TIN TỨC

Tiếp biến văn hóa và sự đổi mới thơ Việt

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
19 lượt xem

Mỗi dân tộc sống với một hoàn cảnh riêng trong trường kỳ lịch sử có một sắc thái tâm lý riêng biểu hiện khá rõ trong nền văn hóa, trong văn học-nghệ thuật của mình tạo nên một vẻ đẹp truyền thống ổn định. Dẩu vậy, trên cái nền ổn định đó trong dòng chảy lịch sử đều có những giao lưu với các nền văn hóa khác tạo những đổi mới của sự tiếp biến văn hóa. Cái mới, sự cách tân cũng sinh ra từ đây, theo cách nói của Paul Hoover (Mỹ) “Cái mới trong nghệ thuật luôn là cái được nhập từ một nền văn hoá khác”. Văn hóa nói chung và văn học-nghệ thuật Việt Nam nói riêng phát triển cũng trong quy luật này. 

Trong dòng chảy của tiếp biến văn hóa, các khuynh hướng đổi mới của nghệ thuật hiện đại nói chung và thơ ca nói riêng tuy mức độ có khác nhưng đều diễn ra trên cái nền cơ bản văn hóa Đông phương, với những nét đặc thù của lịch sử văn hóa Việt Nam.  

Xã hội Phương Tây, có thể vào những thời điểm nhất định các vấn đề nội dung xã hội, nội dung nhân đạo, dân chủ của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng coi như đã rõ ràng, thống nhất, đã tạo một đường “pit” cho nghệ thuật. Cái mới chủ yếu là sự tìm tòi phương thức sáng tạo, cho nên họ hướng mạnh vào hình thức, vào các phương thức biểu hiện, còn ở Phương Đông, đặc biệt ở các nước từ chiến tranh bước ra, từ nghèo nàn lạc hậu đi lên, còn nhiều sức ép bên trong cũng như bên ngoài, nhiều cải cách về nội dung xã hội về đời sống tinh thần đang ở giai đoạn phân tranh. Cái phân khu “ngoại vi “mà văn chương Việt đứng vào trong nền văn chương thế giới hình thành và phát triển (thuộc Văn hóa Hậu thuộc địa mà các nhà nghiên cứu thế giới thường nhắc đến) có một quy luật riêng, cái riêng này tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường giao lưu “tiếp biến” để xây dựng một nền văn hóa của mình.

Việt Nam trong trường kỳ lịch sử do cuộc đấu tranh sinh tồn giữ vững bờ cõi, nền văn hóa, do ảnh hưởng mạnh của Tam Giáo, truyền thống trong văn chương chức năng giáo dục có phần nặng hơn.  Các yêu cầu “tải đạo”, “ngôn chí”, “tâm linh” là kim chỉ nam cho văn học một thời (nổi bật đó là cái đạo làm người, cái chí cứu nước, cái tâm linh tưởng vọng tổ tiên của người dân bản địa), ngày nay vẫn còn khả dụng và chính nó góp phần làm nên cái bản sắc văn hóa Việt Nam đương đại. Trên căn cốt của nền văn hóa xứ mình tiếp thu những tinh hoa các nền văn hoá xứ người mà đổi mới, phát triển!

Quả thật, sự đổi mới của văn học thời kỳ nào cũng không thể quên yếu tố truyền thống bên cạnh sự cách tân, truyền thống dân tộc được tích hợp với cái mới qua giao lưu tiếp biến văn hóa xứ người tạo thành sự sáng tạo, sự cách tân của văn học nước nhà. Ngay sau khi đất nước thống nhất GS Nguyễn Khánh Toàn đã có một nhận định sâu sắc về vấn đề này:

“…chúng ta cũng cần hiểu biết nhiều, học hỏi và tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa của các dân tộc, mở rộng tầm nhìn để có một quan niệm đầy đủ về cái lâu đài tráng lệ mà cả loài người đã dày công xây đắp trong mọi thế kỳ. Từ lâu giao lưu văn hóa đã thành cái nếp hầu như là một quy luật có tác động qua lại, một điều kiện tồn tại và phát triển của văn minh thế giới qua sự tiếp xúc thường xuyên và liên tục giữa các dân tộc  có lúc đục, lúc trong, khi tan, khi hợp, lúc xung đột, khi chan hòa. Vì thế giao lưu văn hóa là một nhu cầu của nhân dân các dân tộc có xu hướng xích lại gần nhau để hiểu biết nhau hơn và xây dựng một mối tình hữu nghị làm cơ sở cho tình đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.” (Nguyễn Khánh Toàn - Tổng tập văn học Việt Nam -  Lời tựa -  Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội - Hà Nội - 1980-trang 38)

Quá trình phát triển Văn hóa Việt Nam trong đó có nghệ thuật, đặc biệt thơ ca, trải qua nhiều lần tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa khác đã có nhiều thay đổi.

 Lần 1 với Văn hóa Trung Hoa: Trong nhiều thế kỷ giao lưu văn hóa, văn chương Việt, tiếp biến với nền văn học Hoa Hạ, tích hợp nhiều yếu tố tạo một đặc sắc gần gũi về cả nội dung “thi ngôn chí” lẫn hình thức nghệ thuật “đăng đối giàu điển tích, điển cố”. Tuy nhiên các cụ trong những thành tựu cuả mình đã biết chọn lọc hấp thụ cái phần tinh hoa của xứ người, có sự thấu đáo tương đồng về cái cơ sở, cái nền móng xã hội, cái tâm lý dân tộc. Các cụ trong những thành tựu cuả mình đã biết chọn lọc hấp thụ cái phần tinh hoa của xứ người, tiếp thu tính nhân văn, tình yêu, hòa bình, đạo lý đề cao cốt cách người quân tử, nhưng vẫn giữ cái phần riêng tự cường dân tộc cùng những sắc thái của văn hóa làng thôn. Thơ Cổ điển Việt Nam gần gũi Đường thi về thi pháp nhưng khác nhiều về nội dung yêu nước, tự cường dân tộc. Cũng như bên cạnh cái đăng đối, giàu ẩn dụ, ngôn ngữ vẫn giữ bản sắc đa âm điệu của tiếng Việt.

Lần 2 với Văn hóa Pháp:  Hai trăm năm tiếp cận, giao lưu văn hóa Pháp, văn chương Việt hấp thụ tinh thần khai sáng, chủ nghĩa cá nhân cùng những đặc tính tự do, bình đẳng, bác ái. Tương hợp là một hình thức nghệ thuật (thể thơ, ngôn ngữ) khá cởi mở gần gũi đời sống, tâm trạng đậm màu sắc cá nhân, cái tôi được đề cao. Văn chương lãng mạn Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới thời kỳ 30-45, phần nào Trào lưu hiện thực phê phán là kết quả khả quan của sự tiếp biến văn hóa thời kỳ này của văn chương Việt. Các nhà thơ của phong trào Thơ Mới sống và thở trong sinh quyển thơ ca lãng mạn Âu Tây đặc biêt thơ Pháp đã giao lưu đổi mới thơ Việt và thấm vào người đọc rất nhanh. Tuyển tập Thi nhân Việt Nam mà Hoài Thanh lựa chọn xem là “thơ ca một thời đại”, chúng tôi chưa muốn đề cập đến cao thấp nội dung tư tưởng nhưng có thể xem thời ấy các thi sĩ đã đáp ứng phần nào tính truyền thống và cách tân, không thể không nói đến quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây.

Lần 3: Ở miền Bắc với Văn hóa Xã hội chủ nghĩa: Văn học, đặc biệt thơ ca hai cuộc kháng chiến cùng thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc trong sự tiếp biến giao lưu nền văn hóa Xã hội chủ nghĩa các nước Đông Âu. CNAHCM, lòng yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc là những nội dung quen thuộc được đề cao trong văn học Việt. Thời kỳ này phát triển cùng với những nội dung XHCN là một nghệ thuật giàu tính dân tộc, tính đại chúng với quy phạm sáng tác “phản ánh hiện thực một cách cụ thể - lịch sử trong quá trình phát triển” là đặc điểm xuyên suốt. Các thi phẩm tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng cũng nổi bật với phong cách truyền thống - hiện đại: sự mở rộng đề tài với đời sống dân tộc, lối nói giản dị giàu âm điệu, chất trào lộng cũng như tình yêu thiên nhiên, khí phách hào hùng… tất cả đều nối tiếp mạch truyền thống trong thơ Việt và giao lưu học hỏi thơ ca các nước, đổi mới cùng nhịp sống thời đại.

Ở Miền Nam, ngoại trừ vùng giải phóng theo khuynh hướng XHCN, thơ ca trong chế độ cũ căn bản vẫn chịu ảnh hưởng phương Tây trong dòng chảy tiếp biến văn hóa, đó là ảnh hưởng Chủ nghĩa hiện sinh trong nội dung và các Chủ nghĩa tân kỳ nặng về hình thức như Tân Hình Thức, Phân Tâm học, Hậu hiện đại ….

Lần 4 với Văn hóa Phương Tây (Âu Mỹ) sau ngày Thống nhất đất nước. Quá trình tiếp biến văn hóa sau ngày Thống nhất đất nước nghiêng về Phương Tây, tạo một hệ quả khá đa dạng phong phú trong thơ ca Việt. Quá trình tiếp biến diễn ra trên nhiều bình diện, nhiều cấp độ của nghệ thuật trong đời sống hội nhập. Sự đổi thay này khác các thời kỳ trước diễn ra khá đa dạng, tuy chưa có nhiều tác phẩm thực sự thành công nhưng nhìn chung ở cấp độ cộng đồng đã có một số kết quả đặc trưng của quá trình tiếp biến văn hóa, với các tiêu chí rõ ràng khá thuyết phục. Trong quá trình tiếp biến văn hóa ở cấp độ cá nhân nhiều tác giả tiếp thu mạnh mẽ cái mới, tạo được những thành công nhất định, nhưng cũng có tác giả cái mới chỉ hiện lên thấp thoáng.

*

Về quá trình tiếp biến văn hóa, về sự tích hợp văn hóa truyền thống với giao lưu văn hoá nước ngoài, trên bình diện văn học, đặc biệt thơ ca diễn ra rất sinh động. Nước ta không có những chuyên gia, những công trình lý luận đồ sộ nhưng trong truyền thống không phải không có những lý thuyết văn chương được nhắc đến, có thể trực tiếp bằng những công trình lý luận nhưng có khi là gián tiếp qua những sáng tác, những vần thơ, câu văn trong văn chương viết cũng như văn chương truyền miệng…Các tác giả Việt Nam quen thuộc máu thịt với những kinh nghiệm của cha ông, sau đó trong quá trình giao lưu “tiếp biến văn hóa” với các nền văn chương khác đã chọn lọc tiêu hóa tốt Thi học xứ người làm mới cho quá trình sáng tạo của mình,  các minh chứng có thể thấy rõ như thơ Cách luật (trung đại),  Thơ Mới( cận đại) , Thơ cách tân ( hiện đại).

Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, 50 năm thời gian không dài nhưng nhờ quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá giữa các nước thơ ca đã có bước phát triển đáng kể, trong đó hình thành các khuynh hướng đổi mới trên cơ sở kết hợp truyền thống và cách tân đã làm cho nền Thơ Việt ngày càng đa dạng, càng phong phú. Sự đổi thay thời nay khác các thời kỳ trước diễn ra khá đa dạng, giai đoạn này phát triển khá nhộn nhịp tuy chưa có nhiều tác phẩm thực sự thành công nhưng nhìn chung đã có một số kết quả đặc trưng của quá trình tiếp biến văn hóa, với các tiêu chí rõ ràng khá thuyết phục, tạo một hệ quả khá phong phú trong thơ ca, phân hóa nhiều khuynh hướng. Xét trên bình diện hình thức ngôn ngữ và thi pháp thể loại có thể thấy nổi bật các khuynh hướng sau đây:       

 Khuynh hướng kế tục thi pháp truyền thống có những yếu tố cách tân. Nội dung đề cao tinh thần dân chủ, nhân đạo, yêu nước, phạm vi đề tài mở rộng, hình thức bổ sung yếu tố ước lệ, tượng trưng vào thủ pháp xây dựng hình tượng, phát huy tối đa vẻ đẹp ngôn ngữ đời thường, đấy là nét tích hợp căn bản của sự tiếp biến. Khuynh hướng này vẫn là dòng chính trong nền thơ ca cộng đồng. Nhiều tác gỉả tiêu biểu cho dòng thơ này xuất hiện tuy khá đa dạng về phong cách nhưng vẫn thống nhất trên văn đàn trong một khuynh hướng chung, kế tục truyền thống kết hợp cách tân, giàu âm hưởng cổ điển nhưng rất mới mẻ trong tạo hình và cách điệu ngôn ngữ. Truyền thống và hiện đại lãng đãng như một đám sương mờ ẩn hiện đâu đó trầm tích dưới tầng sâu ngôn ngữ. Những biểu tượng đi về giữa hữu thức và vô thức đôi khi như dẫn dụ người đọc vào những câu truyện, những truyền thuyết cùng những triết lý nhân sinh hiện đại.  Họ đậu được lâu trong lòng độc giả không chỉ ở cách nói mà còn ở các vấn đề họ nói gần gũi khơi trúng với những suy nghĩ, cảm xúc cộng đồng dù là thông điệp về thế sự hay thổ lộ về nhân sinh, quá khứ hay hiện tại. Họ bước đi thăng bằng trên cái cầu thẩm mỹ dân tộc và hiện đại. 

 Một dòng khác cách tân mạnh mẽ:  đề tài mở rộng “nơi nào có sự sống nơi ấy có thơ ca”, đề cao chuẩn ngôn ngữ, hướng thơ ca vào các phương thức thể hiện mới mẻ, nhiều kiểu kết cấu khác lạ. Cái mới nổi bật nằm ở thủ pháp xây dựng hình tượng thẩm mỹ trong tác phẩm không dừng lại ở cái giới hạn miêu tả hiện thực một cách khách quan mà kết hợp thể hiện cuộc sống thông qua “nội thần chủ thể”, kéo theo một ngôn ngữ tạo sinh nhiều biểu tượng, ẩn dụ đậm màu siêu thực, một âm nhạc tùy biến nội tại theo dòng tâm trạng. Dòng thơ này biểu hiện rõ cái mới qua sự nổi bật hòa hợp ở tính tượng trưng và ước lệ hấp thụ phương Tây trong kết cấu cũng như xây dựng hình tượng… 

Một khuynh hướng tìm về với VHDZ nhưng làm mới bằng sự học tập những thủ pháp nghệ thuật cách tân ở thơ ca đương đại, âm hưởng dân dã chi phối cả nội dung lẫn hình thức biểu hiện, sự thay đổi thể thơ truyền thống như thơ lục bát tự do, đổi mới tiết tấu, kết hợp những thủ pháp phú, tỷ, hứng với nghệ thuật tượng trưng, ước lệ, yếu tố tục và một ngôn ngữ đời thường gần khẩu ngữ. Họ là những tác giả khá quen thuộc với những hình tượng thơ gần gũi giữa đời sống và mối biểu cảm ước lệ trong các trạng thái tương giao giữa con người và tạo vật thường thấy trong ca dao, dân ca cũng như các phù điêu đền chùa.

Các tác giả tiêu biểu cho các khuynh hướng tiếp biến riêng chúng tôi đã minh họa với một số tác giả ở trên, bên cạnh họ có thể kể thêm nhiều cây bút khác có những tương đồng nảy sinh, gặp nhau không là trường phái nhưng có thể xem như một dòng trong nền thơ cộng đồng.

Trong sự tiếp biến văn hóa với các nền thơ Âu Mỹ, thơ ca Việt không có sự tụt hậu khoảng cách với những đổi mới, nhưng lại có một bộ phận cực đoan ngã về phía “bị đồng hóa” tạo nên một khuynh hướng xa lạ với nghệ thuật dân tộc, độc hành trên con đường tư biện gập ghềnh theo lối “duy mỹ” thuần tuý làm thơ trở nên xa lạ với công chúng!

 Sự phát triển một nền thơ là do những xung lực nội tại thúc đẩy nó đổi mới để thích nghi đời sống, dẫu vậy góp sức tạo nên cái mới có hiệu quả không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác qua quá trình tiếp biến. Sự phát triển các khuynh hướng thơ ca Việt mà chúng tôi nêu lên, không thể tách rời quá trình tiếp biến văn hóa Đông-Tây mà quá trình thống nhất đất nước tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển. Thơ Việt đang trên đường đổi mới, đã đạt những thành tựu nhất định với yêu cầu truyền thống - hiện đại nhưng vẫn ở đoạn đường đầu để thực hiện phong cách hiện đại thuần Việt đúng như sự mong muốn nhiều thế hệ tác giả và độc giả./.

H.Q

H.Q: Hội Nhà Văn VN, Chi hội tỉnh Hà Tĩnh; ĐT: 0988207680, Địa chỉ: 59- đường Đặng Dung- Phường Tân Giang-Thành phố Hà Tĩnh; Số tài khoản: Trần Ninh-52010000398422 Ngân hàng đầu tư và phát triển Hà Tĩnh. 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm