TIN TỨC

Hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
2620 lượt xem

Nguyễn Công Thanh

 1. Trong văn học cách mạng Việt Nam (1945-1975) nói chung, tiểu thuyết nói riêng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng là nội dung bao trùm và xuyên suốt. Tinh thần ngợi ca hào sảng đã tạo nên khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của cả một thời đại văn học. Ở đó, chúng ta cảm nhận được bước đi dồn dập của dân tộc, những trái tim nóng bỏng chứa đầy nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh’’. Nhưng khi Tổ quốc im tiếng súng, nền văn học chuyển mình, cảm hứng đời tư, thế sự đã trở thành dòng mạch cảm hứng chính  trong tiểu thuyết Việt Nam thời hậu chiến. Cảm hứng sáng tạo chuyển từ ngợi ca, tự hào, khâm phục đến chiêm nghiệm, lắng đọng, suy tư.

Nhà văn Chu Lai

Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới đã thể hiện hình tượng người lính hậu chiến đa vẻ, đa chiều. Quá khứ của những người lính trở về từ rừng xanh Trường Sơn ngút ngàn khói lửa là một cuộc chiến đầy “máu và hoa”. Đó là cuộc chiến của một dân tộc “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”(Huy Cận). Trong hành trang của họ là những đau thương, mất mát và những oanh liệt, vẻ vang. Hai mặt của cuộc chiến vẫn rất thân quen, gần gũi. Nó ở đâu đây, ngay trong trái tim, hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của người lính. Những hành động, những nghĩ suy của họ gắn bó với quá khứ, với kỷ niệm như là định mệnh. Các nhà tiểu thuyết đã viết một cách đầy hứng khởi và mê say về điều này. Họ vẫn tôn vinh và ngợi ca những năm tháng chiến trận oai hùng. Chỉ có điều cách viết, cách thể hiện và xây dựng nhân vật đã có nhiều đổi mới so với trước. Hình dáng tổ quốc vinh quang cùng với những người lính trên tuyến đầu chống Mĩ gắn với mạch cảm hứng sử thi đã được thay thế bằng những chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở của chính những người lính ngày ấy trước cuộc đời hôm nay.

2. Trước khi trở thành một nhà văn, Chu Lai là một người lính. Vốn sống, sự từng trải góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một nhà văn Chu Lai sung mãn viết về đề tài chiến tranh. Hơn ba mươi năm cầm bút, Chu Lai đã để lại một khối lượng tác phẩm tương đối lớn, bao gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, kịch bản sân khấu, truyện thiếu nhi như các tiểu thuyết: Nắng đồng bằng (1977); Gió không thổi từ biển (1985); Sông xa (1986); Vòng tròn bội bạc (1990); Bãi bờ hoang lạnh (1990); Ăn mày dĩ vãng (1992); Phố (1993); Ba lần và một lần (1999); Cuộc đời dài lắm (2001); Khúc bi tráng cuối cùng (2004); Người im lặng (2005) và tập Truyện ngắn Chu Lai (2003)… Trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc, để lại dấu ấn riêng như Phố, Ăn mày dĩ vãng. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng cho rằng:“Ăn mày dĩ vãng là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn học thời kỳ Đổi mới. Sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết này là tính bi kịch, sự chân thành của ngòi bút và một cảm xúc mãnh liệt của nhà văn khi tái hiện chiến tranh” [3, 63].

Hai dòng mạch cảm hứng chính trong tiểu thuyết Chu Lai viết về chiến tranh sau 1975 là cảm hứng phê phán và cảm hứng bi kịch. Đó là nỗi niềm xót xa đến nhức nhối về chiến tranh và số phận người lính. Những biến cố lịch sử, những cơn lốc xoáy của cuộc sống thời mở cửa đeo bám dai dẳng, tác động mạnh mẽ đến cả phần “con” lẫn phần “người” ở người lính là mối quan tâm hàng đầu của ngòi bút Chu Lai. Tuy nhiên, cảm hứng bi kịch trong văn Chu Lai không đem đến cái nhìn bi quan, tiêu cực mà ngược lại nhà văn luôn đặt niềm tin vào giá trị con người, giá trị đích thực của cuộc đời.

Khảo sát nhiều tiểu thuyết của Chu Lai, chúng tôi thấy bộ mặt chiến tranh hiện lên rõ nét hơn ở gam màu bi tráng. Đây chính là cảm hứng bi kịch trong việc miêu tả chiến tranh. Chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng trong lòng những con người như Chu Lai thì dấu ấn của nó vẫn còn tươi rói. Bởi vậy, trong tác phẩm của ông “nỗi buồn chiến tranh” thật sự gây ấn tượng. Nó được nhân lên, tô đậm, khắc sâu vào lòng người. Mặt khác, Chu Lai không chỉ hướng cảm xúc trở về quá khứ mà còn hướng về cuộc sống thực tại. Điều đáng nói là cảm xúc bi kịch thấm vào số phận người lính thời bình lại có phần sâu đậm hơn. Tìm hiểu số phận các nhân vật chính như Tám Linh (Nắng đồng bằng); Linh, Huấn (Vòng tròn bội bạc); Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng); Nam, Thảo (Phố ); Sáu Nguyện (Ba lần và một lần ); Vũ Nguyên (Cuộc đời dài lắm)… ta thấy không một số phận nào yên ổn, không một cuộc đời nào bình lặng.

Cuộc sống thời mở cửa có bao nhiêu điều mới mẻ. Anh bộ đội Cụ Hồ bước vào thế  giới này với hành trang là một chiếc ba lô con cóc, bộ quân phục bạc màu, nghĩa tình đồng đội gắn bó keo sơn… thì việc tháo gỡ các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống hiện đại chắc chắn không dễ dàng. Chu Lai đã đặt các nhân vật của mình vào bối cảnh ấy để khai thác. Linh trong Vòng tròn bội bạc, Sáu Nguyện trong Ba lần và một lần là những trường hợp như thế. Cuộc đời mới đã xô đẩy khiến họ có lúc tưởng chừng phải gục ngã. Nhưng bản lĩnh người lính đã giúp họ đứng lên truy quét, tấn công cái ác đến tận cùng.

Ở tác phẩm Vòng tròn bội bạc, Chu Lai đặt ra vấn đề người lính sẽ bước vào trận chiến kinh tế như thế nào. Và ông đã đưa ra hai hướng đi khác nhau của những người một thời là lính. Hướng thứ nhất, với sự bỡ ngỡ thậm chí là khờ khạo, người lính trở thành đối tượng bị hại bởi họ không chịu ép mình vào guồng quay của thói quan liêu, cửa quyền. Trần Hoài Linh- một nhà báo chân chính, dũng cảm tấn công vào tận sào huyệt của cái ác, phanh phui sự thật nên anh bị cô lập hoàn toàn trong gia đình và ở cơ quan công tác-tiêu biểu cho những người lính đi theo hướng này. Hướng thứ hai là những người thỏa hiệp với thói cơ hội, tham ô, bỏ lại sau lưng tiếng gọi của tình đồng đội, của lương tri như Phạm Văn Hòe. Hòe là một người lính biến chất. Hắn có cả một đường dây bảo vệ, che chở từ xã, huyện đến tận trung ương. Vì thế, Hòe không thèm giấu giếm tội ác, lên mặt thách thức đồng đội, thách thức pháp luật. Núp đằng sau cái bóng cựu chiến binh, Hòe là một tên “maphia” không hơn không kém.

Không giống như Hoè ở Vòng tròn bội bạc, Năm Thành trong Ba lần và một lần là kẻ giấu mặt, là một loại côn trùng độc hại biết thay đổi màu sắc bên ngoài cho phù hợp với môi trường sống. Đó là một thứ ngụy trang cực kỳ khôn khéo nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm đối với thế giới xung quanh.

Bi kịch của chiến tranh là bi kịch của cả một dân tộc nhưng người lính chịu đựng nhiều nhất. Bởi vậy, tuy cuộc chiến kết thúc nhưng nỗi đau vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm người lính. Nỗi đau truyền từ đời người đã từng ra trận đến những người chưa một lần cầm súng; truyền từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu. Nỗi đau cứ âm ỉ, dai dẳng khôn nguôi. Nỗi đau kéo dài từ thời chiến đến hậu chiến. Đó cũng là cách mà nhà văn Chu Lai phản ánh số phận bi kịch của người lính. Hay nói cách khác, bi kịch về số phận người lính trong tiểu thuyết Chu Lai kéo dài từ trận mạc vắt qua đời thường.

Nằm chung trong xu thế phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tác phẩm của Chu Lai đi sâu vào số phận cá nhân, khai thác những uẩn khúc đời tư của người lính trong và sau chiến tranh. Những day dứt của nhà văn được bộc lộ ngay từ cách đặt nhan đề tiểu thuyết: Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng, Cuộc đời dài lắm… Hầu như tất cả các nhân vật người lính trong văn Chu Lai đều được đẩy đến tận cùng của bi kịch, của nỗi đau. Hạnh phúc với những con người ấy hiếm hoi biết chừng nào. Ngay cả những người nổi tiếng gan dạ, mưu trí, dũng cảm, “đánh giặc thần sầu”, chỉ nghe tên kẻ thù đã khiếp vía kinh hồn, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ có biết bao điều nhói buốt. Một trận đánh dù thắng, dù thua cũng không tránh khỏi nỗi đau mất anh em, đồng đội. Bi kịch tình yêu, bi kịch hạnh phúc gia đình vẫn xuất hiện bên cạnh những bi kịch cộng đồng. Không ít những người xưa là anh hùng nay bị văng ra ngoài lề cuộc sống náo nhiệt. Hai tác phẩm Ba lần và một lần, Ăn mày dĩ vãng được Chu Lai viết với gam màu chiến tranh đậm nhất. Bi kịch của các nhân vật chính ở đây cũng thật rõ nét. Trong Ba lần và một lần, Chu Lai đã tái hiện trang đời của người lính quân báo Sáu Nguyện đánh giặc “thần sầu”. Những đòn đánh táo bạo của anh làm cho kẻ thù khiếp vía. Nhưng chính thời điểm ấy tấn bi kịch đã ập xuống cuộc đời anh. Anh bất lực không cản được quyết định mù quáng của chỉ huy. Anh đau đớn, xót xa khi người yêu, người bạn chiến đấu chí cốt phản bội đồng đội, phản bội tổ quốc trở thành những kẻ chiêu hồi. Vì thế, Sáu Nguyện không chỉ gánh chịu hậu quả của thói đời đen bạc, sự trở mặt của đồng đội mà nặng nề hơn anh phải gánh chịu nỗi dày vò của lương tâm và trách nhiệm. Chu Lai đã không kết thúc số phận của nhân vật anh hùng bằng cái chết oanh liệt theo cách thông thường. Ông đã “cố tình” để cho nhân vật của mình sống. Sống để ba lần tha và một lần không tha.

Thời bình, cái ác không bộc lộ rõ diện mạo như trong thời chiến. Những sự đồi bại, xấu xa nhiều khi được che đậy bởi một lớp vỏ hào nhoáng và sang trọng. Những kẻ lừa lọc, xảo trá như Năm Thành, Kiêu (Ba lần và một lần)… nhảy vào vòng xoáy ấy như hổ được chắp thêm cánh. Chúng leo lên nhanh chóng, ngồi trên ghế chóp bu. Có quyền hành, bọn chúng tạo ra mọi thứ. Ngược lại, những người lính trung thực, một đời chịu đựng hy sinh vì dân tộc, vì đồng đội nay như mắt xích trượt khỏi đường ray. Tuy nhiên, họ không thoả hiệp với sự xô bồ biến chất của xã hội, không chấp nhận sự xuống cấp của lối sống, của đạo đức con người thời mở cửa. Họ sẵn sàng đối mặt với nó cho dù phải chịu thiệt thòi bất hạnh. Mặt trái của xã hội tuy làm họ tổn thương nhưng phẩm chất kiên cường của người lính vẫn được phát huy cao độ trong thời bình. Một trong những con người như thế là Sáu Nguyện. Từ mặt trận trở về Sáu Nguyện chỉ muốn làm một người công nhân cạo mủ cao su bình thường như bao người khác. Nhưng trước sự “dốt nát, ăn chặn, trù dập, thất thoát, phá rừng, bê tha trụy lạc” của lãnh đạo nông trường, anh không thể làm ngơ. Vì thế, người ta “đổ riệt cho anh là kẻ giật dây hậu trường, là đứa ném đá dấu tay, và bí mật phát động một chiến dịch thanh trừng anh”. Anh bị đánh bật khỏi cơ quan, trở thành kẻ cô đơn, lạc loài.

Cũng như Linh (Vòng tròn bội bạc), Sáu Nguyện không chỉ đối mặt với sự khắc nghiệt của cơn lốc cuộc đời mà nặng nề hơn là phải chứng kiến sự phản trắc của những kẻ đã từng là bạn, là anh em, đồng chí. Dù trắng trợn đến đê tiện nhưng ở Hòe (Vòng tròn bội bạc) cái ác đã lộ diện, người ta có thể nhìn rõ nó để né tránh hoặc đối phó. Còn ở Năm Thành (Ba lần và một lần), bộ mặt thật của hắn được ngụy trang khá cẩn thận. Giữa môi trường mới với những người chưa từng quen biết, hắn gần như đã thành công với chiêu bài “mềm nắn rắn buông” theo kiểu Bá Kiến hiện đại. Trắng trợn và thâm độc hơn, Năm Thành còn dùng cái mác người lính làm tấm bình phong che đậy bản chất xấu xa đồi bại cho con người hắn. Nhưng Sáu Nguyện đã dũng cảm vạch mặt hắn: “Mày nghe đây! Ngày ấy mày chiêu hồi tao tha, bởi vì sự yếu đuối của con người trong một cuộc chiến tàn khốc, quá dài là có thể hiểu được. Chiêu hồi rồi mày cướp đi người đàn bà mà tao yêu thương nhất, tao vẫn tha, bởi vì cái mất mát của tao đặt trong sự mất của toàn thể dân tộc xét đến cùng là vô nghĩa… Hai mươi năm sau, cuộc đời dồn tao đến bước đường cùng. Còn mày bằng sự khôn khéo và thủ đoạn, mày đã trở thành một giám đốc liên doanh, mày đã làm đủ trò, đủ vẻ, mày đã phạm vào hàng loạt những tội ác về kinh tế, về sự đối xử độc ác với con người, với xã hội, mày đã thoá mạ, mày đã chà đạp lên tất cả… Tao vẫn tha. Bởi vì đặt mày trong cuộc sống ngang ngửa, chụp giật hôm nay, cũng là vô nghĩa, nhìn ở một góc độ nào đấy, mày chỉ là sản phẩm của nền kinh tế thị trường này. Nhưng lần này, mày còn đứng thản nhiên, đứng nhăn răng ra cười khi một con đàn bà ngoại quốc, con đàn bà của tộc người ngày xưa đã sang đây mổ bụng ăn gan người Việt mình bây giờ trở lại, chỉ vì ních no bụng đô la mà mày để cho nó dám cầm dép đập vào giữa mặt công nhân của mày, cái cô công nhân mà ngày trước mày đã từng ngủ với người ta, đã khốn khổ quỳ xuống chân người ta xin ban bố tình yêu thì tao sẽ không tha nữa. Đây là cái nhục lịch sử, cái nhục quốc thể mất rồi. Báo chí không làm gì được mày, thì tao, tao thay mặt những thằng đã chết và những thằng đang sống, tao sẽ xử mày!”.

Số phận người lính hôm qua, hôm nay cứ trở đi trở lại rất nhiều lần trong tiểu thuyết Chu Lai. Tiểu thuyết Cuộc đời dài lắm viết về số phận người lính thời mở cửa. Trong cuốn sách này, Chu Lai đã xây dựng thành công một nhân vật phản diện. Đó là Đăng Điền, nhân vật được tạo ra từ cái lô gích thiện ác, đen trắng nhá nhem. Đăng Điền, một nhân vật có dòng chảy riêng, có hồn vía riêng và luôn sống với một khao khát độc tôn kinh doanh. Xung đột thiện ác luôn dằng xé trong con người hắn nhưng cuối cùng cái ác bao giờ cũng thắng thế. Toàn bộ tác phẩm xoay quanh câu chuyện về quản lý sản xuất, kinh doanh ở một nông trường cao su. Vũ Nguyên, một giám đốc có đầu óc kinh doanh nhưng lại có “một trái tim bao cấp yếu mềm”. Qua nhân vật này, nhà văn phần nào cho thấy sự phức tạp ghê gớm của kinh tế thị trường. Và cũng thông qua số phận của nhân vật Vũ Nguyên, chúng ta lại được gặp mặt những người lính trở về từ chiến trận và cuộc đấu tranh sinh tồn của họ giữa ngổn ngang, bề bộn đời thường. Họ đã từng trải qua cuộc đời lính chiến. Và bây giờ, mỗi người có một cuộc sống riêng. Có kẻ tiểu nhân, có người quân tử. Người làm lãnh đạo, kẻ làm thường dân. Có người ăn nói ngọt ngào mà tâm địa nham hiểm khôn lường… Tất cả họp mặt để có một thế giới những chân dung, những số phận người lính thời hậu chiến. Cũng như Linh trong Vòng tròn bội bạc, Sáu Nguyện trong Ba lần và một lần, Vũ Nguyên bước vào trận địa mới với quá nhiều khó khăn, thách thức. Trở ngại phát sinh từ những người vốn là đồng đội cũ, bây giờ đang sát cánh cùng với anh như Đăng Điền- cấp phó của anh, Ba Vinh-cấp trên của anh. Nguy hiểm hơn, chúng là những kẻ “ném đá giấu tay”. Lòng đố kỵ, ghen ghét của chúng được núp sau cái vẻ bề ngoài năng nổ, hoạt bát, nhiệt tình. Do đó “giặc ngồi sau lưng”, ngang nhiên hoạt động trong cơ quan mà Vũ Nguyên không biết.

Vấn đề xuống cấp của đạo đức, mai một của nhân phẩm, đức tin được Chu Lai đặt ra một cách sâu sắc và cụ thể ở tiểu thuyết Phố. Phố là tiểu thuyết về cơn lốc chuyển mình của một dân tộc. Sự chuyển mình ấy có chiều thuận và cả chiều nghịch. Nhà văn chú ý nhiều hơn đến những nghịch cảnh oái oăm của người lính trong cơn chuyển mình ấy. Chu Lai đã quan sát và miêu tả tỉ mỉ sự cựa quậy của phố lính nói riêng và của đất nước nói chung. Trước đây, phố nhà binh trầm tư, tĩnh lặng. Vậy mà  “sau vài đêm hối hả, đục tường, trổ cửa, nới mái… phắp một cái, các căn hộ đã bắt đầu rùng rùng chuyển động, ngỡ ngàng quay mặt lại với cuộc đời (…) Các cửa hàng, các ki- ốt thấp cao, to nhỏ lác đác ra đời …”.

Tinh tế và sâu sắc hơn là nhà văn đã phát hiện tư tưởng thủ cựu, kém thích ứng và mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động ghê gớm vào cuộc sống từng gia đình Việt Nam hiện đại. Thảo đã giữ mình trong sạch ngay cả khi sống trong lòng xã hội phương Tây. Tấm thân yếu ớt của cô đã oằn lên chống trả quyết liệt sự cám dỗ, tấn công tới tấp của lối sống Âu-Mỹ. Nhưng khi trở về với chồng con, có nhà cao cửa rộng Thảo lại buông xuôi, chấp nhận thoả hiệp với sự cám dỗ của đời thường. Gia đình Thảo – Nam tan nát, Thảo chết một cách thương tâm, còn Nam như rơi vào ngõ cụt. Gia đình họ tan vỡ một phần do Thảo gây ra. Đó là hậu quả của căn bệnh xã hội “uống nước” mà không “nhớ nguồn”? Nhưng mặt khác, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về Nam khi anh vẫn khư khư giữ nếp xưa, không bắt kịp với cuộc sống mới thời mở cửa.

Trong tiểu thuyết Chu Lai có không ít người lính không bắt kịp bước đi thần tốc của thời đại nên để “lạc nhịp” cuộc đời. Vì thế, họ tự tách mình ra khỏi cộng đồng, trở thành những kẻ lạc loài, cô đơn. Họ tìm về quá khứ, “ăn mày dĩ vãng”. Tiêu biểu là Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), tự đi “ăn mày” chính mình. Anh đang một mình lần đường tìm về những giá trị tinh thần vĩnh hằng của quá khứ.

Bên cạnh anh, còn cả một thế hệ cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự: “Bạn  bè một thuở kiêu dũng của tôi bây giờ gặp lại, cũng như tôi, sao mà ngán ngẩm quá thể! Hầu hết đã lui về vườn ăn theo vợ, núp váy vợ – Đứa thì nhậu xỉn, tối ngày nằm trên võng nắng, đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu, thằng này đang thở dài phì phịt giữa một bên là bày con nhem nhuốc, bên kia là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn ở dưới đáy, thằng kia sống thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo… Mỗi thằng một vẻ, trăm thằng trăm lối, không thăm thì nhớ, thăm rồi trở ra, lại thấy buồn đứt ruột trong nỗi thương bạn, cám cảnh mình. Đội hình đánh giặc ngang tàng năm xưa giờ đây, trừ vài thằng may mắn khôn ngoan chẳng rõ nguyên cớ nào lại bị cuộc đời dồn chung vào một cục hẩm hiu, méo mó, chẳng may nhận ra nhau chỉ nhúc nhích con ngươi đờ đẫn màu chì. Dĩ vãng … Kỷ niệm… Nhớ thương… Hết thảy đều chìm trong bụi thời gian mốc thếch. Càng buồn! Biết vậy chả nên gặp lại, chả nên tìm đến làm gì, chỉ tổ bẽ bàng, tan nát lòng dạ hơn”.

Tìm gặp lại bạn bè ngày qua trong bối cảnh hôm nay, nhìn nhận về thực tại  số  phận của mỗi người cũng là một cách riêng trong hồi tưởng quá khứ của người lính. Cuộc đời người lính thời bình còn não ruột hơn rất nhiều lần những người chưa từng là lính. Quá khứ và hiện tại là một sự đối lập trớ trêu. Ngày xưa, cuộc đời không có sự bon chen, không có tham nhũng. Hôm nay, giá trị thời chiến hầu như đã bị đánh cắp, cuộc sống lại quá bề bộn, không chịu yên tĩnh. Người lính chỉ còn một phương thuốc duy nhất để chữa căn bệnh tinh thần là ru mình trong kí ức của cái thời ngọt ngào ấy. Hai Hùng tìm về cội nguồn của sự thủy chung, của lòng nhân ái. Nhưng trớ trêu thay nơi ấy, bây giờ là chỗ ẩn náu của sự bất nhân; người ngày xưa thủy chung thì bây giờ là kẻ trở mặt. Ba Sương, người con gái một thời biểu tượng của lòng vị tha, của sự trung thành, nay lại là bà giám đốc giả danh, mang lý lịch mờ ám. Như vậy, câu chuyện về việc tìm người yêu đã chết của Hai Hùng không còn là chuyện của hai người mà cao hơn thế nó mang ý nghĩa khái quát rất rõ. “Nhân vật Hai Hùng đi tìm Ba Sương là một trường hợp cụ thể, nhưng ý nghĩa tượng trưng là đi tìm chính bản thân  mình với những dằn vặt và “ảo giác” rất lớn, vì cái ảo giác ấy mà bị người lừa và tự lừa mình. Những gì tiêu cực hôm nay là sự phản bội rất lớn với quá khứ – tiểu thuyết Chu Lai đã bật lên tư tưởng ấy”[2, 6].

Giữ gìn những giá trị truyền thống là ý tưởng vô cùng tốt đẹp. Nhưng dường như đi theo con đường của Hai Hùng thì chưa phù hợp. Con đường ấy đã đẩy những người như anh văng ra xa cuộc sống thường nhật. Trong tiểu thuyết Chu Lai những người như vậy bao gồm một lực lượng tương đối hùng hậu. Linh trong Vòng tròn bội bạc; Nam, Thảo, Bình trong Phố; Bảy Thu, Sáu Nguyện, Ba Đẩu trong Ba lần và một lần… Ai cũng mang trong mình nỗi thèm rừng xanh, thèm cái màu ngút ngàn  của nó.

Trong tiểu thuyết Chu Lai không chỉ có hình ảnh người lính bất hạnh trong thời bình mà còn có những người lính thành đạt trên thương trường. Không ít cựu chiến binh là triệu phú, tỷ phú trên lĩnh vực kinh tế. Chiến trong Vòng tròn bội bạc trở thành “ông chủ” một vùng hồ rộng mênh mông. Anh là linh hồn của cả một tiểu đoàn làm kinh tế vùng hồ Thác Bà. Lãm trong Phố, sau những năm cơ cực không nhà cửa, không nghề nghiệp đã trở thành  “ông vua” trong nghề mía… Trong cuộc sống đời thường, bằng nghị lực và bản lĩnh của mình, người lính đã tự vươn lên. Họ đã chiến đấu dũng cảm như những ngày mặt đối mặt với kẻ thù để trở thành biểu tượng tuyệt đẹp về người lính thời bình xây dựng cuộc sống mới.

Bên cạnh đó còn có những người lính thành danh trong sự nghiệp chính trị như Út Thêm. Từ một cô bé chưa đầy mười lăm tuổi, ốm tong teo, ban đêm không dám đi đái, nằm trên võng còn khóc thút thít nhớ má năm xưa mà bây giờ đã là một thẩm phán làm việc theo tiếng gọi của lương tâm, trách nhiệm.

Những người lính vừa thành đạt, vừa nâng niu quá khứ không hiếm trong tiểu thuyết Chu Lai. Ba Đẩu, người chỉ huy ngày trước của đơn vị Sáu Nguyện giờ tuy không giàu có nhưng vẫn là người đứng đầu và đem lại cuộc sống bình ổn cho đồng đội cũ. Hay Tuấn trong Ăn mày dĩ vãng rất thành đạt trên thương trường nhưng nghĩa tình đồng đội vẫn không phai mờ trong anh. Cuộc gặp gỡ giữa một “đại phú gia” với kẻ “ăn mày dĩ vãng” mà chẳng có một chút mặc cảm nào. Đây là tầng lớp những người lính vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Họ vừa có tố chất của một người làm quân sự vừa có tố chất của một người làm kinh tế. Trong chiến trận họ có chiến lược, chiến thuật hợp lý thì trên mặt trận kinh tế họ cũng biết cách quản lý, kinh doanh giỏi .

3. Hình tượng người lính thời hậu chiến trong tiểu thuyết Chu Lai để lại trong tâm tưởng người đọc biết bao nhức nhối và day dứt. Số phận người lính hiện lên ở nhiều góc độ, nhiều dáng vẻ khác nhau nhưng đa phần họ gặp nhiều trắc trở, bất hạnh. Chu Lai không trực tiếp cắt nghĩa điều này, nhưng qua cách thể hiện, nhà văn đã làm bật nổi một tầng nghĩa thứ hai đó chính là tiếng kêu về cơn lốc bào mòn quá khứ của thời đại. Thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn muốn gửi tới người đọc là hãy tiếp tục tôn vinh những giá trị được hun đúc từ chiến thắng, hãy trân trọng những số phận đã đi qua chiến tranh.

Cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết Chu Lai là một mạch chảy xuyên suốt. Lưu vực của nó gồm hai dòng: dòng chảy về sự nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và một dòng hướng về số phận người lính trong thực tại. Nhà văn nhìn cuộc đời người lính từ nhiều góc độ khác nhau. Và như thế muôn nẻo đường đời của người lính trong hoà bình càng được nổi bật. Thông qua số phận của người lính thời hậu chiến, Chu Lai thể hiện cái nhìn mới về cuộc chiến đã qua, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề thời sự mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là lời kêu gọi: đừng quay lưng lại với quá khứ! Đừng để cho hiện tượng chảy máu quá khứ làm mai một vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam. Chúng ta có thể hội nhập, có thể vươn xa hơn cùng với bạn bè trên thế giới nhưng hãy đừng quên dân tộc ta đi lên từ những cuộc chiến đẫm máu mà thế hệ cha anh đã phải hy sinh cả tính mạng để có ngày hôm nay. Và cho dù cuộc sống hiện đại thật sự là những thử thách lớn đối với những cựu chiến binh thì người lính vẫn mãi được tôn vinh và kính trọng.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Lê Thị Luyến, Cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết Chu Lai, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Vinh, 2006

[2] N.I. Niculin, Về vấn đề văn học những năm chiến tranh, Văn nghệ Quân đội, số 4 (2001), 5-8.

[3] Bùi Việt Thắng,  Nội lực Chu Lai, Nhà văn, số 8 (2006), 60-65.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm