- Truyện
- Những cuộc hẹn hò | Truyện ngắn của Nguyễn Mộng Tuyền
Những cuộc hẹn hò | Truyện ngắn của Nguyễn Mộng Tuyền
So với các nhà khác trong xóm, nhà cô Linh có mảng sân rộng, tráng xi măng tươm tất, chỉ chừa một khoảng đất nhỏ. Trên khoảng đất đó, ngoài mấy khóm cúc, vạn thọ, sao nhái thâm thấp trồng xen kẽ nhau, còn có một cây thân to cao, vươn lên sừng sững, tỏa bóng râm che mát cả một vùng.
Bác Dậu qua đời cách đây 10 năm. Cô Linh đã kịp sinh cho bác 3 người con gái: chị Mỹ, Hương và bé Khánh. Chị Mỹ hơn Hậu 3 tuổi. Khi Hậu là cậu nhóc cấp 2, còn đi bộ đến trường làng thì chị đã tha thướt áo dài, đạp xe đi học trường huyện. Hậu hay nhìn chị, trông chị dịu dàng và chững chạc hơn hẳn đám con gái loi nhoi ở xóm này. Chị học giỏi Văn, giỏi cả môn Anh ngữ nữa. Bọn trẻ con trong xóm ngưỡng mộ chị lắm. Cứ mỗi tối thứ hai, tư, sáu, chúng thường hay tụ họp ở nhà cô Linh, học tiếng Anh chị dạy. Tối chủ nhật, đợi lúc chị sửa soạn xong xuôi bài vở, chúng lại kéo sang nhà bảo chị kể chuyện cho nghe.
Hậu cũng hay nghe chị kể chuyện. Có mấy lần, Hậu hỏi chị về cái cây sừng sững giữa sân nhà. Lá cây to bản, xanh um. Lâu lâu, cây lại ra trái - thứ trái ngộ nghĩnh mà thời đó đám trẻ chưa biết gọi là gì. Trái cây bình thường thì hạt ẩn vào trong, ai đời như nó, 2/3 cái hạt trồi cả ra ngoài, phần thịt không chịu bọc lấy phần nhân. Chị Mỹ bảo: Cây đào lộn hột.
- Sao… nhà chị không trồng cây nào khác, ngoài cây đào này?
- Thật ra, cũng vì không ai chăm… Nhưng cây đào này thì không thể không trồng.
- Chị làm em thấy tò mò về nó quá! Kể em nghe đi!
Chiến trường Campuchia ngày đó ngập khói lửa. Cái thời của những năm sau 75, thế kỉ trước. Ngày đó, ba chị mới hăm hai. Tuổi trai tráng, ba theo đồng đội lên đường, như cái thời ông nội chị đi kháng Pháp. Lúc trước, bà nội không thể giữ chân ông được, lúc này bà cũng không giữ chân ba lại. Vì “Ai ngăn được cái thằng vừa bướng, vừa ngông?”. Vẫn biết “cổ lai chinh chiến” mấy người đi trở lại, nhưng bà vẫn nuốt nước mắt để con ra đi.
Năm năm sau đó, ba chị về. Hành trang mang theo, ngoài hai bộ quân phục, một chiếc nón tai bèo, còn có một cây đào lộn hột và một thứ dây leo vẫn còn lem lấm đất bùn. Hai mươi bảy năm tuổi đời, da dẻ ba sạm đi vì gió bụi. Trên gương mặt lành lặn ngày nào, ba tự hào vẽ thêm cho mình một vết sẹo trên cánh mũi phải - vết sẹo do mảnh vỡ của một quả bom xăng ghim vào.
- Vậy cây đào từ đâu mà ra hả chị? Còn cái dây leo đậu trên thân cây to cao đó nữa, bác Dậu mang về làm gì?
- Cái cậu này hay hỏi nhiều vậy ta? Chuyện xưa lắc, lẽ ra phải giữ làm “bí mật quốc gia”, vậy mà em cứ bảo chị phải kể suốt.
- Không kể được sao chị?
- Không phải là không thể kể. Chỉ là vì… chị chưa sắp xếp được ý tứ trong đầu mình!
- Chị luôn có cách kể hay nhất mà…
- Ừ! Nhưng chị cũng không biết nên bắt đầu từ đâu.
- Vậy… chị bắt đầu từ tiểu đội của bác Dậu ngày đó đi!
- Ừ… Bắt đầu từ tiểu đội của ba…
Tiểu đội của ba chị ngày xưa có… 12 người, 12 thanh niên khác quê nhưng lại hợp chung về một đội. Họ sống và chiến đấu với nhau, cùng chia nhau cái đói, cái lạnh, cái sợ hãi, hiểm nguy. Họ nói với nhau về nỗi nhớ, về ước mơ và cả những chuyện tình.
Họ là những chàng trai sinh ra vào các năm 57, 58, 60… Cùng tuổi với ba, hoặc nhỏ hơn ba vài tuổi. Có người đang còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe tin biên giới Việt - Cam đang nóng bỏng, họ quyết định bỏ viết xuống, cầm súng lên. Lính tráng mà lại xuất thân từ học trò, chú nào cũng hóm hỉnh, nhiệt tình. Những khi chiến trường im tiếng súng, 12 người lại rủ nhau ngồi lại, ca cổ hoặc hát những bài trầm hùng.
Mười hai người như thể 12 anh em trong một gia đình lớn. Ba chị vẫn nhớ đến từng nét mặt, từng tính cách. Ba nhớ chú Lân có mái tóc xoăn tự nhiên, da thì đen mà hàm răng trắng đều tăm tắp. Hễ mỗi lần chú kể chuyện vui thì y như rằng mười mươi sẽ vô duyên không thể tả. Nhưng ba thương chú ở chỗ hiền lành, củ mỉ cù mì như cục đất. Ba nhớ bác Tấn, người anh lớn của cả đội, một người đàn ông Tây Nguyên có cái nét kiêu hùng của núi rừng, nhưng lại có cách chăm sóc, quan tâm đồng đội dịu dàng như chị cả. Ba còn kể chị nghe về chú Vĩnh - người vào tiểu đội sau cùng, cũng là một chàng trai miền Tây bộc trực và gan lì. Chỉ mới sau vài tháng gặp gỡ, chú đã xem ba như một người anh thân thiết. Chuyện gì chú cũng kể ba nghe. Đêm nọ, chú gối đầu lên đùi ba, lôi trong túi áo quân nhân một sợi dây chuyền bạc, trên mặt dây chuyền có khắc hai chữ V-T: “Của Tím tặng em đó anh à! Cổ viết thơ cho em, hẹn ngày nào em về thì hai đứa sẽ cưới nhau. Còn nói… sẽ có một bất ngờ cho em nữa. Chắc vài bữa, chiến đấu xong, sẽ được về nhà mà anh hen”. Ba nhớ từng lời của chú, nhớ ánh mắt long lanh, thơi thới như tin chắc chắn là chỉ ngày mai ngày mốt nữa thôi, nắng đẹp sẽ xua tan hết đám khói lửa này.
Vậy mà chỉ đêm sau đó, giặc oanh tạc nhằm ngay nơi đóng quân của họ. Một tiếng “chíu” rít tai ré lên từ trên cao. Vài giây sau, một thứ âm thanh ghê gớm ập xuống xé toạc cả thính giác. Tiếp theo đó là tiếng rào rào của vật thể bị hất lên rồi rơi xuống mặt đất lầy lội. Cuối cùng là im phăng phắc. Cả một vùng, tan nát hết!
- Tan nát hết cả sao chị? Còn bác Dậu, bác Dậu thì sao?
Ba chị đứng xa vùng trung tâm nên không trúng bom. Nhưng ông bị sức công phá của nó đẩy mạnh, văng ra xa. Không khí giãn nở tạo sức ép dội vào lồng ngực ông. Một mảnh bom nhỏ bắn vào cánh mũi phải, tưởng như đã vỡ cả gương mặt rồi. Máu từ mắt, mũi, miệng và cả tai chảy ra, thấm ướt cả quân phục. Ông gục đi. Người ta tìm thấy ông trong một đống đổ nát, cách đó mấy mươi mét là một hố bom sâu hút. Ông bị lẫn trong những xác người bất động, lẫn trong những mảnh vụn thân thể của những người anh em.
- Lẽ nào…?
- Phải. Không một ai còn sống!
Chỉ còn một mình ba chị. Mười một người đồng đội kia đã hi sinh. Ba chị cũng bị thương rất nặng. Lúc tìm thấy ông, người ta đã ngỡ ông là xác chết. Ông nằm sấp. Đè lên người ba là thi thể của chú Vĩnh. Chú đã hi sinh, dù cơ thể thậm chí chẳng hề có một mảy may xây xát bên ngoài. Dường như, tấm thân của chú đã vô tình che chở cho ba. Hai người nằm đó, dưới gốc của một cây đào bị bom đạn cắt phăng đi cả ngọn. Cây đào trụi lủi như một cây củi khô được cắm giữa mảnh đất chết.
