TIN TỨC
  • Truyện
  • Bến lở | Truyện ngắn Nguyễn Minh Ngọc

Bến lở | Truyện ngắn Nguyễn Minh Ngọc

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-26 18:52:33
mail facebook google pos stwis
1255 lượt xem

NGUYỄN MINH NGỌC

Lời tác giả: Suy cho cùng các cuộc chiến tranh, mọi nỗi đau đều nằm trên đôi vai gầy của phụ nữ. Họ là những người mẹ, người vợ, người yêu… Những nỗi đau không nói được bằng lời, cứ âm ỉ, da diết và hóa đá. Thiên truyện này góp thêm về hoàn cảnh của một người vợ liệt sĩ của một thời chưa xa.


Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc trên tàu Trường Sa 571 (tháng 5-2022)

1

Mãi tới cận ngày tôi mới nhận được giấy của Hội Nhà văn triệu tập ra Cửa Lò, Nghệ An, dự trại viết. Đi làm về, tôi gập gội thu xếp hành lý, để lên đường. Mẹ tôi đang chơi với đứa cháu, thấy thế người nhắc:

- Anh nhớ thu xếp tranh thủ tạt ù về làng, trước nữa là thăm họ mạc, rồi thắp cho các cụ nén hương, tiện thể ghé coi thử cô Nguyện mày sống chết ra làm sao. Tao thấy tụi bay đứa nào giờ cũng ưa theo đuổi ba thứ hư danh phù phiếm. Khéo rồi mồ cha không khóc lại đi ôm tổ mối, con ơi!

Tôi giật mình. Mấy năm nay do kẹt bận công chuyện làm ăn nên tôi cứ lần lữa mãi, chưa một lần về thăm quê cha đất tổ, thăm lại mảnh làng thoi thót nằm cạnh bến sông Lam cứ trồi trụt sau mỗi mùa nước lũ. Lời nói nhẹ như gió thoảng của mẹ tôi bỗng trở thành cơn lốc xoáy trong lòng tôi suốt dọc hành trình trên chuyến tàu Thống Nhất. Vì vậy, khi tàu đến ga Vinh, thay vì lên xe bus dông tuốt một mạch xuống mạn biển Cửa Lò theo kế hoạch, tôi gọi xe ôm chạy về bến đò Phù Thạch.

Về làng, sau khi tới nhà thờ họ bái tổ và ra nghĩa địa thắp hương, tôi lội bộ xuống cuối làng thăm cô Nguyện. Chiều đông muộn, những vạt nắng nhạt nhòa rắc vàng màu hoa cải rải loang lổ trên lối đi. Dù cảnh vật đổi thay quá nhiều song việc tìm ra ngôi nhà của cô tôi cũng không mấy khó khăn. Cái làng Dụ của tôi ngày trước sầm uất là vậy mà giờ đây chỉ còn lại thưa thớt vài chục nóc nhà. Cũng phải thôi, giờ đây ba phần tư đất làng đã vĩnh viễn nằm dưới đáy dòng Lam rồi.

Ngôi nhà cô Nguyện giống như cái ốc đảo nằm giữa ba bề bốn bên là lũy tre gai dằng dịt, đầu ngõ lù lù hai gốc duối già nom như hai gã hộ pháp trung thành đứng trấn giữ trước cửa đền. Tôi còn đương ngơ ngác ngắm nhìn, thì bất ngờ một con chó đen nhức từ đâu bỗng nhe nanh trắng ởn hồng hộc lao thẳng vào người. Nếu tôi không kịp phản xạ nhảy dựng lên thủ thế thì chắc hẳn đã bị nó đợp cho một miếng nên thân. Lối sủa nhấm nhẳn của nó rất khó chịu, coi bộ chẳng hiếu khách chút nào. Từ trong hiên nhà bỗng nhô ra một mái đầu bạc.

- Mực! Khôn nào!

Người đàn bà bước nhanh qua bậu cửa, tất tưởi quên cả xỏ dép. Đúng cô Nguyện rồi. Rất dễ nhận ra cô bởi dòng họ nhà tôi tuyền những người bạc tóc sớm, chẳng hiểu vì sao. Chưa tới lục tuần mà trông mái đầu của cô tôi dễ lầm với một bà lão. Sững lại trong giây lát, cô tôi đưa tay lên dụi mắt như để nhìn khách cho rõ hơn.

 - Chớ nhà ông kiếm ai rứa?

Nhìn dáng vẻ ngơ ngác của chủ nhân cũng đủ biết dường như đã lâu lắm rồi không hề có một vị khách lạ nào đặt chân tới ngôi nhà cô liêu này. Tôi giả bộ tỉnh rụi:

- Dạ, cháu lỡ độ đường, nhà ta còn chỗ nghỉ chân không ạ?

Nghe giọng nói, lập tức cô Nguyện quay ra nhìn xoáy vào mặt tôi. Liền đó, cô tôi thảng thốt kêu lên:

- Trời đất quỷ thần ơi! Ai như thằng Sáng phải không cháu? Mi đi mô mất đất giờ mới vác mặt về, lại còn tính trêu chọc bà già…

Cô Nguyện cười, nụ cười mếu máo. Nước mắt tự nhiên cứ ầng ậng trên gương mặt héo hon. Cô cầm tay tôi kéo tuột vào nhà. Con chó mực hậm hực cứ chạy vòng quanh gầm gừ vẻ đầy cảnh giác. Để tôi ngồi một mình trên bộ ván ngựa bằng gỗ săng lẻ kê chính giữa nhà, cô Nguyện vồn vã đi xuống bếp. Lát sau cô trở lên với bình tích nước và một bát khoai xéo còn bốc khói. Cô chép miệng phân trần:

- Chao trời! Rứa mà hồi sáng nghe con chim khách loét choét ngoài vườn, cô nghĩ là hắn ghẹo mình nên cầm đất ném đuổi đi chớ. Tội nghiệp chưa?

Mùi khoai xéo dậy mùi thơm ngòn ngọt, làm sống dậy ký ức tuổi thơ tôi. Quê tôi thuộc vùng đồng bãi ven sông, lúa gạo tuy ít nhưng hoa màu thì lúc nào cũng sẵn. Khoai lang đến vụ thu hoạch về được chọn lựa đem rửa sạch rồi thái lát phơi khô, cất kỹ trong chum vại. Lúc nấu thường phải dùng đũa cả xéo qua xéo lại cho tơi đều nên dân làng quen gọi là khoai xéo. “Ăn đi cháu, ăn cho nóng sốt rồi uống nước chè xanh”. Cô Nguyện giục giã, tay cầm cái quạt nan rách tướp phe phẩy đuổi ruồi. Xúc miếng khoai đưa lên miệng, tôi suýt nghẹn mấy lần.

Là con út của ông Tình, cô Nguyện kêu ông nội tôi bằng bác ruột. Hai nhà liền ngõ bên nhau. Trong làng, ông Tình là một thợ cày nổi tiếng về sự tằn tiện và nóng nảy. Từng chứng kiến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, nên con cháu trong nhà hễ đứa nào phí phạm từ hột cơm đến mẩu khoai là bị ông tế liền. Một bận nhân có ấm chè xanh vừa nấu, bà nội tôi kêu ông chú sang nhà cùng uống. Mẹ tôi bưng một rá củ dong riềng luộc còn nghi ngút khói ra mời. Thấy lũ con nít chúng tôi tranh nhau bới lựa, đã thế khi ăn lại còn lột bỏ vỏ, ông Tình nóng mắt chửi ngay:

- Tổ cha bay, ăn sang như Tây rứa. Coi chừng đói rã họng, trắng mắt ra bây giờ…

Và ông thản nhiên cầm lấy một củ non có lắm nhánh đưa lên miệng cắn ngang cả vỏ, nhai ráu ráu. Nom ông ăn mới thật ngon lành. Một đời cầm cày, bàn tay chai cứng từng mảng tựa như vai trâu, nhưng cho đến cuối đời người lực điền này vẫn hận vì làng không có đủ ruộng để ông cày cho đã đời. Trong nhà, ông Tình là vị chúa tể, con cháu chẳng một ai dám trái lời.

Lớn lên bên cạnh một người cha như vậy, nhưng trời lại phú cho cô Nguyện sự dịu dàng đầy nữ tính. Khi các anh chị trưởng thành lập gia đình ra ở riêng hết, cô đảm nhận việc chăm nom phụng dưỡng cha già trái tính mà không một lời than vãn. Học xong lớp bảy, cô Nguyện ở nhà sản xuất. Khỏe mạnh, nết na lại thạo việc đồng áng, cô có vẻ đẹp thuần hậu của một người lao động. Làng trên, xóm dưới đã có bao kẻ dòm ngó đánh tiếng, nhưng cô tôi chưa nhận lời một ai.

Dạo ấy, trong số trai làng theo đuổi cô Nguyện có một người thổi sáo rất hay và bơi lội giỏi như rái cá. Đó là chú Hà dáng dấp cao ráo, vạm vỡ, gương mặt rất đàn ông. Không biết tự bao giờ bến sông quê tôi trở thành nơi tụ tập của cả làng và là chốn gặp gỡ của biết bao đôi lứa. Mỗi buổi chiều tà, lũ con nít chúng tôi lại lùa trâu về thả cạnh bờ sông chơi đánh khăng hoặc chia phe đánh trận giả. Chán chê mê mỏi thì kiếm quả bưởi ném xuống sông để thi nhau xem đứa nào bơi giỏi. Khi ráng đỏ sàng sảy ánh ngày trên mặt nước cũng là lúc bến sông đầy ắp tiếng cười. Người kín nước, kẻ tắm táp giặt giũ. Cánh đàn bà con gái thì cứ túm tụm vào một chỗ, ấy vậy mà chốc chốc lại có người cứ nhảy dựng lên miệng la oai oái. Thì ra lúc xuống nước, các cô gái thường lấy quần dài đem quấn quanh bụng theo kiểu đóng khố. Đây chính là cơ hội trời cho đối với đám thanh niên chưa vợ. Lúc ở trên bờ đôi nào có tình ý với nhau bạo dạn lắm cũng chỉ đám đầu mày cuối mắt và đưa đẩy đôi câu bóng gió nhưng khi đã xuống nước thì tình thế trở nên khác hẳn.

Có một thứ luật bất thành văn thế này, ở dưới nước mọi người được quyền thả sức đùa giỡn. Một khi nhận biết được dấu hiệu đồng tình từ cô gái nào đó, thì người con trai phải tìm cách tiếp cận cho được để dẫn đối tượng tách ra chỗ khác. Điều khó khăn là làm cách sao để xác định cho đúng vị trí của bạn gái mình giữa đám đông dưới nước. Sau khi bơi lòng vòng chàng trai phải lấy hơi thật dài để lặn một mạch tới chỗ bạn gái của mình. Thường thì các cô gái cũng hết sức tinh quái, hễ thấy các chàng bắt đầu ngụp lặn là họ lại bí mật đổi chỗ cho nhau. Do vậy, người con trai phải cố công quan sát để phát hiện cho đúng. Chết nỗi là ở dưới nước thì thân hình của người con gái nào mà chẳng mĩ miều cho nên nhiều chàng rất dễ bị quáng, mới sinh ra chuyện ôm nhầm. Một khi đã nhắm đúng đối tượng, chàng trai phải trổ hết tài ba lựa thế ôm eo cô gái và kéo ra xa. Quá trình ấy anh ta được quyền chiêm ngưỡng “tòa thiên nhiên” dưới nước. Những kẻ nhát hít thì đành ngậm ngùi chịu trận. Chàng nào làm được cái việc chinh phục ấy có khi chỉ dăm bữa nửa tháng sau là gia đình đã có thể mang trầu câu tới dạm ngõ nhà gái.

Mất cả tháng trời với không biết bao lần lặn sủi bong bóng, cuối cùng chú Hà mới tóm được cô Nguyện. Sau một hồi vùng vẫy đến mệt lử, cô đành quy phục và ngoan ngoan chịu để người con trai dìu ra khỏi đám đông đang hò reo, chọc ghẹo. Họ sóng đôi bơi đứng chầm chậm. Hai cơ thể trẻ trung tràn trề sinh lực cứ áp sát vào nhau cơ hồ như sắp tan vào dòng nước. Bến sông trở thành nơi lưu dấu mối tình của họ.

2

Cái tin chú Hà trúng tuyển bộ đội và làm lễ ăn hỏi cô Nguyện chẳng mấy chốc loang nhanh khắp làng. Dân làng ai cũng gật gù: “Hai đứa hắn đẹp đôi lắm!”. Đám cưới của hai người được tổ chức liền ngay sau đó. Bấy giờ, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã lan rộng ra khắp miền Bắc. Hai người ăn ở với nhau đâu chừng được chục ngày, nghĩa là chưa kịp quen hơi bén tiếng thì đôi lứa đã phải xa nhau. Chú Hà được lệnh lên đường nhập ngũ. Từ nơi huấn luyện tân binh, đơn vị chú hành quân một mạch vào thẳng chiến trường. Cái mầm sống trong cơ thể cô Nguyện bắt đầu tượng hình và lớn dần theo ngày tháng. Đây đó có những cặp mắt nhìn cô vẻ dò xét xen lẫn tia giễu cợt. Đúng chín tháng sau cô sinh hạ một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Đó là thằng Quân bây giờ. Càng lớn nó càng giống chú Hà như hai giọt nước. Điều ấy đã khiến cho những kẻ lắm mồm bớt điều đơm đặt.

Là vợ bộ đội, cô Nguyện tham gia các hoạt động đoàn thể thanh niên, phụ nữ và cả dân quân trực chiến. Cô giấu tất cả nỗi khát khao mong nhớ chồng vào trong công việc. Nhưng có lẽ càng kìm nén thì ngọn lửa bên trong càng sôi réo, âm ỉ. Được kết nạp vào Đảng, cô Nguyện trở thành một điển hình nên thường được đi đây đó báo cáo, dự các cuộc hội họp. “Gái một con trông mòn con mắt”. Dẫu không tự ý thức về nhan sắc của mình nhưng đi tới đâu cô Nguyện cũng nhận thấy ánh mắt của cánh đàn ông đang ve vuốt, mơn trớn thân thể mình. Cô sởn gai ốc và chỉ muốn quay về ôm con nằm ngủ cho quên hết sự đời.

Thằng Quân lên năm tuổi thì cô Nguyện trở thành góa phụ. Hai mươi ba tuổi, cô đã phải đội lên đầu vành khăn trắng. Hôm xã làm lễ truy điệu chú Hà, cô ngất lên ngất xuống không biết bao lần. Theo ngày tháng ghi trong giấy báo tử thì chú Hà hy sinh đã được ba năm trong một trận đánh tàu chiến của tụi Mỹ ở cảng Cửa Việt. Chú ấy thuộc một đơn vị đặc công nước, cái nôi của những chiến sĩ quả cảm có tài xuất quỷ nhập thần, họ đã bao phen khiến cho kẻ thù phải mất ăn mất ngủ.

Tưởng chừng nỗi đau đớn vô bờ đã quật đổ cô Nguyện. Cô gầy xọp, mắt thâm quầng, tóc rối bù như búi tre gai sau cơn bão. Đã có lúc cô nghĩ quẩn tính lao đầu xuống bến sông chết quách cho rồi, bởi thiếu chú Hà thì cuộc đời cô đâu còn ý nghĩa. Nhưng rồi cứ nhìn đứa con bé bỏng, nhìn bố mẹ chồng già nua lụm cụm là cô lại chùn bước. “Không! Bằng giá nào cũng phải cắn răng mà sống để thay anh ấy nuôi dạy con và chăm sóc bố mẹ già”. Ý nghĩ ấy như sợi dây neo trần gian buộc người góa phụ trẻ với cuộc đời.

Nhưng, họa vô đơn chí. Nỗi đau còn chưa kịp nguôi ngoai thì ông Tình đột ngột ra đi sau một giấc ngủ dài. Một cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cuối năm đó lại đến lượt ông bố chồng về với tổ tiên. Dân làng bảo hai ông già ấy cùng rủ nhau đi tìm con trai, con rể. Trong chuỗi ngày đau buồn ấy, có một người đàn ông luôn kín đáo tìm cách động viên an ủi cô Nguyện. Đó là anh chàng Lâm ở xóm trước đang giữ chân thủ quỹ của hợp tác xã, ông chủ của một gia đình toàn “thị mẹt”. Vì con mắt bên trái bị ruột hến nên anh ta có biệt danh là Lâm . Thoạt đầu cô Nguyện cũng chẳng để ý, chỉ thấy Lâm có cái vẻ chân thành tội nghiệp. Khác với những gã đàn ông sàm sỡ, miệng lưỡi khoác lác, Lâm thường biểu hiện tình cảm qua con mắt lành lặn.

Khi tấm áo hoặc mảnh lụa, lúc đồng quà tấm bánh, cứ thế dần dà Lâm  tìm được chỗ trú ngụ trong lòng người đàn bà góa trẻ. Đã có lời qua tiếng lại xì xèo nhưng thảy đều được Lâm hợp thức bằng câu nói cửa miệng: “Ôi dào, miệng thế gian như làn sóng bể… Lại ghen ăn ghét ở đây mà. Hơi đâu mà chấp nê!”. Sau nhiều lần thư từ hò hẹn từ xa không xong, Lâm  quyết dấn tới bằng cách tấn công trực diện, áp sát. Anh chàng biết rằng đàn bà họ chỉ giỏi phòng bị từ xa, chớ với lối đánh gần thì lũy thành kiên cố cỡ nào rồi cũng bị san phẳng. Cô Nguyện càng lánh mặt thì càng xui khiến Lâm liều lĩnh.

Một hôm, qua lời tán gẫu của cánh đàn ông trung niên, Lâm  hớp được cái tin cô Nguyện đi họp phụ nữ trên huyện và sẽ về muộn. Chiều tà. Từ trụ sở hợp tác xã, Lâm  thong thả đạp xe ra phía bến đò kiếm một chỗ ẩn mình trong bãi phi lao vi vút gió. Khi hoàng hôn buông chùng xuống mặt sông cũng là lúc chuyến đò cuối cùng trong ngày vừa cập bến. Người đàn ông căng mắt quan sát và ngay lập tức nhận ra “con mồi” bởi vóc dáng người đàn bà đã in sâu trong tâm tưởng. Xuống đò, cô Nguyện khoác túi lên vai rồi vén quần lội và khỏa nước sông rửa mặt, do vậy mà cô rớt lại sau cùng. Nước mát rượi khiến cho người tỉnh táo hẳn. Về đến đầu làng roi thì chẳng còn phải lo sợ gì nữa, mặc dầu con đường đất phải len lỏi giữa những bóng cây phi lao chập chùng, vi vút gió. Lên bờ, người đàn bà thơ thới vươn vai hít thở rồi hối hả cất bước. Chính vào lúc ấy thì Lâm  với chiếc xe đạp xuất hiện chắn ngang lối đi. “Ai?”. Cô Nguyện hốt hoảng nhảy dựng lên. “Là tôi đây mà, đừng sợ!”. Lâm mỉm cười nài nỉ mời cô lên xe để anh ta đèo một đoạn. Ngần ngừ một lát, Nguyện tặc lưỡi ngồi lên sau xe của người đàn ông.

Không hiểu do trời tối nhá nhem hay do tay Lâm cố ý mà chiếc xe đạp loạng choạng sa vào chỗ cát mềm rồi đổ uỵch ra vệ đường. Cô Nguyện bị một vật gì đó đập vào làm sưng mắt cá chân, đau điếng. Lâm lơ vội dìu người đàn bà đặt ngồi tựa gốc phi lao và rối rít. “Có đau lắm không?”. Bàn tay ngươi đàn ông nắn bóp xoa xoa quanh mắt cá chân khiến Nguyện thấy đỡ đau và trong người bỗng dậy lên cái cảm giác đê mê. Đôi tay êm ái của anh ta cứ rờ rẫm lên mãi, bắp chân, đầu gối rồi đùi vế. Cái cơ thể đàn bà sau nhiều ngày kìm nén giam hãm giống như con thú vờ ngủ say chợt bừng tỉnh rất nhanh. Khi đã nằm gọn trong vòng tay của Lâm , Nguyện chỉ kháng cự được một lúc rồi buông xuôi, thả lỏng. Người đàn ông tham lam cứ sùng sục dấn tới, tiếng “đừng anh, đừng anh” lịm dần.

Từ bữa ấy trở đi, bãi phi lao cạnh bến đò trở thành nơi hò hẹn của hai người. Một lần chạng vạng tối, bà Điền đi thăm họ hàng về đò muộn. Lúc ngang qua bãi phi lao, mót quá bà lão tạt vào tính đi tiểu. Vừa ngồi xuống chưa kịp định thần, bà Điền chợt thấy hai hình nhân trắng lốp đang oằn oại hi hóp trên bãi cát phía trước mặt. Cứ ngỡ là ma quỷ hiện hình trêu chọc, bà lão thần hồn nát thần tính bỏ chạy mất dép. Tiếng đồn bãi phi lao cạnh bến đò có ma giống như vệt dầu loang khắp làng càng khiến cho nơi này vốn đã hoang vắng lại càng thêm u tịch.

3

Nhưng có một điều mà Lâm  không lường hết là cũng chính thời điểm ấy cô Nguyện đã lọt vào tầm ngắm của không ít những đấng mày râu khác. Lắm kẻ tìm đủ mọi cách để tiếp cận, săn đón tán tỉnh người đàn bà góa trẻ xinh đẹp mà theo cách nghĩ của họ là “nóng máy” lắm rồi. Bởi thế nên mọi hành tung của Nguyện đều bị theo dõi, giám sát. Tỷ như hôm nay nàng đi đâu, làm gì; nàng mặc áo xanh hay áo đỏ, gặp gỡ những ai, v.v…

Trong số những “vệ tinh” ấy có một nhân vật quan trọng, đó là ông Đình, chủ nhiệm hợp tác xã. Ông là người cao đạo nên không thể trực tiếp hành xử như cái đám phàm phu tục tử kia được. Bởi vậy, tuy bề ngoài ông Đình vẫn giữ cái vẻ bình thản, nhưng bên trong ông ngầm sai thuộc hạ của mình đi dò la và đưa thơ tỏ tình với người đẹp. Số là trong một trận bom của tụi Mỹ giội xuống làng, chẳng may vợ con ông chết sạch bỏ lại mình ông côi cút trên cõi đời.

Là người có địa vị cao nhất trong làng, ông Đình nhận được sự quan tâm lẫn đồng tình ủng hộ từ nhiều phía. Nếu cứ để một người như ông ấy mất thăng bằng trong đời sống tình cảm thì không chừng cả làng này mất nhờ chứ chẳng chơi. Thế nên cái việc tìm ý trung nhân cho ông chủ nhiệm trở thành một đề tài được nhiều người quan tâm, bàn soạn. Nước không thể một ngày không vua, mà vua thì không thể một ngày thiếu vắng hoàng hậu. Cứ theo luận giải ấy mà suy rộng ra thì việc lựa chọn người nâng khăn, sửa túi cho ông chủ nhiệm Đình là tối cần thiết. Về đối tượng thì có lẽ không ai thích hợp hơn cô Nguyện. Này nhé, cô ấy vừa là vợ liệt sĩ lại vừa là đảng viên sinh hoạt cùng chi bộ, nếu tác thành được thì không chừng ông chủ nhiệm lại có thêm một trợ thủ đắc lực.

Thoạt nghe mấy vị trong Ban chủ nhiệm hợp tác xã đặt vấn đề, cô Nguyện cứ ngây ra nhìn, cô ngỡ họ đùa. Nhưng khi ngó kỹ vẻ mặt trịnh trọng của các vị chức sắc và liên hệ tới những lá thư tỏ tình được viết nắn nót như chữ học trò của ông Đình thì người đàn bà chợt hiểu ra vấn đề. Cô Nguyện phá lên cười. Thật tình cô chẳng dám ghét bỏ gì ông Đình, nhưng ngược lại cô cũng không mảy may có chút cảm tình nào với người đàn ông vâm váp có gương mặt thiết bì vô cảm được điểm tô bằng cặp mắt đỏ kè như mắt cá chày. Cho rằng ả đàn bà góa này thích chết đi được nhưng giả bộ kiêu kỳ bắc bậc, sau giây lát bối rối, một vị trong bọn bèn cười xuê xoa. “Hề, hề… Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Cô với anh Đình tuổi tam hợp, đẹp đôi lắm đó. Rổ rá cạp lại mà được vậy là nhất cô đấy nhá. Còn đòi gì nữa!”.

- Vậy, tôi phải làm vợ ai trong số các anh đây? Người đàn bà góa cười mỉa mai.

- Ấy chết, cô nói gì mà lạ thế, tất nhiên là làm vợ anh Đình, à đồng chí Đình - Một người đàn ông cười giả lả, lấp liếm.

- Thế tại sao ông ấy không trực tiếp đến gặp tôi mà phải cử các anh đi mối lái? Ông ấy có còn là con nít nữa đâu? Thôi xin vái các quan anh, tôi về.

Biết không thể lay chuyển được người đàn bà góa xinh đẹp, ông Đình nổi đóa. “Đồ ngu! Một bước lên bà không sướng lại muốn cái kiếp khố rách áo ôm. Rõ là chó đen giữ mực!”. Cáu sườn, ông chủ nhiệm bèn đánh tiếng ăn hỏi và cưới phắt một cô gái tân qúa lứa lỡ thì làm vợ. Nhưng mối hận với người đẹp vẫn chẳng thể nguôi quên. Biết tin Lâm  đã nẫng tay trên người đẹp, ông Đình sôi tiết gầm lên. “Cái thằng mất dạy. Láo đến thế là cùng! Được, rồi chúng mày sẽ biết thế nào là lễ độ”. Ông chủ nhiệm sai đám đệ tử mật phục hòng bắt quả tang cảnh trai trên gái dưới sẽ đem bêu riếu khắp làng cho bõ tức.

Mấy tay dân quân mới đầu còn hăng tiết vịt xem chừng hăm hở ăn gió nằm sương, nhưng về sau bị các bà vợ phát hiện được và tế cho một trận nên thân thành ra ngán ngẩm chùn chân liền. “Thây kệ người ta. Đời cua cua náy, đời cáy cáy đào. Có họa là giống ngu mới đi rình rập chuyện người ta ăn nằm với nhau”. Có lẽ nhờ vậy mà đôi tình nhân thoát hiểm. Thế nhưng hậu quả của việc ái ân vụng trộm thì vô phương giấu giếm. Cái bụng cô Nguyện ngày một lớn cùng với bao lời thị phi, đàm tiếu. Dám làm dám chịu, cô chủ động làm đơn xin ra khỏi Đảng vì tự thấy mình không còn xứng đáng. Lá đơn được những người có trách nhiệm chuyền tay nhau đắc chí. Ông Đình cười gằn: “Đâu có dễ thế. Đáng đời, cái thứ cơm không ăn mà lại muốn ăn bùn!”.

Cô Nguyện bình thản đón nhận quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng vì tội hủ hóa. Dẫu biết mười mươi ai là tác giả của cái thai trong bụng người đàn bà góa nhưng các vị chức sắc vẫn cố ép cô khai ra một cái tên để họ có cớ mà trừng trị cả hai anh ả. Trước sau cô Nguyện vẫn bướng. “Con của hợp tác xã”. Nghe tin người tình sinh hạ được một thằng cu, gã Lâm lơ tái dại đi vì vui sướng. “Thế là có thằng chống gậy rồi!”.

Bấy giờ, bên phía gia đình nhà chồng của cô Nguyện chia thành hai phe. Hầu hết cánh đàn bà (chị dâu, chị gái), những kẻ lớn tiếng đề cao tiết hạnh thì nguyền rủa xỉa xói cô Nguyện không tiếc lời. Cánh đàn ông vẫn giữ thái độ im lặng. Chỉ riêng bà mẹ chồng thì ôm đầu van vỉ: “Tôi xin các anh, các chị hãy tha cho con Nguyện. Nó sống với thằng Hà số ngày đếm được trên đầu ngón tay rồi bom đạn chia lìa mỗi đứa một nơi. Chúng bay vợ chồng kè kè bên nhau tối ngày, có ăn lạt mới biết thương thân mèo. Thằng Hà hy sinh vì dân vì nước, từng ấy năm con Nguyện câm lặng làm lụng nuôi con rồi hầu hạ cái thân già này…”

- Mẹ lại bênh nàng “dâu quý” nữa rồi. Đúng là dâu hư tại mụ gia! Vì mẹ dung túng mà con này hư đốn - Người chị gái nguýt một cái rõ dài, giọng riết róng - Nhục ơi là nhục!

- Tao chẳng bênh che đứa nào hết – Bà lão vứt toạch miếng bã trầu vào ống nhổ rồi đưa tay vuốt lên khóe miệng – Đàn bà khôn ba năm dại một giờ. Đằng nào thì con Nguyện cũng trót dại rồi, nếu không thương được thì thôi, các anh các chị cũng đừng hành hạ nó mà phải tội với trời. Tao còn sống ngày nào, tao cấm…

Cuộc sống buồn thảm cứ trôi đi không chút bình lặng bởi chiến tranh, bom đạn rình rập mạng sống con người cả ngày lẫn đêm.

Cười ba tháng, chả ai cười ba năm. Mọi chuyện rồi cũng qua đi như bóng mây đen ngày hạ. Mấy mẹ con cô Nguyện lần hồi nuôi nhau. Lâm  thi thoảng cũng lén lút giúp rập thêm tí đỉnh. Bên phía gia đình tôi, anh em họ mạc ai cũng cám cảnh cho cô Nguyện, chẳng ai nỡ rầy la gì nhưng cô vẫn luôn tìm cách lánh mặt người thân. Đến nỗi ngay cả tới ngày giỗ cha mà cô cũng chẳng dám về. Cô Nguyện nuốt nước mắt sai thằng Quân ôm gà và mang rượu đến cúng ông ngoại. Những khi bất ngờ phát hiện thấy anh em hoặc con cháu phía nhà mình trên đường làng, bao giờ cũng vậy, từ đằng xa cô Nguyện đã kéo nón che mặt rẽ vào ngõ hoặc cắm cúi bước thật nhanh như để trốn chạy. Một lần tôi chẹn đường cô Nguyện, khi tôi giữ chặt lấy tay cô thì cô bật khóc mà không nói năng gì. Từ sau bữa đó, hễ thấy bóng tôi đang chăn trâu hay đi cắt cỏ là cô Nguyện lại kêu vào nhà, lúc thì cô dúi cho củ khoai lang tươm mật, lúc quả ổi, trái chuối. Đặc biệt mỗi khi nhà có nấu khoai xéo thể nào cô cũng để dành phần rồi tìm cách nhắn nhe tôi tới ăn cho kỳ được. Có lẽ chính vì vậy mà khi lớn lên, dù đi tới đâu tôi vẫn không thể nguôi quên được hình ảnh người cô họ khốn khổ tội nghiệp đang vò võ một mình bên cạnh bến sông.

4

- Ngẫm ra trên thế gian này làm thân đàn bà trăm đường khổ nhục cháu à.

Cô Nguyện khép lại câu chuyện vừa kể với tôi bằng một tiếng thở dài nẫu ruột. Hình như nhờ trút bỏ được khối tâm sự u ẩn bao lâu nay vẫn giấu kín trong cõi lòng cho nên những nét hằn sóng gió trên gương mặt cô tôi vẻ như giãn ra, nhẹ nhõm. Hẳn nếu không gặp được một người biết lắng nghe thì chắc rằng cô Nguyện phải mang theo câu chuyện xuống tận đáy mồ.

Nghe tôi hỏi về gia cảnh, cô Nguyện cười heo héo, nơi khóe mắt cô ươn ướt. “Thì cũng lay lắt vậy thôi, ông trời chưa bắt tội chết nên cứ phải sống, cháu à”. Mãi chuyện trò, tới lúc này tôi mới có dịp ngó quanh căn nhà tuềnh toàng trống hoác. Những tấm phên nứa lâu ngày ải mục, mốc meo, tưởng chừng chỉ khẽ đụng vào là sụm luôn từng mảng. Tài sản trong nhà cô Nguyện giá có soi đuốc tìm cũng chẳng thấy có vật gì đáng giá. Ngay đến cả cái tivi đen trắng cũng không sắm nổi. Phương tiện duy nhất để chủ nhân có thể liên hệ với thế giới bên ngoài là chiếc radio hiệu National cũ mèm, vốn là quà tặng của một người bạn cùng đơn vị với chú Hà ngày trước. Cô bảo tuần nào cô cũng nghe đài đọc chuyện đêm khuya. Nhiều lần nghe chuyện của tôi được giới thiệu trên đài nhưng cô cứ ngờ ngợ không dám tin đó là thằng cháu mình. Cô cũng chẳng dám khoe với ai vì sợ nói ra không khéo người ta lại cười vào mũi, “thấy người sang bắt quàng làm họ” thì khốn.

Hóa ra cái thằng Quân thế mà tệ, thậm tệ. Cùng là anh em đạp đầu nhau ra vậy mà càng lớn nó càng ác cảm, thậm chí là căm ghét thằng Tự. Mà cô hỏi cháu, thằng em nó có tội tình gì đâu? Một phần cũng do thiên hạ lắm kẻ chọc ngoáy nói ra nói vào, thêm vào đó lúc đi học nó luôn bị lũ bạn dèm pha thành thử thằng bé trở nên rất ích kỷ. Trong suy nghĩ hằn sâu trí não thằng Quân thì cô đã làm tủi nhục vong linh cha nó. Bởi vậy, khi lớn lên nó nhất quyết không cho cô được giữ tấm bằng Tổ quốc ghi công và tấm hình chân dung chú Hà. Đau lắm cháu à, nhưng biết làm sao được, bởi cô tự biết mình đâu có xứng với chú ấy.

Thằng Quân đi bộ đội rồi vào học sĩ quan. Ra trường, em nó xin cấp trên về Quảng Trị công tác, cô biết là nó vẫn ngầm nuôi hy vọng là sẽ tìm được hài cốt của cha nó. Nhưng chú Hà hy sinh ở dưới sông dưới bể thì biết đâu mà tìm hả cháu? Còn thằng Tự, nói có trời đất chứng giám, nó là đứa ngoan và hiếu thảo, biết thương mẹ. Bây giờ em nó đương học đại học ở ngoài Hà Nội. Nói để cháu biết là vợ chồng nhà ông Lâm ấy, đúng hơn là cả gia tộc bên đó đã xin phép mang lễ vật sang đây nhận con, nhận cháu đích tôn rồi. Ai cũng bảo thằng Tự đã làm vẻ vang cho gia đình dòng họ cho nên người ta xin được chu cấp mọi phí tổn để em nó ăn học thành tài. Cô nói việc đó tùy ở nơi thằng Tự, bởi rốt cuộc rồi máu nào thâm thịt ấy. Đời cô thì coi như bỏ đi từ lâu rồi, thôi thì mẹ nhục để con vinh cũng được cháu à. Được cái thằng Tự không phải là đứa cố chấp, em nó cũng muốn có nguồn gốc lai lịch rõ ràng để khỏi phải mang tiếng con hoang. Cô chẳng thể trách ai. Hoàn cảnh bó buộc mà. À, cháu có biết cái nhà ông Đình chủ nhiệm trước lúc chết bệnh có trối lại điều gì không? “Còn sống trên đời này thì chớ nên gây đau khổ cho kẻ khác”. Thế đấy, con chim sắp chết tiêng kêu thảm thiết!

Tôi ngó lơ ra bên ngoài và cảm thấy cái lạnh đang thấm dần vào trong từng thớ thịt. Không gian tịch mịch càng khiến cho hoàng hôn thêm quạnh quẽ. Sau vạt chuối tiêu lênh loang một làn khói bếp uể oải bò lên từ mái ngói cũ mèm. Lạc lõng tận cuối góc vườn vẳng lên tiếng một chú gà giò mới te te tập gáy. Đâu đó từ phía bến sông bỗng dội lại một tiếng “oàm” trầm đục, hệt như có con trâu mộng nhà ai vừa bổ nhào xuống nước vậy.

Thấy tôi lo lắng dỏng tai nghe ngóng, cô Nguyện chép miệng:

– Bữa nay ngày con nước, cháu à. Bao giờ cũng vậy, nước cường thì đất lở. Hễ có dịp là cái lão Hà bá lại dứt một miếng đất làng mình…

– Cô cứ trụ lại đây rồi xoay xở ra làm sao?

– Ôi dào, cháu khỏi lo. Hết đất thì cô mày xuống sông, kiếm chiếc thuyền neo lại dưới bến kiểu như dân vạn chài ấy. Rồi cô sẽ ra đi trên sông để tìm và tạ tội với chú Hà. Nhưng mà thôi, cháu yên tâm đi, còn lâu cô mới chết! Năm sau nhớ về đây ăn khoai xéo với cô chứ?

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm