TIN TỨC

Lê Thị Kim – “Kẻ lữ hành đi ngược chiều gió thổi”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-10-18 19:03:39
mail facebook google pos stwis
2473 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Thơ Lê Thị Kim dịu dàng, đằm sâu, giàu nữ tính. Chị được mệnh danh là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu. Thơ Lê Thị Kim trong sáng lắm bởi nó được viết bằng cả nhiệt huyết, bằng tình yêu hết mình cho tuổi trẻ, tình yêu con người và cuộc đời.


Nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim

 “… Khi làm thơ, tôi vẫn cảm thấy như mình đang lạc vào chốn nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói của mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi…” (Lê Thị Kim). Làm thơ đối với chị như là một nhu cầu tự thân. Nhà thơ ký gửi vào đấy những nỗi niềm sâu kín của lòng mình, những suy ngẫm về con người và cuộc đời. Lê Thị Kim cho rằng: “Có thể với người khác, khi mệt mỏi với công việc sẽ hoài nghi về sự tồn tại của thơ ca, xem đó như một vật cản cho cuộc sống. Nhưng với tôi, lúc rơi vào tâm trạng như vậy, tôi thà rũ bỏ những công việc khác để cho mình thanh thản để trở lại với thơ. Thơ là “một khoảng sân sau” cho tâm hồn mình trú ngụ và quay về”. Nhà thơ tự ví mình là “kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi”.

Lê Thị Kim vừa là nhà thơ, họa sĩ, doanh nhân. Ở lĩnh vực nào Lê Thị Kim cũng là người để lại những ấn tượng đặc biệt. Chị là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn (1990), Hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM (1996).

Chị đã trình làng các tập thơ: Vòm me mùa hạ (in chung, 1985), Thành phố tháng Tư (in chung, 1986), Khi tình yêu đến (1988), Đóa quỳ hư ảo (1991), Sương bụi tình yêu (1997), Nguyên đán tình yêu (in chung, 2003), Thơ Lê Thị Kim (2010), Triển lãm tranh "Âm thanh từ lồng ngực trái" *(2016), Em lạc đâu sao Kim (Thơ tranh, 2020), Triển lãm tranh "Cung bậc cảm xúc" (2020)...

Với những đóng góp đặc biệt của chị, năm 1990, Lê Thị Kim được nhận danh hiệu người phụ nữ tài năng. Chị là một trong 20 gương mặt được biểu dương Văn học trẻ TP.HCM 20 năm (1995), 30 năm Văn học TP.HCM (2005).

Thơ Lê Thị Kim dịu dàng, đằm sâu, giàu nữ tính. Chị được mệnh danh là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu.

Thơ Lê Thị Kim trong sáng lắm bởi nó được viết bằng cả nhiệt huyết, bằng tình yêu hết mình cho tuổi trẻ, tình yêu con người và cuộc đời. Thơ chị được gạn lọc và tinh chiết qua nhiều nỗi đau. Những biến cố, bất hạnh của cuộc sống ập đến bất ngờ, luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với Lê Thị Kim. Bằng nghị lực, niềm tin, trí tuệ, tinh thần nhân văn nhân ái, chị luôn cố giấu nỗi đau riêng vào lòng, tự khẳng định mình và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Vì rằng, dù nỗi buồn có lớn đến cỡ nào cũng không thể dập tắt đi niềm hi vọng và ước mơ của chị. Có lẽ do có cái nhìn biện chứng như vậy nên người ta gọi Lê Thị Kim là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ và tình yêu là những vấn đề lớn mà thời đại nào cũng cần phải quan tâm.

Điều đặc biệt, thơ Lê Thị Kim có rất nhiều bài đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Đến nay đã có gần 100 ca khúc được phổ nhạc từ thơ chị. Đây là một trường hợp hiếm có đối với thơ nữ Việt Nam. Có lẽ, do chất giọng đằm thắm, dịu dàng; lời thơ giàu tính nhạc, dễ đi vào lòng người mà thơ chị có sức lan tỏa. Những ca khúc: Đừng nhìn em như thế, Gần lắm Trường Sa ơi, Sắc màu tình yêu… được rất nhiều người yêu mến.