Rồi người ta mang ba chị về trạm xá quân y. Ba dần dần hồi phục. Mấy tháng sau, một mình ông quay về cái nơi kinh hoàng ấy. Ngạc nhiên khi thấy chính tại cái nơi chú Vĩnh ngã xuống, cây đào lúc bấy giờ bị cụt ngọn, nay đã đâm lộc nảy chồi. Trên vết sẹo đứt ngang thân, và trên lớp vỏ cây xù xì của nó, những cành mới đã bắt đầu đâm ra, tươi roi rói…
- Thật kì diệu!
- Ừ! Trong cái khủng khiếp nhất vẫn có những điều kì diệu.
- Còn dây leo này... Nó có liên quan chi với cây đào không chị?
- Nó là dây gùi.
- Dây gùi?
- Ừ! Nó mọc nhiều ở Campuchia. Chẳng ai trồng cả, nó mọc hoang trong rừng thôi. Trông nhỏ như vậy nhưng nó có thể được dùng làm thuốc đó. Vị nó đắng mà tính nó mát. Không độc địa gì.
Nó là một thứ dây leo kì lạ. Cũng trong cái lần trở lại để nhặt nhạnh những tàn tích còn sót lại của bạn bè, ba chị phát hiện ra, trên một chùm hoa màu trắng dưới nách lá của dây gùi này, có một sợi dây chuyền bạc khắc hai chữ V-T. Sợi dây chuyền của chú Vĩnh! Ba mừng rơn, mang di vật ấy về gửi lại cho cô Tím. Ba đau lòng báo tin rằng chú Vĩnh đã không thể giữ lời hứa trở về, chú sẽ không thể nắm tay cô trong ngày cưới, cũng chẳng bao giờ còn cơ hội để hiểu điều bí mật mà cô muốn trao cho chú là gì.
Dây gùi, ba cũng mang về cùng với cây đào đó. Ba trồng đào rồi trồng gùi ở ngay sát cạnh bên. Cây đào như chịu đất ở đây, nó tiếp tục ra lộc xanh rồi vươn lên mạnh mẽ. Dây gùi thì nương vào cây đào mà sống. Chúng cứ tươi xanh hơn hai chục năm qua.
*
Bác Dậu và cô Linh gặp nhau lúc cô còn là nữ sinh của trường cấp ba Nguyễn Du. Khi đó, anh Dậu là nhà báo trẻ vẫn hay mang bài vở từ dưới Mỹ Tho lên in ấn ở nhà in báo Nhân Dân. Mỗi lần đổ đường lên Sài Gòn, phải nán lại nhà tập thể vài ngày.
Mấy bận đi dạo quanh quẩn, anh hay đi ngang một ngôi nhà thấp, trong khu xóm bên ngoài khuôn viên nhà in. Lần nào, anh cũng thoang thoáng trông thấy bóng dáng của một người con gái. Khi thì cô ra sân mang nia cơm nguội vào nhà. Khi thì mang bình nước tưới táp mấy khóm bông trước ngõ. Cô Linh có đôi mắt buồn đến ám ảnh. Ánh mắt long lanh mà nằng nặng tâm sự của một thiếu nữ nghèo thành thị, chị cả của một gia đình đông con, trong cái thời buổi kinh tế còn lắm khó khăn. Bác Dậu thương thầm đôi mắt ấy. Lời yêu nói ra trước khi bác lên đường chiến đấu. Ngày ra đi, bác có hứa sẽ trở về. Lời hẹn ấy, cô Linh giữ trong lòng như một tín vật.
Năm năm trôi, cuộc trở về từ chiến địa đã khiến bác Dậu không còn là người con trai ưa nhìn thuở nào. Ai cũng ngại rằng cô gái Sài Gòn này sẽ chẳng thèm để ý đến chàng trai tỉnh lẻ vừa xuất ngũ, chưa có sự nghiệp mà dung mạo lại bị bom đạn tàn phá. Thế nhưng, ngày họp mặt, cô Linh đã khóc như chưa từng được khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc ấm cả bờ vai của người chiến sĩ. Sự may mắn của số phận đã cho họ trở về cùng nhau khi mọi hi vọng tưởng chừng như không còn nữa. Cô đã giữ một niềm tin vững bền vào lời hẹn ngày đó. Năm năm, mà có bao nhiêu năm qua nữa, chắc cũng sẽ như vậy. Hạnh phúc là phần thưởng của đợi chờ.
Nhưng không phải ai đợi chờ thì cũng hạnh phúc.
Cô Tím là một trong số đó. Từng chấp nhận một lời hẹn ước, ngọn lửa niềm tin trong cô vẫn chưa tắt bao giờ. Đời người đàn bà có những lỡ lầm khiến họ đau khổ và trọn đời xem như một vết nhơ khó bỏ. Nhưng đối với cô Tím, đó không phải là lỡ lầm. Mà trái lại, cô gọi đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời mình.
Đứa bé là điều bí mật đặc biệt mà cô muốn thông báo khi chú Vĩnh trở về. Vượt qua miệng đời độc dữ, cô Tím giữ lại giọt máu của chú Vĩnh và sinh đứa trẻ ra đời. Một thân một mình, vẫn bền bỉ, vẫn lặng lẽ, vẫn âm thầm. Không chồng mà vẫn nuôi con. Đứa bé có cha là liệt sĩ, nhưng chẳng có giấy tờ nào đủ để chứng minh. Cô đã đính ước với một người đàn ông, nhưng chẳng một mảnh giấy lận lưng nào chứng tỏ điều đó. Hai mẹ con như dây gùi mọc lang trên đất rừng, không có một thân cây vững chãi nào để cho họ tựa nương. Vậy mà vẫn sống, vẫn xanh tươi, vẫn cho những chùm hoa trắng, đầy ý nghĩa cho đời.
*
Đám con nít dần dà cũng lớn. Tụi nó đi đây đi đó, biết nhiều thứ lôi cuốn hơn những buổi tối chủ nhật tụ họp lại nhà cô Linh để nghe chị Mỹ kể chuyện. Chỉ có Hậu là vẫn hay giữ thói quen đó. Bởi từ lâu rồi, cậu đã mặc nhiên xem mỗi tối chủ nhật bên chị là những buổi hẹn hò.
Hương theo chồng, rồi Khánh cũng sắp sửa làm đám cưới. Chỉ có chị Mỹ là vẫn yên an bên mẹ. Người trong xóm bảo chị kén chọn. Có người nói chị lớn tuổi rồi mà chưa chồng thì phải đi cắt duyên âm. Có người lại kêu rằng gò má chị cao, cao số lắm. Họ đưa ra cả trăm lí do nhưng chị thì chưa bao giờ thấy nôn nao vì điều đó.
Chưa bao giờ Hậu nghe chị đả động tới chuyện lấy chồng. Chỉ trừ một lần, trong lúc cao hứng, chị nói với đám trẻ: “Ngày xưa, Hoàng Cầm có một người chị bạn hơn mình 7 tuổi. Lúc chơi với đám con nít, chị ta bảo đứa nào tìm được lá diêu bông thì sẽ lấy làm chồng. Lá diêu bông là cái lá trong tưởng tượng, ai mà kiếm được. Còn bây giờ, chị cho cái đề dễ hơn nhiều nè. Ai kiếm được trên cây đào này một trái đào không lộn hột, chị sẽ cưới liền luôn”. Tụi nhỏ cười, biết chị chỉ nói cho vui.
Duy có Hậu. Cậu trai trẻ cứ nhớ hoài câu nói ấy. Rồi như Hoàng Cầm ngày xưa “đi lang thang muôn nơi” để tìm lá diêu bông, Hậu cũng rong ruổi đi tìm trái đào không lộn hột. Lâu lâu ngước mắt lên cây đào nhà chị, Hậu lại cố căng mắt ra để nhìn xem có trái đào nào mà hạt lẩn vào trong. Đi ngang nhà nào có trồng đào, anh cũng hay ghé lại ngó nghiêng xem có quả nào khác thường hơn đồng loại. Mấy năm trời, Hậu cũng công cốc như Hoàng Cầm. Chỉ khác chăng là chị Mỹ đến giờ vẫn lẻ bóng. Nhưng cái viễn cảnh về một ngày “bướm vàng đậu nhánh mù u” khiến lòng Hậu lo âu.
Đôi khi, điều tốt đẹp này cần phải được giấu đi để đảm bảo cho sự tồn tại của một điều tốt đẹp khác. Hậu không đủ can đảm để phá vỡ bức tường rào chị em rất đẹp mà họ đã xây nên từ thuở còn thơ. Bày tỏ lòng mình, có khi anh chẳng còn cơ hội được gặp chị vào những buổi tối cuối tuần, để lại được nghe chị kể chuyện như cái thời thơ ấu.
Chị Mỹ 30, vẫn lặng lẽ với công việc của một chuyên viên tham vấn tâm lí. Người ta đến để kể với chị về những nỗi đau tâm hồn. Và chị, bằng lời, làm xoa dịu những đau đớn đó. Lúc về nhà, chị quẳng hết những gánh trở trăn đi.
- Nhưng phải chăng vì quá hiểu tâm lí con người mà chị cảm thấy tình yêu chẳng cần thiết nữa?
- Sao em biết là chị không cần yêu?
- Em chưa bao giờ thấy ai bên cạnh chị?
- Yêu nhau thì đâu có cần phải kè cạnh bên nhau?
- Nhưng ít ra… chị cũng phải giới thiệu với mọi người về anh ấy.
- Nhưng mà anh ấy không ở đây.
- Vậy ở đâu?
- Ở ngoài đảo.
Ngày trước, lúc sinh thời, bác Dậu và cô Linh vẫn thường dẫn mấy cô con gái sang nhà cô Tím. Họ thân nhau từ câu chuyện cây gùi và cây đào lộn hột mà bác vẫn thường kể trong những buổi họp mặt gia đình. Bác xem đó là biểu tượng của một tình yêu đẹp, tình yêu của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh và biết đấu tranh.
Chị Mỹ có dịp gặp anh Viễn, giọt máu duy nhất của liệt sĩ Vĩnh, người mà cô Tím đã mang cả tuổi thanh xuân để giữ lại. Chị với anh thương nhau theo cái cách của những con người có cha mẹ sinh ra cùng thế hệ, có chung những kỉ niệm để kể và có chung những tâm sự để buồn.
Anh Viễn tiếp bước cha, tình nguyện làm lính Trường Sa. Tuổi trẻ của anh đang ở đó, ở vùng biển khơi bao la. Canh gác. Đối diện. Giữ gìn. Giống như chú Lân, như bác Tấn, như ba chị Mỹ, như ba anh… đã giữ gìn biên giới đất liền cách đây mấy mươi năm.
- Rồi khi nào hai người cưới nhau?
- Năm sau, ảnh sẽ về! Đám cưới sẽ diễn ra vào tháng 12 - Chị Mỹ vừa nói, vừa quay sang nhìn Hậu. Nụ cười dịu dàng hiện lên trên gương mặt đầy đặn với những đường nét nhã nhu - Anh với chị đã hẹn với nhau như thế.
- Rồi, ảnh sẽ lại ra đi?
- Đúng! - Chị đáp, gọn gàng và dứt khoát.
- Vậy thì chị sẽ lại cô đơn?
- Chị đâu có cô đơn, khi mà trong tim vẫn có chỗ để hướng về.
- Nhưng mà... rồi chị sẽ lại phải đợi chờ.
- Khi em biết người ấy cũng hướng về mình, thì đợi chờ có là gì. Hẹn nhau rồi sẽ lại được gặp nhau thôi mà.
Như những ngày thơ, khi chị Mỹ nói, bao giờ Hậu cũng thấy đúng. Chẳng có cái lí lẽ nào để cãi lại với chị. Dù lúc này, lòng Hậu có biết bao điều để phản biện. Thương một ai đó, chúng ta đôi khi cũng ích kỉ vậy. Ích kỉ để rồi có những lúc tự hỏi: Tại sao cái kẻ để họ đợi, họ chờ không phải là mình?
Có những cuộc hẹn hò được tính bằng ngày, bằng tuần… mà tình cảm có đi được tới đâu? Nhưng có những cuộc hẹn được tính bằng năm, bằng chục năm, thậm chí bằng cả đời người, cả đời người có khi còn chẳng được gặp nhau, mà cái nghĩa, cái tình thì bao giờ cũng trọn vẹn.
Hậu nhìn lên cây đào, lại cố tìm kiếm một trái đào không lộn hột, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Bất giác, cảm xúc nghẹn ngào dâng lên trong lòng… Gió xao xác tán cây trên cao. Dưới gốc đào, dây gùi vẫn cố gắng bám chặt bộ rễ của mình vào lớp vỏ cây xù xì. Chúng nương vào nhau mà sống, như một sự thủy chung, vững vàng, bền bỉ.
N.M.T