- Tin tức - Hoạt động Hội
- Trước thềm xuân, ấm tình văn
Trước thềm xuân, ấm tình văn
Những ngày cuối năm, Hội Nhà văn TPHCM đã viếng mộ, tưởng nhớ các nhà văn đã mất, thăm và chúc tết các nhà văn lão thành, vừa chiến thắng COVID-19.
Những ngày cuối năm, các thành viên Ban thường vụ Hội Nhà văn TPHCM cùng đại diện các Ban văn dành hai ngày viếng mộ, thắp nhang tưởng nhớ các nhà văn - Hội viên Hội Nhà văn TPHCM đã mất và đi thăm, tặng quà, chúc tết các nhà văn lão thành.
Hoạt động ý nghĩa và ấm áp, vừa cùng nhau ôn cố tri tân, nhắc nhớ những tên tuổi nhà văn từng có nhiều cống hiến cho văn đàn, vừa đồng thời phát hiện được những bản thảo quý chưa từng được công bố.
Nhà văn Lê Quang Trang nhận tặng thưởng cho tập tiểu luận phê bình chân dung
Trong ngăn tủ của gia đình cố nhà văn Anh Đức, bà Trần Phúc Mộng Loan (sinh năm 1940, vợ cố nhà văn) vẫn còn giữ tập bản thảo nhật ký được nhà văn Anh Đức viết năm 1955. Bảo thảo gồm 2 tập là bản scan những trang nhật ký viết tay của cố nhà văn.
Đây là tập nhật ký chưa từng được gia đình công bố. Nhờ chuyến viếng thăm lần này, cùng với sự kết nối từ phía Hội Nhà văn TPHCM và sự đồng ý của gia đình, di cảo của nhà văn Anh Đức dự kiến sẽ được xuất bản vào năm 2024 - đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Nhật ký (2 tập) được nhà văn Anh Đức viết năm 1955, dự kiến sẽ được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông
Nhà văn Vũ Thị Thường - vợ nhà thơ Chế Lan Viên - cũng có kịch bản sân khấu về công chúa An Tư mà bà vẫn nâng niu gìn giữ nhiều năm qua. Ở tuổi 92, nhà văn của một thời vẫn còn rất minh mẫn, vui khỏe và vẫn sử dụng được máy tính viết bản thảo, tham gia mạng xã hội theo dõi các hoạt động của bè bạn văn chương.
Cuộc hàn huyên tại Viên Tĩnh Viên - ngôi nhà nơi nhà thơ Chế Lan Viên đã sống và viết những năm cuối đời, từ tháng 2/1981 đến tháng 6/1989 - gắn kết các thế hệ người cầm bút. Trong căn phòng kỷ niệm về thi sĩ Điêu tàn, gia đình còn lưu giữ bài thơ tiễn bạn của nhà thơ Bảo Định Giang, viết năm 1989, sau 100 ngày mất của nhà thơ Chế Lan Viên: "Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi trời thấy trống/Người xưa đi vắng, hùng văn để lại mực còn thơm".
Khu vườn xưa nơi Viên Tĩnh Viên vẫn được giữ vẹn nguyên, xanh mát.
Đã nhiều năm, nhà văn Minh Khoa (sinh năm 1928, từng được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với ba kịch bản: Người ven đô, Võ Văn Tần và Hồ Huấn Nghiệp) không còn viết sách, sức khỏe ông suy giảm nhiều vì tuổi cao sức yếu. Nhưng cây bút đại thụ của văn chương phương Nam vẫn nhớ rất rõ những gương mặt bạn bè văn chương từng một thời gắn bó.
Cuộc gặp gỡ cuối năm bùi ngùi xúc động và cũng là một lần được nhắc nhớ lại những tác phẩm đã từng in dấu một thời của ông: Không rời đồng đội, Con người thép trong lửa đạn, Ông lão chăn dê và chàng trinh sát, Trên lưng ngựa, Một tiếng đờn kìm, Những người hào kiệt...
Văn chương tiếp nối thế hệ, rất nhiều nhà văn lão thành đã không còn cầm bút. Nhưng những tác phẩm mà họ để lại mãi mãi là tài sản quý giá cho văn học Việt Nam.
Từ trái sang: nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Hoài Vũ và nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM trong cuộc gặp gỡ cuối năm.
Trong tác phẩm Ký ức và dấu ấn (ấn phẩm kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn TPHCM 1981-2021, nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành), có rất nhiều những tên tuổi nhà văn đã mất. Trong mỗi cuộc viếng thăm của thế hệ hôm nay, những câu chuyện về người xưa và những lời răn dạy mà họ để lại cho thế hệ sau vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng quan niệm, viết văn là phải có cho được những "chi tiết đắt", là phải "sống thật trong thực tế" mới có đủ vốn liếng mà viết. Nhà văn Lê Văn Thảo viết bằng "sự chân thật, viết từ lòng mình", còn nhà văn Vũ Hạnh cho rằng "văn chương là một thứ đạo"...
"Ngồi nghe các nhà văn lão thành trăn trở về nghề, nói về những kinh nghiệm tâm huyết, đây là cách tôi học nhanh, rất quí, không có sách vở chỉ nghề viết lách nào sánh bằng được" - chia sẻ của nhà thơ Trần Hữu Dũng có lẽ cũng là nói thay cho nhiều người cầm bút thuộc thế hệ sau.
Thắp hương tưởng nhớ cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Hành trình thăm viếng tưởng nhớ những nhà văn đã mất, tri ân và chúc Tết những nhà văn lão thành không chỉ là một nghĩa cử ấm áp tình văn mà còn là dịp để nhìn lại một chặng dài 40 năm của văn chương TPHCM và những dấu ấn văn chương của một thời.
Đại diện Hội Nhà văn TPHCM cũng đã đến viếng mộ nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Chim Trắng; thăm gia đình nhà thơ Lê Giang - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, soạn giả Lê Duy Hạnh...
Cầm Thi/ https://www.phunuonline.com.vn/