- Tin tức - Hoạt động Hội
- Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo
Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo
Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo:
Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023) vào sáng nay 17.6 tại Đường Sách TP.HCM.
Các đại biểu cắt băng khai mạc (Ảnh: Ngọc Dương)
Tuần lễ Sách của người làm báo (diễn ra từ ngày 17 – 22.6) vinh dự đón tiếp ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Lãnh đạo Sở TT – TT TP.HCM có ông Lâm Đình Thắng – thành ủy viên, Giám đốc Sở TT – TT TP.HCM; Đồng Trưởng ban tổ chức: nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà báo Lý Việt Trung – Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập báo Phụ nữ TPHCM, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên.
“Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí… Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian”. - Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng khẳng định.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu (Ảnh: Ngọc Dương)
Trong buổi khai mạc này, Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho những nhà báo có sách đoạt giải thưởng cao của TP.HCM và TƯ: Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Giải B văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1977, Giải A Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, Giải cao nhất văn xuôi - Giải VHNT Huỳnh Văn Nghệ năm 2015; Nhà báo Dương Thành Truyền với tác phẩm Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (Giải B Giải thưởng về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020); Nhà báo Khuynh Diệp: Giải nhì Cuộc thi phóng sự - Ký sự báo chí 2015 – 2016; Nhà báo – Nhà thơ Nguyễn Hồng Lam: Tác phẩm Bản tình ca khúc khuỷu (Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022); Nhà báo – Nhà thơ Lê Minh Quốc: Chào thế giới bây giờ con đã đến (Giải C - Giải thưởng sách quốc gia năm 2020); Nhà báo – Nhà văn Lại Văn Long: Hồ sơ lửa được Tổ chức kỷ lục VN xác lập kỷ lục Bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất VN được thực hiện trong 30 năm (1992 - 2022); Giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV (2017 - 2020); Nhà báo – Nhà thơ Bùi Phan Thảo: Tác phẩm Ngọn khói về trời Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022, Giải Mai vàng của Báo Người Lao động năm 2022 về Văn hóa - Nghệ thuật; Nhà báo – Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Cà Nóng chu du Trường Sa (Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TPHCM 2022), Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động 2022, Giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia 2022.
Sách trưng bày của các nhà báo
Nhiều bạn trẻ đến tham quan tại Đường Sách
Ban đêm thức với đam mê câu chữ, ban ngày phải tỉnh táo:
Tại không gian văn hóa Đường Sách TPHCM sáng nay, cũng đã diễn ra chương trình giao lưu với các Nhà báo – Nhà văn có sách đoạt giải thưởng cao của TP.HCM và TƯ. Với sự chia sẻ về nghề vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, nên luôn có những khó khăn, trùng lắp hoặc thuận lợi nhất định về con đường mình đã dấn thân. Vì nếu như nghề văn cần sự bay bổng, nhiều xúc cảm, thì nghề báo lại cần sự tỉnh táo, chuẩn xác và trung lập. Với nhiều nhà báo, việc “ban đêm thức với đam mê câu chữ, ban ngày phải tỉnh táo” cũng đem lại những trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Trái qua: MC, Nhà báo - Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Nhà báo - Nhà văn Lại Văn Long, Nhà báo - Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, Nhà báo - Nhà thơ Lê Minh Quốc
Nhà báo – Nhà thơ Lê Minh Quốc: Chào thế giới bây giờ con đã đến (Giải C - Giải thưởng sách quốc gia năm 2020) chia sẻ: “Nghề viết là một sứ mệnh, công việc viết có phần gian nan, đôi khi chỉ một chữ của chúng ta cũng gây ra hậu quả lớn. Vậy nên, người làm báo phải làm việc hết sức trách nhiệm”.
Với Nhà báo – Nhà văn Lại Văn Long, tác giả vừa xác nhận kỷ lục với bộ tiểu thuyết hình sự dài nhất Việt Nam, Hồ sơ lửa, việc được công tác tại báo Công an TP.HCM từ năm 1992 đã cho ông cơ hội thực hiện ước mơ từ thủa nhỏ: "Nếu không làm báo, tôi sẽ không có cơ hội tiếp cận với nhiều tài liệu, những vụ án hình sự để tạo nên những trang viết sinh động và chân thực. Từ khi bước chân vào làm báo, tôi bắt đầu viết về các vụ án, đầu tiên là những bài báo dài kỳ. Sau này, tôi viết bộ Hồ sơ lửa chỉ trong 6 năm thôi, nhưng để 6 năm đó thành công thì tôi phải có 25 năm chuẩn bị".
Ở một khía cạch sâu sát hơn, Nhà báo – Nhà thơ Bùi Phan Thảo, tác giả của Ngọn khói về trời đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2022, cho rằng nghề văn và nghề báo khác nhau nhưng cũng hỗ trợ cho nhau rất nhiều. “Nghề báo cho chúng tôi tư duy sắc sảo, phản biện, biết tôn trọng sự thật và chứng cứ, cho chúng tôi rất nhiều vốn sống, còn nghề văn đem lại sự nhân hậu, nhân văn. Đương nhiên, nghề văn hay nghề báo phải có sự phân thân, nhưng cũng có sự nhập thân. Phải quên mình, phải đắm đuối vô đó thì mới làm nhà báo chuyên nghiệp, nhà văn thành công được”.
Các Nhà báo, Nhà văn chụp hình giao lưu với độc giả
(Ảnh: Ngọc Dương)
Trước đó, Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, đồng trưởng ban tổ chức chia sẻ Tuần lễ sách của người làm báo cho thấy sự đa năng của nhà báo: “Gọi Tuần lễ sách nhưng tôi nghĩ đó là ngày hội sách của những người làm báo. Ngày hội sẽ mang đến cho độc giả những điều thú vị. Chẳng hạn, hồi trước độc giả biết về anh Huỳnh Dũng Nhân qua những bài báo riêng lẻ nhưng qua 5 cuốn sách sẽ hiểu được bút lực, khuynh hướng viết của anh, ngoài phóng sự kí sự anh còn làm thơ, vẽ tranh, lý luận phê bình… Tuần lễ sách giúp độc giả thấy bút lực, khuynh hướng viết của nhà báo” - Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam nói.
Thông tin từ Ban tổ chức, hiện tổng số sách tham gia trưng bày tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh gần 300 cuốn. Các đơn vị tham gia, gồm: Nhân Dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Quân Đội Nhân Dân, Người Lao Động, Công an Nhân dân, Công an TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Phụ Nữ Việt Nam, Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh, Doanh nhân Sài Gòn, Giác ngộ, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố (VOH), Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh… Những tác phẩm thể hiện được góc nhìn của những nhà báo với phong cách đa dạng, hấp dẫn và gây bất ngờ với người đọc.
Kỳ Sơn