- Thế giới sách
- “Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI
Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng/BQP
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” của GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú, viết về một giai đoạn lịch sử đầy chông gai của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa; những nô lệ bần hàn, đói rách dưới xiềng xích của chủ nghĩa tư bản, chưa thể tự cứu mình.
1. Trước hết suy ngẫm về tác giả: Viết về một con người đi tìm đường cứu nước đã là rất khó. Bởi xuất phát từ nhận thức, quan điểm, phương pháp xem xét, đánh giá những vấn đề cốt lõi. Ví như tư tưởng cụ Phan Châu Trinh: muốn cứu nước, giải phóng dân tộc nhưng theo phương thức cải lương… Viết về quá trình hình thành tư duy, tìm tòi, định hướng con đường làm cách mạng của một nước thuộc địa ở Nguyễn Ái Quốc - sau này là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại càng khó khăn gấp bội. Nhưng với phương pháp nghiên cứu lô gic, so sánh, đối chứng, lịch sử, biện chứng khoa học; tác giả đã dày công đi đến tận nơi, từng địa điểm, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc; sưu tầm tư liệu tại các thư viện chính thống, nơi lưu giữ nguyên bản và tra cứu trên các bộ tổng tập viết về cuộc đời hoạt động của Bác. Tác giả, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú đã thể hiện tính chân thực, khách quan, độ tin cậy cao, mạch lạc; kết nối các yếu tố lịch sử để minh chứng rằng: Để thành công sự nghiệp cách mạng, Bác đã phải bôn ba trải qua hành trình, không biết bao nhiêu thăng trầm, thậm chí vào tù ra tội để dấn thân cho Tổ quốc, cứu dân tộc thoát khỏi đoạ đày, xiềng xích để trở thành một dân tộc độc lập, tự do, bình đẳng. Truyện ký của GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú là một công trình nghiên cứu lịch sử đồ sộ.
2. Khát vọng và hoài bão, quyết tâm đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Chứng kiến cảnh lầm than, nô lệ cùng cực của dân tộc dưới ách đô hộ thực dân Pháp; ngày 05/06/1911, Bác rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Dấu chân cách mạng của Bác từ xứ thuộc địa đã in trên mọi nẻo đường Paris, thủ đô nước Pháp, chính quốc thực dân xâm lược và ở đây, Bác đã hiểu sâu sắc bản chất sáu chữ “tự do – bình đẳng – bác ái”. Cùng với những chí sĩ yêu nước, Bác đã soạn ra yêu sách 8 điểm đại diện quyền lợi nhân dân nước An Nam, gửi tới Hội nghị chính phủ các nước đồng minh, chính phủ Pháp. Cùng với sự ra đời của tờ báo “Người cùng khổ”, lên án chủ nghĩa thực dân như quả bom làm chấn động trong lòng nước Pháp. Với khát vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Bác đã nỗ lực tham gia các hoạt động vừa bí mật, vừa công khai nhưng rất khéo léo, trí tuệ; là Đảng viên Đảng xã hội Pháp; chiến sĩ cộng sản quốc tế tạo được uy tín trong kỳ Đại hội Tua, nói lên tiếng nói của người thuộc địa. Bác đã bôn ba khắp xứ người, từ Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô đi tìm hiểu, học tập con đường cách mạng vô sản của Mác, Ăng Ghen, Lênin. Nhận rõ con đường cách mạng muốn thành công phải đoàn kết giai cấp công nhân, nhân dân lao động và phải có một Đảng đủ uy tín, năng lực, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân lãnh đạo làm nòng cốt. Đây là vấn đề cơ bản mà Bác hiến dâng cả sự nghiệp riêng tư để tìm kiếm mong cứu nước, cứu dân. Những ngày trên đất nước Nga và Trung Quốc, chí khí cách mạng, bản lĩnh kiên cường của người cộng sản, thoát khỏi ngục tù ngoại bang càng thôi thúc Bác sớm tập hợp lực lượng chọn thời cơ chín muồi lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam vượt mọi khó khăn, gian khổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam lật đổ chế độ cũ tàn bạo, lập nên nước Việt Nam độc lập, thống nhất ngày 02/09/1945.
“Theo dấu chân Người” thể hiện nghệ thuật ngoại giao tài tình, khôn khéo, hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với bản lĩnh kiên trung, nhạy cảm, Bác Hồ của chúng ta đã thu phục được tình cảm, sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình trong quá trình Bác tiếp cận; không chỉ là những mối quan hệ tốt đẹp của những người yêu nước Việt Nam ở nước ngoài mà cả với những người bạn có tư tưởng tiến bộ đang sinh sống trong lòng chế độ tư bản. Trong mọi hoàn cảnh, Bác đã có cách xử lý trọn vẹn nghĩa tình. Bởi vậy, Bác đã thoát được sự nghi ngờ, truy lùng, theo dõi của mật thám. Đặc biệt, Bác đã xây dựng được lòng tin trong những con người có tư tưởng cách mạng vô sản, để không những tạo vị thế trong hoạt động, nghiên cứu, học tập phương thức tổ chức lực lượng mà thông qua họ để xây dựng, tổ chức và kết nối phong trào cộng sản lại với nhau. Bác quyết tâm đến nơi ra đời bản tuyên ngôn độc lập trên đất Mỹ. Đến nước Nga tìm học luận cương Lênin. Có thể nói rằng, tài ngoại giao của Bác “thêm bạn, bớt thù” và với nhãn quan chính trị sắc sảo đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang.
3. “Theo dấu chân Người” có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ về nhân sinh quan cách mạng. Định hướng tư tưởng và hành động. Khát vọng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, sự can đảm vượt mọi khó khăn, hiểm nguy; nỗ lực thực hiện hoài bão lớn lao: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Luôn đặt Tổ quốc – lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Tự lực, tự cường, tạo sức mạnh tổng hợp từ nội lực kết hợp sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cảm ơn GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú đã thể hiện tập truyện ký đầy cảm xúc và giá trị nhân văn sâu sắc. Đọc “Theo dấu chân Người”, chúng ta càng thấm thía và kính trọng cuộc đời vĩ đại của Bác, hy sinh thân mình, cống hiến trọn đời cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam - người chiến sĩ cộng sản quốc tế cao cả. Mỗi chúng ta nguyện học tập và làm theo “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
TP.HCM, ngày 15.08.2024
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm giới thiệu tác phẩm "Theo dấu chân Người"
tại Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh