TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Tản mạn về giải thưởng văn chương và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021

Tản mạn về giải thưởng văn chương và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
744 lượt xem

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là điểm cao trào cuối của những công cuộc thầm lặng diễn ra trong suốt một năm. Cái công cuộc ấy không phải chỉ là sáng tác, mà là nhìn nhận. Chừng nào giải thưởng còn mang lại một cảm giác chờ đợi và khai phá, chừng đó người ta còn tin tưởng vào một nền văn học lành mạnh.

Giải thưởng luôn là điều cần thiết cho văn chương, ở những lẽ sau đây. Thứ nhất, nó mang lại cho văn chương những lợi ích hữu hình. Song hành với giải thưởng là tiền bạc và danh vọng: với các nhà văn mới xuất hiện, đó là một sự công nhận và khích lệ; với các nhà văn đã thành danh, đó là sự củng cố và khẳng định. Mà nhiều khi, các nhà văn thành danh cũng cần khích lệ nữa, để tránh khỏi cái nguy cơ chán viết khi sự nghiệp đã đến đỉnh cao. Thứ hai, xét về lợi ích vô hình, giải thưởng là cái cớ để neo lại trong một dòng chảy văn chương, để công chúng và giới phê bình có thời gian nhìn nhận lại một đoạn đường đã qua. Cái dấu chân in lên của đoạn đường trước sẽ tạo nên hõm đất làm điểm bật cho chặng đi tiếp theo. Sức lan tỏa của một giải thưởng khả tín sẽ đầy sức khơi gợi. Người vô danh nhìn thấy một ngọn đuốc nhận đường mờ tỏ, cũng bước ra khỏi bóng tối để thi thố chữ nghĩa.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Văn học trẻ cho các tác giả đoạt giải.

Giải thưởng cũng giải quyết cái cô đơn hiển nhiên của một nhà văn: cần được công nhận, và cần được thấy rằng rồi cũng sẽ được công nhận. Đừng ai nói rằng hội hè đình đám trong văn chương là không quan trọng. Ta chỉ tìm thấy đúng bản thân mình trong thế giới bên ngoài mà thôi: cái tôi đích xác tồn tại cho một lẽ cộng đồng, với thứ bậc, vị trí, uy tín xã hội và muôn vàn mối quan hệ tương giao.


Tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương.

Trong văn chương, hào quang không phải là dĩ nhiên. Yêu mến văn chương Việt Nam thì sẽ nhìn thấy ngay: chỉ trong hai năm qua, các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, giải thưởng… có vẻ trở nên nhiều hơn, là để tìm kiếm một hào quang còn thiếu. Với những người làm công tác tổ chức hay quản lí về văn nghệ, họ kì vọng vào các cuộc thi, cuộc vận động và giải thưởng như những công cụ có thể giúp tìm ra những cây bút mới ngoài kia, nhất là khi không gian sinh hoạt văn hóa đã thay đổi nhiều so với trước đây, không còn dồn tụ lại ở một vài tờ báo lớn. Không có cuộc thi hay giải thưởng, sinh hoạt văn chương mất đi sinh khí, thậm chí là không có dáng hình. Ngày nay ai cũng có thể ra sách, và với một chút ngân sách tiếp thị, cùng sự ủng hộ khéo léo mang tính bằng hữu xã giao, người ta hoàn toàn có thể trở thành một tác giả có nhiều người để mắt. Nhưng ai sẽ đứng bên lề ghi lại những chuyển động của một nền văn chương – cái mà không gì khác, chính là tâm thức của một thời đại. Việc có các hệ thống giải thưởng văn chương làm cho nền văn học trở nên có xương sống. Xương sống tỏa nhánh ra từng đốt khâu, làm cho văn chương có hình hài và có quyền hi vọng được nâng tầm vóc.

Đương nhiên giải thưởng văn chương cũng có những mặt trái của nó. Giải thưởng cố định và hạn chế tác phẩm, vì dẫu sao, giải thưởng vẫn là những giá trị được khoác lên dựa trên quan điểm của một ban giám khảo. Giải thưởng cũng sinh ra những tác giả sống vì giải thưởng, vì ở họ, cái khát khao vui vầy trong một thế giới của những người cùng đam mê lại mạnh hơn khát khao sáng tạo. Người đoạt nhiều giải thưởng thường tư duy văn chương như một màn tiến thân: chinh phục cuộc nhỏ rồi mộng mơ cuộc lớn. Giải thưởng làm cho họ ngấm những khôn khéo kì cuộc, lại chuốc vào mình nụ cười mãn ý và hơi thở khinh bạc của kẻ hiểu sự, và rồi dẫu tỉnh ra nhưng không sao khác được, họ quên mất rằng sự nghiệp của một nhà văn là phải xây dựng thế giới quan đặc sắc và tìm ra chân lí riêng tư của những điều họ đặc biệt quan tâm. Cái bẫy danh vọng thì ở đâu cũng có, nhất là khi thế gian quá nhiều cuộc thi sẵn sàng trao cho nhà văn những tấm kỉ niệm chương chói lòa.


Tiểu thuyết “Nắng thổ tang” của Đinh Phương.

Nhưng giờ đây, các điểm yếu của những giải thưởng sẽ được bù lại bởi những tranh luận xung quanh nó: công chúng có cơ hội phản biện giải thưởng, đọc những tác phẩm bị loại và tái xếp hạng các tác phẩm theo quan điểm của riêng họ. Giải thưởng tạo dịp vui cho giám khảo trở thành độc giả và kích thích các độc giả trở thành giám khảo. Thế nên, việc xây dựng một giải thưởng văn chương với quy trình minh bạch, quan điểm rõ ràng cũng như phong cách sắc nét là điều tối quan trọng của những nhà tổ chức.

Mọi nhà văn đều không thiếu khôn ngoan để tránh những bẫy. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến chiến lược tồn tại của một cây bút: một nhà văn giỏi sẽ biết khi nào họ thực sự cần giải thưởng, còn khi nào thì không. Họ cần giải thưởng vì họ cần một động lực để hoàn thành một tác phẩm nhọc nhằn. Họ cũng có thể cần giải thưởng vì điều đó sẽ mang lại những mối quan hệ mới, và mở ra một cánh cửa đi vào thế giới khác, giúp họ có thêm hơi thở đời sống để bật ngọn lửa sáng tạo. Mọi điều ấy đều quan trọng và chỉ có những cây bút hoặc với tài năng quá lớn hoặc với một mặc cảm của sự không được công nhận mới đi bỉ bôi các giải thưởng.

Những giải thưởng luôn có nhịp của nó. Chọn lựa của nó, phán quyết của nó không hẳn chỉ tác động đến sinh thể tác phẩm hay mạch ngầm của văn học, mà chính nó có lúc phải tiến lên táo bạo, sẵn sàng gây tranh cãi, hoặc lùi lại để chờ đợi, hoặc tìm một chỗ víu thật vững trước khi nhấc gót chân viễn dụ. Với sứ mệnh là một trong những giải thưởng lớn, mang tầm vóc của quốc gia và cho thấy lăng kính của một nền văn học, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là điểm cao trào cuối của những công cuộc thầm lặng diễn ra trong suốt một năm. Cái công cuộc ấy không phải chỉ là sáng tác, mà là nhìn nhận. Chừng nào giải thưởng còn mang lại một cảm giác chờ đợi và khai phá, chừng đó người ta còn tin tưởng vào một nền văn học lành mạnh.

Kể từ năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam xây dựng các hạng mục giải thưởng riêng cho văn học thiếu nhi và tác giả trẻ, như là một động tác lấy lại thế đứng và điểm tựa cho một cú phóng đi trong tương lai gần. Những mơ ước về việc xuất khẩu văn học Việt Nam cũng như đưa tác phẩm tiệm cận đến các giải thưởng lớn trên thế giới hẳn không phải là một tầm nhìn thấp. Đó không phải là ước mơ về sự đổi mới hay cải cách, mà là hoa tiêu của việc tái ổn định. Bất cứ một xạ thủ nào muốn bắn vỡ tan một đích ngắm thì trước tiên cũng cần phải chọn chỗ thật đúng, lựa dáng đứng chuẩn theo lí thuyết và bình ổn tinh thần. Sau những mùa trao giải ít nhiều gây tranh cãi, giải thưởng của năm 2021, với Hội Nhà văn Việt Nam, thật sự gánh chịu nhiều áp lực. Đây không phải là một năm văn học Việt Nam nở rộ: người ta đi giữa khu vườn văn học, thấy xung quanh nhiều đốm sắc màu của những thứ kì hoa mới nở, nhưng đưa tay ra hái thì khó ngắt được một bông nào đã xòe cánh. Thế nhưng, để hiện thực hóa cái ước muốn khai phá thêm những tài năng mới, hoặc chỉ để lạnh lùng thầm thì rằng diện mạo của chúng ta đã khác rồi, cần phải có một năm bản lề.


Tiểu luận “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung.

Luôn luôn có những chuyển động rõ nét nếu ta thực sự muốn nắm bắt. Những quyển sách được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 – tất nhiên được xác quyết bởi bàn tay của những người chấm giải – tự thân nó ẩn chứa tâm thức của thời đại và diện mạo cũng như tinh thần hiện có của một nền sinh hoạt nghệ thuật. Khởi đi từ một (hay nhiều) cái chết, Nắng Thổ Tang (giải Tác giả trẻ) và Một ví dụ xoàng (giải hạng mục văn xuôi) bám lấy câu chuyện của những vụ án để từ từ khai mở những chuyện về đời sống trong thế giới hiện đại (Một ví dụ xoàng) hay trong quá khứ xa (Nắng Thổ Tang). Cả hai tác phẩm, tất nhiên được khởi viết trước năm 2021, trở về với lớp lang của tự sự thuần thành: không còn là cuộc chơi của mã hóa văn bản, ra đời với những cái tên giống như là ngón tay của tác giả chỉ định đích danh (“một ví dụ”, “Thổ Tang”). Dùng những sự kiện đã từng có thật, những phiên tòa với địa điểm đích xác, không mơ hồ… làm trung tâm, các nhà văn đưa ra diễn giải của mình và cho thấy bản chất xã hội của con người có thể giải thích được ở mức độ nào đó. Hai cuốn sách buộc ta phải đọc đến cuối để nắm được toàn bộ ngữ cảnh, xen giữa những câu chuyện chương hồi, những góc nhìn khác của người trong cuộc (bằng các hình thức như ghi chép, miên thoại với người chết, hay độc thoại nội tâm).

Đã đến lúc cần nhìn lại thực tại văn học, không phải vì đã có thêm nhiều gương mặt văn chương mới, mà là vì nhu cầu của nền văn chương tiếp tục cần nhà nghiên cứu phê bình nhập cuộc hết mình và kể được câu chuyện của họ, dẫu là một câu chuyện nhỏ.

Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 ở hạng mục nghiên cứu phê bình) tập hợp hơn hai mươi tiểu luận của Trương Đăng Dung. Trong hai năm qua có rất nhiều tập sách nghiên cứu phê bình ra đời, trong đó có những cuốn sách chín chắn xen lẫn cả những cuốn sách xuất hiện vội vàng. Đi vào cuốn sách của Trương Đăng Dung, ta có thể thấy bàn tay sắp xếp của người viết sách (và điều này mới xứng đáng làm nên giải thưởng: viết văn học và đọc văn học là gì nếu không phải là những động tác sắp xếp) cẩn trọng đến chừng nàọ Xuyên suốt hai mươi sáu chương, hiển lộ một người đang nhẫn nại làm rõ mồn một những hỗn loạn của lí thuyết: khoa học văn học là gì, đối tượng của nó là gì và có nên nhầm lẫn đối tượng của lí luận văn học với phê bình văn học hay không; chủ thể là gì và tại sao ta phải quan tâm đến cả chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể tiếp nhận; văn bản – đối tượng của lí thuyết và tiếp nhận – là gì và không phải là gì, nó có thể chuyển động như thế nào và giới hạn của chúng ta đến đâu khi cố gắng xử lí nó… Tiếp đó, chúng ta đi đến những hệ thống mĩ học khác nhau trước khi bập vào một thế giới văn bản cụ thể: Franz Kafkạ Con đường lớp lang này xoay vòng quanh một trụ cột “sự bất ổn của nghĩa”.

Ba tác phẩm trên đây gặp nhau ở một sự kiện lớn của văn học Việt Nam 2021 phần nào tạo ra một mỏ neo vững chắc cho những hi vọng sắp tới của một nền văn học đang chuyển mình. Trên một tờ báo, sau khi Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 được trao, có độc giả nói như thế này: “Rất mừng là thời gian gần đây những giải thưởng cho văn học, cho sách đã ít nhiều tiệm cận giá trị”.

 Đức Anh/VNQĐ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm
Minh Anh, người đánh thức thế giới
từng chữ từng chữ/ rơi vào từng dòng từng dòng/ chúng chụp lấy những khoảnh khắc/ đẹp não nùng/ không thể rời khỏi con tim/ cách duy nhất để tự nó đừng nở rộ quá mức/ vượt khỏi ký ức của ta/ là hãy viết xuống (Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết).
Xem thêm
Ta sẽ không như cốc trà nguội cuối ngày
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ Vọng thiên hà của Hoa Mai.
Xem thêm