TIN TỨC

Nồng ấm Lễ trao giải Cuộc thi viết Về nhà

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-01 16:45:41
mail facebook google pos stwis
1649 lượt xem

Sáng 27/2, tại trụ sở Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn ở TPHCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng Cuộc thi viết Về nhà trong không khí nồng ấm của những ngày cuối cùng tháng Giêng xuân Nhâm Dần 2022.

Đến tham dự có nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn; Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Thường vụ Hội Marketing VN; nhà báo Phạm Trường – Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; nhà văn Trần Nhã Thụy – Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi viết Về nhà; các thành viên Ban Tổ chức, Ban Chung khảo và các nhà tài trợ: Tiến sĩ Phạm Hồng Danh, nhà nhiếp ảnh Thái Phiên, nhà giáo Nguyễn Tấn Đức, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, nhà báo Phạm Văn Thủ, các doanh nhân: Kiều Minh Phụng, Châu Minh Chinh, Trần Triều, Kim Tuyên, Nguyễn Phú Đức, Phan Mỹ Huệ… cùng nhiều nhà văn, nhà báo và các tác giả đoạt giải thưởng.


Ban Tổ chức tặng hoa, cảm ơn Ban Giám khảo Cuộc thi viết Về nhà.

Diễn ra từ ngày 15/12/2021 – 25/01/2022, Cuộc thi viết Về nhà (do Chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn phối hợp với trang Vanvn.vn tổ chức) nhận được 750 bài dự thi từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Đặc biệt có nhiều tác giả là người Việt đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài, như Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka… cũng gửi bài về dự như là những chia sẻ chắt chiu.

Từ 750 bài dự thi, BTC đã chọn đăng 84 bài, với tần suất 2 bài/ngày. Đây là những bài đã qua vòng sơ khảo.

Từ 84 bài chọn đăng trên Vanvn.vn và fanpage Về nhà, Ban sơ khảo đã bình chọn 39 bài vào vòng chung khảo. Có thể nói 39 bài viết vào chung khảo đều rất xứng đáng, đáp ứng tốt chủ đề cuộc thi Về nhà, thể hiện tính sáng tạo qua nội dung và cấu trúc bài viết. Đặc biệt, tất cả đều thể hiện tính chân thật, tinh thần nhân văn và sức lan tỏa tích cực. 39 bài viết này cũng được chọn in thành tập sách Về nhà (NXB Hội Nhà văn & Mibooks), phát hành chính thức trong Lễ trao giải (diễn ra tại Chi nhánh miền Nam NXB HNV số 371/16 Hai Bà Trưng, P8, Q3, TP.HCM vào 9 giờ ngày 27/02/2022)

Từ 39 bài chung khảo, Ban Giám khảo (gồm các thành viên: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Phan Hoàng, nhà báo Phạm Văn Thủ, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý và nhà văn Trần Nhã Thụy) đã làm việc tích cực, với tinh thần công tâm, trân trọng những tác phẩm hay. Mỗi thành viên BGK làm việc/ chấm điểm độc lập; điểm số của mỗi tác phẩm là điểm cộng của các thành viên BGK; BTC tôn trọng tuyệt đối sự thẩm định của mỗi người.


Tác giả Minh Đan (bên phải) đoạt giải nhất, bên cạnh là cô Huyền – nhân vật trong bài viết quê Sóc Trăng hiện làm công nhân ở Bình Dương.

Kết quả cuộc thi, căn cứ vào thang điểm nên có một chút thay đổi so với Thể lệ được công bố ban đầu: Giải Nhì có 1 giải (thay vì 2 giải) Giải Ba có 2 giải (thay vì 3 giải). Thay vào đó, Giải Khuyến khích được tăng 5 giải thành 15 giải (thay vì 10 giải). Tổng cộng có 20 giải thưởng chính thức như sau:

Giải Nhất (1 giải):

Tác giả Minh Đan; Tác phẩm: Chuyến về nhà của Huyền

Giải Nhì (1 giải):

Tác giả Diệu Hoa; Tác phẩm: Về nhà thôi

Giải Ba (2 giải):

– Tác giả Tạ Ngọc Điệp; Tác phẩm: Đón Tô về nhà

– Tác giả Ngô Thị Thu Vân; Tác phẩm: Có nhà chỉ để… nhớ


Tác giả Tạ Ngọc Điệp ở Gia Lai nhận giải 3 do Tiến sĩ Trần Đình Lý và nhà thơ Trần Lê Sơn Ý trao.

Giải Khuyến khích (15 giải + 1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất)

– Tác giả Lê Thị Hiệp; Tác phẩm: Tết rồi mình về bên mẹ thôi em

– Tác giả Nguyễn Rông; Tác phẩm: Ôi, nôn tới tết quá chừng

– Tác giả Trần Thu Hằng; Tác phẩm: Cánh hồng bay bổng

– Tác giả Phạm Văn Tấn; Tác phẩm: Giang ơi, về thôi em

– Tác giả Nguyễn Khánh Ly; Tác phẩm: Bờ đê trước nhà

– Tác giả Huỳnh Giản; Tác phẩm: Ngồi nghe dâu bể đi qua

– Tác giả Hoàng Thanh Linh; Tác phẩm: Về nghe con cúi thì thầm

– Tác giả Tịnh Yên; Tác phẩm: Phảng phất tiếng cười sau màn sương ẩm

– Tác giả Phùng Thị Thanh Lài; Tác phẩm: Về nhà

– Tác giả Lynn; Tác phẩm: Ngược gió bay lên

– Tác giả Lê Hải Yến; Tác phẩm: Lá thư mùa xuân

– Tác giả Trần Thanh Bình; Tác phẩm: Về với mùa sim quê nhà

– Tác giả Lý Thị Thủy; Tác phẩm: Buôn mình còn rộn tiếng chiêng

– Tác giả Nguyễn Ngọc Vũ (Vũ Bình); Tác phẩm: Ngày về còn xa

– Tác giả Trần Đình Thành; Tác phẩm: Con muốn được về nhà với bố

– Tác giả Nguyễn Văn Hòa; Tác phẩm: Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên (Tác phẩm được Giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất)


Các tác giả nhận giải khuyến khích do nhà báo Phạm Trường và doanh nhân Kim Tuyên trao.

Có một điểm thú vị là những bài viết đoạt giải cao đều được sự thống nhất cao về điểm số cũng như nhận định chuyên môn của các thành viên Ban Giám khảo.

Tác phẩm Chuyến về nhà của Huyền của tác giả Minh Đan (TP.HCM) là một câu chuyện chân thật và cảm động. Đó cũng là câu chuyện kinh điển về những ngày đại dịch Covid-19 diễn ra tại TP.HCM và khắp cả nước. “Chuyến về nhà của Huyền” cũng là chuyến về nhà của bao phận đời nhỏ bé như thế. Nhưng dù nhỏ bé và đầy tủi cực, họ chưa bao giờ bị bỏ rơi, và đó cũng là tinh thần của cuộc thi viết này.

Sư cô Diệu Hoa hiện đang tu học tại Sri Lanka gửi về cho Ban Tổ chức cuộc thi một bài viết nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc: Về nhà thôi. Bối cảnh thủ đô Colombo lúc đó cũng khốc liệt không thua kém gì TP.HCM. Đường về nhà của Diệu Hoa tưởng có thể là đường xa vạn dặm. Nhưng cuối cùng rồi cũng về được tới nhà. Nhưng chính những dòng cuối của bài tạp văn khiến chúng ta đạt tới một cái ngưỡng cao hơn cả niềm xúc động, đó là sự tỉnh thức: “Về nhà thôi, đã về lại ngôi nhà bình yên của ta rồi, giờ phải về lại ngôi nhà tĩnh lặng trong ta nữa, về nhà thôi!”.

Về được ngôi nhà vật chất đã khó, về trong ngôi nhà tinh thần còn khó hơn. Và như vậy cuộc Về nhà còn là cuộc trường chinh của mỗi con người.

Từ Gia Lai, tác giả Tạ Ngọc Điệp chia sẻ câu chuyện Đón Tô về nhà như một lát cắt ám ảnh của đại dịch Covid-19. Lát cắt gây nhói lòng, nhưng cũng thật ấm áp. Hình ảnh cháu bé Tô mới hai tháng tuổi được ba mẹ đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất để về quê nội Gia Lai. Nhưng chuyến đi chỉ có hai mẹ con, người bố phải ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ chống dịch. Lúc này “đầu cầu Gia Lai” bà và các cô lòng thắc thỏm đón Tô về nhà. Chuyến về nhà ấy sẽ trở thành ký ức khó quên của từng thành viên trong gia đình. Và, hình ảnh của Tô trong chuyến bay ấy sẽ là miền cảm xúc chứa chan không bao giờ dứt.

Cũng như vậy, tác giả Ngô Thị Thu Vân dẫn người đọc vào miền cảm xúc với bài viết Có nhà chỉ để… nhớ. Thật lạ, khi càng xa ngôi quê, nhiều khi tưởng trôi thăm thẳm trong trí nhớ, thì nay bỗng dưng từng hình ảnh hiện ra rõ mồn một. Ngôi nhà này như là chốn trở về của tác giả, và đó cũng là nơi mà mỗi chúng ta đều muốn trở về sau những bon chen mệt nhoài: “Mỗi lần về thăm nhà, tôi chỉ kịp ở lại một ngày, ngủ lại một đêm như thể truyền cho “nó” một chút hơi ấm, cho “nó” biết “nó” vẫn còn có chủ. Rồi đi. Rồi lại nhớ. Lại về. Lại đi. Lại nhớ… mặc dù ở đó không còn ai. Bạn bè biểu, sao không bán nó đi, nhà ở quê đó, không ai ở, để làm gì? Tôi trả lời vừa đủ để mình nghe: “Để… nhớ, để… về nhà”. Và chỉ mình tôi biết, rốt cuộc đó là lý do hay chỉ là cái cớ”.

Nhiều. Còn nhiều nữa, dường như bài nào khi đọc đến cũng chạm vào trái tim ta. Đó là Về với mùa sim quê nhà của Trần Thanh Bình, Bờ đê trước nhà của Nguyễn Khánh Ly, Ôi, nôn tới tết quá chừng của Nguyễn Rông, Ngồi nghe dâu bể đi qua của Huỳnh Giản, Phảng phất tiếng cười sau màn sương ẩm của Tịnh Yên, Về nghe con cúi thì thầm của Hoàng Thanh Linh, Ngày về còn xa của Vũ Bình, Lá thư mùa xuân của Lê Hải Yến, Cánh hồng bay bổng của Trần Thu Hằng, Buôn mình còn rộn tiếng chiêng của Lý Thị Thủy, v.v…

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý – thành viên của Ban Giám khảo chia sẻ:

“Điều đầu tiên phải nói là mỗi bài một kiểu đều chạm vào tim người đọc theo cách rất riêng. Khách quan mà nói, thì xuất phát điểm của cuộc thi Về nhà chính là ước mong có thể chia sẻ với mọi người những mất mát tổn thương trong dịch. Ai đó từng nói: “điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Cuộc thi vì thế đã nhận về những bài viết chất lượng, chân thực, đầy tình cảm. Cũng có thể thời điểm dịch là thời khắc cả người viết, người đọc đều chia sẻ với nhau một bầu không khí mong manh, nhạy cảm. Có thể vì thế mà mọi thời khắc của cuộc sống đều trở nên quý giá, đáng trân trọng. Mỗi bài viết đều có một câu chuyện, một thông điệp đẹp đẽ trao đi. Tôi không mong mình phải rớt nhiều giọt nước mắt như vậy khi đọc, nhưng bằng cách nào đó, các tác giả vẫn cứ làm tôi rớt nước mắt không biết bao nhiêu lần”.

Không về dự Lễ trao giải được, từ Sri Lanka tác giả Diệu Hoa gửi thư chia sẻ:

“Sống trong thời kỳ dịch bệnh, mỗi người có một cách riêng để trải lòng mình. Có người họa những bức tranh, gửi hết tâm tư vào từng nét vẽ. Có người gửi trọn tâm tình vào từng vần thơ. Có người gói cả yêu thương vào từng câu văn con chữ.

Về nhà, hôm bữa vừa nghe qua chủ đề là tôi muốn tham gia hưởng ứng ngay. Bởi Về nhà không chỉ là ý tưởng hay của người khởi xướng, mà còn mang đầy tính nhân văn và vô cùng ý nghĩa. Chắc cũng có nhiều người nước mắt lưng tròng khi nghe đến hai từ Về nhà và Ban Tổ chức dường như cũng thấu hiểu nỗi niềm đó. Với tôi, Cuộc thi viết Về nhà là một liều vaccine tinh thần mà tôi may mắn được biết đến, được có cơ hội viết lên cảm xúc thật của mình. Mong Ban Tổ chức sẽ có thêm những cuộc “Về nhà” để “Về nhà” trở thành “ngôi nhà thân yêu” cho tất cả mọi người trên khắp năm châu được trải lòng mình”.

Tác giả Nguyễn Rông quê Quảng Ngãi cũng là một trường hợp thú vị. Sinh năm 1996, từng học sĩ quan lục quân, nhưng do sức khỏe bỏ học giữa chừng, đi học ngành điện rồi vào Sài Gòn làm công nhân. Lại có thời gian xuống Bến Tre, Kiên Giang đi biển. Khi tham gia viết Về nhà, Nguyễn Rông lúc thì đi biển, lúc thì làm nước đóng chai nếu biển động, rồi sửa điện cho một xưởng làm chả ở Kiên Giang. Lúc bài đăng cũng là anh đang trên đường về quê Quảng Ngãi ăn Tết. Ăn Tết xong, Nguyễn Rông ở lại quê nhà làm việc trong khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát (Khu kinh tế Dung Quất) Những ngày qua, Nguyễn Rông trong “thân phận F0”, không vào TP.HCM dự Lễ trao giải được, đã gửi thư chia sẻ:

“Ngày viết bài Ôi, nôn tới Tết quá chừng…, tôi ở một nơi cách quê nhà hơn… 1100 cây số.

Lúc viết bài, tôi không nghĩ đến việc viết để dự thi. Tôi cũng chẳng để ý và chưa từng nghĩ đến việc sẽ có cơ hội nhận được những giải thưởng.

Tôi xem những gì viết ra như là đôi dòng nhật ký của những ngày mưu sinh xa quê với nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha cồn cào, da diết. Và có một nơi như cuộc thi Về Nhà cho tôi được trao gởi những nỗi niềm tâm sự, đã là một giải thưởng lớn.

Tôi có hai chuyện muốn kể. Hai chuyện cách tròn chẵn một tháng. Trưa 21.01, khi tranh thủ nghỉ ngơi ở nơi làm việc, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại. Sau mới biết đó là nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Về Nhà. Nghe anh thông báo bài sẽ được đăng trong vài ngày tới, tôi sướng… rân người.

Ngày 21/2, cũng vào buổi trưa, tôi cũng nhận được một cuộc gọi điện thoại và cũng là của nhà văn Trần Nhã Thụy. Anh thông báo bài viết đạt giải. Thật bất ngờ và vui khi những trải lòng của tôi “chạm” được vào cảm xúc của Ban tổ chức và Ban giám khảo.

Tôi kể lại hai chuyện ấy, như là để cảm ơn sự quan tâm của nhà văn Trần Nhã Thụy nói riêng và Ban Tổ chức nói chung.

Cảm ơn thêm Ban Tổ chức cuộc thi Về nhà, vì tạo ra một sân chơi, một diễn đàn thật sự ý nghĩa và nhân văn. Với riêng tôi, khi đọc những bài viết đầy cảm xúc của cuộc thi đã giúp tôi biết thương người thân, yêu gia đình, yêu thương nhà mình nhiều hơn. Và tôi tin là nhiều người cũng giống như tôi.

Giờ đây, tôi lại tiếp tục… “nôn tới Tết quá chừng…” nữa. Là vì tới Tết, biết đâu sẽ lại có cơ hội đọc những bài viết của cuộc thi Về nhà. Thật mong là cuộc thi này sẽ tiếp tục được tổ chức đều đặn vào mỗi cuối năm, để mọi người có thể trao gởi những niềm thương nỗi nhớ!”

Cuộc thi viết Về nhà nhận được sự đồng hành, tài trợ từ các đơn vị:

Vinasoy Việt Nam, MSD Animal Health, BVU, Võng xếp Duy Lợi, Hà Tuyên Group, RDCO FOOD, Trường THPT Vĩnh Viễn, CPL Media, Bồ kết An Nhiên, Oriland, FLORID & Công ty TNHH Giáo dục Thiên An.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT VỀ NHÀ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hành trình về Chiến khu Đ
Bài và videoclip về chuyến về thăm Chiến khu Đ của các văn nghệ sĩ thành phố.
Xem thêm
Văn nghệ Giải phóng họp mặt nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Tin và videoclip về buổi họp mặt của cán bộ, nhân viên và văn nghệ sĩ Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn – Gia Định/T4 và báo Văn nghệ Giải phóng.
Xem thêm
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh cùng giới văn nghệ sĩ cả nước vô cùng thương tiếc báo tin: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, đã từ trần.
Xem thêm
Nhà văn Bạch Nhật Phương (nhà giáo Bạch Phương Lan) tạ thế.
Nhà văn Bạch Nhật Phương (nhà giáo Bạch Phương Lan), nguyên giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà văn Khuất Quang Thụy
Trong khoảng 30 năm quân ngũ, tôi có khá nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Khuất Quang Thụy, người vừa vĩnh biệt chúng ta để trở về với thế giới của người hiền.
Xem thêm
Phát động Cuộc thi viết “Đất K – Miền ký ức”
Cựu chiến binh Sư đoàn 315 đã phát động Cuộc thi viết “Đất K – Miền ký ức” lần thứ IV, dành cho tất cả các cựu chiến binh ở các sư đoàn, đơn vị chiến đấu trên chiến trường K và thân nhân của các đồng đội. Tác phẩm dự thi hợp lệ là hồi ức, hồi ký, giới hạn trên 1.500 từ và không quá 2.000 từ, chưa đăng tải trên bất kì cơ quan thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào…
Xem thêm
Nhà văn Khuất Quang Thụy đã về phía bên kia thềm nắng
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và người thân của nhà văn Khuất Quang Thụy
Xem thêm
Cánh chim cô độc – Hồi ức một điệp viên chiến trường
Tin ảnh về Tọa đàm giao lưu ra mắt sách Gãy cánh điệp viên của cựu điệp viên Hồ Duy Hùng
Xem thêm
Hồng Quang – Em gieo con chữ trên đồi núi
Lúa ngô nắng thức nương đồiVáy hoa nắng ngủ tay người dệt thêuVi vu nắng gọi sáo diềuNắng cài mây tím đón chiều trăng lên
Xem thêm
Thể lệ Giải thưởng Thơ 1-2-3 lần thứ I
Kể từ khi thể thơ 1-2-3 ra đời vào mùa thu năm 2018 đến nay, ngoài hàng trăm tác giả trong và ngoài nước sáng tác thể nghiệm, đã có nhiều tập thơ 1-2-3 được xuất bản, chưa kể những bài thơ 1-2-3 in chung với các thể loại thơ khác trong các tập thơ. Đó là thành quả chung của những người yêu thơ và làm thơ 1-2-3.
Xem thêm
HTV và VTV nói gì về Ngày thơ Việt Nam 2025?
Vài chương trình của HTV và VTV xung quanh chủ đề Ngày thơ Việt Nam Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Ngày thơ Việt Nam 2025 Tại TP. HCM: Vang vọng Bài ca thống nhất
Tin tổng hợp và các videoclip hình ảnh chọn lọc về Ngày thơ 2025 tại TPHCM.
Xem thêm
Bài ca thống nhất trong Dòng chảy thơ phương Nam
Phát biểu khai mạc Ngày thơ 2025 của nhà văn Trịnh Bích Ngân, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM
Xem thêm
Nhiều hoạt động trong Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 12/2, Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã chính thức khai mạc với chủ đề “Bài ca thống nhất”. Đông đảo bạn yêu thơ đã cùng hội tụ tại Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh để nhìn lại dòng chảy thơ ca sau nửa thế kỷ Bắc - Nam sum họp.
Xem thêm
Khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM
Ngày 12/2/, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM khai mạc “Ngày thơ Việt Nam 2025” với chủ đề “Bài ca thống nhất”.
Xem thêm