TIN TỨC

Bạn văn Triệu Xuân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-18 12:17:17
mail facebook google pos stwis
1504 lượt xem

BÙI VIỆT THẮNG

Nhà văn Triệu Xuân (Tên khai sinh: Triệu Xuân Điến), sinh ngày 4 - 9 - 1952 (Nhâm Thìn) tại An Đức, Ninh Giang, Hải Dương. Anh nhập học khoa Ngữ văn, Trường Đại Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 14 (1969-1973). Trong lớp học hơn 70 sinh viên của khóa 14 ngày ấy, Triệu Xuân Điến thuộc “top” đầu về học hành, các môn thi đều đạt khá giỏi (điểm 4 và 5, theo hệ thống điểm 5/5 của Liên - Xô trước đây). Ngày đó đang thời chiến, điều kiện chung của xã hội còn nhiều khó khăn nên sinh viên ai cũng nghèo, sống giản dị (đúng hơn là giản đơn). Trong mắt mọi người thì “công tử Điến” thuộc diện “nhà có có điều kiện”, theo cách nói ngày nay, vào đại học đã có xe đạp, đồng hồ, áo len, giày da, tiền tiêu vặt trong khi đại đa số sinh viên là học sinh phổ thông lên, đều tùng tiệm, thanh bần, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”. Cũng không khỏi những xì xầm (pha chút ganh tị thường tình) về sự sành điệu có vẻ hơi đặc biệt của “công tử Điến”. Nhưng với tôi thì Điến là một người tốt, vì trước hết anh ta học chăm, học giỏi và sống đúng bản ngã (người sinh năm Nhâm Thìn có lẽ đều thế). Vào cái thời đó mà phô bày bản ngã là gặp khó, đôi khi rắc rối với “tập thể”. Nhiều câu chuyện cười chảy nước mắt vì cái “nhiệt tình và sức mạnh” của tập thể, nay nghĩ lại thấy vô lí đùng đùng. Nhưng đó là một “thời xa vắng chưa xa”. Khóa học của chúng tôi trong thời chiến nên không thể kể hết những khó khăn chất đống trong đời sống và học hành. Chỉ biết, dường như càng khó khăn thì con người càng giàu ý chí, nghị lực và nhiều khao khát nghề nghiệp. Nay thỉnh thoảng các cựu sinh viên khóa 14 tụ tập nhân một sự kiện nào đó, hồi cố và tổng kết lại thấy, theo cách nói triết lý, lửa thử vàng gian nan thử sức, cũng không hổ thẹn với tiền nhân (lớp chúng tôi có 1 người hàm Bộ trưởng, 1 người hàm Viện trưởng, 1 Giáo sư, 4 Phó giáo sư, 6 Tiến sĩ, 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 1 doanh nhân thành đạt). Kể ra cũng “ghê”. Bây giờ có lẽ không có khóa sinh viên nào hội đủ những phẩm chất, thành tích như thế, đặc biệt chất văn và lòng yêu văn chương giảm sút đáng báo động. Sinh viên thì biện minh: “thời đã thế thời phải thế”.

Tháng 12-1973, khóa 14 làm lễ bảo vệ tốt nghiệp (thời đó gọi là “ luận văn tốt nghiệp”). Trong số sinh viên đạt điểm xuất sắc (điểm 5/5), có chàng “công tử Điến”. Tương lai mở rộng trước mắt anh. Cầm tấm “bằng đỏ” trong tay, với nhiều khả năng lựa chọn, anh có thể về làm việc ở những địa chỉ “ngon lành” nhất lúc đó: Viện Văn học, Nhà xuất bản Văn học, hay ở lại Trường làm giảng viên. Nhưng, theo cách hình dung của tôi, nếu Triệu Xuân Điến trở thành một ông “giáo khổ trường công”, một viên chức mẫn cán, thì đến tuổi thất thập, cũng không có gì đang nói, cuối cùng cũng chỉ thuộc diện “người cao tuổi”. Có thể do tài trí mà vinh thân phì gia, về già vui thú với vợ con, cháu chắt trong cảnh điền viên muôn thưở.

Một bất ngờ với nhiều người cùng khóa 14 khi Triệu Xuân Điến viết đơn tình nguyện đi B (chiến trường miền Nam) làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú tại Khu V (Trung Trung Bộ), nếu tôi nhớ không nhầm là sau Tết Giáp Dần (1974). Vào thời điểm đó, nếu là dân thường thì không biết rõ thời cuộc đang chuyển biến quyết liệt. Nhưng những người, nhất là nghệ sĩ, họ có cái năng lực dự báo tinh tường như cách nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết quả quyết trong bài thơ Lá đỏ (1974): “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”. Có thể bằng sự linh cảm, Triệu Xuân Điến muốn chớp lấy thời cơ để có thể sau này tự hào nói với con cháu rằng mình đã bước vào cuộc chiến một cách không hề ngẫu nhiên. Ở trên tôi nói việc đi B của Triệu Xuân Điến gây bất ngờ với bạn hữu vì trước đó anh được coi là “bạch diện thư sinh”, “dài lưng tốn vải”, người này chỉ hợp với xa - lông, thính phòng, thư viện, sách vở, bục giảng,... Vậy mà, tôi thường vận vào trường hợp Triệu Xuân Điến đi chiến trường bằng hai câu thơ đầy cảm tác: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Nguyễn Đinh Thi – Đất nước). Sau ngày 30-4- 1975, may mắn thay, anh trở về nguyên vẹn. Kể từ ngày đó cho đến nay, Triệu Xuân Điến định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy là khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Triệu Xuân Điến đã đi vào nơi lửa đạn với tư cách một phóng viên chiến trường/ chiến tranh. Sau 30-4-1975, anh tiếp tục trong vai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam Bộ). Có lẽ, theo tôi, những tháng ngày làm báo đã giúp anh có thêm nhiều “bột” để sau này “gột thành hồ” khi cầm bút viết văn. Sau nữa, anh còn ở nhiều vị trí công tác khác nhau trong hệ thống Nhà nước...

Triệu Xuân Điến trở thành nhà văn từ khi nào và bằng con đường nào? Về phương diện tâm lý học sáng tác thì có thể vạch ra một sơ đồ văn chương của bút danh Triệu Xuân. Nhưng tôi không chủ đích làm việc đó trong phạm vi một bài báo nhỏ, được viết trong tâm thế bồn chồn vì bạn văn mình có thể bất chợt ra đi vĩnh viễn không biết lúc nào (anh trở bệnh nặng hơn từ mấy tháng nay). Trở thành nhà văn không thể cố mà được, phải có cơ duyên, phải giữ được ngòi bút trung thực với mình và người đọc lâu bền mới khó, mới giỏi nếu vượt qua được những “ba - ri - e” vô hình hay hữu hình. Phải có lòng dũng cảm, có tiết tháo bảo vệ chân lí. Và trên hết phải có nền tảng, căn cốt văn hóa. Đọc lại văn xuôi Triệu Xuân, tôi nhận ra một thực tế giản dị như một động hướng/ phương châm sáng tác của bạn văn: “Sống đã rồi hãy viết”. Triệu Xuân đã thực hành tốt ba hành xử của một nhà văn “đi - đọc - viết”. Đi thì rõ rồi, đi vào chiến tranh, đi vào đời sống, đi vào thực tiễn văn chương. Đi thì từ mùa Xuân 1974, cho đến cuối 2018, anh đi theo lối “xuyên văn hóa”. Đi không phải để “ngắm rớt”, “nhắm rớt” theo cách diễ đạt của nhà văn Hoài Thanh. Với anh đi là để nhằm thu hoạch văn hóa. Đọc thì khỏi phải bàn, vì từ thời sinh viên anh đã được gọi là “mọt sách’. Vì thế nên các thủ thư thư viện khoa Ngữ văn đều rất ưu ái chàng sinh viên kẻng trai, học giỏi, ngoại giao tốt Triệu Xuân Điến. Tôi biết, đến tận lúc trở bệnh nặng anh vẫn cố gắng đọc tuy không được nhiều như trước. Đọc giúp vốn sống gián tiếp của nhà văn trở nên giàu có hơn vì được sống thêm nhiều cuộc sống khác ngoài mình. Liên hệ với sự đọc của nhà văn ta hiện nay thật đáng quan ngại, nói thẳng thắn là “lười đọc”. Viết thì ngay từ buổi đầu anh đã trui rèn ngòi bút theo tinh thần trung thành với hiện thực đời sống, cố gắng chắt chiu cái đẹp nếu có cơ hội.

Trong số những tác phẩm văn xuôi của Triệu Xuân đã xuất bản, tôi muốn ghi chú rõ hơn mấy cột mốc chính sau: Giấy trắng (tiểu thuyết, 1985, in lần thứ 14, tính đến 2012). Tác phẩm này định danh tên tuổi Triệu Xuân trên văn đàn trong xu hướng văn xuôi viết về sản xuất cùng với những tác phẩm nổi tiếng một thời như Cù lao Tràm, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường, Xi măng của Huy Phương, Buổi sáng của Nguyễn Thị Ngọc Tú,...Nhưng để người đọc nhận ra chân dung nhà văn Triệu Xuân thì phải chờ đến khi xuất hiện các tiểu thuyết Trả giá (1988, in lần thứ 12, tính đến 2010), Bụi đời (1990, in lần thứ 17, tính đến 2017); Sóng lừng (1991, gây nên một “vụ án văn chương”), Cõi mê (2014, in lần thứ 6, tính đến 2021). Cảm hứng sáng tác của Triệu Xuân là “nhúng bút vào sự thật”, đối diện với sự thật, chia sẻ với người đọc văn chương sự thật dẫu cho “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”. Nhân nói chuyện cảm hứng viết sự thật, Triệu Xuân cũng như nhiều nhà văn đương thời đôi khi phải đối mặt với không phải dư luận người đọc mà có khi với luật pháp. Đó là trường hợp tiểu thuyết Sóng lừng (V.N. Mafia). Cuốn này do Nhà xuất bản Giao thông vận tải ấn hành vào đầu tháng 3- 1991, sách phát hành chỉ một tuần 3000 cuốn đã bán hết; Công an TP.HCM đề nghị thu hồi vì “bôi nhọ ngành Công an, bôi đen chế độ, chống Đảng”, đề nghị khởi tố tác phẩm (?!). Đến 2021 vẫn chưa được tái bản. Trước lời kêu cứu khẩn thiết của nhà văn Triệu Xuân, cơ quan chức năng đã thành lập Hội đồng Giám định nghệ thuật gồm 9 nhà văn, nhà phê bình có uy tín đọc thẩm định. Nhà văn Xuân Thiều (1/9 thành viên Hội đồng Giám định) đã có bài viết súc tích, thẳng hắn, công tâm, thuyết phục Sóng lừng tiểu thuyết hay, tác phẩm tốt: “Đọc sách là tiếp nhận tấm lòng và tư tưởng của nhà văn qua tác phẩm - vốn là một khối thống nhất. Dẫu không quen biết tác giả, qua cái khối thống nhất của tác phẩm, tôi cảm thấy tác giả yêu đất nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng, trên hết là yêu vô cùng cái thiện và căm ghét tột cùng cái xấu xa, tội ác” (Nhiều tác giả - Triệu Xuân nghĩa tình bạn hữu, Nxb Hội Nhà văn, 2020, tr.154). Bây giờ những chuyện như nhà văn Triệu Xuân viết trong Sóng lừng trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Truyền thông Nhà nước thường vẫn đưa tin hàng lô tướng tá Quân đội, Công an vào “lò” chẳng khiến ai ngạc nhiên nữa. Bây giờ nếu Sóng lừng được tái bản, tôi tin, vẫn thuộc loại sách best- seller.

Nói đến hoạt động văn chương của nhà văn Triệu Xuân, thiết nghĩ, không đơn thuần chỉ nói về chuyện anh viết văn. Đã đành tác phẩm làm nên nhà văn. Nhà văn Triệu Xuân, theo tôi, có chủ đích trở thành nhà hoạt động văn hóa trong nghĩa rộng của từ này. Có hai công việc chứng tỏ công sức của nhà văn Triệu Xuân góp vào xây dựng văn hóa - văn chương nước nhà. Thứ nhất, trang website trieuxuan.info được mở ra không đơn thuần chỉ là một trang thông tin điện tử xuất hiện như nấm mọc sau mưa hiện nay khi mạng xã hội phát triển nhờ vào internet (Dân số Việt Nam hiện 97 triệu người thì có 2/3 số người sử dụng internet và tham gia mạng xã hội, được gọi là “cường quốc”). Trên trang website cá nhân, nhà văn Triệu Xuân đã có ý tưởng/ dự án thành lập một thư viện sách điện tử. Hiện thực hóa ý tưởng/dự án này đòi hỏi biết bao công phu, được gọi là “công trình kể biết mấy mươi”. Nhiều người vào trang này để tìm đọc các tác phẩm có thể là khó tìm trên sách giấy. Tôi biết làm việc này phải có tinh thần tuẫn tiết vì văn chương. May mắn là vợ và con cái ủng hộ, góp sức chung tay (cả về nhân lực/vật lực) nên trieuxuan.info vẫn luôn là một “điểm hẹn văn hóa” của nhiều người kể cả giới tinh hoa hay bình dân đọc sách.

Một công việc thầm lặng khác đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, đó là nhà văn Triệu Xuân đã kỳ công sưu tầm biên soạn, giới thiệu để xuất bản nhiều tuyển tập, toàn tập của các nhà văn có  nhiều đóng góp vào nền văn chương nước nhà mà tác phẩm bị thất truyền hay khuất lấp đôi khi vì những lí do lịch sử nào đó, tiêu biểu như Toàn tập Vũ Bằng (4500 trang), Lê Văn Trương - Tác phẩm chọn lọc (2000 trang), kể cả những tác giả mà nhiều người lần đầu nghe tên như Ưng Bình Thúc Giạ Thị - Cuộc đời và tác phẩm,...

Con người ta có số phận. Số phận lại do tính cách quyết định. Tính cách lại do hoàn cảnh tạo tác. Cách đây rất lâu, trong một lần tao ngộ văn chương với mấy bạn văn cùng trà tuổi, Bảo Ninh nói một câu chắc như đinh đóng cột: “Làm anh nhà văn phải có thân phận mới hòng viết được”. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi rồi thấy đúng với trường hợp bạn văn Triệu Xuân. Đời tư của anh trải qua nhiều sóng gió nhưng tôi không muốn viết ra đây, một phần không muốn động chạm đến những bí mật cuộc đời riêng tư của mỗi người; hai là đôi khi sự chân thành chưa hẳn đã được hồi đáp xứng đáng vì có thể nó nghiêng sang phương diện “câu khách”. Quen biết bạn văn Triệu Xuân đã 52 năm (1969-2021), tôi nghĩ cùng dân văn chương với nhau nên có thể nhiều đồng cảm, thấu hiểu. Lần tôi gặp anh gần nhất, cũng có thể là cuối cùng vào dịp 11-2018 trong một sự kiện gặp gỡ giao lưu khóa 14 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc đó trông sắc diện văn nhân cũng đã không còn được như trước. Chỉ nghĩ là U70 rồi thì “Khôn đâu đến trẻ/Khỏe đâu đến già”. Đã ba năm, là 1000 ngày, biết bao biến cố vui buồn, thăng trầm. Từ độ tháng 2 - 2019 đến nay anh thường xuyên phải dùng thuốc đặc trị để chống lại bạo bệnh (ung thư phổi). Gần nhất, nghe tin anh vào viện rồi lại về nhà. Nhưng hơn hai năm qua, tôi thấy anh vẫn lạc quan yêu đời. Vẫn cố gắng làm tốt một số công việc có thể làm được, ở đây là những việc liên quan đến văn hóa - văn chương.

Bạn văn Triệu Xuân, tôi hình dung, đang từng giờ hi vọng mình khỏe lại để ra Bắc một chuyến thăm cố hương, bạn cũ, được ngồi ở quán bánh tôm Hồ Tây như lần nào, được ồn ào trong vòng tay bạn bè khóa 14 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, được về thăm trường cũ, được sống như một người bình thường giữa mùa thu Hà Nội với “những phố dài xao xác hơi may”,... Giản dị vậy thôi nhưng với bạn văn Triệu Xuân bây giờ chỉ còn là giấc mơ đẹp.            

                                                            Hà Nội, Thu, 2021

                                                                                                  B.V.T

P/s: Bài đăng trên báo Thời báo Văn học Nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam); số 41, ra ngày 14-10-2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm
Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà thơ Hoàng Cát
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng cùng bài thơ ký họa chân dung Hoàng Cát thay vài nén nhang viếng vọng từ xa.
Xem thêm
Một nhà quản lý thép với trái tim ấm nồng Trần Quỳnh Hoa
 Tập truyện ký “Bông Mai Xanh kiêu hãnh” là một tác phẩm mới, khá cuốn hút của nhà văn Kiều Bích Hậu, xoay quanh nhân vật chính – Cử nhân Khánh Hương.
Xem thêm