- Tin tức - Hoạt động Hội
- Ra mắt sách “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương
Ra mắt sách “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương
Sáng nay, 21/4/2023, tại phòng họp Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra buổi ra mắt sách “Bơi qua mây” của Trần Huy Minh Phương. Đây là tác phẩm thứ 7 của anh, sau Gió mặn (thơ), Túi (tản văn), Một hơi thở một đời người (tản văn), Mở lòng thì được tất cả (tản văn), Hoa nở từ tâm (tản văn), Khói rụng (thơ).
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, tặng hoa chúc mừng tác giả.
Phát biểu chúc mừng nhà thơ Trần Huy Minh Phương, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chân thành chia sẻ, chị rất bất ngờ khi nhận được tập truyện dài “Bơi qua mây” vì từ trước tới nay vẫn mặc định tác giả là nhà thơ; nay rất vui vì có dịp đọc để hiểu thêm về bạn văn hiện đang là nhân viên phát hành của Tạp chí Văn nghệ TPHCM.
Nhiều nhà văn dự buổi ra mắt đã có lời chúc mừng và chia sẻ cảm nhận về văn thơ hoặc kỷ niệm với tác giả Trần Huy Minh Phương. Văn chương TPHCM xin giới thiệu một số hình ảnh cùng bài viết dưới đây của nhà văn Thu Trân, một người chị thân thiết của tác giả.
NHÀ THƠ TRẦN HUY MINH PHƯƠNG “BƠI QUA MÂY”
Tôi và nhà thơ - thầy giáo Trần Huy Minh Phương (THMP) là chị em bạn khá thân từ những ngày thầy chân ướt chân ráo từ Sóc Trăng lên TP.HCM lập nghiệp. Làm thơ, đúng vậy, ban đầu thầy làm thơ. Chúng tôi gặp nhau lần đầu trong Hội nghị Văn trẻ TP.HCM năm 2010. Tay thơ trẻ THMP được nhà thơ Phan Hoàng- nguyên là trưởng Ban Văn trẻ TP.HCM (Hội Nhà văn TP.HCM) lúc bấy giờ phát hiện bởi giọng thơ lạ, đầy chất ngạo nghễ đồng bằng sông Cửu Long của anh. Chúng tôi gặp nhau ở Hội nghị Văn trẻ để cảm thơ, cảm văn nhau và thân nhau từ đó.
Phương làm thơ là chính, nhưng dường như chỉ mới in 2 tập thơ, còn lại in tản văn và “Bơi qua mây” là tập truyện dài đầu tay của anh. Đọc “Bơi qua mây”, tôi thấy thầy Nhân, thầy Thắng, thầy Tự Cường- các nhân vật chính trong truyện đều rất… thầy Phương- thầy THMP dạy văn THCS một thời ở trường huyện tỉnh Sóc Trăng. Tôi cũng không lạ gì tâm tư của thầy Phương- một thầy giáo trẻ hiện đại, có tầm nhưng lực bất tòng tâm. Những điều chúng tôi thường nói với nhau trong các buổi cà phê về ngành giáo dục Việt Nam đầy những bất trắc và bẽ bàng hiện tại đều được thầy Phương “tái hiện” một cách sinh động, chân thực, đầy tâm huyết trong truyện dài “Bơi qua mây”. Đọc xong truyện, tôi tự khắc hiểu rằng, thầy Phương không bơi qua mây, mà đang bơi trong những gì rất bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Không phải một mình thầy bơi, mà cả ngành giáo dục đang cùng bơi- trong đó, “các tay bơi” trực tiếp là các thầy cô giáo và các học sinh thân yêu vô cùng tội nghiệp của chúng ta!
Tôi đọc được câu tiêu điểm của thầy Phương cho toàn truyện “Bơi qua mây”: “Giáo dục VN- một câu chuyện loay hoay mộng nhiều hơn thực”. Minh hoạ cho điều này, tôi thấy cái kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi văn của ngôi trường huyện trong truyện (xin lỗi, chắc cũng là trường thật của thầy Phương) rất là “ảo ảnh”. Một lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn toàn trường tập trung học sinh giỏi văn cả 4 khối 6,7,8,9 bất chấp trình độ và cảm nhận khác nhau của các lứa tuổi, cuối cùng chỉ còn lại 2 em bám lớp, mà trong đó, chỉ có 1 em “triển vọng”. Tôi đọc đến đây cười ra nước mắt và thương các thầy cô cùng các trò của ngôi trường huyện ấy vô cùng! Vâng, lỗi là tại cơ chế chạy theo thành tích. Hãy nghe ông thầy bỏ nghề lên phố lập nghiệp vẫn tràn tâm huyết với ngôi trường xưa của mình: “Vẫn giữ lập trường ôn cố tri tân. Truyền cảm hứng sáng tạo, khơi gợi, lấy chất làm nền, điểm số không quan trọng”. Thật sự, sự nghiệp giáo dục trong tất cả những gì thầy Phương thể hiện trong “Bơi qua mây” như “đẽo cày giữa đường”. Không có một nền tảng nào chắc chắn và hiệu quả từ việc đầu tư cơ sở vật chất nhà trường đến chương trình soạn giáo án, kế hoạch dự giờ, thay đổi sách giáo khoa liên tục… tất cả “biến ảo” xoành xoạch, thật khó hiểu, thật “chỉ có cao xanh mới hiểu”. Để rồi, tất cả chỉ còn lại “giáo án nát” cùng “lời giảng chát”.
Ngộ ra điều “nát” và “chát” trong cuộc sống mong manh, đầy bất cập- các thầy giáo, cũng là các nhân vật chính trong truyện đã tìm đến con đường tu tập trên một quả đồi, để “được làm người dễ thương”. Những người dễ thương này luôn nặng ân tình với sự nghiệp trồng người. Và kế hoạch xây dựng “một ngôi trường của thương yêu và chánh niệm” đã ra đời. Ngôi trường là nơi gửi gắm ước mơ của các thầy cô tha thiết trồng người. Và cũng là ước mơ chung của những người làm công tác giáo dục phải chịu quá nhiều áp lực hiện nay từ cơ chế. Đó là chuyện nên chăng giảm thời gian học từ 36 tuần/năm xuống còn từ 25-30 tuần/năm. Là chuyện nên chăng cả nước chỉ cần một bộ sách giáo khoa chuẩn cho các khối lớp, không phải tốn nhiều tiền và thời gian “thử nghiệm” như bao nhiêu năm qua. Ý nghĩ “nghỉ đông” của ngôi trường này thay cho nghỉ hè được đề xuất cũng khá hợp lý. Học sinh không đi học mùa đông cũng tránh được những tai nạn bất ngờ và hư hao tài sản do mưa bão. Tuy nhiên, kế hoạch thành lập ngôi trường của yêu thương và chánh niệm này cũng chỉ là ước mơ. Ước mơ của một người làm thơ từng ngồi trên bục giảng vì một ngày mai tốt hơn, hợp lý hơn cho ngành giáo dục Việt Nam. Giáo dục là cuộc đời xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai. Cũng như nhà thơ- thầy giáo THMP, tôi xin mượn lời của thánh Gandhi để kết thúc bài viết này: “Hãy sống như ngày mai anh chết. Hãy học như anh sẽ sống mãi mãi”.
Tin & ảnh: NH.