- Tin tức - Hoạt động Hội
- Trao giải thưởng cho 17 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Trao giải thưởng cho 17 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Hội đồng đã chọn ra được 17 tác phẩm có chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí xét tặng, từ đó chọn ra được một tác phẩm đạt mức A, 6 tác phẩm đạt mức B và 10 tác phẩm đạt mức C.
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ trao giải.
Tối 22/11, Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2020 đã diễn ra tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 Quán Sứ, Hà Nội.
Tới dự lễ trao giải có ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lại Xuân Môn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Tiến Sỹ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương và tác giả, tập thể các tác giả được tặng thưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng và ông Nguyễn Trọng Nghĩa trao Giải A cho nhà thơ Hữu Thỉnh với tác phẩm “Bến văn và những vòng sóng”.
Năm 2020, tổng số có 95 tác phẩm được gửi đề nghị xét tặng thưởng, Ban Chỉ đạo thống nhất tặng thưởng cho 17 tác phẩm (mức A 1 tác phẩm; mức B 6 tác phẩm và mức C 10 tác phẩm) và tặng thưởng cho 13 đơn vị có thành tích nổi bật. Trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam có hai đơn vị được xét tặng Giải Tập thể là Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) và Kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV).
13 đơn vị được tặng thưởng Giải tập thể vì những thành tích nổi bật trong tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Mức A thuộc về một tác giả duy nhất – nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh với tác phẩm sách “Bến văn và những vòng sóng”. Mức B có 6 tác phẩm gồm: “Mấy vấn đề văn hóa: Suy nghĩ và đối thoại” của tác giả Đinh Xuân Dũng; “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và lý luận, thực tiễn nghệ thuật” của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện; “Sóng đồng và cây núi” của tác giả Lê Quang Trang; “Kịch xiếc Việt Nam-mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Nguyễn Ngọc Trúc; chương trình “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật – Một năm nhìn lại” của tác giả Đoàn Hải Yến; cụm chương trình của Hội đồng Lý luận phê bình Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM gồm chương trình “Khoảng trống thiếu nhi”, “Tính thẩm mỹ của Graffiti Việt Nam”, “Văn nghệ sĩ và sứ mệnh tuyên truyền và sẻ chia”, “Những giai điệu đi cùng năm tháng – phần 1”, “Nhạc cách mạng truyền thống và công chúng hôm nay”, “Web Drama – Phim chiếu trên mạng: Lợi hay hại”, “Bảo tàng mỹ thuật chuyên nghiệp: Mơ đến bao giờ”, “Không gian nghệ thuật công cộng tại TP.HCM”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Tổng Giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ trao giải C cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải.
Việc tiến hành các bước xét chọn tặng thưởng được thực hiện nghiêm ngặt qua 4 vòng thẩm định chặt chẽ, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải C.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, văn hóa nghệ thuật là một bộ phận, một thành tố đặc biệt của văn hoá, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
“Lý luận, phê bình văn nghệ vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, là quá trình nhận thức tự thân của văn hóa nghệ thuật. Những nhà lý luận phê bình văn nghệ là người bạn đồng hành với văn nghệ sĩ để chia sẻ, bình giá, phản biện, dự báo, góp phần điều chỉnh và định hướng cho sáng tác, thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa nghệ thuật.” – Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị Hội động cần phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và hội chuyên ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản để đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu quảng bá sâu rộng, thu hút được nhiều tác phẩm tham dự hơn nữa; bảo đảm có được những tác phẩm tốt nhất trong năm sẽ được vinh danh trong lễ trao tặng thường niên.
Thi Uyên/VOV