TIN TỨC

“Cảm nhận văn chương” - Lời tự sự của chuông gió

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
982 lượt xem

KAO SƠN

Trong một nền văn học, nhân tố đầu tiên quyết định đến sự phát triển là Nhà văn và Tác phẩm. Nhưng Độc giả lại là yếu tố quan trọng, có thể ví như không khí, như mạch máu nuôi dưỡng cơ thể. Không có độc giả thì dù nhà văn có in ra đến thiên kinh vạn quyển cũng vô ích. Và đứng ở giữa, chiếm vị trí như một cầu nối, như một chất xúc tác, làm sôi động sự vận hành, liên kết giưã Tác giả- độc giả là Nhà phê bình. Phê bình có tác động mạnh mẽ đến tâm lí, thị hiếu và sự chọn lựa của người đọc, có nhiệm vụ thẩm định, bình giá hay định hướng giá trị nhân văn, thẩm mĩ cho cộng đồng. Đồng thời, phê bình tác động trở lại chính nhà văn và hoạt động sáng tác, hoạt động xuất bản, phát hành ấn phẩm văn học.


Nhà văn Kao Sơn tại buổi giới thiệu tác phẩm mới của nhà thơ Triệu Kim Loan.

Để có một nền lí luận phê bình Văn học nghiêm túc, bài bản cần rất nhiều yếu tố: Chương trình đào tạo chính quy về lí luận cơ bản, học thuật, văn hoá, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm phê bình văn học… Một nhà phê bình thực thụ cần có cơ sở lí luận vững, có hành trang kiến thức về Mỹ học, Triết học, có am hiểu rộng về các trường phái, tôn giáo… và cùng đó là tinh thần tự học, tự mở mang thông qua các kênh kiến thức của văn học thế giới, các trường phái, các luồng tư tưởng, khác nhau…đồng thời có nhân sinh quan riêng, có khả năng tạo lập một hệ quy chiếu hợp lí cho từng vấn đề cụ thể. Ở một bình diện khác, cần quan tâm đến mặt bằng kiến thức chung của đối tượng tiếp nhận. Với độc giả phần lớn có trình độ trung bình, khó tiếp cận những vấn đề học thuật, những lí luận rối rắm mà Phê bình hàn lâm mang tới sẽ là một rào cản không nhỏ. Chính vì thế mà một thời gian dài ở nước ta, do hoàn cảnh cả về kinh tế lẫn chính trị, Lí luận- Phê bình chính thống và Hàn lâm đang ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp.

Để cứu vãn tình trạng đó, CẢM NHẬN – Một phân nhánh của Phê bình vốn hình thành từ thông tin báo chí…. lại có cơ hội phát triển. Đơn giản là tính cập nhật nhanh, gọn, không đòi hỏi lí luận cao siêu. Cảm nhận là sự chấp nhận, động viên, chia sẻ, tạo sự đồng cảm và cổ vũ. Nó trở thành động lực tăng cường cảm hứng, nguồn doping dịu ngọt và không kém mê li cho người sáng tác. Hiện tượng này tạo ra một khối đồng minh khá đoàn kết chứ không chia mặt trận giữa người sáng tác và nhà phê bình như trước.

Tình nguyện trở thành cầu nối thân thiết giữa Tác giả với Độc giả, cả một đội ngũ đông đảo của thế hệ 6X, 7X những người mà trong sự nghiệp văn chương đã có một thời gian thử thách, đã có kinh nghiệm và độ chín nhất định sự nghiệp nhiệt tình dấn thân. Nhiều người bắt tay vào viết những bài Phê bình kiểu đó. CẢM NHẠN VĂN CHƯƠNG của Triệu Kim Loan có thể được coi là một dấu ấn mang tính tiên phong khi chị làm một tập hợp thành một cuốn sách nghiêm chỉnh trong đó phần lớn là những bài Cảm do chị và bạn bè viết. Triệu Kim Loan có thế mạnh khi viết Phê bình dưới dạng Cảm. Bởi chị cũng chính là người viết, là tác giả của nhiều bài thơ, nhiều tập thơ đồng thời cũng là người đọc. Điều đó giúp chị dễ dàng trở thành Người trong cuộc. Chị chìa bàn tay ấm mềm và dính đầy phấn trắng tinh khiết để được làm bạn đồng hành với các tác giả khác và độc giả.

Triệu Kim Loan là Thạc sỹ chuyên ngành Văn học, là giáo viên Văn nhưng khi viết phê bình chị lại tránh được sự giáo điều, tránh được những câu chữ mang tính ước lệ vốn đã trở thành nếp trong dạy và học văn học trong nhà trường. Chị cũng không bị chi phối quá nhiều về những mặc định Hàn lâm, Kinh viện hay những giăng mắc, những uẩn khúc và cả những chưa ngã ngũ mà các cuộc tranh luận học thuật vốn đầy ắp trong các bài phê bình. Chị hiểu thực trạng của Văn học nước nhà, hiểu hoàn cảnh và khả năng của bạn viết. Chị không dùng nhiều những Mỹ từ, dùng những lời có cánh để tâng bốc hay để đưa nhau vào mê lộ ảo tưởng. Câu chữ của chị là câu chữ của nhà phê bình nhưng được biểu hiện qua cái tâm của người sáng tác. Không rao giảng, không áp đặt, không viện dẫn những tai to mặt lớn, những triết gia, những tư tưởng xa vời, không lên giọng vẽ đường chỉ lối. Cứ thủ thỉ tâm tình, thoảng nhẹ như làn gió mỏng làm tung lên những leng keng ấm áp của chiếc chuông gió, vậy thôi!

Triệu Kim Loan viết cho bạn cũng là khi chị dang tìm thấy ở bạn những đồng điệu, lấy bạn làm một gợi mở hay đối tượng để thiểu và khám phá. Khi ấy chị không chỉ đơn thuần là người viết giới thiệu, một quan sát viên hay một hướng đạo. Triệu Kim Loan tự hoá thân thành người thứ hai bên cạnh người viết, như hai người bạn cày cấy ở một miền quê yên bình sau buổi từ cánh đồng về ngồi bên mép hè đất, vừa chuyền tay nhau bát nước vối vừa bàn với nhau chuyện ruộng vườn cùng bao vui buồn thất bát. Để Cảm nhận một tác phẩm Văn học thì nguồn tư liệu chính vẫn là Văn bản của nó. Nhưng Triệu Kim Loan khi viết Phê bình thường chọn những tác phẩm của bạn bè chị. Cái điểm xuất phát đầu tiên là Tình yêu. Chị yêu bạn. Thứ nữa, là bạn bè nên hiểu nhau đến từng chi tiết cả về Tác phẩm lẫn con người thực trong đời thường. Lối viết ấy sẽ giúp độc giả không chỉ hiểu về Thơ mà còn hiểu và yêu quý thông cảm với người viết. Xin lấy riêng một ví dụ Triệu Kim Loan viết về Trần Mai Hường: “Đó là một tâm hồn ngập tràn nắng gió của thiên nhiên, vừa ấm áp, đam mê thơ ca nhưng cũng đầy trắc ẩn trước những bão dông cuộc đời. Đằng sau những mật ngôn sóng sánh kia là trái tim giàu xúc cảm, một bản ngã rắn rỏi đối diện và vượt lên nghịch cảnh bằng niềm tin mãnh liệt như chính con người ngoài đời của chị... Lời thơ trăn trở, xa xót bởi tình duyên bấp bênh như một canh bạc của số phận”.  Có lẽ phải cùng có trái tim đàn bà, cùng mang thân phận đàn bà và cũng yêu, hiểu nhau lắm thì mới có thể viết được, tặng cho nhau những câu chữ chính xác đến mức “bóc mẽ” nhau đến thế.

Đọc bạn và gắng tìm ra trong bạn những lấp lánh đó là chủ ý có tính định hướng của Triệu Kim Loan. Dù chỉ với một bài hay cả tập, chị luôn đọc bạn bè một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, không hời hợt. Luôn cố gắng tìm ra những nổi trội, những độc lạ trong câu chữ hình tượng hay chí ít cũng phát hiện ra những ưu điểm, những thế mạnh trong sáng tác đáng chú ý nhất. Thơ có thể Hay hoặc chưa hay. Nhưng giữa Triệu Kim Loan với Tác giả là những bài học, những lời khuyên về sự tiếp tục hay từ bỏ. Những phát hiện- Phát hiện cho người đọc, phát hiện cả cho tác giả, chủ nhân của những câu thơ “hay đến nỗi chính mình cũng không biết rằng Hay”. Đôi khi có hơi quá. Nhưng thông cảm được. Bởi cũng là vì yêu quá đấy thôi. Lấy cái tình mà thể tất vậy. Điều này vô cùng cần thiết nhất là với những người mới cầm bút hay đã cầm bút lâu nhưng đang có những khúc mắc, những rào cản gây hoang mang hoặc chí ít là mất tự chủ, thiếu tự tin. Nó giống như công việc của người khai quặng, gạt bỏ đi những che phủ đất cát để lộ ra những tầng vỉa quặng quý. Làm được việc này Triệu Kim Loan vừa gây dựng cảm xúc cho mình từ những trang viết của bạn bè vừa thể hiện tiếng lòng của chị trước bạn và trách nhiệm của Nhà phê bình đối với người đọc. Nó giúp mở ra một suy ngẫm và nhận biết. Vừa là một sẻ chia, đồng cảm, vừa là một gợi mở, động viên. Một bàn tay tìm nắm một bàn tay trên đường gập ghềnh. Thế thôi cũng là rất quý!

Phần II của cuốn sách là tập hợp những bài kí, tản văn, trong đó đáng chú ý là những bài chị viết từ thực tế hoạt động văn học nhưng liên quan đến nghề giáo: Những buổi giao lưu, sinh hoạt ngoại khoá, kỉ niệm với đồng nghiệp. Những “Cảm nhận văn chương” lúc này không chỉ bó gọn trong những tập thơ, đóng kín không gian trên ngăn tủ sách cá nhân mỗi gia đình hay trong không khí tĩnh lặng của Thư viện mà được mở rộng tới môi trường xã hội rộng lớn, giúp bạn đọc hiểu thêm sức sống của văn chương hiện tại.

Phần thứ III, Hồi âm bạn bè về Triệu Kim Loan. Dư luận là yếu tố cần thiết tạo nên sức sống cho tác phẩm. Những trang viét của bạn bè về thơ Triệu Kim Loan còn mang một ý nghĩa khác. Trước hết đó là sự đón nhận và sau đó phần nào khẳng định về giá trị mà Thơ chị mang lại cho đời. Chị có một đội ngũ đông đảo người đọc là những học trò, những bạn đồng nghiệp. Khi viết về những kỉ niệm, những buổi giao lưu, những hoạt động văn nghệ ngoại khoá, có rất nhiều học trò và đồng nghiệp đã trở thành nhân vật của chị. Thông qua những hoạt động ấy chị truyền tình yêu và niềm tin vào văn học. Triệu Kim Loan có nhiều bạn là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Họ cũng yêu mến chị, trân trọng dành cho Thơ chị những lời của tri âm, gần gụi và tâm huyết.

Có một nhận xét rất đáng để lưu tâm, đó là cái nhìn của Nhà báo, nhà thơ Bùi Phan Thảo: “Thơ Triệu Kim Loan không hướng đến sự thể nghiệm, phá cách mà thiên về những tự sự về cuộc đời qua những trải nghiệm sống, những nỗi niềm nhân sinh. Chính xác và Đủ. Nó nói được cách nhìn Thơ, cách tiếp cận Thơ và Con đường mà Triệu Kim Loan sẽ chọn để đi đến với trái tim độc giả”. Trúc Linh Lan thì phát hiện: “Thơ của Loan thường gắn với những buổi chiều…đượm buồn, u uẩn chút nhưng lắng sâu và gần gũi”. Trần Mai Hường thì khẳng định: Thơ Triệu Kim Loan “ngổn ngang, đa chiều và dồn nén … da diết, lắng sâu đến khắc khoải... đã “thả” vào thơ một bể vương mang, đợi chờ vời vợi. Niềm đợi chờ ấy luôn tỉnh thức, lạc quan và duy mỹ … luôn chân tình, dễ hiểu, tuy không giàu tính triết luận nhưng đằm thắm trong lời nhắn nhủ xa xôi và lắng đọng”. Nguyễn Bính Hồng Cầu ngoài việc chú ý chất lượng kĩ thuật, những đổi mới trong thơ Triệu Kim Loan: “tôi thích cái cảm giác bàng hoàng khi chạm vào những câu thơ trung thực, chân mộc mang hồn cốt đích thực của người viết”. Nguyên Bình lại phát hiện tinh tế “Khát vọng xanh là bình rượu nồng nàn thấm đẫm hương vị của men đời nồng cay mặn chat”… Phan Ngọc Quang đồng cảm “thích thả mình chạm vào những vần thơ khắc khoải niềm riêng rất đàn bà của chị, có xót xa, có buồn vương, tiếc nuối, có đau đớn hờn ghen nhưng không oằn oại rên xiết khổ đau”. Cù Tiến Tuất “Thơ Triệu Kim Loan là một hành trình tìm kiếm không mệt mỏi về ý nghĩa đích thực của cuộc sống”, Phạm Thị Thuý Nhài “tôi bỗng khám phá những ẩn ức, khát khao và cả những rung cảm mong manh tinh tế trong tâm hồn trong trẻo của chị…”, Nguyễn Thị Thanh Hà “chị viết thơ như xé nát gan ruột của chính mình nhưng cái kết vẫn viên mãn một miền cổ tích”. Một số người bạn học Đại học với chị như Hà Phú “Nét bút nghiêng thanh mảnh, dịu dàng lại phản chiếu tinh tế những giá trị nhân sinh về con người và cuộc sống với bao thăng trầm, góc khuất”, Bùi Kim Thông “Hồn thơ sóng sánh cảm xúc, thiết tha với cuộc đời trong cảm thức của một trái tim phụ nữ”.

Với một cuốn sách dày dặn và phong phú như CẢM NHẠN VĂN CHƯƠNG, Triệu Kim Loan đã làm được một công việc rất ý nghĩa: Tạo nên một Nhịp cầu văn học. Tất nhiên, không thể vin vào những nhận xét, lấy đó làm chuẩn mực chung, hoàn toàn chính xác cho những đánh giá có trong tập sách. Bởi nghĩ cho cùng thì đấy vẫn chỉ là ý kiến của từng cá nhân với những thân phận mang hoàn cảnh cụ thể, đứng ở những góc với hệ quy chiếu cụ thể riêng biệt. Vậy thì hãy xem đây là tấm lòng của bè bạn văn chương dành cho nhau. Thế thôi đã. Phần còn lại dành cho bạn đọc yêu quý. Bạn đang cầm trên tay cuốn sách của Triệu Kim Loan hay một tập thơ nào đấy của chị. Hãy đọc và cho ý kiến của riêng mình. Hãy cùng nhau “ Cảm nhận văn chương”, làm luồng gió mới đem hơi ấm của bạn đến với những trang sách của Triệu Kim Loan đang như chiếc chuông gió nhỏ ngóng đợi để cùng bạn làm nên thanh âm Leng Keng bé nhỏ của sự cảm thông, sẻ chia bầu bạn.

Hà Nội – Những ngày chớm Thu 2023.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm