- Thế giới sách
- Lời giới thiệu tập “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”
Lời giới thiệu tập “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”
Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG
Đọc xong bản thảo tập thơ này, tôi mạnh dạn nhận định: Trịnh Duy Sơn là người đa tình, say yêu và say thơ! Nhiều khi chúng ta khá vô lý thành kiến với tính đa tình của ai đó, thực ra, đa tình là ân huệ tạo hóa ban cho con người, nam cũng như nữ. Người nào không đa tình là khiếm khuyết không chỉ về tình mà thiếu bao thứ khác, tất nhiên khó mà thành nhà thơ được. Trong bài TỰA Truyện Kiều, Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân có viết: “Phàm người đã ít tình tất là không có tài, chỉ nửa lòa nửa sáng, sống chết ở trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã cũng chỉ trơ trơ như cây, như cá chim vậy”!
Nhà thơ Trịnh Duy Sơn và tập thơ mới in
Tạo hóa không thiên vị khi phân bố tính đa tình cho các ngành nghề để nhiều người được yêu, yêu nhiều, nhưng tạo hóa cũng công bằng khi phân bố những hoàn cảnh để thử thách lòng người như sự chia ly, nỗi cách xa và cả sự phụ tình. Trước những hoàn cảnh đó, với người khô cạn tâm hồn thì sinh ra những tiếng thở dài, dòng nước mắt và nỗi thất vọng. Ngay thi nhân cũng không ai muốn ly biệt, xa cách và nhất là bị tình phụ…, nhưng chính nước mắt của biệt ly, đằng đẵng nhớ thương của xa cách và nỗi tuyệt vọng của “đứt gánh giữa đường” lại là thức ăn bổ dưỡng nuôi thơ tình tỏa rạng. Vậy nên ly biệt, cô đơn, thất tình là mảnh đất mầu mỡ của thơ tình. Nếu bỏ đi ba thứ đó, thử hỏi thơ tình thế giới còn lại bao nhiêu, thơ tình Việt Nam còn những bài nào đáng đọc? Trả lời câu hỏi đó dành cho bạn đọc, nhưng với điều kiện đó, riêng với Trịnh Duy Sơn thì không có tập thơ này và chúng ta không có dịp hội ngộ cùng nhau trên trang viết này!
Trịnh Duy Sơn là người sáng tác nhiều thơ tình, tổng số trên bốn trăm bài thơ tình, mà tập “Thơ tình Trịnh Duy Sơn” chỉ là một phần trong số đó. Các nhà thơ chuyên nghiệp tôi quen thân ít ai có được số lượng thơ tình nhiều như thế. Vẫn biết với văn học nghệ thuật, người ta quan tâm về chất lượng hơn số lượng, nhưng thơ tình Trịnh Duy Sơn nhiều bài khá, và nói chung không có bài dở, ngay cả một số bài không đưa vào tập này. Không chỉ hiểu tác giả là người đa tình, mà phải khẳng định “hệ số đa tình khá cao” khi ta biết được hoàn cảnh ra đời của những bài thơ, có khi thực tế chỉ là cái cớ cho trái tim ông rung động, rồi trí óc tưởng tượng, liên tưởng…và sự nhạy cảm của thi nhân cho bài thơ ra đời.
Người đa tình không chỉ yêu nhiều khi trẻ, mà tuổi yêu của họ kéo dài tận già, nghĩa là già rồi vẫn yêu và hoài niệm về những mối tình đã qua. Tập thơ này tác giả viết phần lớn sau khi về hưu và không ít bài viết ở tuổi “cổ lai hy” có tên là “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”. Tên tập thơ là cái cớ để tác giả hồi tưởng những ký ức, kỷ niệm theo dọc cuộc đời.
“Tôi ngồi lặng giữa hoàng hôn
Ngắm bao xác lá gửi hồn vào không
Hỏi trời - trời thả mênh mông
Hỏi chiều - chiều gửi nỗi lòng đơn côi
Hỏi em - em ở đâu rồi
Thôi đành độc thoại - mình tôi với chiều”.
(Độc thoại chiều)
Nội dung độc thoại – mình nói với mình - là điều gì vậy khi “nghe con tim gọi tiếng yêu cuối mùa”? Thì ra là chuyện tình yêu, độc thoại với mình và để gửi lại người mình từng yêu trong quá khứ, như bông sen nở giữa đầm mà yêu đương trắc trở, với lời khuyên gửi vào trong gió: “Thôi đừng trách cứ gì nhau / Yêu thương gửi lại trăng sao cho trời”!
Gửi lại là cái cớ để hồi tưởng về những cuộc tình, bắt đầu là những nụ hôn thời trai trẻ: “Anh hôn lên cánh hoa đào / Nồng nàn như thể hôn vào môi em”. Rồi trong hạnh phúc tình yêu, nhìn thấy thiên nhiên cũng đang yêu nhau, mây hôn khóm trúc, mưa hôn lên mái tóc dừa…tác giả tìm cách lý giải nguồn gốc của tình yêu đôi lứa: “Ơi tình yêu – phép nhiệm màu / Bắt đầu từ có, bắt đầu từ không”…
Nhưng trong “Thơ tình Trịnh Duy Sơn” không nhiều hồi tưởng về tình đẹp của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, mà trù mật về nỗi đau về tình. Thứ nhất là đau về tình yêu đơn phương, yêu mà không được đền đáp, “Chỉ xin em nén nhang lòng / Thắp lên cho khói vẽ vòng…đơn phương”! Đau thứ hai là yêu trong xa cách. Điều này từ xưa đến nay các thi nhân bộc lộ nhiều rồi, nay Trịnh Duy Sơn bổ sung vào cũng lắm. Nào là:
Chúng mình ở quá xa nhau
Lá trầu chưa thắm, buồng cau đã già
…..
Trái tim chớ có thầm thì
Càng thêm xa xót những khi đắng lòng
Cho dù ngày nhớ đêm mong
Cũng như bong bóng xà phòng cả thôi.
(Gửi Xa Xôi).
Rồi thì:
Một mình chợt nhớ chợt quên
Phải lòng cả những lối mềm cỏ hoa
Dặn mình đừng nhớ người ta
Mà chênh chao giữa bao la cõi người
Một mình ta với ta thôi
Sao trong mơ lại hai người hỡi em?
(Một mình)
Nhưng đau nhất là nỗi đau thất tình. Đã biết bao người đời chết vì thất tình, nhưng nhà thơ này không chịu chết, mà biến nỗi đau thành thơ:
Hết rồi, bình quý đã tan
Rượu bay ngược gió, hoa tàn theo mây
Ta giờ nêm chật đắng cay
Nghe tim vụn vỡ từ ngày mất nhau…
(Từ ngày mất nhau)
Đau, rồi tự an ủi:
Một khi đã tắt lửa tình
Tro tàn nguội lạnh, phận mình mình lo
Còn mong chi một con đò
Đã rời khỏi bến trước giờ hoàng hôn!
(Còn mong chi nữa)
Đau, muốn giấu không cho ai biết:
Dù ăn nhầm ớt
Ta cũng khen là ngọt
Để người đời
Không thể biết mình cay!
(Nhủ lòng)
Đau, muốn giấu mà không giấu được, buộc thốt lên thành lời:
Đau từ sâu thẳm đau ra
Đau từ sáng sớm đau qua đêm trường
Một mai rời cõi vô thường
Nỗi đau biết gửi về phương trời nào!
(Đau)
Có nhà thơ chuyện nghiệp, viết các thể thơ tự do thì hay, nhưng viết lục bát thường trúc trắc vần điệu, khó đọc. Trái lại, Trịnh Duy Sơn là con người bản năng, ngẫu hứng, phóng túng, nhưng ở tập thơ này, lại thật chỉn chu khi làm thơ lục bát, không để, hoặc rất ít sai phạm đáng tiếc, như chữ thứ 2 câu bát thanh trắc, chữ thứ 4 thanh bằng và chữ thứ 6 của câu bát vần với chữ thứ 8 của câu ấy (điều mà Truyện Kiều luôn tránh).
Tuy nhiên tính phóng túng, ngẫu hứng đó lại thể hiện trong ý tứ và cách dùng chữ, có khi khiến câu thơ tự nhiên với “ngôn ngữ chuyên ngành”, làm bạn đọc mỉm cười thú vị.
Kho yêu trời đất cho ta
Nửa đời ta đã chi ra hết nhiều
Bây giờ còn chẳng bao nhiêu
Gặp em ta vẫn quyết liều một phen
Dẫu còn chỉ một đồng keng
Quyết tiêu bằng hết chẳng đem về trời
Ta mang thế chấp ta rồi…
Ngày ngày ta chỉ biết ngồi...làm thơ
Thơ ta dù vẫn ngu ngơ
Xin em đừng có nghi ngờ tình ta
Kho yêu em kiểm rồi mà
Trao em chìa khóa nữa là...trắng tay!
Bài thơ chi chít những từ thuộc phạm trù tài chính, thủ kho như kho yêu, chi ra, đồng keng, thế chấp, kiểm, chìa khóa…
Nhiều khi tác giả tự giễu mình, làm người đọc khó nén cười:
Tôi điên điên, em điên điên
Rủ nhau xuống động ngồi thiền canh thâu
Gió sương nhuộm trắng mái đầu
Chắp tay chẳng biết nguyện cầu điều chi.
Mở lòng xin phật từ bi
Con nhìn con cũng có khi còn nhầm!
(Điên điên)
Nghe tin Trịnh Duy Sơn đã có lần tu tại gia làm tôi nhớ đến chuyện nhà văn Chu Lai tập ngồi thiền. Hai người đều là bạn tôi, nên tôi hiểu tính cách của họ: cả hai đều phóng túng, yêu tự do và thích làm điều mình thích. Không biết Chu Lai ngồi thiền có thành công không, chứ Trịnh Duy Sơn thì thất bại hoàn toàn như anh đã thú nhận:
Ta tu vớ vẩn tại gia
A Di Đà Phật – Thích Ca nhiệm màu
Vì đời còn lắm bể dâu
Tu nhà – chẳng được đi đâu khỏi nhà!
Hết Nam mô lại Di Đà…
Ta tu chiếu lệ khó mà bình an
Đường đời mấy đỗi quan san
Để con tu hú phải than suốt mùa
Có ai đội lễ lên chùa
Cho ta xin một lá bùa trừ…mê…!
(Tu tại gia)
Có những vùng đất xuất hiện nhiều trong “Thơ tình Trịnh Duy Sơn”, đó là vùng Kinh Bắc quê hương và Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu…và nước Úc xa xôi, nơi tình cảm gia đình và ký ức tình yêu được lưu giữ. Đọc thơ ông ở những địa bàn này, ta còn thấy được ngoài đậm tình ra, tác giả là người nặng nghĩa. Có ai đó bảo “Thơ là người”, tôi thấy điều đó rất đúng với Trịnh Duy Sơn: người có nội năng dư thừa, khát yêu, khát thơ và đã trải lòng mình lên hàng trăm trang thơ chan chứa tình yêu.
Trong tập thơ này thể thơ lục bát được ông sử dụng nhiều nhất và khá thành công, nhưng những thể thơ khác như thất ngôn, ngũ ngôn… ông cũng không hề bỡ ngỡ và có những bài hay.
Em thắp lửa cho lòng ta ấm lại
Qua bao ngày nguội lạnh tàn tro
Lại yêu thương, mơ mộng, hẹn hò
Lại thắc thỏm đợi chờ, hy vọng.
Không phải biển mà sao lòng dậy sóng
Không phải rừng mà rộn rã tiếng chim
Ta đang hát hay là em đang hát
Mà tiếng đàn rung mãi con tim?
(Em thắp lửa)
Còn nhiều, nhiều lắm những câu thích, bài thích, phần trích dẫn của tôi chỉ là ví dụ và có khi chưa thật điển hình. Phần phát hiện những bài hay khác dành cho các bạn.
Và tôi tin, khi đọc xong tập thơ tình dày dặn này, không bạn đọc nào thất vọng, thậm chí có người thốt lên rằng: “Thơ lão này khá thế, mà sao mình bây giờ mới đọc?”!
Xuân, 2023
Thơ Trịnh Duy Sơn dung dị và nồng ấm khi viết về tình yêu và tình đời. Đến với thơ từ rất sớm nhưng phải đến Thơ Tình Trịnh Duy Sơn anh mới dần khẳng định được mình. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm được trong thơ anh những nghĩ suy và trải nghiệm về cuộc đời.
Nhà thơ Trương Nam Hương
Trịnh Duy Sơn viết báo, viết truyện ký, làm thơ từ những ngày đầu bước vào Quân ngũ. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên anh ít có điều kiện gửi bài cho các báo, đài…mà phần lớn thơ văn anh viết ra chỉ để đọc cho đồng đội nghe hoặc in trong các tập sách truyền thống của Sư đoàn 312 – Sư đoàn Chiến thắng Anh hùng. Thời hậu chiến lại phải lo mưu sinh nên anh cũng không có nhiều thời gian giao lưu, chia sẻ với các bạn thơ.
Nhưng đã yêu thơ thì không dễ gì dứt bỏ. Dù nay đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” anh vẫn tìm đến thơ để rồi có tập Thơ Tình Trịnh Duy Sơn – Đây mới là những vần thơ da diết về tình yêu, tình đời được tác giả giấu kín trong trái tim “Trẻ mãi không già” như nhiều bạn bè từng nói.
Nhà thơ Lê Minh Quốc