TIN TỨC

Tình đất, tình người trong thơ Đoàn Thị Ký

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-30 11:49:02
mail facebook google pos stwis
1152 lượt xem

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     Nguyễn Văn Hòa

 

 Đoàn Thị Ký làm thơ từ khá sớm và tiếng thơ của chị cũng được nhiều người biết đến. Bởi chị có một số bài thơ như: Nửa vòng bông gạo, Thẫm chiều tạo được dấu ấn với bạn đọc bởi lời thơ giản dị, chân chất nhưng đầy da diết, yêu thương.

Thơ Đoàn Thị Ký luôn hướng về những giá trị truyền thống, về nguồn cội, quê hương với lời cảm tạ chân thành nhất. Thơ chị luôn là tiếng nói trung thực của bản ngã với những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về những chặng đường mà chị đã trải qua.

Là người có điều kiện đi và sống ở nhiều nơi, từng kinh qua nhiều công việc khác nhau nên Đoàn Thị Ký có vốn tư liệu thực tiễn khá dồi dào. Đây chính điều kiện thuận lợi để chị giúp chị có nguồn cảm hứng, tạo chất xúc tác cho hành trình sáng tạo thi ca.

Dọc theo hành trình thơ Đoàn Thị Ký, từ tập Dòng sữa nuôi tôi ( In chung năm 1975) đến Cô gái và cầu vồng (1995), rồi Nửa vòng bông gạo (2001) và Hà Nội thời có nhau (2010), người đọc sẽ nhận ra điểm nổi bật và cũng là nét riêng của thơ chị đó là “nhật ký hành trình”: Đời - Người - những vùng đất mà nhà thơ đã đi qua. Vì thế, trong thơ Đoàn Thị Ký, xuất hiện hầu khắp các địa danh của mọi miền đất nước. Nhưng nhà thơ dành tình cảm nhiều nhất vẫn là Hà Nội. Tất cả được chị ghi lại bằng thơ với những dấu ấn riêng theo cảm quan và sự rung động của trái tim người đàn bà đa cảm.

Ở đó, nhà thơ thỏa sức tung tẩy chuyện của người, của mình, của đời với bao nỗi thương nhớ, khắc khoải, da diết khôn nguôi. Người làm thơ đi nhiều là lợi thế, nhưng ghi lại bằng thơ trên từng chặng đường, từng địa danh mà mình đã đi qua thì ít người làm được như Đoàn Thị Ký. Một Hà Giang với nỗi nhớ ngút ngàn: “Sông Lô chiều man mác/ Rơi từng ngày cuối năm/ Ai có về dưới đấy/ Cho ta lời nhắn thăm”; Một ngã tư Bảy Hiền ở đất phương Nam hiện về trong chị là hình ảnh những con người sống hào phóng, nghĩa tình, giàu nghĩa khí: “Ríu ran lắm người dưng ran ríu/ Nhường nhau đi trước, trước không đành/ Thương mến ngã tư người hiền thế/ Hay là người biết khế còn chanh…”; Một Tháp Mười với nhiều kênh rạch, xuồng gắn máy, xuồng chèo tay và sự hào sảng trước cuộc sống lao động với gió nước đặc trưng vùng sông nước: “Tôi kịp giấu bông sen trước ngực/ Gió đổi chiều hay dòng kinh xoay hướng khác, thảng thốt nhìn gió bứt tình tôi”; một Lào Cai mây trắng ngang trời, chút lạ lẫm của Sa Pa làm nên điều thú vị, để rồi người thơ ấy không dấu vẻ kiêu ngầm:  “Ngẩng mặt Hoàng Liên trào thi hứng/ Ngoái Hồng Hà má lựng bồ quân”; một Tây Nguyên đặc trưng: “Đác tiếng dân tộc Ê Đê, Ba Na là nước/ Miền đất điệp điệp cái tên: Đácglay, Đáchà, Đácmin, Đácrlấp... gợi nước đầy buôn, đầy làng/ Nước sinh ra từ cánh rừng/ Cánh rừng ngậm trầm tinh hoa của nước/ Đàn tơ-rưng làm bằng ống lồ ô, thanh âm không trong như tiếng hạc, mà như thác đổ, như suối reo...”; và với mảnh đất thiêng Hà Nội thì có nhiều điều để Đoàn Thị Ký gửi gắm những nỗi suy tư, khát vọng, niềm tin của mình vào đó (chị có hẳn 1 tập Hà Nội thời có nhau gồm 47 bài thể hiện rõ nét thái độ, quan điểm, tình cảm của nhà thơ về đất và người ở nơi đây).

Đoàn Thị Ký viết về những điều xung quanh mà chị nhìn thấy, chị cảm nhận, suy tưởng. Nhưng cũng từ những điều giản đơn, gần gũi, quen thuộc ấy lại mở ra những chân trời, những chiêm cảm sâu sắc về cuộc đời. Từ tên những con phố của Hà Nội, hay hình ảnh những người đàn bà, hạt vừng, cọng rau dớn, dòng sông tháng ba, lũy tre làng: “Hoa bưởi thơm như ướm/ Mùa xuân lên tre làng”... cũng đều để lại cho chị những suy ngẫm và liên tưởng đến cuộc sống cõi người.

Thơ ca chính là hình thức đặc biệt để con người tư duy và cảm nhận cuộc sống. Đoàn Thị Ký đã gửi vào thơ nỗi lòng thổn thức với cái chung và cả những điều riêng. Quyển sổ hộ khẩu ngỡ rằng chẳng có gì là thơ, vì một thời nó mang dấu ấn xã hội, gắn với lương thực, thực phẩm… vậy mà nó thành thơ, nhờ trải nghiệm từ thực tiễn đời mình trước cuộc sống thời hiện đại, mọi thứ xảy ra chóng vánh, người ta thường hay quên quá khứ, đặt nặng vấn đề tiền bạc, quyền lực. Và điều ấy dẫn đến bao bất cập, không hay, vô cảm lại mặc nhiên có đất sống. Điều hay, lẽ phải đôi lúc bị nhập nhòa. “Thời cơ chế cho nhau,/ Con người đậm dấu son quyền lực// Lòng sung/ Lòng vả/ Nhạt màu!” (Ngày nhận giấy báo không được nhập khẩu Hà Nội).

Trái tim nhạy cảm, dễ xúc động nên điều gì xảy ra quanh chị cũng khiến tâm hồn xao động, thậm chí chị đau như chính chị là người trong cuộc. Bài thơ Má đi kiện biết thu Hà Nội viết về một bà má từ tận Bến Tre ra Hà Nội kêu oan về đất đai, đau đáu mà chua chát. Đau đáu bởi con phố Mai Xuân Thưởng có Phòng tiếp dân một thời, nằm đối diện Phủ Chủ tịch và Lăng Bác qua một con đường, chua chát bởi :

Mùa thu lạ quá con ơi/ Đêm qua má ngủ ngoài trời thấy sương/ Sáng ra người nhẹ ttơ vương/ Dù đang đi kiện trăm đường cam go/ Con đừng lo má tay vo/ Má có lý lẽ/ Bác Hồ thương dân/ Ở đây Lăng Bác rất gần/ Đêm đêm yên tĩnh khắp sân sáng lòa.../ Đất nhà má đất ông cha/ Trồng lúa lúa tốt, trồng dừa dừa sai!/ Mấy người lấy cớ đất đai/ Liên doanh này nọ, dài dài chia nhau/ Họ chừa lại cái chũm cau/ Tưởng má ít chữ nông sâu biết gì/ Tỉnh không đòi được má đi/ Trung ương chưa giải quyết, má ở lỳ tháng nay!/ Đi kiện má lại gặp may/ Biết thu Hà Nội không bay trên trời,/ Sáng ra người tỉnh cả người/ Má tin công lý vàng mười sáng soi.// Lặng theo lời má là tôi/ Với thu Hà Nội rơi rơi giọt buồn”.

Những lời chất phác, gan ruột của má được liệt kê ra lại gợi lên cho người đọc về thực trạng nhói lòng đã và đang xảy ra ở một số nơi. Vẫn còn đó những nỗi oan khiên, buộc họ phải kêu cứu đến tận trung ương và không nguôi hy vọng…

Thơ Đoàn Thị Ký nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm chất trữ tình khi thể hiện tình cảm của mình với quê hương, đất nước, bạn bè và những người thân yêu ruột thịt. Nhà thơ cũng dành những trang viết về mẹ, về cha bằng tình cảm của một đứa con đã hiểu lẽ nông sâu của cuộc đời. Lời thơ vì thế lại càng trầm tư, da diết và xốn xang hơn. Lời tâm sự của đứa con với người cha trong bài Gửi cha nghe có gì đó mang nhiều nỗi ưu tư, trắc ẩn: “Đồng bạc lẻ quanh vườn nhặt nhạnh/ Cha tặng con gái yêu đôi cánh,/ Lên cao vòm trời/ Hương cau dạo nhờ cỗ xe thần gió/ Lửng thửng mây/ dưới cánh bay/ dây tơ hồng/ Cha gỡ dây tơ hồng/ Chiếc lá bay ngập ngừng/ Bồ đài lá mít/ Cạn kiệt ông xanh/ Chệnh choạng đôi chân cây khù khì,/ Cái nhện âm i/ Sông Ngân xa bờ lênh lênh nắng/ Có dải mây như tóc cha bạc trắng/ Chưa yên lòng vì con”.

Đi qua những thăng trầm của thời cuộc, trải qua nhiều công việc, sống và trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau đã cho chị nhiều vốn sống để ứng phó, thích nghi với đời: “Những sợi tóc dài đen/ Gáo nước lạ gội đầu lại rụng/ Chưa kịp rẽ ngôi dịu vầng trán bướng/ Dóng dả còi xe// Giá anh hỏi sau mỗi chuyến được gì? Em rành rẽ trả lời. Và khép cửa.../ Nhưng sao anh cứ ân cần bền bỉ/ Cất dùm em những sợi tóc mềm” (Tóc chiêm bao).

Giờ đây, khi chị đã ở vào tuổi xế chiều của đời mình, bao cảnh đời dâu bể, những biến cố thời đại được Đoàn Thị Ký nhìn nhận sâu sắc hơn. Nhà thơ khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng chủ đạo vẫn hướng về sự nhân văn nhân ái. Chứng kiến cảnh lao động nhọc nhằn, lòng chị lại trỗi dậy ký ức của những năm tháng đã qua, sự khổ ải để có miếng ăn trở thành nỗi đau thường trực, vì thế nhà thơ không khỏi ngậm ngùi: “Tay cấy lúa nước bốc hơi hầm hập/ Thương lúa giữa trời chả nón che thân/ Bóng lúa nương nhau hàng hàng ngay thẳng/ Một cánh cò bay vội dáng phân vân...” (Hạt nắng hạt vàng).

Trong cái nhìn về thời gian, nhà thơ bộc lộ nhiều nỗi trăn trở day dứt, đôi lúc chị tự vấn với chính bản thân mình trước thực tại: “Trên dòng sông ai bắc cầu mây?/ Lúa chiêm chín hạt chảy làm sắc nắng/ Tôi ngỡ mặt trời đi vắng/ Dưới là sông trên ấy cánh đồng/ Hạt phù sa phải năm nắng mười sương/ Mới nên quả, nên bông, nên nụ cười tươi thắm/ Câu hát nghĩa tình níu cong đòn gánh/ Ai cuối dòng sông tôi gửi gió thơm đồng!/ ... Năm tháng rồi qua vô tình mải miết/ Không biết trong mình có hạt phù sa/ Không biết trong mình ăm ắp lời ca/ Từ thuở trong nôi.../ Dòng sông thì thầm với tôi như thế!” (Thầm thì dòng sông).

Nhìn trên tổng thể, thơ Đoàn Thị Ký vẫn thủy chung với thi pháp thơ truyền thống nhưng vẫn gây được ấn tượng cho người đọc bởi chị có khả năng vận dụng từ ngữ, hình ảnh, tứ thơ của mình một cách ấn tượng. Người đi soi bóng mặt hồ, một bài thơ ngắn nhưng dung chứa và chuyển tải được nhiều điều về mảnh đất và con người Hà thành với những nét đặc trưng, phẩm chất đáng trân quý. “Thầm lại nét/ Hào hoa/ Thanh lịch/ Trong từng lời nói, dáng đi// Không cho riêng mình/ Cho muôn năm Hà Nội/ Còn thơm cốm ủ lá sen/ Thu về.../ Nụ hôn gió tê tê/ Sau đêm dài lắng lại/ Tất bật/ Ưu tư/ Bon chen/ Khôn dại.../ Tơ liễu thêu tranh gấm mặt hồ/ Cõi người tự diễn chẳng bầu sô”.

Mỗi câu chữ đều dạt dào cảm xúc, chứa đựng tình cảm chân thành, hồn hậu, giản dị nhưng đầy chất trí tuệ, biểu đạt đến tận cùng nỗi lòng cũng như những mơ ước, khát vọng của chính nhà thơ. Vẫn mượn lời thì thầm của dòng sông, nhà thơ lại mở ra một sự liên tưởng khác, mang nhiều ý nghĩa về dòng sông đời: “Trách cứ gì nếu bờ này có lở/ Thì bờ kia như ngực trẻ căng tròn/ Bắt đầu từ đâu tôi chưa đến tận nguồn/ Chỉ biết đến làng tôi, sông như người mắc nợ/ Tháng ba hoa gạo đỏ/ Tháng sáu về bông trắng lòng tay”.

Những câu thơ nhẹ nhàng mang tính triết lý khi nhà thơ có sự xâu chuỗi, nhìn nhận sự việc, con người trong thời đại mới với bao biến đổi khó lường. Vì thế Đoàn Thị Ký tỏ ra hoài nghi.

Nhà đổ tận đâu đâu/ Xòe bàn tay - Bàn tay mình vẫn sạch!/ Khó day mặt kẻ gây tội ác/ Những liên minh/ Vặt trí tuệ loài người như vặt lông gà, lông vịt.// Trí tuệ hướng con người vươn xa/ Trí khôn níu con người về lại/ Cái bóng của mình/ Cái bóng hằn lên da hổ/ trong câu chuyện cổ nước nhà/ Cái thiện phải lấy dây thừng ghì cái ác/ Ghì thật chặt/ Mới hy vọng sự mô phỏng thiên nhiên trên luống cày thời đại/ Làm bác trâu già mọc lại hàm răng…”(Thời đại và trí khôn).

Cái tôi trữ tình trong thơ Đoàn Thị Ký là cái tôi hướng nội, suy tư, nghiền ngẫm về tình yêu và bản chất của sự sống. Có một số bài thơ của chị được người đọc yêu thích vì nó chạm đến cõi sâu thẳm trong trái tim với đầy ắp những tâm tư, khát vọng rất đỗi đời thường.

Có lần sợi bông gạo bay/ Như chiếc chong chóng xoay xoay nửa vòng// Tôi đưa tay đón và mong/ Đâu ngờ gió tự vân mòng đẩy ra// Thế là bông gạo bay xa/ Nửa vòng chong chóng đã hòa thinh không...// Một mai ngọn gió thổi nồng/ Có còn bông gạo nửa vòng bay bay? (Nửa vòng bông gạo). Cái nhìn độc đáo về cảnh vật của thế giới tự nhiên làm cho người đọc bất ngờ và cảm thấy thú vị. Nhà thơ lắng nhìn và quan sát tỉ mỉ bông gạo bay và rồi suy ngẫm về chiều tương lai bằng một sự nghi vấn mà ở đó có những nuối tiếc, bâng khuâng.

Ở bài Thẫm chiều, từng lời thơ đọc lên nghe có điều gì đó hẫng hụt, man mác, rưng rưng. Chiều tim tím núi Tràng Đà/ Tôi tim tím nụ hoa cà bến sông// Có người khách cõi hư không/ Chờ con đò vãn bóng hồng nẻo sang.//Dòng sông vẫn chẳng tày gang/ Bè xuôi gối sóng đêm vàng đứt neo//Trông người... nào có người theo/ Trông trời... đôi hạt trong veo cách vời// Vẳng lên một tiếng - Đò ơi/ Sang sông lỡ chuyến, khách tôi thẫm chiều.

Đoàn Thị Ký là nhà thơ lặng lẽ nhưng say mê và sống hết mình với thi ca và bè bạn. Hành trình thơ và hành trình cuộc đời của chị dường như có sự đối sánh và song hành nhau. Ở đó, nhà thơ đã trải lòng mình trước cuộc sống để nhận thức, chiêm nghiệm, tự vấn, soi tỏ để củng cố niềm tin và sưởi ấm lòng người. Bởi hơn ai hết, Đoàn Thị Ký đã đem tất cả tấm chân tình của mình để trang trải với đời với người. Những gì chị có được hôm nay là cả một quá trình sống, làm việc nghiêm túc hết mình, sự dấn thân không mệt mỏi vì niềm đam mê thi ca./.

N.V.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm