêu là gì.

Ngày ấy vì hoàn cảnh, từ thành phố tôi được gởi về quê ở với bà nội, học tiếp trung học phổ thông.

Dưới mái trường trong những năm tháng đất nước tưng bừng ngày hội đoàn viên, trong đám học trò ấy, tôi bị nhìn bởi những con mắt dè dặt, tránh né. Đám con trai nhìn tôi thì thào tán tụng: “Nhỏ Thùy xinh quá ta!”. Bọn con gái nguýt dài sau lưng tôi: “Đến ghét!”. Chúng xì xào to nhỏ với nhau: “Ba Thùy là sĩ quan cũ, đang ở tù”. Vẫn biết ba mình đang đi cải tạo. Nhưng nghe chúng nó nói, tôi vẫn chạnh buồn. Được cái tôi học giỏi nhất lớp. Bọn nó cũng nể mặt. Thái là đứa quậy phá, thủ lĩnh của những trò chơi náo hoạt, cũng có vẻ dè chừng với tôi.  

Đoạn bò qua cầu khỉ trên đường đến trường, rất khó với tôi. Thái nhìn thấy, xăm xắn cầm cả tập vở của hai đứa rồi dắt tôi qua cầu. Nhiều lần Thái chờ tôi để làm cái việc dìu dắt ấy. Đường về nhà Thái lối kia gần hơn, nhưng vẫn qua cầu khỉ. “Đường gần nhưng cứ đi vòng cho xa”. Tuy vậy, qua mấy năm học, tôi vẫn không có thiện cảm với Thái bởi cái tính huênh hoang, hiếu thắng. Thái luôn tỏ ra là người giỏi giang trong mọi trò chơi. Nhưng trong lúc chênh vênh yếu thế, tôi cần có chỗ để bấu víu…

Ngày nhận bằng tốt nghiệp phổ thông, lớp tôi vui như hội. Chúng vẽ hề lên mặt, chạy nhảy giữa sân trường. Vật lộn nhau đến hết buổi chiều.

Xẩm tối, Thái đưa tôi về qua cầu khỉ. Vừa dừng lại bên kia cầu, Thái ôm choàng lấy tôi. Tôi gạt mạnh Thái: “Bỏ ra. Về đi!”. Đẩy Thái ra, tôi chạy vội…

Những ngày hè giúp bà nội việc nhà, việc đồng ruộng, khiến tôi cứng cáp hơn. Bà nội bảo: “Bằng con nội đã làm dâu rồi đấy. Liệu mà chắn vén dần đi. Nhìn cháu ra dáng thiếu nữ xinh xắn, bà vừa mừng, vừa lo”. “Sao lại lo hả nội?” - Tôi cười hỏi. Bà chậm rãi: “Bà sợ con gái xinh đẹp dễ... lụy vào thân lắm”.

Tôi đi gom rơm từ ngoài đồng về cho bà trải luống rau. Thái cố ý chờ đón, gom rơm gánh giúp tôi. Thái bày đủ mọi trò chơi. Tưởng chỉ là đùa giỡn. Thái nhích dần từng bước. Từ giỡn cợt đến đụng chạm cơ thể... khoảng cách thật mong manh. Hình như ngọn lửa ham muốn trong Thái luôn hừng hực…

Tôi quả quyết cái buổi tối hôm ấy bên đống rơm ngoài đồng với Thái, không phải là tình yêu. Sự hồn nhiên dại khờ đã làm tôi thua cuộc qua những cái hôn tới tấp của Thái. Thái ngộ nhận tôi đã yêu.

Những ngày sau đó, tôi nghe tiếng cười ha hả của Thái, càng thấy khó chịu. Đúng cái điệu cười khi Thái giành phần thắng trong các cuộc chơi với bạn bè ở trường. Và tôi đã được nghe tiếng cười y hệt vậy của ba Thái. Phải chăng điệu cười đắc thắng ngạo nghễ của ông đã truyền cho con mình?

Mùa thi năm ấy, tôi không dự thi đại học, còn Thái thi nhưng rớt.

Giữa lúc tương lai mờ mịt ấy, Thái cầu hôn với tôi. Tôi chưa biết phải từ chối ra sao. Thái bảo: “Im lặng là đồng ý đấy nhá”. Tôi ấp úng: “Ai bảo vậy?”.

Thái làm ra vẻ cù nhày: “Ta cứ làm giấy kết hôn. Rồi ông bà già cũng phải chịu”.

Thuở ấy, ông đại tá Thân ba của Thái có uy lắm. Ông là chủ xị những cuộc nhậu tưng bừng. Bà vợ ông là chỗ ghi số đề và cả sạp bài tứ sắc khá nhộn nhịp ngay tại nhà.

Tưởng nói miệng thôi, không ngờ Thái đã nhờ người quen làm giấy kết hôn thiệt. Tôi hổng biết làm thế nào vì cái sự đã rồi ấy!

Bữa hổm, Thái dụ tôi đến nhà. Tới nơi, Thái giao cho tôi một mớ trái cây để gọt. Ba má Thái ở phòng bên, nói chuyện rổn rảng: “Nhỏ này là con kẻ thua cuộc. Ba nó đang ở trong tù. Lý lịch đen thui à. Làm sao kết giao được... Nó không cùng chủng loại với chúng ta…”. Chả biết họ có chủ ý nói cho tôi nghe thấy không? Nhưng lời nói như cố dọi vào tai tôi chớ hổng lén lút gì. Tai tôi ù đi. Con dao bén lẹm vô tay. Máu chảy ròng ròng. Tôi mút máu, lau khô. Ngồi lặng đi. Những lời thóa mạ của ba Thái khiến lòng tự trọng của tôi tổn thương ghê gớm.

Ba má Thái ngăn cản quyết liệt. Họ gởi Thái lên thành phố, giao cho người bà con ở trển. Tôi thấy có phần nhẹ mình hơn.

II.

Tôi ngủ ở gian nhà trong với bà nội. Hổng biết sao lại thấy mình chui qua cửa sổ. Đi lang thang trong vườn. Nhìn thấy một ông già tóc bạc phơ, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại. Ông đang mải miết múc từng xô nước ở giếng nhà mình đổ vào từng chậu, từng thùng xếp trên bờ. Lại gần, đúng ông nội tôi rồi. Nội gật đầu với tôi. Tôi hỏi: “Nước từ đâu nhiều thế ha nội? Múc mãi không hết?”. Tiếng nội như vẳng từ vòm cây hay nơi nào xa lắm: “Mạch nước từ lòng đất. Rễ cây vườn mình uống nước lành, cây lên xanh, trái ngọt lành.“Thiện căn như mạch nước ngầm/Giữ cho mãi mãi trong ngần chứa chan”. Nội biết, cháu hạp với cung số của ta đấy. Cháu hãy tiếp ta làm việc thiện nguyện ha…”.

 Sáng ra tôi kể lại. Bà bảo, hồi còn trẻ ông nội con khơi cái giếng này từ một vũng nước. Khơi mãi mới sâu rộng được như vậy. Giếng chứa được nước mưa suốt cả mùa khô. Ngày xưa dân vùng này thiếu nước ngọt. Nhà khá giả mới có đủ lu chứa nước mưa dùng cả mùa khô. Nhà nghèo chỉ vài cái khạp nhỏ xíu, sao hứng đủ nước dùng suốt mùa. Nhịn đói được, chớ hổng nhịn được khát. Nội con múc nước đổ đầy các thùng, chậu… cho họ đem về xài. Nguồn nước ngọt, múc lên uống được ngay à. Đến giờ vùng ven đô này đã có nước giếng khoan, nước máy. Chỉ đôi nhà chưa kéo nước máy mới thi thoảng ghé lấy nước giếng. “Đêm qua con thấy một đoàn người rồng rắn mang nước trên lưng đi thành đoàn dài. Có cả nhà sư áo vàng cũng đi trong hàng”. Bà bảo, lễ cúng trăng hằng năm ngày xưa, nhà chùa vẫn ra lấy nước giếng này về cúng Phật.

Rồi những đêm sau, tôi vẫn mơ thấy cái giếng tròn vành vạnh tựa mặt gương trong - Lấp lánh như viên ngọc sáng giữa vườn cây, soi tỏ hình dáng ông nội tôi râu tóc bạc phơ…

Tôi nằm ru rú trong nhà suốt ngày. Buồn rũ rượi, ăn uống lưng vực. Bà sợ tôi bệnh, sờ nắn khắp người tôi. Tôi ngập ngừng thưa: “Chúng cháu có giấy đăng ký kết hôn nội à”. Bà sửng sốt hỏi: “Kết hôn với ai?”. Tôi ấp úng: “… Là do Thái nhờ người quen làm giúp... Gia đình ông đại tá Thân không chấp thuận”. Bà tôi hốt hoảng: “Thôi rồi, đụng vô đại tá Thân. Họ là người thắng. Mình là người thua cuộc, họ coi như con giun con dế… Thắng thua là chuyện đã rồi, nhưng sao họ cứ muốn đạp lên người, khoe mẽ hơn thua?”.

Ba tôi đã hết hạn cải tạo. Có giấy xuất cảnh. Má tôi gởi cho hai bà cháu chút quà. Dặn chăm sóc bà chu đáo. Khi nào ổn định ba má sẽ lo liệu tiếp.

Tôi xin bà mở sạp trái cây ngoài chợ. Bán trái cây vườn nhà thơm ngon nổi tiếng, đắt hàng lắm. Tôi cất thêm trái cây ở vựa để bán.

Sạp hàng ngày càng phát triển. Tôi thuê người gom trái cây trong vùng bỏ mối. Khi vốn liếng đã kha khá, tôi mở Vựa trái cây Hương Thùy. Thời gian này tôi gặp Kiên là bạn cũ, một kỹ sư nông nghiệp. Kiên vốn lận đận đường công danh. Trúng tuyển đại học nhưng không được gọi nhập học vì cái lý lịch không mấy sáng sủa. Thời gian sau có phần cởi mở hơn. Kiên lại thi. Đỗ, ra trường không xin được việc làm. Kiên đẹp trai, nhu mì. Con gái thời nay không mấy ưa tuýp người này. Nhưng tôi biết Kiên cũng là người thua thiệt như mình nên dễ đồng cảm. Phải nói, cái cảnh trẻ chưa qua già chưa tới của tôi, buôn tần bán tảo ngoài chợ, nhiều người giúp đỡ, cũng lắm kẻ ẩm ương quấy rầy. Gặp được Kiên tôi thấy bình an, tin tưởng. Tôi đủ chin chắn để nhận biết đúng, sai. Không phải vì tuổi xuân sắp qua mà bấu víu vơ quàng vơ xiên.

Tôi cùng Kiên lập dự án cải tạo khu vườn nhà. Đây là khu đất rộng ven đô. Ông nội tôi đã đổ bao mồ hôi sức lực vô đây. Giếng nước trong mát ngọt… Nguồn gốc thiện nguyện còn đó. Giờ đây chúng tôi mở rộng qui mô, thành khu dưỡng lão.

 Chúng tôi đồng lòng cùng nhau trong công việc làm ăn và sinh hoạt. Cùng ước vọng vươn lên trong cuộc sống từ chỗ là người yếu thế. Có lúc tôi vẫn băn khoăn về cái đăng ký kết hôn bất đắc dĩ như sợi dây trói buộc tôi. Dù hơn 10 năm nay Thái bỏ nhà đi biệt, cha mẹ chết Thái cũng không về.

Tôi nghĩ, hình như mình với Kiên sinh ra để chờ đợi nhau. Và sự tốt đẹp đang hiển hiện. Tuy vậy, chúng tôi vẫn như đang chơi trò chơi trì hoãn. Sự trì hoãn tạo nên sự hấp dẫn từ ánh nhìn, sự va chạm nhẹ nhàng. Tôi biết mình đẹp. Tự mình muốn dành vẻ đẹp chín muồi cho Kiên. Con Lan em tôi xúi Kiên: “Chị Thùy duyên dáng, mềm mỏng vậy, nhưng khi hành động cũng quyết liệt lắm đấy. Anh Kiên phải mạnh mẽ hơn lên”. Kiên cười hiền: “Trăng đến rằm thì trăng tròn”.

III.

Sau hơn 10 năm bỏ quê, Thái đột ngột mò về. Chúng tôi gặp nhau ở nhà người bạn. Thái hỏi độp một câu sống sượng: “Tôi bỏ đi đã lâu. Cô có ai không?”. Nghe nói phát tức, tôi thấy mình cần phải mạnh mẽ: “Chuyện ấy đến nay anh không có quyền tra khảo”. “Có đấy, cái giấy đăng ký kết hôn còn đó. Nó buộc tôi với cô. Giấy trắng mực đen, pháp luật mà”. Anh ta nhìn tôi, cười khiêu khích. Tôi nhận ra vẻ giỏi gian và thủ đoạn vốn có của Thái giờ đã được nâng cấp, bộc lộ trắng trợn. “Bây giờ ly hôn còn kịp” - Thái nói rồi nhìn tôi thăm dò: “Cô thấy cần thì viết đơn đi”.

Tôi viết đơn ly hôn. Ký một chữ ký thật rắn rỏi. Cảm giác được giải thoát, nhẹ nhàng. Cầm tờ giấy xin ly hôn, vẻ mặt Thái hững hờ, giọng cợt nhả: “Tôi ký nữa mới có giá trị. Chữ ký tôi nặng ký lắm đó”. Một vài lần hẹn, Thái vẫn ỡm ờ… “chưa ký”. Thái tung tin, đánh đòn gió: “Lần này ta về ở lại hẳn quê. Nhất định không ký giấy ly hôn”. Thấy tôi không tỏ thái độ gì, anh ta lại tung chưởng khác. Bắn tin qua Lan em tôi: “ Phải gí cò tức là có gì ấy. Hiểu không?”. Lời lẽ thách thức, khiêu khích. Lan bảo tôi: “ Chị đơn phương ly dị cũng được, nhưng thôi, “chó tục đổ thêm cơm”, “nhịn mày cho tốt tao”. Vậy là tôi cũng phải chi chút ít cho xong chuyện để… thoát nợ!

Sau này tôi mới biết, Thái về lần ấy là do yêu cầu của cô bồ, phải có giấy tờ để làm thủ tục kết hôn. Thái đã chuyển từ thế này sang thế khác một cách giỏi gian như vậy đó.

Công việc làm ăn của tôi với Kiên ngày càng thuận lợi. Bà nội bảo: “Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông. Long mạch tích tụ lại bấy lâu giờ được khơi mở”. Kiên góp lời bà: “Nội à, trầm tích lắng sâu trong lòng đất… Rễ cây bám chứa tích tụ nguồn năng lượng từ xa xưa truyền lại… độ trì cho chúng con”.

Có lẽ từ ngày chúng tôi khơi sâu mở rộng giếng thành hồ nước như hiện nay, tôi với Kiên mới có dịp đi thong dong bên nhau dạo quanh hồ. Hàng cây bên bờ soi bóng mặt nước. Tôi nghĩ bụng, sẽ nói với Lan, bây giờ tao được yêu chớ hổng phải bị yêu nữa. Nhìn mặt nước hồ trong, tôi nói với Kiên: “Mọi thứ cứng rắn đến mấy cũng bị nước nhấn chìm... Mặt hồ phẳng lặng kia ghi trong lòng nó bao ký ức. Nhìn mãi cũng không thấy gì cả”. Giọng Kiên trầm ấm: “A Di Đà Phật! Không thấy gì là đã thấy Phật rồi đấy”. Tôi nhìn Kiên, cười nói: “Anh tu từ bao giờ vậy?”. “Anh tu từ ngày gặp em”. “Và từ nay trở đi có tu tiếp không?”. Kiên cười: “Tu tại gia thì được phép… yêu hết cỡ”. Tôi gục đầu vào vai anh. Cảm giác bình an tràn ngập quanh tôi.

Ngôi sao đổi ngôi vụt thoáng trên trời, vạch trên mặt nước một tia sáng.

Chúng tôi làm đám cưới vui vẻ. Đầm ấm. Hạnh phúc. Nội cười móm mém: “Thuận vợ thuận chồng tát cạn biển Đông”.

IV.

Tôi khoe với bà nội: Chúng con đặt tên công trình của mình là “Nhà dưỡng lão Lâm Phước”. Bà nội nhìn tôi cười: “Được đấy! Từ hồi nào, nội mi đã làm từ thiện giúp người nghèo. Giờ người ta vẫn gọi giếng ông Lâm Phước đó”.

Từ khi có mấy cụ ông, cụ bà cô đơn không nơi nương tựa chúng tôi đưa về đây, bà nội vui vẻ hẳn. Bà bảo: “Trẻ chơi đạo trẻ, già dong đạo già”. Các cụ trò chuyện rôm rả cả ngày.

Tôi vừa đi công chuyện về đến nhà, hồ hởi thông báo: “Chồng ơi, có chuyện vui. Bên Thương binh - Xã hội tăng cường kinh phí và nhân lực, xúc tiến việc hoàn thành nhà dưỡng lão”. Kiên mừng rỡ, nắm chặt tay tôi: “Vậy là chúng mình thành công rồi!”.

Kiên kể: “Buổi sáng, anh đang tất bật lo việc xuất lô hàng trái cây. Một người đến bên rụt rè: “Nghe nói công ty tuyển bảo vệ…”. Nhìn người đàn ông mặt mày hốc hác, áo quần nhàu nhĩ, anh thấy tội nghiệp quá, hỏi: “Bác bao nhiêu tuổi rồi mà còn xin làm bảo vệ?”. Ông ta cười ngượng ngập: “Tôi chưa tới 50”. “Ủa, vậy mới tầm tuổi tôi. Thôi được, bác (à anh) để lại giấy xin việc ở đây tôi báo cáo  giám đốc. Chiều mai anh quay lại”.

 Kiên đưa cho tôi tờ giấy. Tôi liếc mắt qua. Thấy cái tên Vũ Văn Thái. “Ủa, người này già hay trẻ?”. “Buồn cười, ông ta tầm tuổi mình nhưng anh kêu bằng bác ngon ơ. Người già khằng. Bộ mặt nhăn nheo. Tóm lại là già hơn anh nhiều…”. Tôi nhìn chồng âu yếm: “Tự tin quá ta!”.

Tôi chợt nhớ, có lần Lan em tôi kể, Thái bị cô vợ bỏ. Rồi đi lang thang. Chứng nào tật ấy, rượu chè, cờ bạc… Phải vô tù, chẳng biết ra chưa? Tôi nhìn lại tên tuổi: Vũ Văn Thái. Sinh ngày… tháng… năm… Đúng anh ta rồi. Nghĩ thầm, tôi mắc nợ gì mà sao anh ta cứ xía vô, ám tôi hoài?

Tôi nghĩ bụng, mình có quyền nhận hay không, chẳng khó khăn gì. Với lại biết mình là chủ thể nhận người, có thể anh ta sẽ tự rút. Kiên đã hẹn. Mình phải gặp. Kể cũng khó nghĩ... Có thể nói Thái đã xúc phạm tình yêu của mình. Và những lời nói thậm tệ của cha mẹ anh ta vẫn in hằn trong trái tim tôi. Phải khẳng định, Thái bây giờ là người thất thế, kẻ ngã ngựa. Mình sẽ đối xử như một người độ lượng, bao dung. Thôi được, nếu anh ta không thấy mắc cỡ, mình sẽ thu xếp cho việc phù hợp. Nhưng cũng không nên để Kiên biết cuộc gặp gỡ trớ trêu này.

Buổi chiều. Tôi dắt xe ra, dặn Kiên: “Người xin làm bảo vệ tới, chồng nói sang bên nhà dưỡng lão để chỉ cho công việc bên đó luôn”.

Tôi ngồi trong văn phòng nhà dưỡng lão. Con đường từ cổng vô chạy theo bờ hồ. Dưới hàng cây rợp mát, trên ghế đá, mấy cụ ông cụ bà đang ngồi chuyện trò vui vẻ.

Thấy Thái chầm chậm bước vô, mấy cụ già đon đả hỏi: “Bác xin vô dưỡng lão hả? Lính mới xem ra trẻ hơn bọn ta…”. Tiếng cười tiếng nói thều thào. Thái cười ngượng ngập đi tiếp.

Tôi nhìn ra. Quả thật, Kiên nói không sai. Già quá, tiều tụy nữa. Tôi thầm kêu: “Người hiếu thắng ơi!”.

Tôi cố lựa lời nói cho bình thản: “Có phải anh Thái không? Quả đất tròn ha. Chúng ta lại gặp nhau”. Thái đứng sững giữa cửa. Hình như tay chân luính quýnh. Anh đưa tay cầm cái nón vải trên đầu. Chắc không cố ý để lộ mái đầu đốm bạc mà chỉ để tay đỡ thừa ra, bớt ngượng nghịu. Thái cố trấn tĩnh: “Là… Thùy à? Chào giám đốc”. Tôi cũng phải trấn tĩnh: “Anh thay đổi nhiều quá, khó nhận ra. Mời anh ngồi”. Thái hơi cúi đầu. Cố làm ra vẻ bình thản. Chắc hẳn biết mình đến nông nỗi này rồi, chả còn gì để mất nên Thái cố tỏ ra mạnh bạo: “Tôi gặp nhiều rủi do quá… Số phận hẩm hiu. Đời tôi thất bại rồi”. Tôi nhẹ nhàng nói: “Đừng đổ lỗi cho số phận. Ngã rồi, đứng dậy có sao đâu…”.

Tôi thầm nghĩ, anh luôn cho mình là người chiến thắng cơ mà! Sao lại thua cuộc được? Nhưng nói điều ấy ra chẳng hóa mình là người cố chấp, sỉ nhục anh ta. Mặc dù anh ta đáng như vậy. Có thể nói giờ đây tôi là kẻ mạnh, nhưng không thể là kẻ ác. Tôi nói lấp liếm, xóa đi sự lúng túng: “Anh Thái à, chúng tôi cần mấy người bảo vệ cho công ty và cho khu vực dưỡng lão. Làm bảo vệ ở đây nhìn chung rất nhàn, ít va chạm. Khu vực này toàn cụ già. Vô đây chỉ con cháu thăm hỏi ông bà. Mà con cháu cũng ít mới vô đây. Trộm cắp hòng gì ở những ông bà lão với những bộ xương lục cục, bệnh hoạn đầy người… Tóm lại, ở đây là chốn bình yên, nơi ẩn náu cuối cùng của cuộc đời mỗi người. Rồi đến một lúc nào đó cũng đến lượt chúng mình vô đây…”.

Tôi nói dài dòng cũng là để giấu đi sự khó xử của mình, chắc cũng khó xử ở Thái. “Anh thấy được thì thu xếp tuần sau vô làm”.

Chắc hẳn Thái nghĩ ngợi nhiều lắm. Nhưng có vẻ cùng đường rồi. Đây dù sao cũng là quê nhà, “chuột chạy cùng sào” còn gì. Cáo chết ba năm cũng còn quay đầu về núi ...

Thái gật đầu chào tôi rồi lủi thủi đi ra.

Nắng quái chiều hôm màu bã trầu thoi thóp quăng xuống mặt hồ. Bóng dáng liêu xiêu của Thái hắt xuống mặt nước kéo dài ngẵng ra như cành củi khô khẳng khiu, cũng lại giống như hình người chết trôi lềnh bềnh mặt nước.                              

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm