TIN TỨC

Những nhà văn bị bỏ lại…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-09 08:28:09
mail facebook google pos stwis
1667 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

Trước mắt tôi là danh sách hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025.  Những con số hiện ra quả thật khiến những người làm công tác hội phải giật mình, ngẫm ngợi. Tổng số hội viên là 457, độ tuổi nhà văn trên 60 là 320 người (trên 70%), số hội viên nữ là 137 (30%); số người trẻ chiếm tỷ lệ rất thấp…

Đặc biệt hơn, có một lớp nhà văn đã thuộc về người muôn năm cũ, với tuổi đời ngót nghét 80, 90 trở đi. Đa phần những nhà văn thuộc thế hệ này đi qua thời kỳ tiền khởi nghĩa, chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc...

Những nhà văn này đã vắt kiệt tinh hoa cuộc đời mình cho những tác phẩm mang dấu ấn và hơi thở họ từng trải. Ở Sài Gòn, những nhà văn lão thành đáng kính ấy chỉ còn sót lại trên đầu ngón tay: Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) với “Sài Gòn Mậu Thân 1968”, Thạch Cương với “Đất thở”, Đoàn Minh Tuấn 90 năm tuổi đời 70 năm cầm bút với “Tài hoa để lại”, Dương Linh với “Thả tù binh Pháp giữa Sài Gòn năm 1950”, Minh Khoa với “Những người hào kiệt”...

Một buổi sáng sau ngày giãn cách, tôi gặp vài nhà văn lão thành đến văn phòng Hội nhận tiền trợ cấp cho văn nghệ sĩ lão thành của thành phố. Thật vui vì các chú tuy tuổi cao đã kiên cường vượt qua dịch bệnh. Tôi hỏi các chú dạo này có viết gì không. Các chú nói “Viết thì vẫn viết mà không biết có chỗ nào đăng đây!”.

Tôi thật sự đồng cảm với các nhà văn thời báo giấy lụi tàn. Dịch bệnh, tình hình xuất bản, in ấn gần như đông cứng. Sách viết về chiến tranh cách mạng, truyền thống nếu không được tài trợ thật khó bán. Các nhà văn cặm cụi viết ngày đêm cũng chẳng có tiền in. Sách có được in thì nhuận bút trả bèo bọt, không đủ để mua lại sách tặng đồng chí, bạn bè...

Đặc biệt trong đại dịch Covid, lớp nhà văn sinh đầu thế kỷ đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ít nhà văn biết đến mạng xã hội. Nhiều nhà văn không viết được bằng máy tính, phải viết tay, nhờ con cháu gõ lại trên máy tính từng trang bản thảo. Nhiều nhà văn xa lạ với facebook, zalo...; điện thoại chỉ để gọi, không biết cả nhắn tin. Họp trực tuyến qua “Zoom” ư, ôi trời thật không tưởng. Phỏng vấn các cụ qua điện thoại, email, gởi file bài vở, hình ảnh ư, quên đi! Nhiều nhà văn không có cả tài khoản ngân hàng, nên cất công đi taxi, xe ôm hàng chục cây số đến toà soạn nhận vài trăm ngàn đồng nhuận bút... Hình ảnh các nhà văn thời đầu thế kỷ gợi tôi nhớ đến “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên, thuộc người muôn năm cũ, bị gạt ra lề cuộc đời.

Những tấm lòng sẻ chia

Một buổi sáng đầu mùa đóng cửa Sài Gòn, nhà thơ Trần Hoàng Nhân -  thành viên Ban Sáng tác Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh gọi cho tôi: “Tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Với đà này, rất nhiều hội viên của Hội Nhà văn thành phố mình sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Nếu được, Ban sáng tác chúng ta tìm hiểu và vận động trợ giúp những trường hợp đó. Em nghĩ đây là nghĩa cử thiết thực trong lúc này và tin rằng những hội viên có điều kiện sẽ chia sớt với những người khó khăn để cùng nhau vượt qua dịch bệnh”.

Nghe em nói, tôi thầm nghĩ các nhà văn đa phần là nghèo, giờ đại dịch càng khó khăn, khi báo chí, xuất bản gần như tê liệt, chỉ tin tức dịch bệnh là lan truyền nhanh như lửa, đốt cháy lòng người bằng những tiếng còi xe cấp cứu riết nóng ngày đêm. Tôi hiểu và rất hiểu có rất nhiều nhà văn khó khăn vẫn âm thầm chịu đựng, rất tự trọng, ít khi lên tiếng về hoàn cảnh riêng của mình. Nếu có người muốn giúp đỡ, chia sẻ cũng phải hết sức tế nhị.

Vào lúc đó, với vai trò trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, tôi hồn nhiên hưởng ứng ngay lời đề nghị của em, cứ nghĩ trong cơn hoạn nạn này, làm được gì, giúp được gì cho các nhà văn khó khăn thì mình làm. Nhưng thực sự khi dấn thân vào công việc thiện nguyện này, tôi thấm thía làm việc tốt cũng không phải là điều dễ dàng...

Nhiều người phản biện: “Nhà văn đâu có khó khăn, đa phần có lương hưu, có con cháu nuôi. Nhà văn là giới tinh hoa, sang trọng. Mình kêu gọi giúp đỡ các nhà văn coi chừng phản tác dụng!”. Phải, tôi biết khá nhiều nhà văn giàu có, cuộc sống sung túc, sở hữu nhiều đất đai, nhà cửa, tiền gởi ngân hàng. Nhưng cũng không ít nhà văn tôi biết thường ngày có cuộc sống chật vật, không dễ dàng, sống trong đơn chiếc tuổi già; giờ đại dịch hoành hành càng khó. Không phải ai cũng có lương hưu, đặc biệt những người có tuổi xa lạ với “internet banking”, không biết cách trả tiền điện nước, điện thoại; không biết cách đặt mua đồ ăn qua mạng... khi phong thành. Ngay trong tâm dịch có một bộ phận nhà văn tuổi cao sức yếu, những người thật sự khó khăn mà sau này chúng ta muốn giúp cũng không còn cơ hội.

Sự chia sẻ của những tấm lòng lúc này mang tính động viên nhiều hơn. Hàng chục hội viên nhiễm Covid, một số người ra đi trong đại dịch. Trong tang thương, ai cũng muốn làm một điều gì đó để chia sẻ, kết nối, yêu thương. Ban nhà văn nữ đã kêu gọi góp hàng tấn gạo giúp nhiều mảnh đời khó khăn, Chủ tịch hội kêu gọi giúp trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến đầu chống dịch được nhiều tấm lòng nhà văn và bạn đọc hưởng ứng.

Chỉ sau mấy ngày kêu gọi trên facebook, Ban sáng tác Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã nhận được số tiền đóng góp 36.000.000 đồng từ bạn đọc, nhà văn khắp mọi miền đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Cà Mau, Lạng Sơn, Sài Gòn...

Có tiền rồi, chúng tôi ngồi lại, tìm từng hoàn cảnh để giúp đỡ. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân lăn lộn chốn “giang hồ thi nhân” nên biết được nhiều hoàn cảnh nhà văn. Từ danh sách Hội nhà văn thành phố, qua bạn bè, chúng tôi lần tìm số điện thoại từng nhà văn, gọi và gọi. Nhờ “Internet Banking”, chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi chuyển đi hàng chục triệu đồng đến các nhà văn. Mỗi khi gọi điện thoại, nghe đầu dây bên kia trả lời, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mùa Covid này, thấy ai im tiếng hơi lâu là lại lo, nên dặn bạn bè siêng gọi điện cho nhau hơn.

Những số phận long đong

Cũng từ sự kết nối này mà chúng tôi hiểu thêm nhiều hoàn cảnh. Nhà văn Đào Tăng - người từng là “đôi chân” đưa nhà văn Sơn Nam lúc còn sống đi khắp hang cùng ngõ hẻm để gặp gỡ nhiều người và viết, khi nghe tôi gọi xúc động nói: “Mừng quá cháu ơi. Mấy bữa rày chú chỉ ăn mì gói! Hội nhà văn mình nghèo mà nghĩ tới nhà văn khổ vầy thiệt là quý!”. (Sau mấy tháng, nhà văn Đào Tăng qua đời ngày 5-10, tại nhà riêng ở Gò Vấp ở tuổi 85).

Nhà văn Lý Nhân được biết đến trong làng báo miền Nam trước 1975 với tên thật Phan Kim Thịnh khi ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn học. Sau 1975, ông là tác giả của nhiều cuốn sách về các nhân vật từng “làm mưa làm gió” một thời ở bờ Nam Vĩ tuyến 17 trở vào, sau thời gian qua Mỹ sống với các con phải quay về Việt Nam vì con ông cũng đang thất nghiệp. Hiện ông đang sống trong một căn phòng thuê ở quận 3…

Nhiều nhà văn không có số tài khoản, phải nhờ số tài khoản hàng xóm hoặc con cháu. Phần lớn nhà văn không sử dụng mạng, chỉ dùng số điện thoại thường. Khi tôi gọi tới một nhà thơ nữ nổi tiếng tuổi ngoài 80, bà nói chờ chút để bà đi kiếm chìa khoá, lục tủ tìm số tài khoản. Loay hoay cú điện thoại tìm số tài khoản mất hơn nửa tiếng!

Nhà văn Thạch Phương khi tôi gọi đến ông báo mình đang ở bệnh viện. Ông nói: “Chú cũng khó nhưng chia sẻ khoản đóng góp này cho người khó hơn”. Trong đại dịch, ông kiên cường chiến đấu với căn bệnh tim mạch, cố gắng hoàn tất tiểu thuyết “Mưa lẻ” mà ông trăn trở cả cuộc đời.

Tôi được biết có nhà thơ là bộ đội xuất ngũ, không lương hưu, sống ở tâm dịch quận 8, phải nuôi cả gia đình mà mấy tháng trời phong thành, chẳng có chút đồng nhuận bút nào, chẳng có ai mời đi đọc thơ nên thật bí bách. Nhiều nhà văn nằm liệt giường vì tai biến, không dễ dàng đến bệnh viện. Có nhà văn phải nuôi vợ bệnh... Mỗi người mỗi cảnh, thật nỗi niềm, cứ âm thầm chịu đựng.

Khi được hỏi nhà văn sáng tác ra sao trong mùa dịch, tôi được nghe câu trả lời: “Giờ sống được đã là may, viết lách từ từ tính”. Nói vậy nhưng tôi biết nhiều nhà văn vẫn âm thầm vượt qua khó khăn, kiên trì, mải miết trên trang viết. Thật cảm động tấm lòng các nhà văn, luôn nghĩ đến nỗi đau người khác trước mình.

Làn sóng Covid lần thứ 4 này lộ ra quá nhiều điều cay đắng, đáng suy ngẫm. Lệnh giãn cách thành phố “ai ở đâu ở yên đấy”, kèm với lời kêu gọi tương thân tương ái, giúp nhau qua đại dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng thực tế, nhiều người dân, trong đó có những nhà văn, đã bị bỏ lại...

Nguồn Văn nghệ số 42/2021

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm