- Tin tức - Hoạt động Hội
- Quốc học Huế - Điểm đến không nên bỏ lỡ ở vùng đất cố đô
Quốc học Huế - Điểm đến không nên bỏ lỡ ở vùng đất cố đô
Có lẽ khi nhắc đến xứ Huế mộng mơ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một thành phố di sản, mang đậm dấu ấn lịch sử với nhiều công trình cổ kính. Những địa điểm khiến người ta hoài niệm về một thời huy hoàng xưa kia nhiều vô kể. Trong đó Quốc học Huế là điểm đến nổi bật mang lại ấn tượng sâu sắc đối với nhiều người dân nơi đây cũng như du khách từ phương xa đến thăm.
Chiếc cổng mang nét đẹp đặc trưng của thiết kế Á Đông (Ảnh: Tường Vi)
Hình ảnh đầu tiên chào đón du khách là cổng trường cùng bờ tường đỏ sẫm bên cạnh những hàng cây rậm rạp. Kiến trúc hài hòa kết hợp giữa Pháp và Á Đông đã hớp hồn nhiều người bởi sự cổ kính xen lẫn nét hiện đại.
Trường Quốc Học được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 09 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Quốc Học là trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên ở Huế, được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất. Mới đầu trường có tên là Pháp tự Quốc học Trường môn với cấp bậc tiểu học chuyên giảng dạy tiếng Pháp, ngoài ra còn có thêm chữ Quốc ngữ, chữ Nho. Trường đã trải qua nhiều lần đổi tên từ trường Quốc học (1896 - 1936), trường Trung học Khải Định (1936 - 1954), trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955 - 1956).
Vào năm 1956 - nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, trường đã được đổi về tên cũ là trường Quốc Học. Đến đầu thế kỷ 20, trường được xây dựng lại kiên cố theo lối kiến trúc Pháp cổ điển nhưng vẫn giữ được nét Á Đông bởi họa tiết trang trí cùng màu gạch đỏ sẫm đặc trưng. Có thể nói đây là một trong những ngôi trường cổ nhất nhì Việt Nam. Tuy nhiên cổ nhưng không hề cũ.
Trường Quốc học nằm trên một khuôn viên rộng giữa bốn con phố, hướng chính quay ra đường Lê Lợi, cạnh dòng sông Hương thơ mộng. Công trình có bố cục phân tán với nhiều toà nhà, xen lẫn với vườn cây xanh. Các khu nhà nối nhau bằng lối đi có mái che với hàng cột đỡ thường thấy ở các công trình Pháp xây tại Việt Nam. Khuôn viên sân trường có nhiều cây cổ thụ rợp bóng, tạo không khí mát mẻ.
Khung cảnh thơ mộng, rợp bóng cây trong sân trường
Trường Quốc học Huế vừa là địa điểm giảng dạy học tập, vừa là di tích tham quan dành cho du khách. Đây là một trong những di tích nằm trong hệ thống di tích và điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế. Di tích Trường Quốc Học được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26/3/1990, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020.
Nhiều năm qua, trường Quốc Học Huế luôn là cái tên dẫn đầu trong phong trào dạy tốt học tốt của tỉnh và cả nước. Đây là cái nôi bồi dưỡng, đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành), đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng bí thư Trần Phú, tổng bí thư Hà Huy Tập, thủ tướng Phạm Văn Đồng,...đều có thời gian học tập tại mái trường này. Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, thế hệ trẻ hôm nay luôn cố gắng học tập, rèn luyện và đã đạt được nhiều thành tích nổi bật tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Trường Quốc học Huế - nơi giác ngộ tinh thần yêu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành
Trong hành trình khám phá vùng đất cố đô, Tường Vi (học sinh THPT tại TP.HCM) chia sẻ: " Em đã đến Quốc Học Huế và Tử Cấm Thành. Em đặc biệt ấn tượng với trường Quốc Học. Bởi đây là một ngôi trường rất hoài cổ, như một lâu đài. Đặc biệt là còn từng là nơi mà Bác Hồ đã theo học."
"Quốc Học trường ta, Quốc Học ơi!
Thầy xưa bạn cũ nhớ xuyên đời,
Thầy xưa từng gợi lòng yêu nước,
Bạn cũ thân tình biết mấy mươi."
Những câu thơ của nhà thơ Huy Cận phần nào thể hiện nỗi niềm đối với ngôi trường thân yêu từng gắn bó. Thật đúng là "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Các thế hệ học sinh vào rồi lại ra hết khóa này đến khóa khác nhưng cảm xúc mỗi khi trở lại hoặc nhớ về trường vẫn vẹn nguyên. Ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, Quốc học Huế luôn là niềm hãnh diện trong lòng mỗi người con xứ Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Mạc Tường Vi