- Truyện
- Lời khấn | Truyện ngắn dự thi của Lâm Hiền
Lời khấn | Truyện ngắn dự thi của Lâm Hiền
Bốp, bốp, bốp - Nè, tao dá rìu nè, chết tao chịu! Hổng có thần thánh nào ở đây hết! - Ông Ba Chủ tịch xã vung chiếc rìu sáng dới chém những nhát nẩy lửa vào thân cây sao cổ thụ bên hiên sân đình trước những đôi mắt lo sợ của mấy chú thợ mộc.
Nghe mọi người nói hàng sao này tuổi thọ chắc phải gần 2 thế kỷ, tổ tiên xưa xây đình thần cho làng cùng lúc với hàng cây sao ra đời. Bởi lẽ lịch sử xây cất đình, chùa, miếu bao giờ cũng gắn với những cây cổ thụ hàng trăm năm như: sao, thao lao, cẩm lai,... Thiên hạ bảo đó là cách người xưa “làm dấu” cho những công trình thờ phượng. Bom đạn có thể làm sụp đổ những ngôi đình, cổ miếu, nhưng lạ kỳ thay, những cây cổ thụ dẫu có bị pháo chạt đạn bay, thân bị sẹo ngang sẹo dọc thì liều thuốc thời gian, tinh túy của trời đất, Mẹ thiên nhiên sẽ giúp loài cây tiếp tục nảy lộc đâm chồi… Mồ hôi túa ra ướt đẫm cả mặt và chiếc áo sơ mi xám nhạt trên người ông Ba theo từng nhát rìu loang loáng vung lên… Tiếng rìu bổ bôm bốp làm vòm lá lay động, lũ chim dồng dộc, chào mào thất kinh hồn vía kêu hoảng loạn. Âm thanh chói lói như cứa nát vào khoảng không gian thoáng đãng buổi ban mai. Phải thừa nhận là gỗ sao cứng thiệt, chiếc rìu thợ mộc bén ngót vậy mà chỉ chạm tới phần gỗ cứng không quá một phân. Từng miếng vỏ sao văng ra, chi chít những vết thương lõm vào thớ gỗ, dòng nhựa màu nâu đỏ từ từ ứa ra ri rỉ như những giọt máu bầm. Chú Tư Sậy không dám nhìn nữa mà nhắm nghiền mắt lại. Chú cảm giác như những nhát rìu bén ngót kia đang chém tới tấp vào thân thể mình. Cơ hồ bên tai chú có tiếng sấm rền rền, từng đợt gió từ ngoài sông thổi thốc vào lạnh buốt. Đâu đó từ trên những vòm lá, văng vẳng tiếng rên xiết của những oan hồn. Dường như từ cõi xa thẳm vọng lại tiếng dõng dạc đanh thép như lời can ngăn của các đấng thần linh… Tự dưng chú Tư Sậy thấy lạnh dọc sống lưng, mắt chú hoa lên. Và lúc này đây những nhát rìu của ông Ba vẫn tiếp tục giáng xuống loang loáng trong nắng. Mặt ông đanh lại. Cái thẹo lồi dưới con mắt trái ông càng rúm ró một màu xanh xám của màu xác chết… Hãy khoan nói đến cái thẹo kỳ tích kia vì nó là cả một lịch sử hào hùng thời đánh Mỹ mà ông thường tự hào. Khoảng 5 phút trôi qua, cánh thợ mộc nín thở theo dõi và họ chưa thật sự hoàn hồn. Chừng như ông Ba đã thấm mệt, vả lại với suy nghĩ của ông: Dá rìu nhiêu đó cũng quá đủ rồi… Quăng chiếc rìu ngã sóng soài trên vệ cỏ sân đình, ông thở hồng hộc vì mệt. Mở nắp chiếc bi-đông nước, ông ngửa cổ tu ừng ực như người chết khát lâu ngày. Giờ thì ai dám nói sợ nữa đi, cánh thợ mộc cứ thế mà đốn và cưa xẻ tùy ý cho kế hoạch đóng bàn giúp tụi học trò nhỏ có chỗ ngồi học.
- Tui dá rìu xong rồi đó Tư Sậy, mấy chú em không tiến hành đốn đi, còn chần chờ gì nữa! - Ông Ba Chủ tịch xã thúc giục.
- Dạ, từ từ… tụi tui sẽ đốn mà. Còn phải cho mấy đứa thanh niên leo lên mé bớt mấy nhánh lá rậm rịt rồi mới đốn được anh Ba ơi! - Chú Tư Sậy thở hắt ra từng hồi, run run giọng như người đang bị cảm mạo. Trời Phật ơi! Gia đình chú trải qua 3 thế hệ: đời ông nội, đời cha rồi đến đời chú nối tiếp nhau sống chết bằng nghề thợ mộc lần đầu tiên mới thấy việc này. Lúc trước nghe phong phanh vụ chính quyền quyết đốn hàng sao cổ thụ của đình thần từ thằng Kha - phụ trách văn thư xã - là cháu họ của má sắp nhỏ, chú nghe mà nổi gai ốc. Dù chú Tư với ông Ba Chủ tịch là chỗ bà con xa nhưng chú nghĩ chuyện làng nước, chú làm sao cản được. Nghĩ tới công việc phải cưa xẻ mấy cây sao này, chú Tư mơ hồ cảm thấy nỗi sợ hãi vu vơ…
*
- Ông tỉnh rồi hả ông? Ba con tỉnh rồi Thảo ơi! - Bà Ba reo lên khe khẽ.
- Bà và… con Thảo… đó hả? Còn thằng Bình đâu? - Một bên má của ông quấn băng trắng kín mít. Ông Ba thều thào nói.
- Ông lo tịnh dưỡng đi. Thằng Bình gửi cho dì Tư dưới quê, đưa nó lên đây mắc công vướng bận thêm.
Ca mổ thành công rồi. Ông bà che chở độ trì, vậy là ông vẫn còn sống. Một chiến sĩ vào sinh ra tử như ông mà khi đối mặt với chuyện mổ xẻ, ông lại hồi hộp và lo sợ. Lo là lo cho chuyện làng xã, chuyện gia đình kìa, chứ ông tiếc gì bản thân mình. Nhớ ngày xưa, trong một trận chiến đấu không cân sức, phía ta hy sinh nhiều. Vì không nỡ bỏ đồng đội lúc bị thương mà từ chỗ công sự ông liều lĩnh cố bò trở ra bế xốc thằng Nghĩa trên vai và là người rút lui sau cùng. Có chết thì cùng chết chung Nghĩa ơi! Tràng đại liên của giặc sớt ngang màng tang nhưng rất may chỉ chạm phần mềm. Lịch sử chiếc thẹo nằm vắt ngang dưới mắt trái của ông là vậy đó… Ông lờ mờ nhìn chai nước biển đang cần cù nhỏ giọt. Rồi ông lại lạc vào giấc ngủ trong trạng thái lơ mơ. Ông nhìn thấy hình ảnh cha ông bị bọn tay sai Pháp chặt đầu rồi cắm ở ngã ba đường để răn đe dân chúng, máu cha chảy lênh láng nhuộm đỏ cả đường thôn. Mẹ ông tìm cách chuộc xác chồng về. Lúc tẩm liệm cha, mẹ đã khóc hết nước mắt, trái tim bà như có muôn ngàn vết cắt theo từng giọt máu còn sót lại của cha chảy ra từ chiếc cổ không đầu. Mẹ đã chết lặng trước câu hỏi ngây thơ của ông: “Mẹ ơi! Đầu cha đâu rồi mẹ?”. Trong đêm đau thương ấy, bà lặng lẽ nén nỗi đau ngồi khâu từng đường chỉ nối đầu chồng vào thân xác đã lạnh ngắt, sau đó bà ẵm từng đứa con lại nghẹn ngào nói: “Nhìn cha các con lần cuối đi mấy con…”. Nghe âm vang từ cõi xa xăm những tiếng khóc tức tưởi thê lương. Và hình như có tiếng ai đó tha thiết gọi ông…
*
- Má sắp nhỏ ơi! Về nhà đi chứ! Sao bà cứ bỏ nhà đi hoài vậy?
- Trời ơi, ông đó hả? Sao ông biết cả tháng nay tui đi lang thang vậy? - Bà Tư Riềng run giọng nói.
- Tui biết hết. Tui biết bà chỉ giả điên giả dại thôi. Con Thảo học trên thành phố, nó nghe người ta nói bà bỏ nhà đi lang thang nên định bắt xe về liền. Về quét dọn lại nhà cửa đi bà, lư hương, bát nước bàn thờ tui với thằng Bình lạnh tanh lạnh ngắt, nhện giăng tứ bề rồi bà ơi! - Bà Tư thấy rõ ràng gương mặt ông trắng bệch y như hồi người ta bỏ ông vào quan tài sắp sửa tẩn liệm. Cái thẹo nằm ngang dưới con mắt trái của ông lại lõm vào như trái dưa chuột bị khoét hết ruột, sâu bên trong là một màu xám ngoét xen lẫn những mảng hồng nhợt nhạt của máu…
Bà Tư lồm cồm ngồi dậy, chiếc nón lá te tua của bà đậy trên mặt chợt rơi xuống vệ cỏ. Tháng 11 âm rồi, hèn gì trời nhiều sương và khá lạnh. Vậy là nguyên đêm hồi hôm bà ngủ co quắp trên băng đá trước cửa đình này. Trời, rờ đâu cũng lạnh ngắt lạnh ngơ. Ủa, cha con Thảo đâu rồi, lúc nãy bà nghe rõ ràng có tiếng ổng kêu bà dậy về nhà mà? Vậy là bà nằm chiêm bao ư? Bà Tư ngó dáo dác quanh hiên đình, bà ngó tận bên trong, chỗ 3 cây sao lần đó ổng quyết đốn để đóng bàn cho tụi nhỏ học. Khoảng trống hoác im ắng lạnh lẽo thật đáng sợ, suốt bao mùa mưa nắng, mấy gốc sao tưa vỏ vẫn ngửa mặt nhìn trời như trách móc… Về thôi! Chắc cha con Thảo và thằng Bình trên bàn thờ cũng trông ngóng bà về để cúng nước cho họ. Người khuất cũng phải cần uống nước hằng ngày giống như người sống chứ! Bà Ba thở dài, rồi quơ vội chiếc nón lá dưới vệ cỏ, tay mở sợi dây mà lúc tối trước khi ngủ bà cẩn thận buộc chiếc quai giỏ dính chặt vào chân ghế đá. Cẩn thận đến thế, ai dám bảo bà Tư điên cơ chứ! Thế mà họ vẫn nói bà là bà già khùng, bà già điên, bởi vì bà có nhà mà cứ đi lang thang không dám về nhà. Gần tháng nay, bà đi loanh quanh khắp các nơi trong xã. Có người thấy tội nghiệp hay cho đồ ăn, khi thì gói bánh, gói xôi hay nải chuối, có người còn dúi vào túi bà ít tiền nhưng bà nhất định không nhận. Bà quày quả bỏ đi còn nghe mấy câu nói đuổi theo: Trời, khùng mà còn sỉ diện nữa chứ! Đêm đến bà nằm tạm ở trường học, trên các sạp ở khu chợ, nhưng chỗ bà ghé nhiều nhất cũng là chỗ đình này. Họ nguyền rủa bà rồi nguyền rủa cả ông Ba: Quả báo nhãn tiền là có đó, đi cướp đồ người khác rồi trời có cho hưởng đâu. Cháy hết. Mạng sống còn không giữ được. Chỉ còn thiếu hai chữ “đáng đời” dành cho gia đình bà mà thôi! Giá mà ông trời cho bà điên thiệt để bà đỡ tủi hổ, đỡ cực tấm thân. Cơ khổ! Ông Ba chết, rồi hai năm sau thằng Bình vì di chứng bị hơi bom chèn ép hồi nẳm đã khiến nó không là đứa trẻ phát triển bình thường. Nó nóng sốt mấy ngày liền và bị động kinh rồi mất, khi ấy nó mới 18 tuổi. Cũng may là ông trời còn thương, bà còn con Thảo em kế thằng Bình. Thảo thông minh học giỏi, lại tháo vát nhất nhà. Nhưng vì việc học nó bỏ bà vò vỏ một mình mà đi miết...
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt trên vai bà từ phía sau. Mấy ngón
tay miết miết vào vai bà có cảm giác ấm nóng thân quen lắm. Bà nghe có giọng nói nghèn nghẹn phả vào tai: “Về thôi má ơi!”. Trời con Thảo, con Thảo của bà. Con về hồi nào vậy, sao biết má ở đây mà tìm? Bà Tư ôm chầm lấy Thảo mà khóc như mưa bấc…
*
Uống xong ngụm trà cho thấm giọng, bác Hai Ngàn - Bí thư xã e hèm mấy tiếng rồi nói:
- Hồi đó lúc bác còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy dưới huyện, bác có nghe cha con đề xướng với Đảng ủy sẽ đốn mấy cây sao làm bàn cho tụi nhỏ học là bác đã lo rồi. Xưa nay đình chùa, miếu nói chung có những cây cổ thụ trồng hàng trăm năm, ngôi đình xây bao nhiêu năm là các cây bấy nhiêu tuổi. Các cây cổ thụ là biểu tượng văn hóa, là bộ mặt của đình làng. Gì thì gì mấy vụ đó cần nên tránh, đừng để bà con gán cho đảng mình hai chữ “vô thần”. Vô thần ở đây là không tin những điều mê tín, nhảm nhí, không tin trên đời này có thần thánh, thế lực siêu nhiên kỳ ảo như trong truyện sách nói mà chỉ tin vào những thứ có cơ sở khoa học. Ông bà ta nói: “Có cúng có thiêng, có kiêng có lành”. Tục lệ ông bà để lại, hễ thờ phượng thì phải cúng kiến, người khuất ăn uống được gì, chẳng qua là lòng tưởng nhớ của người sống mà thôi. Đó là sợi dây thiêng liêng nối liền giữa người đã khuất và người đang sống…
- Còn vụ cái cô Hường gì đó can tội đánh bài, cha con phạt cổ với hai cô nữa bắt mang bảng đi vòng vòng chợ. Hai đêm sau cổ về uống thuốc độc tự tử, lúc đó con còn nhỏ, chuyện thực hư thế nào hả bác? - Thảo run giọng hỏi.
- Ối trời, mệt bà con làng mình quá! Họ nói vì cha con phạt vậy mà con Hường nhục nhã phải tự tử. Ừ mà phạt vậy là quá nặng, lần đầu phạm tội mà, bắt tụi nó viết cam kết là được rồi. Nhưng thiệt ra con Hường có di chứng thần kinh, nó tự tử vì tình con à. Tất cả chuyện cha con làm cũng vì cuộc sống ấm no cho bà con làng mình thôi. Muốn đấu tranh với cái xấu, muốn xây dựng con người mới, nếp sống văn minh thì việc gì cũng từ từ, tư tưởng nóng vội là không nên. Đảng mình có lúc cũng sửa sai đó thôi. Khổ cho cha con, nhà cháy thì ngay lúc nước con rạch ròng sát, thế là cũng đành bó tay thôi, rồi cha con vì cái sẹo hồi chiến đấu do không có điều kiện thuốc men nên băng bó sơ sài, vết thương nó tạm lành đó nhưng bên trong có vấn đề. Cái đó người ta gọi là mạch lươn đó con. Ôi, da thịt, cơ địa mỗi người mỗi khác. Cha mầy mắc chứng tiểu đường mà, vết thương mổ rồi cứ phát tác thêm, hoại tử riết hành hạ sống sao nổi. Chỉ vậy thôi, thiên hạ nỡ nào nói cha mầy bị chư thần ở đình hành đến chết…
- Thưa bác Hai, con đã thố lộ với bác tất cả nỗi niềm rồi đó. Con mong bà con làng mình, mấy bác, mấy chú là bạn chiến đấu với cha con… hãy hiểu cho tình cảnh nhà con! Cha con mất rồi mà vẫn không yên với tiếng đời nguyền rủa, họ lại nói ông trời trừng phạt gia đình con, má con vì buồn chuyện đó mà bỏ nhà đi lang thang, con khổ tâm lắm bác à. Xin phép bác cho con trồng lại mấy cây sao nghen bác! - Thảo bậm môi cố kềm chế xúc động, nhưng vẫn không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn tràn trên mặt cô.
- Bác hiểu mà, con yên tâm đi. Vậy dịp nghỉ lễ, con về quê trồng lại mấy cây sao. Con có cần mấy đứa ở Đoàn Thanh niên hỗ trợ không, bác kêu tụi nó phụ - Ông Sáu đăm đắm hướng về phía đình làng nói.
*
Thảo bưng mâm lễ vật gồm trà, bánh, trái cây, nhang, bông huệ đặt trên gian thờ phụ của đình. Gian thờ chính là khu rộng nhất chỉ được mở cửa mỗi năm một lần khi đến lệ cúng Kỳ Yên. Thảo cắm bông và đốt nhang lên các ban thờ chính và hai bên rồi lâm râm khấn nguyện. Ông Bảy là ông từ giữ đình, tuổi ngoài 80 rồi mà trông còn nhanh nhẹn quắc thước lắm. Ông đứng nép bên ban thờ kín đáo quan sát mọi cử chỉ của Thảo. Văng vẳng bên tai ông, vang lời khấn không quá lớn nhưng ông vẫn còn nghe được mấy câu đầu: Con kính lạy chín phương Trời, mười phương Phật, con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ, Chư vị Tôn Thần của đình làng. Con tên là Nguyễn Thị Thảo, hai mốt tuổi, con của ông Nguyễn Văn Xê, người làng… huyện… Nghe Thảo nhắc tên ông Ba Chủ tịch, ông Bảy chợt xúc động. Rồi tai ông ù ù không nghe được gì nữa, những lời khấn sau của Thảo chỉ vừa đủ cô nghe. Qua làn khói hương bảng lảng, gương mặt xinh đẹp của Thảo trông thật mờ ảo. Mặt cô lạ lắm: vừa thành kính, vừa thiết tha, cô như đắm chìm vào lời khấn mà quên hết mọi vật xung quanh. Trời đất đang thông linh thấu hiểu nỗi lòng cô. Có ai ngờ bé Thảo ngày nào theo má nó dự cúng Kỳ Yên còn giành trái cây chí chóe với lũ trẻ, giờ nó chín chắn đến không ngờ. Ông Bảy hiểu con Thảo muốn thay mặt người đã khuất gửi lời sám hối dẫu có muộn màng đến Hoàng thiên, Hậu thổ cùng chư vị thánh thần. Tổ tiên cùng các bậc chư thần sẽ thấu hiểu tấm lòng của con thôi Thảo à!… Giờ nghĩ lại việc làm của ông Ba trước kia, bất giác ông không khỏi rùng mình. Chú Ba nó ơi, chú có linh thiêng về đây chứng giám cho lòng thành con gái chú nè. Gió từ ngoài sông đang thốc vào từng cơn làm mấy cây nến trên ban thờ muốn chợt tắt, tự dưng đốm lửa từ tàn nhang trên mấy lư hương chợt lóe sáng như pháo bông. Rồi, Ơn Trên đã linh hiển độ trì chứng giám cho tấm lòng con rồi Thảo ơi! Ông vội cài lại nút áo cổ vì tự dưng cảm thấy ớn lạnh như có luồng điện chạy dọc sống lưng rồi lan tỏa khắp châu thân. Ông Bảy sực tỉnh khi nghe giọng trong trẻo của Thảo cất lên:
- Xong rồi ông Bảy ơi! Giờ con với ông ra hiên đình trồng mấy cây sao nghen ông! - Thảo xăng xái lại góc cửa lấy cây cuốc và cái thùng tưới.
Mặt trời đã lên cao. Nắng tháng 9 vàng rười rượi. Ánh nắng ban mai chiếu rọi trên những chiếc lá sao đẫm nước. Thảo dùng cả hai tay trần nén chặt đất quanh gốc một lần nữa như nâng niu, vỗ về những mầm sống. Đoạn cô quay qua nói với ông Bảy:
- Con đã cắm thêm cọc và buộc dây chắc chắn cho từng cây sao rồi, gió có thổi mạnh cũng không ngã nổi đâu. Phần chăm sóc lâu dài chắc phải nhờ ông giúp dùm thôi. Ráng một năm nữa con tốt nghiệp về quê dạy, con sẽ tới thăm đình thường xuyên hơn nghen ông!
- Con yên tâm học đi, quét tước, chăm sóc cây cảnh, nhang khói đình là việc của ông xưa nay mà! - Ông Bảy bịn rịn nắm chặt tay Thảo như thể ông muốn truyền vào cô một niềm tin.
Thảo rơm rớm nước mắt ôm ông từ giã rồi chậm rãi quay bước. Đi được một đoạn, chẳng hiểu sao cô lại ngoái đầu nhìn lại lần nữa chỗ mấy cây sao mới trồng. Ông Bảy vẫn đứng đó, dáng cô độc mà uy nghi. Ánh nắng đậu trên mái tóc bạc, chảy trên người, bao bọc quanh ông như thể ông được nắng dát vàng. Đôi mắt già nua của ông vẫn đăm đắm nhìn về hướng bờ sông. Trước mắt Thảo bỗng hiện lên hình ảnh hàng sao cao chót vót với tán lá sum suê, hàng loạt những bông sao xoay tít từ ngọn bay lả tả trong gió như những chiếc chong chóng. Tự dưng hình ảnh ông Bảy lại mờ dần, mờ dần... Cô nghe âm vang như có tiếng trống đình dội ra từ tâm thức. Và rõ mồn một trước mắt cô, các cụ già đầu đội khăn xếp, mặc áo the đen cười nói rộn ràng trong nhà Võ ca, trong các gian thờ của đình. Các dì, các chị lăng xăng nấu nướng ở nhà khói. Dưới bóng mát của 3 cây sao cổ thụ, những đứa trẻ mặc quần áo xanh đỏ cười như nắc nẻ thi nhau nhặt những bông sao. Không khí vui nhộn y như trong ngày đình cúng Kỳ Yên…
L.H