Tổ ấm là nguồn thơ vô tận của Lê Thị Kim. Nơi ấy, tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc được thể hiện rõ nhất. Nó là một khối sức mạnh tinh thần - vật chất giúp con người vượt qua mọi sự gian khó trong cuộc đời. Lê Thị Kim cũng đã từng sống trong một tổ ấm hạnh phúc. Dù đôi lúc, gia đình cũng gặp những điều không như ý muốn nhưng bên cạnh chị, luôn có người đàn ông gánh vác, lo toan. Chồng chính là chỗ dựa vững chắc và an toàn nhất cuộc đời chị. Chính anh cũng là người hậu thuẫn, tiếp sức cho chị tham gia sáng tạo nghệ thuật. Vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chồng chị - anh Nguyễn Trọng Châu (nhà văn Đông Quân) lại đột ngột ra đi năm 1998. Lê Thị Kim hẫng hụt, bàng hoàng trước sự thật chua chát ấy. Chị nghiệm ra rằng: Hạnh phúc là thứ có thật trong cuộc đời nhưng nó cũng vô cùng chông chênh, không bao giờ như ý con người ta. Đến rồi đi bất chợt, nhiều lúc không thể ngờ, để lại trong lòng người bao hụt hẫng, mất mát và xót xa. Đặc biệt với một người phụ nữ có trái tim đa cảm và dễ tổn thương như chị thì khi gặp phải những bất trắc, nỗi đau ấy lại tăng lên gấp bội phần.

Lê Thị Kim cảm thấy hoang mang khi phải đối diện với thực tế đầy ảm đạm của chính gia đình mình: Em mong manh, em chỉ như chiếc lá/ Biết nhặt tia sáng nào khi mặt trời lên

Về sự nghiệp thì Lê Thị Kim là người khá thành công. Nhưng về đời tư, chị lại mang nhiều nỗi đau, sự hụt hẫng lớn. Đó là những vết thương lòng khó lành theo năm tháng. Nỗi đau cứ âm ỉ, triền miên, giày vò trong chị. Người chồng đột ngột ra đi, chị như bị ném dưới vực sâu. Đó là nỗi bàng hoàng, chông chênh, chới với, mất phương hướng với một người phụ nữ lâu nay việc gì cũng chồng lo giúp. Giờ phải đối diện với một sự thật phũ phàng, sống trong cảnh mẹ góa, con côi. Trong khi đứa con trai thứ hai bị thiểu năng vận động không đi được. Chị biết làm sao bây giờ? Biết san sẻ nỗi đau này cùng ai? Lê Thị Kim vốn là một người mẹ thương con, một người vợ rất mực yêu chồng nên chị cố giấu nỗi đau ấy vào lòng.

Em vẫn nhìn anh/ Mênh mông là nhớ/ Chảy quanh lệ buồn/ Đành thôi/ Giấu tận đáy hồn/ Cho con khỏi xót/ Vở còn cầm tay/ Vì con/ Đi hết đường này/ Thôi đành số phận/ Cát bay lá mòn/ Mẹ như một cánh lá non/ Khi cha bặt vắng mẹ còn hư vô/ Vì con mẹ phải tự ru/ Thôi thì ráng nốt kiếp hư vô này.

Vì chị nghĩ, giờ đây cứ đau khổ, khóc lóc, yếu mềm thì cũng chẳng được tích sự gì, rồi ai là chỗ dựa cho các con? Và không khéo lại làm cho các con tổn thương về mặt tinh thần nữa thì lại càng đau hơn. Chị đành nuốt ngược nước mắt vào trong, một tay đảm đang lo toan mọi thứ…

Khi cuộc đời đã trải qua những khổ đau, Lê Thị Kim tìm đến thơ và họa như để gửi gắm nỗi niềm và lấp đầy khoảng trống hư vô… Với chị, làm thơ và vẽ tranh chính là cách để chị nương náu an toàn, bình yên và trong trẻo nhất.

Thực tế cuộc sống và những trải nghiệm của bản thân, nhà thơ Lê Thị Kim nhận thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều là có thật, kể cả hạnh phúc và khổ đau.

Tôi áp hai cọng cỏ trong lòng bàn tay/ Chúng yêu nhau quấn quýt giãi bày/ Tôi tách rời hai tay không níu gọi/ Chúng buông nhau tàn úa rã rời.

Ngẫu nhiên và khách quan là những điều có thực/ Chúng tạo cho ta hội ngộ tương phùng/ Nhưng chúng cũng là điều có thực/ Gây tan lòng gây những cuộc chia ly

Cũng như xuân cứ đến lại đi/ Như hạnh phúc có ai ghì lại được/ Như ta đây cứ ngỡ ta là điều có thực/ Cái phẩy tay của trời ta đã hóa hư vô (Điều có thực).

Dù biết rằng đó như là quy luật tất yếu của tự nhiên nhưng nhà thơ Lê Thị Kim vẫn đau đáu một nỗi niềm sợ hãi về sự trôi chảy của thời gian, về những tai ương, bất hạnh có thể ập đến khi có “cái phẩy tay của trời”.

Như ta đây cứ ngỡ là điều có thực/ Cái phẩy tay của trời ta đã hóa hư vô

Bài thơ đặt ra nhiều vấn đề, nhiều những câu hỏi cho tất cả chúng ta, những người đang sống và đang từng ngày từng giờ đối diện với bao thực tế vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau ở cõi đời này. Chúng ta phải chấp nhận những điều có thực ấy và cố gắng vượt qua, sống thật sự có ích, có ý nghĩa, sống trọn vẹn, tha thiết với tình yêu và cuộc đời.

Khao khát được sống và yêu khiến nhà thơ Lê Thị Kim có ý thức tận hưởng niềm hạnh phúc đó. Bởi Lê Thị Kim linh cảm rằng: Hạnh phúc - tình yêu đến rồi đi một cách chóng vánh, nó như là sự thách đố, trêu ngươi con người ta. Để rồi như “tôi” bây giờ cũng đang cô đơn lẻ bóng, một thực tế buồn đến nao lòng.

Tình xuân như chiếc cầu vồng/ Thoắt bồng bềnh hiện, thoắt bồng bềnh trôi/ Hạnh phúc/ Hạnh phúc như chiếc lá trời/ Thích trêu ngươi trước cuộc đời lặng trông

Mặc người ngóng cổ chờ mong/ Mặc người đón đợi, lá vòng vèo bay/ Thích ai/ Thích ai lá rớt vào tay/ Chợt nhiên không thích, lá bay về trời/ Như giờ/ Như giờ… tôi… chỉ mình tôi (Lá trời).

Khảo sát thơ của Lê Thị Kim, phần lớn chị sáng tác theo thể thơ tự do và thơ 5 chữ.

Thơ tự do của Lê Thị Kim viết theo một lối riêng và rất hiện đại. Dưới ngòi bút tài hoa của chị, thể thơ này có sự giãn nở về biên độ phản ánh và cấu trúc hóa nhạc điệu câu thơ. Hình thức thơ biến hóa linh hoạt, câu thơ uốn lượn một cách thoải mái theo cơn bão của cảm xúc tâm hồn, nhịp đập của trái tim.

Em đã buông rồi/ Nhưng tất cả không rơi/ Kỷ niệm vẫn bồng bềnh như sóng biển/ Sân trường cũ ... và ngày xưa hoa tím/ Thoáng mưa buồn ... vài giọt thả long lanh

Giọt nào anh/ Giọt nào em/ Giọt nào bão tố/ Giọt nào nụ hoa/ Giọt nào tình mộng/ Giọt nào tình xa

Nước mắt vỡ òa/ Tan cơn mộng cũ/ Trời mưa thủ thỉ/ Em - về - với - Em.

Thơ 5 chữ phù hợp với việc giãi bày tâm trạng của con người, thường có tính chất tự sự. Nói cách khác, thơ 5 chữ thường kết hợp tự sự với trữ tình. Với thể thơ 5 chữ, nó có khả năng diễn tả đầy đủ dòng cảm xúc dạt dào của nhà thơ khi nhớ về những kỷ niệm của quá khứ, khi nghĩ về hiện tại và cả những dự cảm về tương lai. Ở thể thơ này, Lê Thị Kim đã tạo nên những vần thơ độc đáo mang đậm dấu ấn của một phong cách thơ riêng: phong cách thơ Lê Thị Kim. Như vậy, cùng với những vần thơ tự do diễn đạt tận cùng, linh hoạt các cung bậc cảm xúc, thơ 5 chữ đã trở thành thể thơ đặc trưng của Lê Thị Kim.

Những bài thơ 5 chữ của chị cấu tứ hết sức tự nhiên, hình ảnh, cảm xúc đến dễ dàng. Chuyện thơ đơn giản, hình ảnh thơ giản dị nhưng những vần thơ 5 chữ của thi sĩ Lê Thị Kim gây được hứng thú bởi nhạc điệu trữ tình. Cảm xúc, sự rung động tinh tế của tâm hồn làm cho hồn thơ Lê Thị Kim có dáng vẻ riêng, tự nhiên, thỏa mái nhưng không sa đà, giản dị nhưng không thô kệch; bởi tất cả những gì chị phản ánh đều có từ cuộc sống, có ý nghĩa với cuộc sống. Nhà thơ có sự kết hợp hài hòa cân xứng trong những câu thơ và toàn bộ bài thơ để diễn tả một cách sinh động, hiệu quả những cung bậc tình cảm.

Đôi cánh mày bé bỏng/ Sao mang nổi bầu trời/ Nhỡ mà kỳ giông bão/ Núp đâu chuồn kim ơi/ Luống cà sang luống bắp/ Với con chuồn chuồn kim/ Cũng xa bằng hai nước/ Biết đâu mà bay lên.

Chuồn kim ơi đừng sợ/ Những chú bé bắt mày/ Bởi thân mày quá nhỏ/ Bắt làm sao lọt tay/ Con chuồn kim màu chỉ/ Lặng lẽ khâu tháng ngày/ Vườn tôi đang rộng mở/ Tha hồ chuồn kim bay (Viết cho chuồn chuồn kim).

Ở thể thơ 5 chữ thường là sự dồn nén ở khổ thơ đầu và đến cuối bài thơ kết thúc một cách bất ngờ, vỡ tung sự dồn nén đôi khi táo bạo, và chủ đề của bài thơ vụt sáng. Kết cấu này xuất hiện nhiều trong thơ Lê Thị Kim. Chẳng hạn ở bài Xa mà gần là một ví dụ.

Ở khổ đầu: Ấm nóng giọt lệ tình/ Đậm hương mà trong vắt/ Vẫn giọt lệ nguyên tinh/ Không không mà sắc sắc.

Đến khổ cuối, kết thúc khá bất ngờ: Chỉ cỏ cây mới biết/ Mình trú ngụ nơi đâu/ Chỉ đất trời mới biết/ Tình mình thiên thu sâu.

Lê Thị Kim có nhiều bài thơ 5 chữ qua thời gian đọng lại trong tâm trí của người đọc như: Đừng nhìn em như thế, Khi tình yêu đến, Tình yêu không là gió, Anh có là mùa thu, Dốc vàng hoa quỳ nở, Khi chúng mình yêu nhau, Trái tim chỏng trơ, Viết cho chuồn chuồn kim, Ai níu mùa xuân đấy, Cùng tôi đi dạo, Nỗi nhớ sương đêm…

Lê Thị Kim đưa vào thơ của mình những hình ảnh so sánh, ẩn dụ mới lạ, độc đáo. Chị luôn nhìn tình yêu trong trạng thái luôn vận động. Có buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc, bình yên - giông bão…

Tình yêu không là gió/ Chợt gần rồi chợt xa/ Tình yêu không là cỏ/ Mọc lan man thềm nhà

Em có một tình yêu/ Mỏng manh như nhánh lá/ Em có một tình yêu/ Như sóng ngầm biển cả (Khi tình yêu đến).

Bao con đường rộng mở/ Tình yêu làm cỏ may/ Đi qua là mắc nợ/ Gỡ ra xong lại đầy (Cùng tôi đi dạo)

Ta như người làm xiếc/ Đi trên một sợi dây/ Mỏng manh

Hai bên là bờ vực/ Một hạnh phúc, một khổ đau/ Một rã đói/ Một đủ đầy

Ta chọn điều gì/ Giữa hai bờ vực ấy?!!!

Với những liên tưởng thú vị, đem đến cho người đọc bao cung bậc, sắc màu đa dạng của tình yêu, hạnh phúc và khổ đau.

Ấn tượng về thơ Lê Thị Kim đó là giọng đằm thắm, dịu dàng, buồn man mác khi chia sẻ nỗi lòng của mình. Thơ chị là những suy nghĩ, trăn trở trước cuộc sống và tình yêu. Nhà thơ Trần Hữu Dũng khi đọc thơ Lê Thị Kim đã có nhận xét đầy ấn tượng: “Thơ Kim như một cô gái cúi xuống vòm đời nâng một bông hồng tình yêu”.

Đọc thơ chị và lời nhận xét của Trần Hữu Dũng, tôi nghĩ rằng bạn đọc rất tinh ý và có lý khi gọi chị là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu; với một nghệ sĩ đa tài như Lê Thị Kim thì tuổi trẻ và tình yêu sẽ theo suốt cả cuộc đời. Tuổi trẻ và tình yêu được hiện thực hóa bằng những đứa con tinh thần và cả trong đời sống thường nhật./.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Kẻ cày mây thu và gieo trồng muôn dặm sao
Bài viết của Tuần Trần về tập thơ “Những đám mây mùa thu” của Trần Quang Khánh
Xem thêm