- Chân dung & Phỏng vấn
- Những kỷ niệm khó quên với nhà thơ Giang Nam
Những kỷ niệm khó quên với nhà thơ Giang Nam
Có lẽ, ít người biết rằng, nhà thơ Giang Nam đã từng được mời ra vùng tự do Bình Định năm 1954 để tập kết ra Bắc nhưng ông đã chọn ở lại với chiến trường miền Nam dù biết rằng có thể sẽ rơi vào cảnh bị địch bắt và tù đày, tra tấn cho đến chết. Chính ông đã bộc bạch: Sự lựa chọn đó đã được chứng minh là hoàn toàn đúng. Có sự lựa chọn đó mới có Giang Nam hôm nay. Nhưng phải nói thật là số người được gọi là “trí thức” dám ở lại sống chết ở chiến trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay…
Nhà thơ Giang Nam (1929 – 2023)
Cuối những năm 70 thế kỷ trước, được sự động viên của nhà thơ Phan Minh Đạo – Trưởng Ty VHTT Thuận Hải, tôi đã mạnh dạn gởi đến nhà thơ Giang Nam – lúc này đang là Tổng Biên tập Tuần báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam một chùm thơ chọn lọc.
Trong lá thư hồi đáp ngay sau đó, ông đã có những lời động viên chân thành và quý báu. Thư này đến nay, tôi vẫn còn giữ, lời ông khuyên, tôi vẫn nhớ như in. Ông viết: “… Thơ của Vinh viết rất khá, cái còn phải cố gắng nhiều là sắc thái địa phương và nét riêng của tác giả (phong cách, suy nghĩ, cảm xúc)…”. Tôi nhớ nét chữ ông phóng khoáng, bay bổng, bộc lộ một tâm hồn cởi mở, thân thiện.
Thư ông viết tháng 5.1981, đến năm 1982, tôi có chùm thơ đầu tiên được đăng trên Tuần báo Văn Nghệ. Chắc ông không hề biết: Tôi đã nghiền ngẫm lời dặn dò của ông như là một bài học vỡ lòng tâm đắc dành cho cây bút trẻ. Tháng 12.1985, tôi được mời tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III tại thủ đô Hà Nội. Khoảng cách từ 1982-1985, tôi tiếp tục được in thơ ở Tuần báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn Nghệ các tỉnh bạn ở miền Trung (Nghĩa Bình, Phú Khánh) và miền Tây Nam bộ (An Giang, Hậu Giang, Cửu Long, Tiền Giang).
Khi trúng cử vào Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Thuận Hải (khóa I, nhiệm kỳ 1986-1993), tôi được cùng nhà thơ Phan Minh Đạo tham dự Đại hội VHNT tỉnh Phú Khánh, rồi tiếp xúc với nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng ở đường Yersin, thành phố Nha Trang. Từ đây, tôi hiểu vì sao trong bản tham luận đọc tại đại hội trước đó, nhà thơ Phan Minh Đạo đã dành những lời trân trọng nhất khi nhắc về ông trong những năm tháng đồng cam cộng khổ, sống và viết ở chiến trường Khu VI.
Hơn 10 năm tham gia làm Trưởng ban thư ký Hội đồng biên soạn công trình Địa chí Bình Thuận (1697 – 2000), rồi được phân công biên soạn phần “Văn học viết”, tôi được nhà thơ Phan Minh Đạo – đồng chủ biên, chuyển những bài thơ viết tay của nhà thơ Giang Nam gởi cho Hội đồng biên soạn. Đó là những bài thơ viết về Khu VI và Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bài thơ “Núi vùng biển mặn” của ông, đã được chọn lọc đưa vào Phụ lục của công trình Địa chí Bình Thuận, xuất bản năm 2006.
Tại Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 2010, tôi lại được gặp ông ở thủ đô Hà Nội. Dù đã ngoài 80 nhưng trông ông còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và vẫn sáng tác đều. Khi tôi ngỏ ý xin chụp với ông một tấm ảnh lưu niệm trong đại hội, ông vui vẻ nhận lời ngay và nhắc lại những kỷ niệm khó quên với khu VI trong chiến tranh. Sau giải phóng, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Thuận Hải, và ông xem đây chính là cơ hội tốt để ông có thể đền đáp phần nào tình nghĩa với mảnh đất cực Nam Trung bộ.
Sau này, khi tham gia Ban biên tập Tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận cùng các anh Lê Nguyên Ngữ, Mai Sơn, tôi thường xuyên liên lạc và được ông gởi cho những bài thơ mới viết về Bình Thuận. Những bài viết của ông luôn đan xen, hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại, mang dấu ấn đậm nét của thế hệ “những người đi từ trong rừng ra”.
Nhắc đến nhà thơ Giang Nam, độc giả nhớ ngay đến các bài thơ nổi tiếng: “Quê hương”, “Nghe em vào đại học”, “Tiếng nói Việt Nam”, “Lá thư thành phố”… Nhà nghiên cứu – phê bình Nguyễn Xuân Lạc, đã xếp các bài thơ: “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan), “Núi Đôi” (Vũ Cao) và “Quê hương” (Giang Nam) là 3 tuyệt phẩm thơ tình trong kháng chiến cứu nước, có sức sống lâu bền qua năm tháng.
Khi nhà thơ Phan Minh Đạo chuẩn bị xuất bản tập thơ “Tiếng tơ lòng” (năm 2001), ông đã dành thời gian viết lời giới thiệu bằng tình cảm trân quý nhất của mình đối với một đồng nghiệp, một người bạn chí cốt đã từng vào sinh ra tử trong những năm kháng chiến gian khổ và ác liệt. Mỗi khi có sách in, ông đều gởi tặng nhà thơ Phan Minh Đạo như một lời nhắc nhở và động viên nhau không ngừng nghỉ trên bước đường sáng tạo. Khi tham gia Ban biên soạn công trình “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh” xuất bản tháng 5,2011, tôi đã in lại bài thơ “Thăm trường xưa Bác dạy” ông viết khi vào viếng trường Dục Thanh năm 1976. Anh em văn nghệ sĩ Bình Thuận đánh giá, đây là một trong số không nhiều lắm những bài thơ hay viết về Bác Hồ gắn với mái trường Dục Thanh – Phan Thiết – nơi Bác dừng chân dạy học từ tháng 9.1910 – 2.1911.
Có lẽ, ít người biết rằng, nhà thơ Giang Nam đã từng được mời ra vùng tự do Bình Định năm 1954 để tập kết ra Bắc nhưng ông đã chọn ở lại với chiến trường miền Nam dù biết rằng có thể sẽ rơi vào cảnh bị địch bắt và tù đày, tra tấn cho đến chết. Chính ông đã bộc bạch: Sự lựa chọn đó đã được chứng minh là hoàn toàn đúng. Có sự lựa chọn đó mới có Giang Nam hôm nay. Nhưng phải nói thật là số người được gọi là “trí thức” dám ở lại sống chết ở chiến trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay…
Ông đã từng được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã hơn một lần có văn bản đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông vì những đóng góp xuất sắc cho văn học cách mạng và kháng chiến. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã từng phát biểu: Nhà thơ Giang Nam xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ và theo quy luật tự nhiên của tạo hóa, ai biết ông có còn được tận mắt nhìn thấy giải thưởng cao quý kia hay không, khi hiện nay ông đã vào hàng đại thọ 94 tuổi.
ĐỖ QUANG VINH
Báo Bình Thuận 7.2022