TIN TỨC

Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
213 lượt xem

BÙI PHAN THẢO

(Đọc tập thơ “Mắt nhớ” của Nguyễn Văn Minh)

Thơ Nguyễn Văn Minh góp mặt trên thi đàn gần 10 năm qua, ngoài những tập in chung, anh đã in riêng 3 tập: “Hoa dã quỳ” (2017), “Hoa cải vàng lạc dấu” (2000) và “Mắt nhớ” (2024) – cùng NXB Hội Nhà văn. Với tập thơ mới nhất, “Mắt nhớ”, cho thấy Nguyễn Văn Minh đã định hình phong cách thơ trữ tình và có ý thức trau chuốt, dụng công, làm đẹp hơn, hay hơn cho tác phẩm.

Thơ Nguyễn Văn Minh càng chín dần lại càng rõ thêm cái duyên ngầm. Như con người anh ngoài đời, hay cười tủm tỉm, nói chuyện nhẹ nhàng, cái duyên vận vào thơ. Nhiều người đi chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), làm thơ về đề tài này rất nhiều, song Nguyễn Văn Minh có cách nói khác, từ bỏ lửng nửa chừng buổi đầu làm quen: “lời mời em thả sóng say/ tôi miền xa đến ngất ngây, để rồi…”, đến nghĩ ngợi xa hơn, gặp nhau như sự tình cờ, biết khi nào còn gặp lại nhau: “biết là cá nước chim trời/ mênh mang con nước vợi vời về đâu” rồi thốt lên: “thương em nênh nổi bể dâu/ để anh mua hết dãi dầu được không?” (Ai đi chợ nổi Cái Răng?)

Đây rõ ràng không phải là một câu nói chơi, đãi bôi cửa miệng mà là tiếng lòng thành thật. Thương em vất vả nổi trôi sông nước, muốn mua cho em những dãi dầu bằng sự cảm thông và trái tim đa cảm của nhà thơ, qua cách nói chuyện dễ nghe, có cái duyên thấp thoáng nụ cười.

Cái duyên đó cũng thường được cha ông nhiều đời thể hiện, đôi khi nói phóng lên, ngoa dụ một chút: “ô kìa, cá xanh cá đỏ/ không em chúng cứ hững hờ” (Nha Trang miền nhớ), song người đọc lại không thấy xảo ngôn để khó chịu, mà chấp nhận bởi tin vào tình cảm của thi sĩ dành cho người đẹp lâu rồi chưa ghé lại Nha Trang. Cũng lối diễn đạt ấy, người đọc cảm thông với chàng trai vừa khéo ăn nói kiểu “trai quê”, vừa bộc trực dân dã ruộng vườn khi ghé thăm làng bưởi Biên Hòa:

“Ngẩn ngơ theo bước chân son/ nửa ngày chưa tỏ trái non hay hường”

Nửa ngày trong vườn mà không rành rẽ về cây trái, bởi cứ miệt mài theo bóng hồng: “đan mê dệt mộng lời yêu/ mải vui quên cả nắng chiều nhạt phai”. Đến phút chia tay, vần thơ nháp vội. Câu chuyện lãng mạn, cách nói của những người thế hệ đã đầu hai thứ tóc, song cũng có thể tái hiện giữa vườn bưởi của thời công nghệ 4.0 nếu trái tim còn đập vì một mùi hương bưởi trên tóc, vì một lời nói, ánh nhìn với những người trẻ tuổi hôm nay.

Những đôi mắt đi qua cuộc đời được nhà thơ mang theo, tìm kiếm. Từ “mắt hồ thu sóng nghiêng ngả anh rồi”, “hương sữa nồng nàn em mắt biếc và mơ”, “đá cũng buồn mắt ướt đẫm hồn thơ”… đến bất chợt mắt ai trên bến Ninh Kiều, “mắt hớp hồn phiêu chẳng muốn về” của em gái cao nguyên…, thơ Nguyễn Văn Minh cứ nói một cách thiệt thà mà dễ làm xao lòng những giai nhân thấp thoáng. Cũng những đôi mắt của những người con gái khắp mọi miền đất nước rọi lòng thi nhân, vương vấn chân đi. Bắt đầu từ lời trách khéo:

Nếu em không liếc nhìn ngang/ thì sao em biết anh rằng ngắm em/… dùng dằng nửa ở nửa đi/ trong đôi mắt ấy nói gì thế em” (Nếu em)

Bên bờ sông La, mùa hoa sim nở, màu hoa ấy khiến đôi mắt vào thơ đẹp dịu dàng: “bởi đôi mắt ấy cứ đăm đắm chiều

Những người con gái sang ngang, để lại nỗi buồn cho thơ riêng giữ, để những đôi mắt đi vào nỗi nhớ mang theo suốt đời người:

Thu đi lá vàng mắt nhớ/ trút buồn ngập cả hồn thơ/ tháng mười nhà bên chạm ngõ/ thương cho cây bàng lá đỏ/ bấc về, đông đến chơ vơ” (Mắt nhớ)

Trong những giờ phút cô đơn trên đường đời, thi nhân nhớ người con gái cũng tha hương, ai cũng xa quê và xa nhau, những vết tìm nhau bên bờ đại dương cũng bị sóng xô, trôi mất: “trách mình phận con còng gió/ khạo khờ vê sóng trùng dương” (Phận con còng gió)

Chân lãng du về lại quê nhà, sông vẫn bên bồi bên lở, gió đổi mùa tái tê, nhớ một người đi mãi không về:

Bến yêu ơi, hoa cải đã về trời/ bông gạo đỏ rưng rức miền nhung nhớ/ bến sông xưa một chấm con đò nhỏ/ cắm con sào chờ mãi một người xa” (Bến đợi)

Cùng với những đôi mắt, thơ Nguyễn Văn Minh cũng nói nhiều về mùa xuân. Trong mùa xuân mới, nhớ về người lính ở Trường Sa, đang canh giữ biển trời “biển cồn cào sóng nhớ/ bâng khuâng chiều xuân mơ”. Đi giữa đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) những ngày Tết, thi nhân như trẻ lại bên người bạn đường má đỏ bồ quân, cùng ước ao trở lại tuổi thanh xuân.

Rộn ràng đó để rồi lại bâng khuâng. Nhớ lại những ngày xa, đi hội Lim xứ Kinh Bắc:

Hội Lim cho má em hường/ lúng liêng môi thắm hoa nhường anh mơ/ hội tan tìm cái ngẩn ngơ/ đợi em quán dốc câu thơ lạc vần” (Du xuân)

Không biết dưới gốc đa năm ấy, lời hát lý cây đa còn vọng, để nhớ cái nón ba tầm, cái áo năm tà, để câu thơ da diết, ngẩn ngơ buồn. Tháng ba, hoa xoan vẫn tím mà xuân vội rời đi: “mong mãi đợi ngày xuân chín/ để giờ ngơ ngác mình tôi/… người xưa vẫn đợi em về” (Vội vàng xuân)

Với thi phẩm này, Nguyễn Văn Minh để lại khá nhiều dấu ấn đáng chú ý. Anh có những nỗ lực sáng tạo, đem lại sự mới mẻ trong cách nhìn sự vật. Giữa mùa thu cao nguyên, anh viết:

Nhớ thu nhạt nắng Buôn Mê/ nhớ mưa trắng phố, cà phê lửng chiều/ thu về ngan ngát mùa yêu/ bâng khuâng rối cả nắng chiều Buôn Mê” (Thu Buôn Mê)

Cũng là giếng quê, trong màn đêm dần buông: “em tôi yếm thắm nồng nàn/ vớt trăng vào hạ mơ màng giếng quê”.

Rồi tháng ba này, lại nhớ tháng ba xa xưa nào đó: “Tháng ba mưa đổ trắng trời/ hạt thương hạt nhớ hạt rơi xót lòng/ nơi xa người có nhớ không/ em về mót chút tình nồng đã xưa” (Em về tìm tháng ba xưa)

Rối cả nắng chiều, vớt trăng vào hạ, hạt rơi xót lòng, mót chút tình nồng… là những ngôn từ khá đẹp, phủ lên, làm dịu nỗi buồn.

Cảm xúc chủ đạo của “Mắt nhớ” là tình yêu đất nước, quê hương, tình thơ, tình người. Xa quê nhiều năm, sống ở cao nguyên rồi chuyển về TP Hồ Chí Minh, đi nhiều nơi trên đất nước, thơ Nguyễn Văn Minh vẫn hồn hậu, khép lại tập thơ vẫn để lại rung động nhẹ nhàng cho người đọc. Đó đã là thành công của người viết, chúc mừng nhà thơ Nguyễn Văn Minh.

B.P.T

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm