- Góc nhìn văn học
- Nhớ Bùi Giáng
Nhớ Bùi Giáng
Nói về hiện tượng Trung niên thi sỹ Bùi Giáng, nếu nhìn nhiều góc độ khác nhau, sẻ Bùi Giáng ra làm trăm mảnh, bóc thi sỹ ra hàng ngàn lớp võ, để thấy cái cốt lõi một Bùi Giáng tung hứng rong chơi đạt đến cảnh giới vô phân biết tướng.
Nhà thơ Bùi Giáng.
Có người nói ông là Bồ tát, là Thi tiên, là người điên… muôn ngàn cách điệu nhưng không ai thấu hiểu được cảnh giới của một Bùi Giáng như thật. Có người nói: “Ông điên với những người khùng, người khùng mới thấy ông điên, họ chiêm bao làm sao thấy ông tỉnh”. Ôi! một cảnh giới diệu kỳ, một sức sống uyên nguyên sấm sét đánh thức toàn cõi quần mê. Ông điên à?
Ông điên từ bữa hôm qua
Tới hôm nay nữa gọi là ba hôm
Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
(Ông điên – Bùi Giáng)
Theo lẽ thường, khi biết mình điên thì không phải là điên, cũng như trong chiêm bao biết mình chiêm bao là đã tỉnh… Đứng về hiện tượng, dáng dấp một vị thiền sư và người điên thì con mắt đời thường chúng ta khó phân biệt. Có ai được vào sống chung với cảnh giới cùng ông mới may thay hiểu được phần nhỏ nào nói chuyện tỉnh thức trong chiêm bao. Thơ văn ông từ trong diệu nghĩa của tự tính viết ra, khó có thể nghĩ bàn. Tôi càng viết thì càng không hiểu và càng xa ông thêm. Cũng có những dịp may mắn được diện kiện với ông, tất nhiên có nhiều kỷ niệm vừa văn nghệ vừa thiêng liêng tâm linh, kể cả đời tu học của tôi, nhưng không tiện kể ra, sợ mọi người nghĩ tôi còn nhỏ mà mượn cây đinh của ông để treo bức ảnh của mình lên. Bây giờ xưng nhà thơ, thi sỹ hay bút hiệu Bán Dùi, Trung niên thi sỹ… thì cũng không đúng vì đời ông siêu vượt trên ngôn từ. “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu/Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa”, nên tôi mạo muội xưng bằng “ông” cho gần gũi thể hiện sự tôn trọng như ngày nào.
Thời kỳ đất nước chiến chinh, trước thế lực áp bức gay go, nhóm Tự lực văn đoàn hay Nhân Văn – Giai Phẩm, người không đứng bên này thì phải dính bên kia. Riêng Bùi Giáng nhảy xùm vào cuộc chơi thiên viễn “nghệ thuật vị nhân sinh”, không dính dấp vào chính trị, tự do tung tăng nhảy múa giữa chợ đời với bài ca vô nhiễm. Đó là cái lớn của Bùi Giáng khiến tôi thần tượng.
Còn ngữ điệu thi ca bậc thượng thừa, nhập thánh siêu nhiên bềnh bồng mây khói, khởi nguyên không đầu mối, kết thúc không cuối cùng, tiêu dung lời kinh kệ, liễu ngộ đời sống nhân sinh nhắc nhở ta bằng thể điệu thi ca qua những vần thơ sống phát xuất từ cảnh giới siêu năng.
Chiều nay ngồi nhớ kỉ niệm 23 năm ngày ông thoát xác để tung tăng rong chơi miền miên viễn mới, tôi chợt nhớ lại bài thơ ông đọc tại quán Mưa Nguồn với tiêu đề Trăm năm tắm gội, đem ra Tiếu Ngạo Cung Cầm, để nhắc nhở lại cuộc đời tu học của mình. Bình sinh ông cũng ghét người đem thơ ra mổ xẻ phân tích, vì thơ là hơi thở, đem hơi thở ra chia năm xẻ bảy thì sao còn sự sống. Dẫu biết vậy nhưng rồi tin tưởng dù có sai ông cũng mỉm cười không chấp trách gì kẻ hậu sinh tiểu tốt.
Mới đọc qua bốn câu thơ nghe như cà rỡn rong chơi, đười ươi đùa cợt với chuồn chuồn trong chiêm bao mộng mị, không liên quan gì đến đời sống nhân sinh thực tại. Nhưng đọc kỹ lại tôi bỗng giật mình lạnh toát mồ hôi, như một bài kinh thù thắng diệu huyền, lột tả hết thân phận đời người, khai thị nhân sinh vượt qua trầm luân dâu bể, bèn cúi đầu thi lễ đem ra bình luận bằng tất cả sự tôn kính, may ra thấy được dấu vết sợi lông của ông trăm năm rong chơi phiêu hốt trong “cõi người ta” là may mắn rồi.
Trong kinh Phật nói, ngũ dục là năm thứ món con người suốt đời truy cầu tham muốn. Bon chen giành giựt quyết chiếm hữu cho mình không bao giờ biết đủ, rồi ngược lại bị đoạ đày nô lệ, bị chi phối, dẫn dắt đến ngục tù khổ đau của thể xác lẫn tinh thần, trôi lăn trong vòng sanh tử, đày đoạ khôn cùng, 5 thứ đó là: Tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Nghĩa là “Tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn và ngủ“. Người có trí suy xét thì thấy ngũ dục là giặc, là phiền não; những kẻ vô minh lại tham đắm ngũ dục ràng buộc đến chết cũng không chịu buông. Thế mà Bùi Giáng đánh thức ta chỉ gói gọn bằng bốn câu:
Trăm năm tắm gội dưới trời
Ngày thì tắm nắng tối rồi tắm trăng
Nhớ em tắm với chị Hằng
Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn.
(Đêm ngắm trăng – Bùi Giáng)
Một tình thương bao la, một tình yêu tha thiết, một nỗi niềm khôn xiết vô bờ bến, ông khai mở nhắc nhở ta khỏi rơi vào cạm bẫy cuộc sống:
Trăm năm tắm gội dưới trời
Ồ! Trăm năm là ước lệ thời gian con người sống hiện hữu buồn vui, còn mất, nhục vinh trên trái đất. Ta hiện hữu trên cuộc đời để làm gì? Chẳng lẽ để tắm gội? Nhưng tắm gội cái gì? Tại sao phải tắm gội? Đây là một câu hỏi thâm sâu, vô cùng thâm thuý để ta suy gẫm tận cùng ngõ ngách, mới vỡ lẽ qua câu thơ Bùi Giáng khai thị suối nguồn, thẩm thấu lẽ sống, giá trị cuộc chơi:
Tắm gội dưới trời
Là đầu dưới bầu trời và chân trên mặt đất, ý nói sống hiên ngang đầu đội trời chân đạp đất. “Tắm gội”, nghĩa là tha hồ tung hoành ngang dọc, vươn vai tả đột hữu xung, khí hùng tung vó tuỳ theo ý muốn giữa đất trời bao la, đạt được lòng ham muốn cùng tận.
Ngày thì tắm nắng
Tắm nắng ở đây là nấc thang công danh quyền lực tiếng tăm lừng lẫy vang dội tuổi tên, đỉnh cao quyền lực vinh hoa sáng lạng, đầy đủ uy quyền sai khiến thiên hạ. Khi đạt được danh vọng, lòng tham cầu chưa đủ chưa thoả mãn vẫn còn thấy thiếu, khi cầu được điều này lại muốn điều khác như lửa thêm củi ngày càng bốc cháy bùng lên. Danh vọng là chỉ cho sự tham đắm về mặt tinh thần, còn sự giàu sang phú quý là chỉ cho vật chất.
…tối rồi tắm trăng
Tối rồi ý nói, ban ngày lo cho đài cao danh vọng, tối về vui sướng (tắm) với gia sản tiền tài, xe hơi, biệt thự nguy nga dinh cơ tráng lệ, con cái thành danh. Khi có tiền bạc rồi thì tham ăn ngon mặt đẹp, thích chăn êm nệm ấm, lòng tham hưởng giàu sang phú quý. Đó là cái đắm nhiễm thú vui thoả mãn của con người, thì cảm thấy đời mình càng thêm thiếu thốn trống vắng cô đơn, nên tìm đến cảnh giới lung linh mỹ miều hương sắc, tiên nương, thục nữ Hằng Nga…
Nhớ em tắm với chị Hằng
Bùi Giáng dùng ngữ ý tuyệt luân, vừa chơi với trăng bây giờ đòi giỡn với chị Hằng, vì chị Hằng cùng ở trên cung trăng. Cũng như có tiền tài rồi thì thích vui với ái ân, những hạt giống dục tính tiềm ẩn sâu trong tiềm thức rất mạnh mẽ (phân tâm học Sigmund Freud gọi là LIBIDO), khi có đủ duyên thuận tiện vật chất thì hạt giống ân ái cũng bắt đầu thôi thúc vươn lên. Tình thương là nguồn động lực ham muốn mạnh nhất trong con người, đó là biển ái rất vi tế sinh ra muôn ngàn ngõ ngách ta khó nhận ra. Trong phật giáo gọi là “câu sanh chủng tử”, là hạt giống đời này truyền qua đời khác, nhưng ông nói đây chỉ cho chúng ta thấy ngồi nhau trong cuộc chơi không có thấp thoáng vài bóng hồng thì vô cùng nhạt nhẽo. Nên xã hội ngày nay bày ra những cuộc ái ân giải trí như karaoke, cà phê và muôn loại hình không lành mạnh… để đáp ứng sự thoả mãn tham lam sắc dục của con người.
Công danh – Tiền bạc – Sắc dục – Ăn uống và Ngủ nghỉ trong Phật pháp gọi là ngũ dục, nó đan xen tương duyên cho nhau. Ngũ dục đốt người như lửa, hại người như rắn độc, đấy người trôi lăn sáu đường sanh tử. Đó cũng là đầu mối làm thế giới chiến tranh nhân loại điên đảo. Đam mê ngũ dục không có điểm dừng thoả mãn, càng không thoả mãn thì càng nô lệ, càng nô lệ lại càng đau khổ. Người có trí nhìn thấy ngũ dục là giặc, là thù, những kẻ vô minh lại tham đắm ngũ dục đến chết không thôi. Làm tôi tớ cho ngũ dục về sau phải chịu khổ não khôn lường. Nhưng ngũ dục không thật, như chiêm bao, như tia chớp, như sương đầu ngọn cỏ, như bóng câu qua cửa sổ. Xét như thế Bùi Giáng dùng tiếng trống lôi âm, gậy thiền khai thị đuốc tuệ sáng soi chỉ thấy đâu là chân thật cuộc đời:
Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn
Đến đây, mới thấy độc đáo ông kết thúc cuộc lữ đời người bằng cát bụi phù du, đắm mình với phú quý vinh hoa cuối cùng như cơn tuý mộng. Sắc tài danh lợi kết thúc nhanh tựa tia chớp đầu nguồn. Cô đơn có nhiều nghĩa, ở đây chỉ xin đề cập 2 nghĩa:
– Theo nghĩa đen, một đời vật lộn khổ đau tranh giành bon chen với cuộc sống, tích luỹ tiền tài sự nghiệp, khi hơi thở cuối cùng, xuôi tay nhắm mắt hai bàn trắng tay, hiu hắt thắp chiếc đèn dầu cô đơn trên đầu gường sanh tử.
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
(Mắt buồn – Bùi Giáng)
– Chung quanh không người thân quen, không nơi nương tựa, vô gia cư gầm cầu bến chợ, hiện tượng bên ngoài cuộc sống gọi là cô độc. Còn cô đơn chỉ cho tinh thần bản chất bên trong, nhiều khi sống bên cạnh đông người cũng cảm thấy mình cô đơn. Khi thành công rực rỡ ta nô lệ cho thành công đó vẫn cô đơn. “Tình cao quý vẫn là dây oan nghiệt/Ngắn vô cùng trùng ngộ vô biên“ (Bùi Giáng). Con người càng cô đơn thường hay thể hiện, càng thể hiện lại càng cô đơn. Cô đơn một trạng thái luôn bất an, nếu không biết chuyển hoá về an tịnh, thì chúng ta thành cô hồn trong hiện tại, mặc dù cuộc sống tinh thần đầy đủ quyền lực vinh hoa.
Vỏn vẹn có bốn câu như đùa với tuyết rỡn với mây, châu chấu nhảy nhót đồi sim, rong chơi bến bờ vô tận, nhưng khai mở cho ta con đường thông lộ ngõ về muôn thủa an vui, cởi trói sợi dây não phiền ràng buộc, trầm mặc xả buông xem phú quý quăng như đôi dép bỏ, nhìn công danh tựa lằn chớp bão giông “Ngoảnh nhìn lại cuôc đời như giấc mộng/Được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không”.
Chỉ bốn câu thơ mới đọc xem như giỡn cợt ”…. đùa vui tí chút, nhưng ai ngờ đùa đến mãi điêu linh”, thâm sâu như một bản kinh tuyệt luân được ông tiết tấu thành ngữ điệu thi ca thiền vị khai sáng “Cõi Người Ta”!
N.K