- Tin tức - Hoạt động Hội
- Tình thơ với người giữ biển
Tình thơ với người giữ biển
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ
Đoàn nhà thơ viếng các liệt sĩ Gạc Ma
Chụp hình lưu niệm bên tàu Cảnh sát biển
Mặc dù Đài khí tượng dự báo khu vực quần đảo Trường Sa và Khánh Hòa biển động, mưa to, có dông… nhưng các nhà thơ CLB Thơ Phương Nam TP. Hồ Chí Minh vẫn hối hả lên đường đến với bộ đội Đoàn Trường Sa (Lữ đoàn Hải quân 146) và Hải đoàn Cảnh sát Biển 32. Đoàn mang theo hơn 500 cuốn thơ Gió Phương Nam 3 vừa ra xưởng. Đây là ấn phẩm thứ 3 của CLB với khá nhiều bài thơ về tình yêu biển đảo và những người giữ biển. Ngoài ra các nhà thơ còn mang hàng chục, hàng trăm những tập thơ, tập truyện của riêng mình, đã xuất bản trước đây làm quà tặng.
Trước khi đến Đoàn Trường Sa, đoàn đã đến Khu tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 và thắp nhang tại chùa Linh Nguyên bên vịnh Cam Ranh. Có người đã đến quần đảo Trường Sa, có người chưa đến nhưng khi đến trước tượng đài và trước công trình kiến trúc ước lệ hòn đảo Gạc Ma đau thương, kiên cường… mọi người đều xúc động. Ai cũng muốn chụp hình với tượng đài và với những cây bàng vuông nơi đây, lòng nghẹn ngào thương nhớ, cảm phục những cán bộ, chiến sĩ quên mình vì biển đảo. Đại tá, bác sĩ, Thày thuốc Ưu tú, nhà thơ Phạm Đình Phú bật lên những vần thơ: “Biển vẫy gọi từng nhà thơ yêu biển / Từ phương Nam - Thành phố Bác tìm về / Những nhà thơ luôn giữ trọn lời thề/ Lũy thép thành đồng – hướng ra biển đảo...
Ai cũng hiểu anh là con liệt sĩ nên đến đây cảm xúc sớm dâng trào. Còn nữ nhà thơ Cẩm Quyên thuộc lứa tuổi con cháu các anh thì sớm có sự liên tưởng rất tâm linh: “Trái bàng vuông hình trái tim bất tử/ Cánh hoa đón em lúc chiều xuống muộn màng/ Em gọi tên anh giữa ầm ào sóng vỡ /Dáng các anh những cột mốc thiêng liêng”…
Nhà thơ Thanh Long đã từ lâu có những bài thơ xúc động về sự kiện Gạc Ma và biển đảo Tổ quốc, khi tới đây những vần thơ ấy lại dội về, chị muốn đọc to lên cho mọi người cùng chung cảm xúc: “Mãi mãi ngàn thu còn âm vọng/ Tiếng Mẹ hiền ru điệu à ơi/ Lời Mẹ ru bên nôi – Những chiếc - nôi - úp ngược!…”
Các nhà thơ trong đoàn từng nhiều lần đến và viết về biển đảo cũng trong tâm trạng ấy. Còn nhà thơ Xuân Trường – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Phương Nam, Trưởng đoàn thì lặng thầm đi bên phu nhân, chăm chú nhìn ngắm công trình tâm linh này. Anh đã ghi lại nhiều hình ảnh nơi đây, có những tấm cận cảnh với trái bàng vuông... Sau khi trao tặng sách cho cán bộ chiến sĩ Đoàn Trường Sa, anh là người bước ra hội trường sau cùng, giơ hai tay chào tạm biệt – trong tiếng vỗ tay rền vang không ngớt của những người giữ biển. Thời gian trao tặng sách và giao lưu thơ không nhiều, mỗi nhà thơ chỉ đọc một bài thơ của mình về biển đảo hoặc nhắc lại kỷ niệm khó quên với Trường Sa năm xưa song đã để lại ấn tượng đẹp về tình yêu biển đảo. Đồng chí Lê Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa đã tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã dành nhiều tình cảm với đoàn CLB Thơ Phương Nam. Anh chia sẻ vô tư với đoàn những khởi sắc và hạn chế của huyện đảo hôm nay.
Tại Hải đoàn Cảnh sát biển 32 (thuộc vùng Cảnh sát biển 3), các nhà thơ lên tàu Himilinton, thăm nơi ăn ở và nơi tác nghiệp, hoạt động chấp pháp của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển. Nghe Đại tá, Chính ủy Hải đoàn Hoàng Ngọc Thiện giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và trang bị thì mọi người mới hiểu thêm và cảm thông những khó khăn vất vả của các anh. Giữa biển khơi xa, không có sóng Internet, không dùng được điện thoại di động nên các anh tách biệt hẳn với đất liền, không hề biết những gì xảy ra với gia đình và quê hương. Nhà thơ Xuân Trường sau khi thay mặt đoàn tặng hàng trăm tập thơ, tập sách và quà hậu phương đã phát biểu thật xúc động. Anh so sánh theo kiểu chơi chữ giữa Cảnh sát biển và Cảnh sát giao thông…khiến mọi người càng rõ hơn những thiệt thòi, thua thiệt về vật chất của các anh nhưng công việc và niềm kiêu hãnh thì lớn lao - ngày đêm giữ vững môi trường hòa bình, an ninh trên biển.
Trưởng đoàn, nhà thơ Xuân Trường tạm biệt cán bộ, chiến sĩ đoàn Trường Sa.
Đêm thơ giao lưu với CLB Thơ Trầm Hương thị xã Ninh Hòa có cán bộ Cảnh sát biển và bà con phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa tham dự đã giúp cho các nhà thơ hòa nhập với vùng quê ven biển này không chỉ bằng thơ mà còn cả lời ca tiếng hát. Đó là không gian giao lưu tuyệt vời ngay bên bờ biển, rì rầm tiếng sóng vỗ bờ. Không gian ấy là phần mở rộng của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của gia đình Cựu chiến binh Trần Minh Tâm (Sáu Tâm). Không gian này từng được Tiến sĩ Chu Đức Tính – nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ và đoàn cán bộ quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh đến thăm ca ngợi là trang nghiêm, rộng lớn và văn hóa nhất nước ta. Đoàn chúng tôi ai cũng cảm phục và biết ơn gia đình anh Sáu Tâm đã tổ chức chu đáo cuộc giao lưu này, tạo thuận lợi cho đoàn về nơi ăn nghỉ và hành trình tới biển.
(Bài đăng Công an TP. Hồ Chí Minh, số Thứ Bảy, ngày 23/12/2023)