- Chân dung & Phỏng vấn
- Đào Bá Đoàn – Người đi bỏ mặc nhân gian (phần cuối)
Đào Bá Đoàn – Người đi bỏ mặc nhân gian (phần cuối)
Phùng Văn Khai
Trong một chuyến đi nơi ngã ba biên giới, đêm khuya, cửa khẩu sập sình xanh đỏ. Mọi bộ mặt nửa kín nửa hở được phơi ra. Ai cũng có những ý định của riêng mình, cho dù nhỏ bé ti tiện hay to tát.
Nhà văn Đào Bá Đoàn
Một đoạn tôi viết về anh:
… Họ Đào ở căn nhà ổ chuột cuối ngoại ô. Nhà dột và rất nóng. Trời lạnh thì heo hút như nhà mồ. Ở đó có mấy ả sồn sồn không chồng con, không để ý kỹ không ai biết làm nghề gì, chỉ thấy họ luôn biến đi từ lúc nào, gần sáng mới trở về, luôn phờ phạc, ủ rũ, lo âu, luôn hãi sợ cái gì và thở dài. Có đêm đã khuya, hôm ấy dường như không ai đi làm, những người đàn bà lôi họ Đào đang ngủ dậy bằng được và mời uống rượu, có lẽ là sinh nhật một ả nào đó. Những người đàn bà hôm ấy ăn mặc tươm tất, nhà cửa gọn gàng nhưng cũng không giấu nổi thân phận của mình, nài nỉ ông nhà văn dở dở ương ương có đôi lời khai mào về cuộc đời này, trong hôm nay, về tương lai của chúng em. Họ Đào dụi dụi mắt, ngơ ngác nhìn ra xung quanh, dần dần hiểu được tình thế. Nhấp một ngụm rượu chua loét, gã thong thả nói, nửa nghiêm nghị, nửa hài hước. Những người đàn bà lắng nghe, ai cũng chăm chú, một lúc lại cười ré lên. Một lúc có người khóc rấm rứt, người ngặt nghẽo cười. Đám chúng sinh tội nghiệp không ngờ có một ông thánh sống ở bên mình bao năm tháng mà không biết. Hóa ra ông ấy biết hết chuyện của chúng mình, đời sống và suy nghĩ của chị em ta, cả cái nghề mà người đời vẫn dè bỉu là bẩn thỉu, hèn hạ, rác rưởi kia ông ấy cũng biết. Ông ấy biết và ông ấy còn biết thông cảm cho chị em ta thì không cười khóc khóc cười làm sao được. Chị em ơi, cứ cười khóc cho thoải mái đi, ông ấy hiền lắm. Có khi ông ấy cũng bị săn đuổi, bầm giập giống chị em ta. Ngành nghề đôi bên cũng gần nhau lắm. Họ Đào mỉm cười, gã biểu dương chị em ở đây có tinh thần đoàn kết nội bộ. Khu nhà này đã bao năm không có nạn trộm cắp. Đồ đạc của ai người ấy dùng, thiếu thì xin, xin thì cho chứ không có kiểu thó của nhau, càng không ai to tiếng với ai như thế là có văn hóa đấy. Mọi người hôm ấy mới biết, đã không ít lần họ Đào lặng lẽ trả tiền điện tiền nước cho một số chị em bị đau ốm, khó khăn khi chủ nhà hoạnh họe. Chị em ứa nước mắt nhìn người đàn ông nhỏ bé, hiền từ, suốt ngày hý hoáy, lọc cọc bên chiếc máy vi tính cũ kỹ, ẩm mốc, đã bao năm nay lặng lẽ như cậu học sinh ngoan câm điếc bẩm sinh. Ở xung quanh mình, luôn có biết bao điều mới lạ. Những người đàn bà liên tiếp rót rượu ra chúc gã, lời chúc ngây ngô, chân thực. Ai cũng xúc động, nước mắt gã cũng rịn ra. Rượu cay quá. Tình đời cay quá. Những chén mừng này hãy cùng nhau uống cạn. Nào, uống cạn! Bể dâu này hãy cùng nhau vượt qua. Nào, vượt qua! Từ bây giờ ông anh là đại ca của chúng em, thủ trưởng của chúng em, ông anh thích gì chúng em chiều tất, chúng em sẽ luân phiên hầu hạ ông anh đến nơi đến chốn trong cuộc đời còn lại của mình, ông anh nhé. Thôi từ mai, ông anh không phải đi đâu cả. Cứ ở tại gia đây thôi. Cuộc đời chúng em đây đã là bao nhiêu kho thực tế rồi cần gì phải đi tìm hiểu thêm ở đâu nữa. Chúng em sẽ kể về cuộc đời mình cho ông anh mà ghi chép lại cho đời sau, cho con cháu chúng nó biết, không mai kia chúng nó tưởng đời chúng mình sung sướng lắm, ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc lắm phải không ông anh. Thôi, từ rày trở đi ông anh không phải đi làm ăn gì cả, cứ ở nhà viết lách, chúng em nuôi. Nhìn cái tạng ông anh, ăn uống mấy nả, cả cái chuyện kia nữa ông anh cứ yên trí, tha hồ thoải mái, muốn đứa nào cũng được. Chúng em thấy ông anh cũng là người có nghĩa khí nên mới mong muốn thế chứ thằng khác đừng hòng. Tẩn thì phải nôn ra. Như thế có được không hả các chị? Nào, cạn! Tất cả bát chén giơ lên, va lanh canh. Những người đàn bà ngấm men say, mắt sáng rực lập tức reo lên, vỗ tay đón chào một sự kiện lạ lẫm, hi hữu xảy ra ở cuộc đời mình. Mà thế thật, suốt đời họ toàn phải lo lắng, đối mặt, gánh chịu những cộc cằn, chửi rủa, bị ăn cướp, ăn quỵt và hãm hiếp, có bao giờ được nghe những điều nhẹ nhàng, phải trái, thông cảm, yêu thương, hiểu biết và chia sẻ với thân phận họ. Những người đàn bà ở đây ai cũng từng đi từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, lường gạt này sang lường gạt khác, hãm hiếp, bắt bớ, đánh đập triền miên. Chỉ đến khi họ lẩn được về đây, ngôi nhà này, mới phần nào yên hàn, một yên hàn tạm bợ, phập phù, đầy lo lắng. Hôm nay, họ tình cờ biết đến những thân phận khác, những con người ngay bên cạnh, cảm thông cùng họ, chia sẻ và hiểu biết tất thảy những gì về họ. Quan trọng hơn, người ấy không coi thường họ, sẵn sàng tham dự vào cuộc vui cùng họ, và cười, và khóc cùng chị em. Chỉ có thể là Phật là Thánh mới làm được điều ấy. Anh ơi! Chúng em cảm ơn anh nhiều lắm. Chúng em cảm ơn đời. Chúng em cảm ơn lắm lắm. Cứ thế, những người đàn bà say bắt đầu ê a hát, đủ mọi loại giọng, đủ mọi sắc thái, ái, ố, hỉ, nộ chen chúc vang lên. Họ Đào cũng hát, hôm nay gã hát rất hay, từng câu từng chữ tròn vành, rõ tiếng. Bài hát về cuộc đời đầy sóng gió của một gái giang hồ và chàng trai trong mộng. Người tình trong mộng bỏ đi, cô gái thay vì trẫm mình xuống dòng sông mù quáng đã kịp thời tỉnh ngộ, đến với vùng đất mới làm lại cuộc đời mình. Và chính dòng sông mà cô gái định trẫm mình, đã dang rộng vòng tay chở che, vỗ về, đón cô đến vùng đất mới. Như nghe được cả tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi và trái tim yêu cuộc sống của cô gái đập dạt dào. Những người đàn bà nắm tay nhau, nhảy múa xung quanh họ Đào, nhảy miên man theo lời bài hát cũng miên man tưởng chừng không bao giờ dứt. Đêm ấy, khu nhà đổ nát như một lâu đài lung linh, huyền ảo, không có thật ở trần gian. Ước gì đêm nào cũng như thế nhỉ. Rồi gần sáng, tất cả lăn lóc say, cả ông anh cũng say li bì, nằm ngổn ngang cùng với mấy cô em. Cũng chả ai để ý, vì khu nhà thông thường ban đêm chỉ họ Đào lặng lẽ, tí tách bên máy tính, còn các cô em thường đi những đâu đâu, tảng sáng mới về. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Họ lăn ra, ôm nhau ngủ. Khu nhà chìm vào im lặng. Cái âm thanh duy nhất là tiếng khóa cửa lạch xạch của họ Đào, và khi sáng hẳn tiếng xe máy nổ bành bạch thả làn khói xám vào trong giấc ngủ của các cô em vẫn đang say lăn lóc, li bì không biết trời đất gì nữa. Sau cái đêm diệu kỳ ấy, rốt cuộc sự việc đâu lại vào đấy. Chả ai hầu hạ gì ai. Ông anh vẫn lụi cụi công việc của mình. Mấy cô em cũng vậy, họ điềm nhiên lao vào cuộc đời riêng, đam mê riêng của họ. Ông anh là người tốt bụng, hồn nhiên chứ không phải thánh thần. Một lần, vào tảng sáng, có gã ma cô dìu một cô em bê bết máu về quăng ngay đầu nhà. Nghe tiếng động, đang kỳ cạch bên máy tính, ông anh ngáp ngắn ngáp dài đi ra tìm hiểu sự tình. Người cô em mềm nhũn, máu me be bét. Lôi vào trong phòng, ông anh dùng phích nước gột rửa, lau mặt mũi cho cô em rồi đặt lên giường đắp tấm mền ẩm mốc, hôi rình cố hữu của mình. Cô em ú ớ, khe khẽ rên rồi lăn ra ngủ. Ông anh nín lặng thở dài, lạch xạch dắt xe đi làm sớm. Chiều về, không thấy cô em đâu. Không một lời cảm ơn. Không một dòng địa chỉ. Chiếc máy tính cậm cạch, chiếc quạt cũ sứt sẹo và chiếc đồng hồ treo tường đã bị tháo đi không một lời nhắn gửi. Cũng lặng lẽ như không, ông anh quay xe, đi về phố máy tính cũ, rước về một chiếc. Mấy đêm tiếp đó, điện phòng ông anh bật sáng cả đêm. Ông anh ngồi đăm chiêu, bóp đầu bóp trán khôi phục lại số bản thảo cũ, thỉnh thoảng nhăn nhó, miệng lẩm bẩm điều gì đó, như là chửi rủa trí nhớ tồi tệ xuống cấp của mình.
…
Nỗi đau có thật không, tôi cũng không biết nữa?
Nhưng đó là anh.
*
* *
Anh là người rất nghiêm túc với văn chương. Với cuộc đời Đào Bá Đoàn xuề xòa dễ dãi bao nhiêu thì văn chương anh khe khắt bấy nhiêu. Anh em sáng tác trẻ rất thích được anh đọc các sáng tác mới của mình khi còn ở dạng bản thảo, kể cả một số đã khá thành danh trên văn đàn. Anh đọc nghiêm túc và luôn phát biểu chân thành. Do có một nền tảng triết học khá vững nên Đào Bá Đoàn luôn nhìn tác phẩm dưới lăng kính triết học. Có khắt khe đấy. Có đớn đau đấy, thậm trí có thể gây buồn phiền, đứt gãy mạch cảm xúc của người viết nhưng anh luôn thẳng thắn và chúng tôi cảm phục về điều đó. Hay ho gì khi cứ khen chê nhau một cách chung chung, nhợt nhạt, đàng điếm và xu thời lố bịch để hậu quả cuối cùng là làm tổn hại văn học. Nhưng anh thường không mấy khi nhận lời đọc và nhận xét vì biết chúng tôi phần nhiều cũng là loại háo danh nhiều khi chỉ ưa thích được khen, muốn được bơm thổi một cách phù phiếm. Không phải ai cũng trở thành chính nhân quân tử được, đặc biệt trong giới văn đàn vốn không hiểu sao luôn giả nhiều hơn thật, dở nhiều hơn hay, chỉ giỏi lợi dụng văn chương để mưu cầu những lợi ích khác.
Với cá tính của mình, anh luôn lảng xa chốn ồn ào mà lặng lẽ rút mình về những thiệt thòi của giới cầm bút đích thực. Giới cầm bút cũng rất nhiều hạng nhưng những người thiệt thòi và tài danh thực sự họ luôn tìm đến nhau. Không phải là những động viên suông mà là cảm hiểu bằng tâm thức của người đồng cảnh ngộ. Tôi nhớ một cuộc anh phỏng vấn nhà thơ Dương Tường và thấy ngay điều đó. Cuộc phỏng vấn rất ít chữ, đôi lúc tưởng như hai người hỏi nhau rất bâng quơ về những việc đẩu đâu nhưng nếu đọc thật kỹ văn bản thì bài viết ấy đã đạt được một độ sâu đáng thán phục của thể loại. Thực ra họ trò chuyện với nhau cơ bản bằng im lặng và chỉ có thể trong im lặng, ngôn ngữ của họ mới bộc lộ hết được vẻ đẹp của nó để sau đó mới là văn bản. Đúng như tác giả Phạm Lưu Vũ đã từng nói, đại ý: Đào Bá Đoàn có những câu văn chúng ta khó có thể theo được, nó là một thứ văn của không gian ba chiều, của một thẩm mĩ thăng hoa nhưng luôn sâu đằm và chín nục, thực ra nó là văn của thứ giời cho.
Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên về cái sự im lặng lâu bền của anh trong giới và trong cuộc sống. Có những điều chúng ta không thể hiểu nổi như việc không ít tài năng khi chết đi mới được công nhận, thậm chí là sau hàng trăm năm còn bị nguyền rủa trước khi những đóng góp nghệ thuật của họ được vinh danh. Tôi không dám hồ đồ hô hoán anh là một tài năng nhưng những đóng góp bằng các sáng tác của mình bởi anh luôn khiến tôi phải ngẫm ngợi. Tại sao các tác phẩm trung bình, thậm chí non yếu khác cứ luôn được tung hô và nhận các giải thưởng để rồi sau đó rơi và sự im lặng, thậm chí chúng ta thấy xấu hổ khi nhắc đến chúng. Tại sao nhiều người ngoài cái tên trống rỗng ra thì thực sự chỉ là một con số không lại luôn tô son chát phấn, com lê cà vạt di động từ diễn đàn này sang diễn đàn khác rao giảng văn chương cho khắp thiên hạ, mà chúng ta, ai cũng biết điều đó là lố bịch nhưng cứ để mặc kệ điều đó diễn ra. Điều này chúng ta ai cũng biết nhưng lại luôn luôn lảng tránh câu trả lời.
*
* *
Tôi có nhiều chuyến đi với anh.
Trong một chuyến đi nơi ngã ba biên giới, đêm khuya, cửa khẩu sập sình xanh đỏ. Mọi bộ mặt nửa kín nửa hở được phơi ra. Ai cũng có những ý định của riêng mình, cho dù nhỏ bé ti tiện hay to tát. Cái quán nhỏ dựa hẳn vào triền núi. Ngoài trời mưa rơi, gió rét và ẩm mốc kinh khủng. Trời khuya, những ánh điện vàng vọt đẫm nước mưa hắt xuống loang lổ, nhớp nháp. Y và gã ngồi đối diện người đàn bà tàn tạ rách nát khó đoán tuổi. Chị hơn bốn mươi hay năm mươi? Hay tuổi chị còn nhiều hơn thế. Chị xin gã điếu thuốc. Gã móc trong người ra bao thuốc quăn queo, nhàu nhĩ chỉ còn vài điếu. Gã mồi thuốc cho chị. Trong ánh lửa lập lòe, mắt chị lóe lên như mắt mèo hoang. À, một hồ ly tinh buổi chợ chiều nơi biên ải. Một giang hồ lăn lóc, bao nhiêu lục lâm thảo khấu đã đi qua. Ả mỉm cười ranh mãnh như muốn bảo. Ôi dào, các chú mày vừa đi tẩn nhau chán đêm buồn không ngủ được lang thang chứ gì. Nhìn các chú, chị biết tỏng hãy còn ngây thơ lắm. Mấy đứa ranh vào nghề dăm bảy năm chăn dắt các chú chắc bây giờ không còn tiền đi chợ. Phải ngữ các chú vào tay chị ngày xưa chị dạy cho mấy bài rồi làm ăn với đời may ra mới trụ được. Chị rít thuốc, đầu điếu thuốc đỏ lên, lút sâu một đoạn, cái tàn dài ngoẵng trắng nhờ cong hếch. Gã châm một điếu, nhìn chị như nhìn một người mẹ ghê gớm vừa đánh oan con. Chị thầm thì với ánh mắt trong veo ấy. Ôi các con. Cuộc đời, cuộc đời của chị, của mẹ đây khép lại rồi, còn gì đáng kể đâu hả đôi mắt non tơ ngơ ngác. Rồi các con cũng thành hổ báo cả thôi. Biết bao nhiêu non tơ hiền lành trở thành hổ báo, rắn rết. Chị giơ tay xin điếu thuốc nữa. Điếu thuốc cuối cùng gã mồi cho chị trong tiếng thì thầm chị kể đứt nối về cuộc đời mình. Chị là một gái hoang hoàn toàn, không cha mẹ, không quê quán, cũng không biết thân sinh là người da vàng, da đen, da nâu hay da trắng. Nơi thành phố phồn hoa ngày ấy giới ăn chơi ai lạ gì chị. Chị vào đời hay cuộc đời mượn chị bày những cuộc chơi thảm khốc. Những ngày làm tình trong tiếng súng và dao kiếm, hoa tươi và nhạc và rượu thâu canh. Mẹ cha nào đã sinh ra một cơ thể vô địch nhường ấy. Lũ đàn ông luôn bảo chị được phối sinh từ sư tử, chó sói, mèo hoang và beo rừng. Chúng nổ súng ầm ầm và đâm chém nhau bên chị. Chúng cao thượng và thấp hèn, chúng tước đoạt và hiến dâng. Bên chị, dòng sông đêm đêm miệt mài chảy, ngoài xa kia, nơi cửa sông, nơi cửa biển, tận đại dương là những con tàu. Chúng hú còi chào chị, chào một đại dương bí ẩn, ào vào lòng biển ấm áp khôn cùng. Chị tự hào nghề của mình. Chị tự hào những thằng lính trận, cướp đường, quan chức, ăn xin và chị ru chúng ngủ bằng bản năng của lòng sông lòng biển. Thời gian trôi chậm chạp, hiền từ và rong ruổi. Thật lạ lùng, chị không già đi, sức lực ở đâu hay thánh thần nào nâng niu chị. Mười mấy hai mươi năm hay nhiều hơn chị không còn nhớ nữa. Chị cũng không nhớ tên mình hoặc một tên ai trong số hàng trăm hàng ngàn cái tên đã đi qua. Khi bọn chúng không còn súng đạn dao găm để nổ và đâm chém, không còn đô la, không còn cao thượng, thấp hèn thì chị mới thấy mình chỉ còn là một con suối nhỏ róc rách chảy nơi ngã ba biên giới. Con suối chảy róc rách đã bao nhiêu năm? Hai mươi năm hay là hơn hai mươi năm? Bây giờ, những cảm giác lạ bắt đầu gặm nhấm tâm can chị. Có những lúc, chị thấy rợn khắp người một rùng mình bí ẩn, lờ mờ xen trong tiếng súng tiếng dao. Chị sợ ai đó đọc được nét mặt hốt hoảng khoảnh khắc và mỉm cười xấc xược trước những bối rối tích tắc ấy. Không ít lúc, cảm giác lạ ngày một dày lên, chị lơ đễnh trước những lời tục tĩu xung quanh và mắng mỏ những sỗ sàng vặt vãnh. Chị trôi vào một thế giới khác. Đã có lúc chị nghĩ đến ngôi chùa hoang trên núi nhưng chao ôi trên ấy không có tiếng người. Chỉ những đá xám lau ngàn vi vút, lạnh lẽo, đơn độc. Ở nơi đây, dòng suối róc rách còn thấy những đánh chửi, cướp giật, lường gạt, chém giết. Nó hơn nhiều sự im lặng, nó hơn nhiều tiếng gió tiếng mưa. Đêm càng khuya, tiếng róc rách càng rõ, trong hơn, ngân nga những hình ảnh nối nhau của cuộc đời. Một ả điếm già trải bao chế độ nơi biên giới khi tâm hồn cô quạnh thở than róc rách? Cũng một kiểu mua vui bằng thân phận. Gã móc mấy đồng bạc lẻ đặt vào bàn tay khô khẳng, nhăn nheo phía trước. Tạo hóa công bằng lắm. Cứ tưởng thách thức được thời gian bất chấp những cho nhận ư? Khi biết đường xa dặm thẳm mọi việc đã không còn trong tầm tay của mình nữa. Người đàn bà cười gằn, vơ mấy đồng bạc trong tiếng suối róc rách. Chị nhìn sâu vào mắt gã, một non tơ bất chợt cười cợt lão luyện giang hồ hay đã đến lúc mạt vận tàn canh thực sự. Rồi lũ non tơ này sẽ dắt nhau về đâu, ra biển ra hồ hay về ao về suối. Chị lại nghĩ đến ngôi chùa hoang trên núi, nơi chỉ có đá lạnh lau ngàn vi vút. Trước cửa là cái giếng đá sâu hoắm lạnh lẽo cô hồn. Nó là một giải thoát cho chị? Sao hôm nay mình suy nghĩ nhiều thế? Trước hai gã ranh con và mấy đồng bạc lẻ đã khiến ta day dứt ư. Khuôn mặt người đàn bà rắn đanh. Mấy tờ giấy bạc biến mất không tiếng động. Ngoài trời ánh điện vàng vọt, loang lổ. Gã đứng lên, một vật gì nặng trĩu đè lên mái tóc bờm xờm tổ quạ thấm đẫm sương. Hai thằng đàn ông lặng lẽ đi vào bóng tối.
Tôi đã xâu chuỗi những suy nghĩ của tôi và anh, cả sự tưởng tượng về người đàn bà kia như thế, chẳng biết có đúng không.
*
* *
Đào Bá Đoàn có những đoạn văn đẹp đến thắt lòng:
… Sau khi ông lão qua đời được đúng một năm, bà lão vào Nam sinh sống với con, ngôi nhà ngói ba gian ở giữa cánh đồng để hoang tự bấy.
Bắt đầu bằng lá rụng đầy vườn. Hoa gục xuống dậu. Những cái gì khô – nhẹ chạy đến tận hiên nhà, vui chơi và ở luôn tại đó.
Rồi, cỏ bắt đầu phủ lối đi vào ngõ. Ngõ mờ rêu xanh. Cỏ bò vào kẽ nứt của mạch xi măng giữa các hàng gạch sân. Rêu nhú mầm ở cửa.
Ngôi nhà đã chính thức được gọi là hoang liêu khi gió có tự do – gào thét hoặc thầm thì; tiếng chim không còn nhút nhát nữa – thong thả, rồi cũng có khi là quyết liệt chói gắt hơn.
Như thế… để đón chờ một cái gì không giống trước?…
Mùa sinh sản.
Chim về làm tổ.
Nhiều.
Không đếm hết được.
Chim trống – chim mái bay đi bay lại, bay vào bay ra, bay xa bay gần. Hăng say, cần mẫn.
Ngày.
Tháng.
Chẳng mấy đã có tiếng chim non gọi – đòi…
Tiếng chim non là thành công của sinh. Là tương lai đã được nở. Hiện tại đã từng trôi đi. Là luân chuyển.
Tiếng chim non.
Tiếng chim non không dịu dàng. Nhưng tiếng của chim bố mẹ thì dịu dàng.
(Chỉ để bay qua một bình minh)
*
* *
Trong một sáng tác của anh, có một người hấp hối không ai cứu. Họ sợ người nọ chết trên địa phận của mình nên đùn đẩy nhau, người này dưa người kia, cuối cùng người ta quyết định thuê một anh kéo xe bò chở người hấp hối đến một trạm xá hẻo lánh vùng giáp ranh. Chiếc xe bò chở người hấp hối lọc cọc đi trong đêm, suốt đêm, hết nơi này nơi khác cũng chả đâu nhận. Nơi nào cũng có lý lẽ riêng để không nhận. Họ còn đòi đánh người kéo xe và thủ tiêu người hấp hối trên xe. Cùng quẫn, không đường về, không đường đến, người kéo xe và người hấp hối ôm nhau khóc, nước mắt đỏ như máu nhỏ sang nhau. Trong suốt chặng đường gập ghềnh gian khó cái đêm ấy, anh kéo xe tâm sự với bạn mình, là người hấp hối kia rằng, anh ơi, tôi mệt quá rồi, ước sao tôi được như anh, cứ hấp hối chết dần thế lại hay, ước gì tôi được chết, được hấp hối cho dù chả ai kéo tôi đi đâu cả. Mà kéo tôi thì ích gì. Thôi, để tôi kéo anh ra sông. Chúng ta cùng chết. Dù sao thì chết ở sông cũng mát mẻ hơn, đỡ tù túng hơn. Cũng có khi không một ai đùn đẩy nhau vớt tôi với anh lên đâu. Chúng ta trôi dạt nay đây mai đó ở cõi đời này, trên dòng sông này. Khi đã chết rồi chả ai mắng mỏ, tị nạnh, ghét bỏ chúng ta. Ô hay, chính cái chết là tự do, không còn phiền toái gì nữa. Tôi và anh cùng chết. Tôi cũng đã muốn kết thúc cuộc đời mình, anh bạn ạ. Cứ thế hai con người lạc lõng tâm sự với nhau trong im lặng. Một điểm mạnh của Đào Bá Đoàn là luôn để nhân vật của mình tự sự trong im lặng. Anh có biệt tài (sáng tạo hay tối tác?) là để cho các nhân vật của mình luôn độc thoại và những độc thoại ấy thường không liên quan gì đến nhau. Trong câu chuyện, cách kể chuyện như thế tưởng chừng rất rời rạc nhưng nó chỉ rời rạc với những người non tay, còn với anh lại khác. Tôi đã thấy rằng, trong các truyện ngắn mà anh viết, hễ các nhân vật, các tình thế trong câu chuyện mà cảm thông hoặc liên kết được với nhau y như rằng câu chuyện kết thúc hoặc nếu không thì là một câu chuyện hết sức dở. Đúng là sáng tác mỗi người mỗi khác và chính cái dị biệt đã làm lên thành công những sáng tác của anh. Nhưng cũng phải nói rằng, trước hết, trên hết là cái giọng văn của anh. Không giống ai đã đành. Mới mẻ kỹ lưỡng đã đành nhưng phải nói thẳng ra là, đó là một thứ văn chờn vờn ma mị được ẩn giấu dưới cái vẻ bề ngoài lam lũ, xộc xệch như một ông hoàng khoác áo hành khất. Viết đến đây, tôi chợt thấy văn chương của anh phảng phất hơi hướng của thi sĩ Bùi Giáng. Cũng rất triết học. Cũng rất hiện sinh. Tưởng lánh đời nhưng hết sức nhập thế. Tưởng luênh loang diệu vợi nhưng luôn cô đúc đằm đẵm chất người. Sống với anh thời gian dài, nhân đây tôi cũng xin nói ra, về đời sống và cá tính anh khá giống trung niên thi sĩ. Cũng luôn có những cơn điên điên chập chập như thế. Một lần, sau khi uống liên miên cùng với nhiều tốp văn nghệ sĩ ở nhà tôi bỗng anh đi đâu mất. Mọi người mặc kệ vì cũng đã quen như thế. Anh thường đi bất đồ và chúng tôi cứ việc câu chuyện văn nghệ trên trời dưới bể quanh chiếu nhậu đến nửa đêm thể nào đói bụng anh cũng trở về. Tôi chỉ việc để cửa và để ra đấy một rổ rau bên nồi cháo cùng bình nước lạnh là ngài ưng ý lắm. Thế mà đến tảng sáng vẫn không thấy chó hàng xóm cắn như mọi lần, chỉ tiếng gà thanh thản, nhu nhơ báo sáng. Đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì có tiếng chuông điện thoại reo. Chẳng khó khăn gì tôi đã nhận ra ngay được sự việc. Tôi xách xe máy đi ra chân cầu sông Lăng, bên bốt điện, cám ơn mấy tay bảo vệ tuần đêm rồi đánh thức anh dậy, đưa anh về. Vừa thay bộ đồ ướt sũng bèo tấm bèo cái quấn đầy vừa không hết ngạc nhiên và cả kinh hãi khi mấy tay bảo vệ cho biết suốt đêm qua anh cứ bơi từ bên này sông sang bên kia sông đến tảng sáng mới leo lên chân cầu thiếp giấc. Mới đầu họ tưởng có con cá lớn trở trời đốc chứng hoặc gia súc nhà nào ngộ dại trên sông nhưng khi biết đó là một người đàn ông vừa hăm hở bơi vừa trò chuyện một mình thì họ cho là người khùng cứ để mặc kệ. Khi anh lên bờ thiếp giấc, họ mới đến gần xem và trong toán bảo vệ có người nhận ra là bạn tôi bèn rút điện thoại. Đến mười giờ sáng hôm anh tỉnh, sau khi ăn bát cháo hành và tắm táp sạch sẽ đồng thời nghe tôi thuật lại, thoạt đầu anh không tin nhưng nhìn ra sân, bộ đồ của anh còn dày đặc những bèo tấm bèo cái anh chỉ tủm tỉm cười.
Tôi nói cách sống anh giống Bùi Giáng là ở nhiều những chi tiết như trên.
*
* *
Trong thâm tâm, với những gì anh trình bày ra bằng văn chương, bằng đời sống trong đó có sự dấn thân của cá nhân anh tôi luôn tin anh đến với văn chương bằng một nỗi đau nhân thế và tấm lòng trong sáng kiệt cùng của người cầm bút. Thứ văn chương mà anh hướng tới là một thứ văn chương thuần khiết được thể hiện mới mẻ cả hình thức và nội dung. Chúng không chịu bất kỳ một sức ép phi nghệ thuật nào. Chúng có đời sống riêng của chúng và chúng góp vào đời sống con người những thanh âm hữu ích. Ao ước của anh, ôi sao giản dị và trong sáng quá chừng nhưng trong lúc này đây, điều giản dị và trong sáng ấy tại sao khó có thể thực hiện được. Điều này tôi không đủ sức trả lời cũng như tôi không có trách nhiệm phải trả lời. Chính tôi cũng đang phải luồn lách, chống đỡ, hãi sợ những thứ mơ hồ phi văn chương nhưng luôn neo cột, nhắc nhở thậm chí dọa nạt ngòi bút của mình. Những ràng buộc biến chúng tôi trở lên ngày càng nhỏ bé xiết bao trước sôi động của cuộc sống, trước sự thật buốt lòng của con người mà lẽ ra một ngòi bút có lương tâm phải nên tiếng. Tôi luôn day dứt khi nghĩ đến điều đó. Tôi luôn day dứt khi thời gian cứ trôi vùn vụt mà lũ cầm bút chúng tôi chỉ trình ra được những sản phẩm làng nhàng, những sản phẩm như là để dâng hiến, làm vừa lòng một thế lực xa lơ lắc nào đó chứ không phải quần chúng cần lao đang đêm ngày vật lộn mưu sinh tha thiết mong muốn chúng tôi lên tiếng về những khốn khó, thiếu thốn, tối tăm mông muội mà họ đang phải gánh chịu một cách khó hiểu. Cũng như anh, tôi luôn mong muốn văn chương của chúng ta phải khác, phải giải quyết và làm bổn phận đúng chức năng xã hội của nó, chức năng góp một tiếng nói để con người ngày càng hoàn thiện hơn, những dự báo mà lương tâm từng day dứt, nghiền ngẫm và vật vã mà chúng tôi thì cứ loay hoay trong những khuôn phép vớ vẩn do chính sự hèn nhát và yếu kém của mình đặt ra.
Cũng như anh, có không ít lúc tôi rơi vào bế tắc và khủng hoảng nội tâm, luôn cảm thấy như mình có lỗi với ngòi bút, với con người và như càng hiểu những cố gắng chuyển xoay tình thế của anh, của văn chương anh trong cuộc trường chinh chữ nghĩa dằng dặc mà chúng tôi như là những tội đồ.
Chúng tôi quý trọng anh và văn chương của anh cũng bởi vì lẽ ấy.
P.V.K