- Lý luận - Phê bình
- Tài hoa tối giản
Tài hoa tối giản
Tôi không có ý định viết về cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng dù biết anh từ khi mới về Sài Gòn lập nghiệp, cũng hơn 30 năm rồi, đã được đọc nhiều thơ anh, thời báo in còn hoàng kim, số nào cũng đăng thơ nên nhiều nhà thơ khởi nghiệp có đất sống.
Tổ chức sự kiện “Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng - ra mắt tập thơ Thơ tình và những bài áo trắng, Hội nhà văn văn Tp. Hồ Chí Minh nhận được nhiều bài viết công phu, cảm động về cố nhà thơ. Cũng chính vì có nhiều bài viết mà tôi được truyền cảm hứng để viết ra những cảm nhận về thơ anh, qua góc nhìn của một phụ nữ, với hy vọng những cảm xúc về anh không trôi đi, được lưu lại một chân dung trong những đời văn được chạm của mình.
Ngày 19/3/2022. Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng và ra mắt tập thơ Thơ tình và những những bài áo trắng. Đồng đảo bạn văn và độc giả đã có mặt tham dự.
Đoàn Vị Thượng đa tình, đa cảm
Những năm 1990, khi mới về Sài Gòn công tác, tôi đôi lần gặp anh ở quán văn nghệ Trần Quốc Thảo, có khi ở một quán cóc ven đường Tú Xương... Tôi thật có ấn tượng về nụ cười hiền của anh. Anh không nhiều lời, không hứng khởi đọc thơ tràn theo những ly bia, đúng mực và dịu dàng với một phụ nữ trẻ dấn thân vào “trường văn trận bút”... Rồi công việc cuốn tôi đi, không có nhiều thời gian cho những cuộc gặp bù khú thơ ca, những cuộc trà dư tửu hậu giới văn nhân Sài thành. Nhớ lại, đó mới thật là thời hồn nhiên, thật hạnh phúc, vui vẻ. Dù vậy, tôi vẫn thường “thấy” anh trên những trang báo. Thơ anh thường mang đến cho tôi những cảm xúc trong trẻo, ngọt ngào, đằm sâu. Mãi đến năm 2019, nhà thơ Bùi Đức Ánh nhiệt tình động viên tôi: “Em gởi cho Thượng đi. Những bài em viết rất hợp gu của báo đó”. Khi đến báo Giáo dục lãnh nhuận bút, gặp nhà thơ Đoàn Vị Thượng, tôi không khỏi kinh ngạc vì anh thay đổi nhiều quá. Đâu rồi nhà thơ trẻ măng như cậu học trò, với vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi sở hữu nụ cười hiền! Lúc ấy, tôi cứ nghĩ, Ừ, thì quy luật thời gian khắc nghiệt. Đâu ai trẻ mãi. Cũng 30 năm rồi, bản thân mình cũng đã thay đổi biết bao... Tôi vô tâm không biết anh đang vướng vào một căn bệnh hiểm nghèo, đang điều trị. Tôi vô tâm không nghĩ rằng anh đọc nhiều về tôi, dõi theo những bước chân tôi trong nghề nghiệp, đánh giá công tâm những bài viết của tôi với những bạn văn có mặt hôm ấy. Anh thoáng buồn, bày tỏ: “Báo nghèo, nhuận bút báo không nhiều em nhé!”. Tôi trả lời anh bằng một nụ cười, chắc cũng rất hiền nên thấy gương mặt anh dãn ra cũng bằng một nụ cười. Rồi tôi lại cuốn vào những dự án, những chuyến đi..., miệt mài kiếm tiền nuôi con, đâu hay đó là lần cuối được gặp anh. Đầu năm 2020, bất ngờ khi hay tin anh mất, tại nhà riêng sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh. Lúc ấy dịch bệnh covid đang bắt đầu quét qua Sài Gòn. Chúng tôi đến tiễn biệt anh trong lặng lẽ...
Trong lặng lẽ, tôi đọc lại thơ anh, chợt nhận ra anh đa tình quá đỗi. Tôi nghĩ tài hoa thơ của anh khởi nguồn từ trái tim đa cảm. Giải thưởng cống hiến của Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2021 vinh dự được trao cho cố nhà văn Đoàn Vị Thượng. Công việc tổng kết giải thưởng văn học hàng năm, từ năm 2020, tôi càng có điều kiện đọc kỹ và được ngấm những vi diệu, những cảm xúc được truyền dẫn từ thơ anh. Anh người gốc Huế, thời niên thiếu ở Quảng Ngãi, lập nghiệp ở Sài Gòn. Anh có thơ in trước năm 1975. Anh đã rời thế gian này nhưng thơ thì ở lại. Cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã tạo nên một trời thương nhớ trong lòng độc giả. Chỉ với Ngôi trường, hoa phượng và tôi (tập thơ in chung với Lê Minh Quốc, Phan Thị Nguyệt Hồng năm 1986), Chuyện tình chim hót, Môi thơm, Tóc em còn thả mùa đi học, Đoàn Vị Thượng thơ, khi rời xa thành phố thân yêu này, anh vẫn còn được sống trong nhiều ký ức thế hệ độc giả. Không in nhiều tập thơ nhưng đủ thấy thơ anh tài hoa, tinh tế, dung dị. Với lòng đa cảm, anh đã dự báo về một ngành giáo dục với bao bất cập, trăn trở; thật tàn nhẫn, là tội ác để vùi dập những giấc mơ, vấy bẩn những tâm hồn trong sáng:
“Viên phấn tự mài mình chết đi
để đâm chồi sự thật
Nhẹ nhàng ơi cái chết vô tư
Chúng tôi gìn giữ trái tim chân thực hàng giờ
Các em hồn nhiên mà ánh mắt
long lanh soi rọi thế
Cái bục giảng không cao nhưng đã có
bao người vấp té
Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay
Buông thả đấy rồi, những ngón loay hoay
Sẽ mỏi mòn đi và rơi rụng
Như người lính không tự cầm lấy súng
Vách chiến hào đây dễ ấm lưng”...
Lòng đa cảm đã cho anh nhìn thấy hạt bụi li ti từ viên phấn rơi ra trên bục giảng, hạt bụi làm nên ánh sáng tri thức truyền dẫn đến nhiều thế hệ và hạt bụi dự cảm về sự huỷ hoại, cái chết. Anh đa cảm nên tinh tế nhận ra viên phấn hằn lên dấu tay mình, viên phần nhỏ và gầy: “như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy/ Nào ai nở đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy/ Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng.../ Có thể nào khác hơn? Khi tôi đưa ngón tay mình lên môi và cắn. Biết rằng viên phấn cũng đau...”.
Bài thơ Bụi phấn nổi tiếng những năm 1980, được phổ nhạc, lan truyền trên sóng truyền hình, truyền thanh, tạo dấu ấn cuộc đời sáng tác của anh. Thơ chấp cánh cho nhạc nhưng nhạc không thể chuyển nổi ý tưởng của thơ. Đọc lại nguyên bản Bụi phấn mới thấy bài thơ sâu lắng, gợi mở hơn biết bao. Tôi cảm nhận mình đang được đọc tâm hồn anh. Một tâm hồn đa cảm, giàu lòng trắc ẩn mà cũng thật mong manh, dễ bị thương tổn. Giờ đây, anh đã là hạt bụi, “tan mình trong gió” nhưng anh đã sống và được chết như mình ao ước: “Nơi trăm miền sẽ có dấu tay tôi”.
Nhà thơ Từ Nguyên Thạch đã có được tình tri kỷ văn chương với người em của mình. Trong nhiều năm, anh lặng lẽ nâng niu, cất giữ những thi phẩm Đoàn Vị Thượng, gom góp, sưu tầm từng bài thơ anh trai mình bỏ quên trong túi áo, trong những ngóc ngách cuộc đời, kịp in thành tập Thơ tình và những bài áo trắng gởi đến độc giả, sau một năm ngày Đoàn Vị Thượng mất… Tôi gượng nhẹ mở từng trang và một lần nữa, được chạm đến tâm hồn đa cảm của anh. Tiểu tiết từng ngón tay, từng cái Cầm tay quấn quýt, sâu thẳm, lặn vào bên trong: “Ngón nào cũng thịt cũng da/ Có nghe máu chảy thấm qua lòng mình” (Cầm tay, 1986). Trong bài thơ Ơn mẹ, Đoàn Vị Thượng thật thấu đáo với lòng biết ơn sâu thẳm: “Yêu em là cũng đã đành/ Sao anh thương mẹ ngọn ngành xa sâu/ Mẹ và em khác gì nhau/ Hôn môi em đỏ nhớ trầu mẹ tươi”... Anh đa tình, anh rung động với nhiều cô gái... nhưng khi soi vào lòng mình, anh nhận ra một xác tín từ Gương trong mắt: “Đến lúc này tôi mới biết và tin/ Chiếc gương em - Ấy hồn tôi đọng lại/ Chỉ có thể yêu một người con gái/ Và một người, chỉ có thể là em!...”.
Tài hoa đến tối giản
Trong lặng lẽ, đọc thơ Đoàn Vị Thượng, tôi bắt gặp những câu thơ tài hoa đến tối giản của anh. Thật giản dị để găm vào trái tim người với câu hỏi:
“Có hiểu điều ấy chăng, bụi phấn biết nghiêng mình lễ độ/ Không rơi vào lồng ngực, trái tim trong.../ Các em mở ra những trang sách ruộng đồng/ Tôi cúi xuống gieo vào hạt chữ/
Có giọt mồ hôi và cả dấu tay mình ấp ủ/ Lặng thầm nói với mai sau...
(Bụi phấn, 1980)
Thơ anh chạm đến trái tim con người bằng ngôn từ trong sáng, giản dị; mở lối đi tắt, rất riêng để người đọc ngấm và cảm nhận một cách tự nhiên, như được uống ly nước mát trong lành. Những câu thơ tài hoa của anh xuất phát từ một tâm hồn đa cảm. Vì yêu mà bật lên triết lý: “Em xa/ Đêm ngủ nằm co quắp/ Ấy là tôi đang ôm vòng quả đất!” (Em xa). Vì yêu mà tâm hồn rộng mở: “Tôi thấy sáng nay mặt trời khi mọc/ Đem hồng tươi sơn thắm mọi ngôi nhà/ Không phân biệt đá hoa hay vách đất” (Như tôi, người thích ngắm mọi màu da). Vì yêu mà tận hiến: “Tôi thấy sớm nay con chim sơn ca/ Lanh lảnh hót làm rung vòm lá/ Hiến dâng cho bất cứ ai qua/ Có thể nghe được nhiều ý lạ”. Vì yêu mà tự vấn, sợ tổn thương, sợ sự vô cảm: “Tôi thấy sáng nay nhựa dồn lên quả / Hoá hương thơm sực nức cây cành/ Trái chín vội sợ ta chờ lâu quá? Hỡi những lòng ai đó mãi còn xanh...” (Mùa vui báo trước, 1986).
Tài hoa đến tối giản trong một cái “Cầm tay”: “Khó là ta dắt nhau sang/ Phía bên bên kia mỗi gian nan đời mình...”. Sự thấu hiểu khiến tâm hồn nhà thơ bật lên thơ, chân thành bộc bạch bản ngã của mình: “Tôi cầm những ngón lặng im/ Ngón dài, ngón vắn, ngón xinh, ngón hiền/ Ngón nào em giữ làm duyên/ Ngón nào đỡ lấy luỵ phiền vì tôi...”.
“Đa tình, đa cảm nên thơ anh đầy dự cảm chia ly: “Vì tôi không biết đợi/ Nên em không biết chờ/ Ta cười vui như hội/ Nhưng cõi lòng trống trơ (Bi kịch). Anh không ảo tưởng tài năng, không cho mình là nhà thơ đẳng cấp, nên nhiều bài thơ viết ra được đăng đã vui, nhiều bài thơ trong túi áo đã nhàu nát, bị thất lạc. Thơ với anh như là hơi thở. Anh nhìn thẳng vào sự thật: “Câu thơ viết hôm qua nay đã hoá cũ mèm/ Viện bảo tàng ngày mỗi đầy di tích/ Cả ánh sao trong mắt em tinh nghịch/ Sợ ngày kia cũng chẳng nhận ra tôi...”. (Thơ gởi tuổi thanh xuân, 1984)
Tâm hồn trong sáng, đa cảm, tinh tế, dung dị; bật lên những câu thơ tài hoa, hồn hậu, giản dị đến tối giản. Anh đi rồi, thơ ở lại. Bạn bè, nhiều thế hệ độc giả vẫn nhận ra anh. Tôi tin nơi thế giới bên kia anh đang nở nụ cười hiền với mọi người. Anh vẫn rất hạnh phúc khi được “tắm mình trong bè bạn, anh em”, được hoá vào cỏ biếc.
Nguồn Văn nghệ số 14/2022.