- Bút ký - Tạp văn
- Người thương binh “tàn nhưng không phế”
Người thương binh “tàn nhưng không phế”
ĐỖ HOÀNG TIỄN
Trần Văn Đừng, thương binh 1/4, trong cuộc chiến tranh chống bọn Pôn Pốt xâm lược biên giới phía Tây nam nước ta năm 1977, anh sinh năm 1951. Hiện sống tại ấp Chòi Mòi, ấp nằm cập biên giới Campuchia của xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Là thương binh cụt 2 chân, nhưng không ỷ lại hay trông chờ vào nhà nước, luôn tự lực, với đôi tay còn lại, anh cố gắng trụ vững, khẳng định mình trong cuộc sống, tự làm nhiều nghề nuôi vợ con, để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ thương binh “Tàn nhưng không phế”.
Theo bà con nơi đây nói: Anh Trần Văn Đừng là người thương binh mẫu mực trong cuộc sống và đạo đức. Vào năm 1978, trong một lần dò gở mìn của bọn Pôn Pốt gài lại, anh bị thương do nổ trái nát hết đôi chân và các bác sĩ phải cưa đôi chân của anh để cứu người, lúc này anh 26 tuổi. Trở về đời thường với một thân hình không lành lặn, bằng đôi tay và nghị lực, Trần Văn Đừng tạo dựng cuộc sống, nuôi vợ, nuôi con, nay có một cơ ngơi khá tốt, ổn định cuộc sống. Sự đứng vững trong cuộc sống chỉ bằng đôi tay còn lại đã là sự phi thường, anh còn là tấm gương cho thanh niên và các thương, bệnh bênh trong vùng phấn đấu vươn lên.
Anh Đừng đang sửa máy.
Vào một buổi sáng, tôi chạy xe cập theo con kênh Tân Thành - Lò Gạch để tới nhà gặp anh, thấy anh loay hoay bưng bê sắp xếp đồ đạc, 2 tay nắm 2 cái ghế đi thoăn thoắt, gọn gàng, tôi không tưởng tượng nổi một con người 71 tuổi mà thao tác đi lại nhanh nhẹ, gọn lẹ như người bình thường, tôi nhìn anh vừa thương, vừa kính nể. Tôi chào anh, anh cười hiền, thấy anh khỏe mạnh và cường tráng, giá như anh còn đôi chân thì người anh cao to và đẹp trai lắm đây. Tôi hỏi anh về thời trai trẻ của mình, thời anh cùng đồng đội cầm súng chống bọn diệt chủng khát máu Pôn Pốt - Iêng Xari năm 1977-1978 tràn qua biên giới, xâm lược nước ta. Chúng giết sạch, đốt sạch, phá sạch xóm làng, quê hương nước ta, trong đó có xã Tân Thành, huyện Hồng Ngự của anh, biến nhiều làng quê của mình vốn yên bình trở nên tan hoang hết.
Anh trầm ngâm, uống một ngụm trà, đưa mắt nhìn xa xăm, như ôm cả cánh đồng lúa xanh ngát trước cửa nhà vào trong mắt mình, rồi chậm rãi nói với tôi: “Có gì đâu để nói, mình bị thương cụt mất 2 chân, đau khổ lắm, nhưng còn sống, còn có vợ, có con là hạnh phúc nhất rồi. Còn những đồng đội của mình có còn đâu, họ hy sinh, chỉ để lại di ảnh trên bàn thờ. Sự mất mát của đồng chí, đồng đội là lớn lao, tôi có là gì so với họ, nên kể làm gì, viết làm gì, mình chỉ là phần nhỏ nhoi của sự hy sinh đó. Nếu có kể là kể về những đồng đội của tôi, sự hy sinh của họ, để có được Tổ quốc tươi đẹp như ngày hôm nay”. Chúng tôi viết về anh và qua anh để giáo dục thế hệ trẻ biết quý trọng lớp người đi trước, đã hy sinh xương máu của mình để có cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay, biết yêu quý nền độc lập này, thương yêu Tổ quốc mình.
Tên anh do cha mẹ đặt là Đừng, Trần Văn Đừng, con thứ 3 trong một gia đình 13 anh em. Anh cười và giải thích cái tên mình: “Cha, mẹ đặt cho tôi tên Đừng, với ước nguyện khi con lớn lên, con Đừng làm chuyện sai trái và Đừng từ chối những việc làm đúng, sống phải trung thực, đừng luồn cúi”. Anh giải thích cái tên của mình mộc mạc, do cha mẹ đặt cho như thế. Mà đúng vây, tôi nghiệm lại từ nhỏ, cho đến tận bây giờ, tính tôi thẳng lắm, thấy chuyện sai, chuyện không đúng tôi bất bình không để yên, không thể chịu nổi, phải chống lại sự sai trái.
Quê tôi vùng biên giới giáp với Campuchia, hai bên lâu nay bà con qua lại làm ăn bình thường. Nhưng từ khi 2 đất nước được giải phóng 1975, bọn Pôn Pốt trở mặt, thường xuyên gây hấn biên giới của mình, làm khó nhân dân khi qua lại biên giới làm ăn. Tôi bất bình không thể chịu nổi, tại sao bọn Miên này lại ngang ngược hiếp đáp dân mình đến thế! Năm 1976, tôi quyết định xin vô du kích xã, mong góp chút công sức của mình cho dân cho nước. Vào năm 1978, chúng ngang nhiên xua quân qua Việt Nam ấp Chòi Mòi, xã Tân Thành, huyện Hồng Ngự cướp bóc, giết chóc, đốt nhà, đốt ruộng lúa… Lúc này tôi là ấp đội phó, có trong tay chừng 10 quân, với vài khẩu tiểu liên AR15 của chế độ cũ để lại, tôi nhanh chóng dàn trận đánh bọn Miên đen này và chúng tháo chạy sâu về bên kia biên giới. Trận đánh này làm cho bọn chúng chựng lại, ôm đầu máu chạy về, tưởng bọn này sợ mình, không dám bò qua, nhưng không ngờ bọn này hung hăn, tập trung nhiều quân hơn, cứ đến tối nó bò qua đánh lén ta. Do nắm rõ quy luật đường đi nước bước của bọn này, nên chúng tôi không bị bất ngờ, chủ động tiến công, làm cho chúng ôm đầu máu chạy về. Sau vài ngày tự lực chiến đấu, lực lượng chủ lực của mình tới chi diện. Nhiều ngày sau đó bọn Pôn Pốt bò qua đánh mình tiếp, tôi phối hợp với bộ đội, lôi quân ra chiến đấu... cứ như thế kéo dài cỡ tháng trời. Bọn Pôn Pốt thấy không kham nổi, nó đành rút sâu vô lãnh thổ của chúng và mở đường tấn công ta sang hướng khác.
Tình hình chiến sự tại xã nhà tạm dịu xuống, chúng tôi đi dọn dẹp chiến trường, có thể nói công tác này cam go như trận chiến, vì chúng tôi sống gần bọn Miên này lâu rồi và biết tính nết của nó: Chúng ăn không được thì phá cho hôi, nên khi nó rút đi, nó gài lại nhiều mìn, lựu đạn. Tôi và đồng đội phải làm công việc rà tháo hết mìn của bọn chúng để lại, không may tôi đạp phải trái, tôi bị thương nát hết đôi chân, đưa về tuyến sau trị bệnh. Bác sĩ không còn cách nào khác, phải cưa đôi chân lên khỏi gối để cứu lấy người và tôi trở thành thương binh, thành người tàn phế từ đó. Lúc này tôi vừa tròn 26 tuổi, tuổi tràn đầy sức sống, còn là người cầm súng tung hoành, giờ thành người tàn phế, phải đi bằng 2 tay. Trời đất như đen ngòm trước mặt tôi, tôi căm thù bọn Pôn Pốt. Lúc này trong tôi nhiều tâm trạng lắm: Mình nên chết đi cho rảnh đời, sống làm gì thân tàn phế như vầy, còn làm được gì cho gia đình và xã hội đây, đi đứng ra sao khi đôi chân không còn… Bao suy nghỉ cứ ùa về làm cho mình muốn điên lên. Nhìn vợ với 2 con thơ, một mái nhà không lành lặn, cơm ăn thiếu trước hụt sau, nhìn đôi chân tàn phế, tôi như người không hồn, lẩn thẩn, lơ ngơ mất phương hướng. Nhiều ngày đêm với một tâm trạng u tối, tôi không biết phải làm như thế nào đây?!
Vợ tôi hiểu được tâm tư của tôi và luôn động viên: Anh còn sống về với em, với con như thế này là hạnh phúc cho nhà mình, chứ bao người đi chiến đấu cùng anh, hy sinh có về được đâu. Anh cứ sống cho con còn có cha, em còn có anh, cuộc sống của mình từ từ tính, anh đừng quá lo, anh cứ ở nhà coi con, em làm thay anh để nuôi gia đình. Nghe vợ động viên, mặt khác tôi ngẫm câu nói của Bác Hồ “Thương binh tàn những không phế”, nên tạm yên tâm và chịu đựng nỗi đau, vượt qua khó khăn này. Vợ tôi là người đảm đang, lao động không thua đàn ông, chuyện gì cũng làm, nhờ đó mà gia đình tôi đứng vững được. Nhờ vai trò trụ cột của vợ tôi, ba, mẹ và đồng đội động viên, dần dần tôi quên nỗi đau thân xác, vươn lên và tự nhủ: Mình đã cống hiến đời trai cho Tổ quốc, tôi phải quyết đứng lên bằng cách, xua đi sự khiếm khuyết của thân thể, và cố tập cho mình thích nghi với một thân thể không có đôi chân. Không để vợ một mình làm lụng vất vả mãi, vào mùa nước tôi bơi xuồng giăng câu, giăng lưới bắt cá về bán mua gạo ăn. Mùa khô tôi lên bờ cuốc đất trồng rẫy, tôi vô đồng đắp bờ làm ruộng, tôi lặng xuống nước dỡ chà bắt cá, kiếm tiền nuôi vợ con... Lúc đầu tôi làm không quen, những động tác của đôi tay sao nó vụng về, do không có đôi chân nên những nhát cuốc bổ xuống đất như nhấc bổng con người mình lên… Làm cái gì cũng khó và chậm. Thấy tôi buồn, vợ tôi động viên, chia sẻ, tôi lại cố gắng vượt qua, tôi quyết chí làm cho được những công việc cần làm bằng đôi tay còn lại. Trời đất không phụ lòng người, những động tác của đôi tay dần dần thành thạo. Mọi thứ đâu vào đó, tôi lao động tốt như người có đủ tay chân. Mọi người lúc đầu nhìn tôi với con mắt hoài nghi, rồi đến sự nể phục, khen tôi giỏi và vượt khó. Từ sự quyết tâm của bản thân, sự chung tay giúp sức động viên của vợ, cha mẹ, anh em và bà con chung quanh, dần tôi thoát khỏi sự tự ti, mặc cảm và mạnh dạn làm tất cả những công việc có thể làm được để có tiền nuôi vợ, nuôi con. Năm tháng qua tôi sử dụng “thân hình mới” của mình vào cuộc mưu sinh khá tốt, cộng với vợ tôi là người biết tích cóp, biết chăm lo gia đình và con cái, nên gia cảnh của tôi dần ổn định, cất được nhà khá kiên cố, mua thêm ít công ruộng. Hiện tôi có tổng cộng hơn 17 công đất, năm làm 2 vụ lúa, cộng với tiền thương binh và lương cấp dưỡng của vợ tôi cũng tạm đủ sống. Duy có điều khi trái gió trở trời đôi chân cụt và cả người của tôi đau ê ẩm, nay tuổi cao sự đau đó càng tăng lên.
Hiện nay hai con trai, một gái của tôi đều yên bề gia thất, có cuộc sống tương đối ổn định, tuy không giàu hơn ai nhưng con cháu quây quần và luôn rộn tiếng cười là tôi mừng, mãn nguyện rồi.
Thân tôi tuy không lành lặn, nhưng tôi còn sống, có được vợ con, có cháu quây quần, chỉ thương cho đồng đội tôi chiến đấu hy sinh, giờ trở thành các bụi, họ có nhìn được độc lập này đâu. Ngày ngày tôi luôn nguyện sống sao cho xứng đáng với những đồng đội của mình nằm xuống để cho chúng tôi có được nền độc lập này, để cho chúng tôi có một cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay. Đến giờ tôi không mong gì hơn, chỉ mong cho có sức khỏe để sống cùng con cháu, mong cho nước mình độc lập trường tồn và giàu có hơn lên.