TIN TỨC

Người phụ nữ giàu năng lượng yêu

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-02 06:58:54
mail facebook google pos stwis
816 lượt xem

TRẦM HƯƠNG

Viết về Đào Phong Lan hóa ra thật không dễ, bởi tôi dẫu lớn hơn em hơn một thế hệ mà có cảm giác em già dặn hơn mình. Những năm 1990, em đã có những thành tựu nhất định và ghi dấu trên văn đàn bằng những giài thưởng thơ ca. Em sớm đến với văn chương và giành được những giải thưởng văn học từ lúc còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Điều đó cũng dễ hiểu vì tố chất được phát triển trong môi trường gia đình thấm đẫm âm nhạc và thơ ca.


Nhà văn Trầm Hương tại buổi ra mắt tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt"

Rồi Đào Phong Lan dấn thân vào cuộc sống, kiến tạo gia đình và sự nghiệp, trong đó sáng tác văn học là một phần đời. Trong vai người mẹ, người vợ, một doanh nhân; phần cho "người tình" thơ ca vẫn thủy chung, lúc dịu dàng chìm lắng, lúc sôi nổi. Gần đây em trở lại với nhiều truyện ngắn. Và cuộc thi truyện ngắn hay do Tạp chí văn nghệ TP.HCM đã trao giải thưởng cho "Bảy ngả yêu thương" của Phong Lan. Tôi có cảm giác em trở lại với văn chương với tình yêu nồng nàn hơn xưa bởi sự khích lệ của độc giả, bè bạn...
 


Nhà thơ Đào Phong Lan và tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt", NXB Hội Nhà văn, 2023


Lần nay, cầm trên tay tập thơ "Em không thể nói lời từ biệt" của Đào Phong Lan, tôi cảm nhận năng lượng sáng tạo của người đàn bà đẹp truyền dẫn đến tôi. Trang sách mở ra những câu thơ nống nàn, đau và sâu thẳm. Tôi thích chất "ớt cay" của em:

"Em phân thân giữa những gì được mất

Chẳng hay hạnh phúc có còn

Sợ anh đứng trên triền non cao ngất

 Vẫn mơ về một bóng thùy dương

 

Anh thân yêu!

Cơn mưa mọc hoang trên đất

 Nảy lên bong bóng bảy màu

 Những đám mây chân trời rơi nước mắt

Anh ở đâu??? (Đông - Viết giữa cơn mưa)

 

Cây cố quên mùa khô

 Bằng chồi hoa tím ngát

Người tìm cách quên ta

 Bằng người con gái khác (Hạ, mưa tháng năm)

 

Em chỉ có một bờ tóc ngắn

 Không đủ dài để buộc lời anh

Những ngọn tóc buồn hơn rêu cũ

 Và hắt hiu gấp mấy lá cành " (Đông - Cho ngày hôm qua)

 

Và cũng trong "Đông" buốt lạnh, tôi chầm chậm ngấm vị đắng xót của Lan:

"Anh đã có bao nhiêu tình yêu thứ nhất

 Sao không cho em làm kẻ cuối cùng?

Cứ để em chạy chân trần trên đất

 Mãi vẫn chẳng thể dừng?

 

Ngày hôm qua xa lắm,

Ngày hôm nay anh nhắc làm gì?

Em chỉ có đôi bàn chân lấm

 Đôi bàn tay chưa biết ôm ghì

Những ngón tay xanh mềm trong nắng

Che mặt khóc vụng về

Những ngón tay nằm hoang vắng

Run run chiều như cỏ ven đê..." (Đông - Cho ngày hôm qua)

 

Tôi đồng cảm, ngấm vào lòng vị mặn những giọt nước mắt của Lan. Lan khóc cho mình:

"Buổi chiều 30 tuổi

 Ngồi khóc trước hiên nhà

Ngoài sân con bướm rụng

 Rơi đầy trời lá đa (Hạ - không đề)

 

"Anh lấp trong em một đáy vực sâu

 Lại chất lên trùng trùng đá núi

Nỗi buồn dâng thành sông

 Nước mắt tràn thành suối

 Mà vì sao em vẫn lại yêu anh?" (Thu - vì anh)

 

Lan khóc cho nhân gian:

"Bắt gặp một dòng nước mắt

 Xưa bỏ trốn lên đồi

Thấy không đâu trên trái đất

Hoang vu

Như

Chỗ ta ngồi" (Hạ- chiều)

Nhưng đau và sâu hơn khi Lan khóc không thành tiếng, là những giọt nước mắt giấu vào trong:

"Lời đá cuột rơi trong lòng suối cạn

Vang lên trong vòm lá một thanh âm

Tiếng đá vỡ

Trong veo

Đau đớn

Lời yêu chỉ nói một lần..." (Xuân - Lời đá cuội)

Cay nồng, đắng, mặn nhưng người đàn bà mang tên Đào Phong Lan, thơ Lan quá đỗi quyến rũ, ngọt ngào, :

"Em nằm yên trong tay anh, trong hơi thở...

Trong nắng trời,

Gió biển,

Cát bờ xa,

Những con ong rừng lấy mật về qua

Ngọt như môi anh hôn em mỗi sáng..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Một người đàn bà giàu năng lượng như Lan khi yêu bung hết sức thanh xuân, là muốn đi đến tận cùng:

"Hãy để em yêu anh không do dự

Và hãy yêu em như giây phút cuối cùng

Như ngày mai sẽ xa nhau vĩnh viễn, lối đi chung

Của hai đứa đã có người chắn mất...

Như đã đến giờ tận thế trên trái đất

Như dòng sông sẽ cạn muôn đời

Hãy siết em vào lòng

Hãy hôn mãi không thôi

Hãy yêu em không một lần ngưng nghỉ..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Yêu đắm say đến vậy nhưng sao Đào Phong Lan quá biện chứng và tỉnh táo. Người đàn bà giàu năng lượng nên cũng quá đỗi thông minh, chợt nhận ra bản chất cuộc đời ẩn trong những sắc màu, hình tướng. Sự tỉnh thức khiến Lan đau khổ, khắc khoải và khao khát. Sau những phơi trải lòng mình, những hoài nghi, dằn vặt; chốt hạ những lời này, chắc hẳn là Lan rất đau đớn khi đối diện với chính mình:

"Ngày mai khi chúng mình gặp lại

Có thể là em đã khác hôm nay..." (Hạ - Viết cho anh những ngày xa)

 

Làm sao không khác được, khi người đàn bà nhạy cảm, thông minh như Lan thấu triệt những phép tính:

"... Bóng em khuất sau cánh cửa

Khép một nôi buồn nhân đôi

 

Những phép tính không bao giờ có thực

Đã trừ dần đi tôi" (Xuân - Những phép tính)

 

Những phép tính không bao giờ có thực nhưng nỗi đau của Lan là có thật:

"Còn lại một mình em kiếm tìm, đuổi bắt

Làm ra vẻ đồng vui,

Em la hét cười đùa.

Khi vì sao cuối cùng vừa tắt

Em ngồi trơ trên đất

Chợt nhận ra

Chỉ một mình

Trò chơi ấy

Vẫn thua" (Xuân- Trò chơi)

 

Tự nhủ xem như một trò chơi mà Lan vẫn không thôi đau, thôi khắc khoải về nó:

"Tôi làm sao níu lại cánh diều 

Khi nó đã bứt dây

Theo mây chiều bay mất?

Những tia nắng của một ngày ắp tắt

Cũng vội vàng về hướng xa tôi" (Hạ - Cho Nguyên)

 

Đọc thơ Lan rồi thì tôi hiểu vì sao cô gái mới ngoài hai mươi tuổi đã đưa ra một giả thiết khác, khi đặt mình vào Mỵ Nương:

"Anh đã chậm

Mà em thì quá vội

Thủy tinh ơi, xe đã thắng ngựa rồi

Nước mắt em xin hóa thành con nước

Hòa vào sông anh lấp lánh mặt trời..." (Thu - Lời Mỵ Nương)

 

Cay, đắng, mặn, ngọt ngào nếm đủ, Lan thanh lọc mình, quay vào bên trong, hướng đến sự nguyên sơ, tinh khiết, vượt qua bản ngã mình để bao dung:

"Nếu tình yêu có bảy sắc màu

Em xin nhận về mình hai màu xanh - trắng

Để nở hoa lối anh về phẳng lặng

Nhuộm sắc trời xanh mát buổi sau mưa..."  (Thu - Vì anh)

 

Cầm trong tay tập thơ mỏng nhưng sao tay tôi thấy trĩu nặng khi chạm vào tài hoa thơ của người phụ nữ giàu năng lượng yêu. Chỉ việc tự thể hiện mình trong 15 bài thơ gởi tặng độc giả, Đào Phong Lan phải mất nhiều năng lượng, công sức. Nếu chỉ riêng đọc từng câu thơ lẻ, bất chợt như:

"Lũ kiến đen vội vàng về phía sáng/ Như sợ mình không đến kịp ban mai"

"Còn em xin được làm chiếc cúc/ Nép khiêm nhường trên ngực áo anh"

'Thót nghe lá gãy trên cành/ Chỉ mong ngày tháng không đành lập đông"'

"Kỷ niệm mềm như lụa / Choàng lên thời gian qua"...

... thì ta cũng nhận được năng lượng thơ ca của Lan truyền dẫn vào từ mắt vào tim rồi...

 

Tôi đặc biệt thích những bài thơ của Lan viết về Tây Nguyên, phố núi vừa hồn cốt vừa khoáng đạt. Bàng bạc trong thơ Lan là nắng, là những hạt mưa, là lá rơi, rêu cỏ, bời bời những cơn gió, bời bời tiếng lòng... Thấm văn hóa Tây Nguyên vào hồn, nơi Lan đã sống một tuổi thơ đầy dấu ấn về đất và người nên mới có thể nắm bắt đặc thù âm thanh tiếng đàn trong một nốt nhạc thơ thần kỳ đến vậy:

"T'rưng

Em địu mặt trời trên lưng" (Hạ - T'rưng)

Bài thơ đã được Bùi Khánh Nguyên, người cùng nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ TP.HCM phổ nhạc thành bài hát T'rưng được nhiều người yêu thích Sự đồng cảm của hai người bạn viết cùng lứa cũng dễ hiểu...

 

Tập thơ Lan chứa một dung lượng không nhỏ thơ lục bát. Tôi rất nể phục những người làm được thơ lục bát hay bởi đó là một thách thức. Nhiều người tự biện (trong số đó có tôi) rằng tư chất con người mình không thích ràng buộc, khát khao bứt phá không phù hợp với thể thơ này. Nhưng Đào Phong Lan vẫn rất phóng khoáng, bứt phá, trẻ trung, mới mẻ đó thôi sao nhuần nhuyễn lục bát đến thế. Lan không đi vào lối mòn vần vè, khuôn mẫu mà có những biến tấu, cách ngắt câu, ngắt nhịp rất táo bạo, biến ảo khiến lục bát trong thơ Đào Phong Lan mang một dáng nét rất riêng. Hãy xem cách Lan "chặt" một câu lục bát để cảm xúc găm vào lòng người đọc, không trôi theo vần vèo:

"Con thuyền xưa đã bỏ hoang

Bao nhiêu con nước

Vội

Vàng

Đổ

Đi" (Đông- Đổ vỡ)

Khép lại tập thơ, trong tôi tràn ngập cảm giác biết ơn. Cảm ơn tạo hóa không chỉ sinh ra người đàn bà đẹp mà còn giàu năng lượng để yêu thương, khao khát và sáng tạo. Một người phụ nữ giàu trải nghiệm như Lan chắc hẳn nhận ra đâu là giới hạn của chính mình. Những nhà phê bình sẽ làm công việc đặc thù của họ. Còn tôi, một phụ nữ cầm bút chỉ mong Lan cứ hồn nhiên yêu, hồn nhiên sống, kích hoạt mọi tiềm lực mà em có được để kiến tạo, sáng tạo, yêu hương và dâng hiến.

30.10.2023
T.H.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm