TIN TỨC

Mãi mãi soi đời

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-05-19 14:14:09
mail facebook google pos stwis
68 lượt xem

PHAN NGỌC QUANG

Nhà thơ Hải Như tên tuổi bỗng vụt sáng sau khi ca khúc “Thành phố hoa phượng đỏ” được làn sóng điện của Đài tiếng nói Việt Nam gửi đến muôn nơi từ xa xôi hải đảo đến biên cương rừng núi. Giữa những ngày tháng khốc liệt của đạn bom quân thù năm 1970, bài thơ do nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc, bằng giai điệu đẹp lại một lần thăng hoa với những hình ảnh đa sắc màu nhưng rất đỗi thân quen của vùng đất Cảng:

“Tháng năm, rợp trời hoa phượng đỏ

Ơi Hải Phòng thành phố quê hương “...

Trước đó, trong niềm đau vô hạn của cả nước khi nghe tin Bác Hồ ra đi, bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!” của nhà thơ Hải Như đã làm rung động trái tim cả nước, như một tràng hoa thương nhớ kết dâng lên cuộc đời vị lãnh tụ trọn 79 mùa xuân. Đó cũng là mạch cảm hứng tiếp nối của tập thơ “Hồ Chí Minh – Người tin ở con người” được Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật ấn hành tháng 12 năm 2024.

Độc giả đã từng đọc tưởng như thuộc lòng về những câu chuyện trong đời hoạt động của Bác Hồ nhưng khi cầm cuốn “Hồ Chí Minh- Người tin ở con người vẫn rưng rưng vì xúc động. Bởi vì, 40 bài thơ cũng chính là 40 câu chuyện về một vị lãnh tụ thiên tài nhưng lại rất đời và rất gần gũi với nhân dân. Giữa trăm ngàn sắc màu trong vườn thi ca viết về Hồ Chủ tịch, thơ Hải Như (tên thật là Vũ Như Hải, SN 1923 tại Nam Trực, Nam Định) lại có một vẻ riêng bởi góc nhìn rất khác về lãnh tụ: “ Viết về Người/ Tôi không viết về một nhân vật siêu phàm/ Với những câu thơ chải chuốt/ Người không cần”…(Viết về Người). Trong lời công bố tuyên ngôn nghệ thuật, nhà thơ đã xác định cho mình một lối đi riêng khi sáng tác nhưng đó cũng là phẩm chất chúng ta hằng thấy ở con người Hồ Chí Minh qua những câu chuyện kể của từng nhân chứng lịch sử. Bài (Một lối đi riêng) là câu chuyện có thật khi Bác Hồ xuống thăm cơ sở nhưng qua đó Hải Như đã phát hiện ra điều thú vị để chúng ta biết rõ về Bác hơn: “Khi đích đã nhắm rồi/ Người luôn tạo cho mình/ Một lối đi riêng”. Bài thơ chỉ vài câu, không dài nhưng sức khái quát vô cùng lớn không chỉ về tư tưởng mà còn về cả nhân cách của lãnh tụ. Đó chính là tinh hoa văn chương được ông chưng cất bằng những câu chữ mộc mạc, cách nói bình dị song lại tỏa rạng hào quang. Chính vì thế trong dòng chảy chung của thi ca, thơ Hải Như tạo nên một mạch ngầm lắng đọng bởi giàu chất suy tưởng mà mỗi bài thơ là một chiêm nghiệm, một đúc kết bắt người đọc phải suy ngẫm. Và càng suy ngẫm càng thấy thấm thía dư ba ( Cái tên,  Bữa ăn sáng Bác Hồ, Ước mơ dần lớn mãi).

Trước khi trở thành nhà thơ, Hải Như vốn là một nhà báo Cách mạng. Từng trang viết của ông có nhịp đập của cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng mang hơi thở của không khí những ngày hành quân ra trận của anh Vệ quốc quân, của những người lính cảm tử quân. Chính vì thế thơ Hải Như luôn in dấu ấn từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Có thể coi đó là những ghi chép đầy biến động của cuộc sống được viết bằng thơ. Từ bé qua chiếc radio của gia đình mà tôi đã được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần bài hát “Như hoa hướng dương”do nhạc sĩ Tô Vũ phổ nhạc và cả bài “Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu” (nhạc Lưu Hữu Phước). Mãi đến sau này tôi mới biết tác giả phần ca từ không ai khác mà chính là nhà thơ nổi tiếng Hải Như. Mượn hình ảnh hoa hướng dương để làm biểu tượng cho niềm tin của nhân dân đối với Đảng: “Lịch sử bốn ngàn năm tiếp mùa thu tháng Tám / Có Bác Hồ, có Đảng ta lớn vượt hôm nay”… những vần thơ được trau chuốt đẹp hơn khi miêu tả hình ảnh đóa hoa hướng về ánh sáng bất diệt của mặt trời. Đó cũng là lối đi riêng của thơ Hải Như khi nghĩ về Bác, viết về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Từng việc làm của Bác, cách ứng xử trác việt của Người là những câu chuyện kể đời thường rất giản dị, gần gũi với nhân dân nhưng lại chứa đựng bài học sâu xa về cách đối nhân xử thế. Đúng như nhà thơ đã tự khẳng định: “Đi trên đất nước hôm nay, tôi không mang theo giấy thông hành/ Tôi chỉ với những bài thơ/ Giấy thông hành nhà thơ phải do chính nhà thơ tự cấp”. Với tôn chỉ đó, Hải Như đã viết nên những câu thơ có nội hàm khái quát và giàu chất suy tưởng trí tuệ. Thơ Hải Như luôn tự vấn, thường đặt ra câu hỏi cho bản thân mình nhất là khi đứng trước gương mà tấm gương đó không ai khác chính là Người: “Lỗi đó ở em/ Lỗi đó ở anh/ Bác Hồ dạy chúng ta điều trước tiên/ Nhận lỗi” (Trên hè phố mai đây). Nét đặc sắc của thơ ông ở chỗ từ chi tiết nhỏ, rất nhỏ mà nhà thơ đã khái quát lên một tầm cao mới, rất lớn về tư tưởng và nhận thức. Tiêu biểu là bài (Người sau không bị khuất): “Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp…/ Bạn mình”. Chỉ là cách cử xử trong đời thường của Bác nhưng đó lại là cách cư xử của con người luôn tôn trọng người khác, dù là ai. Cái bình thường đã làm nên sự vĩ đại ở một nhân cách lớn. Và đây cũng chính là nhân cách của con người Hồ Chí Minh đã cho chúng ta nhiều bài học để có một trái tim biết yêu thương và lòng nhân ái. Thử đọc bài (Chi tiết cần ghi) mới thấy rõ thêm điều đó: “Kể cả lúc trên lễ đài Bác đứng / Nhìn chúng ta/ Người cũng vẫn nhìn ngang”. Nhiều bài thơ cũng đã kể lại từng câu chuyện về cách sống giản dị, hòa đồng của Bác qua từng chi tiết nhỏ mà nếu ai tinh ý mới phát hiện ra (Đâu chỉ vì giản dị, Áo thuở hàn vi, Hoa trong vườn Bác, Năm ấy giữa rừng sâu, Nhiều chúng ta chưa biết chuyện này…). Như người cấy trồng vườn nhân ái, đi tới đâu Người cũng gieo hạt giống đức tin, khi có niềm tin vào con người chúng ta mới làm nên tất cả. Đó là bài học Bác để lại cho muôn đời mà không cần bục giảng, chẳng nhờ giáo án (Định nghĩa, Năm ấy giữa rừng sâu, Trái đất mai này còn lại tình yêu).  Thơ Hải Như có tính dự báo. Những câu thơ viết cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn có tính thời sự, phảng phất sấm truyền: “ Ôi Bác lánh mọi xa hoa đời tục/ Mà chúng ta nhiều lúc lại sa vào”. Kẻ thù đáng sợ nhất không phải là giặc từ bên ngoài mà là: “Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”. Có không biết bao nhiêu người đã thua cuộc và bị gục ngã bởi loại kẻ thù dấu mặt nguy hiểm này để bước vào vòng lao lý.

Thơ Hải Như khẳng định sự vĩnh cửu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Như bao người dân, vẫn còn đó hình ảnh Bác sống mãi cùng non sông đất nước (Bác vẫn vào miền Nam đấy chứ, Tuổi trẻ Bác Hổ). Và đặc biệt là thi phẩm xuất sắc (Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi…) Một bài thơ thời sinh viên chúng tôi ai cũng chép vào sổ tay và được diễn ngâm trong nhiều buổi văn nghệ của trường đến mức thuộc lòng cả đoạn dài. Câu nào cũng hay, khổ nào cũng xúc động: “Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay bác ngủ chúng ta canh giấc ngủ.

Thơ Hải Như có nhiều bài ngắn, câu chữ súc tích nhưng giàu liên tưởng. Không dễ quen như lục bát, ngũ ngôn nhưng khi đã thuộc thì ngấm từng chữ, thấm từng câu đến tận tâm can bắt người đọc khắc khoải, suy tư và chiêm nghiệm. Phải là thi nhân vừa đẹp tư duy hình tượng vừa sáng tư duy logic mới vẽ được những câu thơ tinh hoa như thế mà tập “Hồ Chí Minh -Người tin ở con người” là một minh chứng. Năm 2023, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động để tưởng nhớ một nhà thơ Hải Như nhân cách, tài năng có nhiều tác phẩm để đời về chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm ơn nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và bạn Vũ Kỳ Hạnh – con trai nhà thơ đã tặng tôi (người yêu thơ thi sĩ Hải Như) cuốn sách vô cùng quý giá. Gần đây Kiến trúc sư Vũ Kỳ Hạnh tặng cuốn Thơ và tiểu luận (do Nhà Xuất Bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 11/2023) tôi càng ấn tượng hơn với phần tiểu luận của nhà thơ Hải Như. Không chỉ định hình với thể loại thơ ca, ông còn để lại cho đời những bài viết sâu sắc về các quan niệm văn học, về lẽ sống, về những mùa hoa đã đi qua theo năm tháng, về vùng đất linh thiêng Thủ đô văn hiến ngàn năm và của những lần gặp gỡ các chính khách khi trao đổi quan điểm văn học. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Hải Như còn có một lãnh địa khác rất rộng lớn đó chính là mảng sân khấu. Những tác phẩm kịch bản văn học của ông dù được dàn dựng hay chưa nhưng đều thể hiện một cây bút giàu sức sáng tạo, luôn trăn trở với đời muốn có thật nhiều cống hiến hơn nữa cho nghệ thuật và cuộc sống đương tại. Đó là điều đáng trân trọng với một người nghệ sĩ chân chính. 

Ngày hôm nay dù ông đã đi xa nhưng những vần thơ và tác phẩm của ông vẫn còn lưu mãi trong lòng hậu thế.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Ngọc Khương – Người cõng thơ về quê!
Tin về buổi ra mắt tập thơ Bóng quê của nhà thơ Ngọc Khương.
Xem thêm
Thông điệp và những hành động nhân văn, nhân ái trong ‘Vương miện xanh’
Bài viết về tập sách Vương miện xanh của Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà, Nhà xuất bản Trẻ, 2025
Xem thêm
Mùa hè có tuyết mở ra hy vọng series truyện về mèo Việt Nam?
Không khí buổi giao lưu và ra mắt sách Mùa hè có tuyết ngày 23-3 tại Đường sách TP.HCM
Xem thêm
Vài suy nghĩ nhân đọc “Gãy cánh điệp viên” của Hồ Duy Hùng
Bài viết của Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN
Xem thêm
Nhân văn và hiện thực trong Hoàng hôn lóng lánh
Hoàng hôn lóng lánh không chỉ là một tiểu thuyết, mà còn là một thông điệp nhân văn về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của tình yêu thương.
Xem thêm
Từ ánh trăng đến cánh diều – Những hình ảnh thơ ấm áp của Phan Thanh Tâm
Giới thiệu tác phẩm Mẹ có nghe trăng hát của Phan Thanh Tâm cùng 5 bài thơ chọn từ tập thơ này.
Xem thêm
Sbooks mang câu chuyện của những đứa trẻ đồng bào Raglai đến Đường sách Tết
Giấc mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai được tái hiện trong “Đóa hoa sương núi”
Xem thêm
Hồ Sơn Đài với “Nhân chứng và lịch sử”
Nhà thơ Trần Thế Tuyển viết về cuốn sách “Nhân chứng lịch sử”
Xem thêm
Một giọng thơ nghĩa tình, khí khái
Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Thưởng, NXB Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nuôi hồn thơ bằng kí ức
Bài viết về tập thơ “Như vừa hôm qua” của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy
Xem thêm
“Điển tích văn học”- Cuốn sách cần cho người làm văn học
Nguồn: Văn nghệ Online; Gặp gỡ những vùng văn học
Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm