- Truyện
- Lý sự tuổi già | Truyện ngắn dự thi của Lưu Thị Cẩm Huyên
Lý sự tuổi già | Truyện ngắn dự thi của Lưu Thị Cẩm Huyên
Điện thoại reo mấy hồi chuông, bà vội mang ra cho ông nghe, bà chịu thua trước mấy món đồ công nghệ. Suốt cuộc điện thoại, bà chỉ nghe ông Phố “Ừ, ừ” mấy tiếng, sắc mặt buồn như mưa muộn cuối đông. Sau cùng, ông chốt gọn: “Chững đã con!”.
Ừ thì, chững đã, có gì đâu mà vội. Chần chừ cũng đã 6 năm ông tránh né lòng hiếu thảo của con trai. Lần nào gọi về con ông cũng ngỏ ý muốn đón ông bà vào trong Nam sống cùng. Anh bảo, chẳng ai muốn dứt áo với quê hương, ngặt nỗi ở quê không làm ra đồng tiền ổn định, nên đành phải xa xứ lập nghiệp. Nay có của ăn của để, anh không muốn để ông bà quạnh quẽ tuổi già. Lần này, ông phải đi thôi, không thể từ chối được nữa rồi. Con ông quả quyết, mùa thu sang năm, mùa vụ xong hẳn sẽ đưa ông bà đi. Giờ kẹt lứa cá mới thả tháng rồi, giống má vừa mua dăm bữa trước, khoai mì mới găm non một tháng… Còn lấn cấn nhiều thứ, đi ngay không đặng. Ông đi, cốt là để con cháu an lòng. Chứ thật tâm mà nói, sống ở nơi mình thân thuộc, làm công việc mình vừa ý cũng giống như đi một đôi giày vừa chân, thoải mái vô cùng. Ông buông điện thoại xuống, thở một tràng nặng nề như tiếng than của thời cuộc.
Ông tên Phố, vậy mà ông chẳng mang giấc mộng phố phường. Đi kinh tế mới hai lần ở Tây Nguyên đều thất bại bởi cái lạnh trong xương trong tủy lạnh ra của sốt rét. Năm đó ông đi khai phá đất đai ở xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trong những lần kể về đời mình, ông hay đọc chệch âm một cách tếu táo: “Đạ Huoai là “đau hoài”, Đa M’ri là “đạp đi”, mà đã “đau hoài” với “đạp đi” tận hai lần thì chỉ có nước khăn gói tẩu gấp. Ông nói pha kèm điệu cười giòn tan, nghe thì hài hước nhưng cũng ngấm bao sự đời. Thương cho chí lớn lại bất thành.
Về quê, ông đi kinh tế theo diện di dân trong tỉnh, tức là người vùng bãi lở cửa sông và ven biển được khuyến khích đi xây dựng đời sống mới ở các vùng đồi núi. Cũng mấy bận thừa chết thiếu sống với thú rừng, bom đạn sót lại, suối lũ mưa nguồn, đất phèn đất hạn... Kinh qua bao khó khăn và sợ hãi. Dần dà đất dữ thành đất lành, đất quen người, người quen đất. Người sao đất vậy, cốt cách lành hiền như nhau. Giờ bỏ cái cốt cách của mình mà đi, sao đành?
*
Tiết Đông chí màu trời u ám, vần vũ kéo về, mưa lất phất bay. Ông lặng lẽ trước mâm cơm chiều, bà nhà đã buông đũa từ lâu. Ly rượu trong bữa cơm khiến ông lâng lâng, ông ngồi như tượng nhìn đăm chiêu khoảng vườn trước nhà. Trong cơn mơ màng huyễn hoặc, ông thấy mình trượt chân ngã trên chính thửa ruộng của mình, thửa ruộng khô nứt nẻ như đường gân xanh xao của đất. Bụi đất bay lên nồng nồng, thể như than thở với ông rằng đất thèm phù sa. Vài hạt đất văng vào miệng, mặn mòi như thấm bao mồ hôi nước mắt. Ông nằm ôm thửa ruộng, vuốt ve thớ đất. Tim ông đập thình thịch, khẩn trương như sắp đánh mất điều gì đó. Trái tim đã cần mẫn đập từ lúc thành thai, đập mãi. Phải đến khi chết đi, trái tim mới được quyền nghỉ ngơi. Đất cũng vậy, cống hiến những vụ mùa, đến khi thực sự bạc màu mới thôi. Ông đã lao động bằng cả trái tim, đất đã vắt kiệt phù sa dâng cho người, cả hai đã dốc hết sức lực đồng hành cùng nhau. Ông thấy mình nằm khóc rấm rứt, đất nuốt chửng giọt nước mắt của ông đi. Tiếng gù nhau của đôi bồ câu trên mái nhà kéo ông về thực tại, môi ông vẫn run run, nước mắt chực tràn ra vành mắt. Đất, ban đầu chỉ đơn thuần là kế sinh nhai. Gắn bó cả đời, đất thành cái nghiệp, mà nghiệp thì khó dứt. Bỏ cái nghiệp mà đi, sao đành?
*
Trong giấc ngủ đêm qua, ông nghe mùa xuân về, mưa xuân nhỏ giọt trên phiến lá, thanh âm thanh thuần lắm. Sáng ngày nắng vàng thưa luồn qua kẽ lá, sương lấm tấm trên mấy luống rau. Khói bếp bà nhà nhóm len lỏi bay lên, lẫn vào trong nắng. Một buổi sớm tinh tươm như vậy, mà lòng ông lại uể oải vô cùng. Ông ăn vội bữa cơm sáng, vừa thả chén xuống là ông vác cuốc bước đi ngay. Bà nhà thấy lạ, làm chi đâu mà vội vàng. Ông cảm thán, vội chứ, giờ phải vội thôi.
Ông vác cuốc trên vai, băng qua mấy thửa đất hoa màu, đất thấm mưa xuân vực dậy màu xanh thẳm của cỏ non. Ông chậc lưỡi một mình, thời tiết này lo làm cỏ rồi gieo hạt là vừa. Cái nghiệp nhà nông hễ thấy việc là chộn rộn trong lòng, chứ đó nào phải đất của ông. Lúc nào thích hợp để quăng giống, mùa nào đất yên, mùa nào đất chướng, khi nào đất chuyển mùa… Ông hiểu tất thảy tâm tư của đất duới chân mình. Rồi đây, ông sẽ đến mảnh đất mà ông không hề hiểu. Ở đó, đất được phủ kín bê-tông, nhựa đường, nhà cao tầng hiện đại. Ông cô đơn khi không ngửi được mùi đất, không cảm nhận được đất chuyển mình theo mùa. Ngột ngạt, tù túng quá! Hôm rồi xem tivi, thấy các anh nhà đài bảo rằng sức khỏe tâm lý của người trẻ đang đáng báo động. Nào là buồn, cô đơn và lạc lõng giữa thời đại là căn bệnh trầm kha của người trẻ thế kỉ XXI. Ông xua tay, mấy anh ẩu quá rồi, đâu riêng gì bọn trẻ, hơn 60 tuổi đời đây này, cũng cô đơn lạc lõng dữ lắm. Nghe ông nói mà đắng nghẹn như vừa uống bát nước mật nhân.
*
Ngày hôm nay dài ra, thinh không sâu hun hút. Nắng rải vàng hoe, gió Nồm đông giỡn hớt trong vườn làm lao xao mấy tầng lá. Ông biết, trời đang đỉnh hè. Ông lại thấy mình vội, một sự vội vã chẳng để đạt được thứ vật chất gì, chỉ là để an ủi cái tâm của mình mà thôi. Ông vác cuốc lên và đi.
Trên dải đồi đất ráo hoảnh, người ta vào vụ mới. Có dáng người lom khom bên đó, ông rảo bộ đến hỏi thăm bà con chuyện mùa màng. Vừa đến nơi, ông thảy cái cuốc trên vai xuống, giọng giòn tan:
- Mai trời êm không anh Bốn?
- Mưa, mưa lấy hên chứ không đáng kể!
Ông Bốn thể hiện tài thiên văn học của mình, gì chứ nông lịch ông bà xưa để lại thì ông am hiểu nhất xóm. Nghe vậy, ông Phố cười sảng khoái, ánh mắt đầy hy vọng về một mùa tốt tươi. Ông di di bàn chân trên mấy lát đất, rồi hỏi thăm:
- Tính thả giống gì đây anh?
- Tui tính thả bắp, trời êm ăn trái, không thì lấy cây cho bò trâu ăn! - Ông Bốn vừa nói vừa cười, đưa ra hàm răng ố vàng của người xế tuổi.
Ông gọi ông Bốn nghỉ tay ngồi châm điếu thuốc, hai lão nông ngồi bên bờ đất, khói thuốc bay liêu xiêu, trông bần nông và chất phác. Điếu thuốc tàn, ông lại vác cuốc lên vai đi tiếp. Biết đâu một ngày nào đó, mở mắt ra đã không còn thấy đất đồng, không còn ai hỏi han chuyện mùa vụ. Nghĩ tới đó, ông thấy lòng đau thắt lại. Chân ông bước thật nhanh, dù đầu óc chẳng định hình được sẽ đi đâu nữa.
Có tiếng máy xới đang rù rì đằng xa, ông vội vã sang bên ấy. Thể như chỉ cần chậm một xíu thôi, những gì thân thuộc nhất sẽ vụt khỏi tầm mắt của ông. Ông chẳng buồn tránh mấy vạt cỏ may, để cỏ vô tư khâu kín hai gấu quần. Vừa thấy ông, thằng Đương - thanh niên duy nhất chịu về quê cắm sào làm nông, bông đùa:
- Bác gái cấm cơm hay sao mà vác cuốc đi loanh quanh vậy bác Phố, mùa này đã lúa má gì đâu mà thăm đồng?
Ông nhìn chiếc máy xới lật từng lớp đất, nói giọng hào hứng:
- Bậy, đi coi thanh niên tụi bây làm nông ra sao? Bây giờ máy móc hiện đại rồi, thời của bác con trâu đi trước cái cày đi sau!
- Cháu tính trồng khoai mì 6 tháng, được không bác? - Thằng Đương cố gào thật lớn như sợ tiếng máy xới át đi tiếng của mình.
- Bác nói thế này, nhé! Giờ bây lên luống cách nhau non một thước, giữa hai luống thả thêm hai hàng đậu xanh. Vừa thu thêm vụ đậu, vừa khỏi mọc cỏ. Đậu xanh 3 tháng là xong, bây nhổ thân cây đậu tấp vào gốc khoai mì, hoai mục thành phân cho tốt đất! - Ông dang tay ra ví dụ, trông rất nhà nghề.
Anh chàng Đương khoái chí, dừng máy xới châm điếu thuốc mời ông. Ông xua tay, ra hiệu đang vội. Mà có vội gì đâu, chỉ là lòng ông vội đấy thôi. Đi được mấy bước, ông quay đầu lại nói giọng như gửi gắm:
- Ba cái đất đồi thịt pha sỏi này ưa trồng cây lâu năm, kén cây ngắn ngày! Bây bạo gan trồng cây ngắn ngày là có chí rồi, lớp già tụi bác thua xa! Thôi ráng đi con, đất không phụ sức người!
Thằng Đương mặt mũi dính đầy màu nâu xỉn của đất đồi, nhoẻn miệng cười tươi rói rồi leo lên máy xới. Ông Phố được nói chuyện nhà nông, lòng khoan khoái hẳn ra. Nhìn dáng lao động hoạt bát của thằng Đương, ông thấy như vừa được an cái tâm trở lại. Trời đứng bóng, ông chẳng biết đi đâu, đành vác cuốc về. Chiếc bóng của ông lướt trên từng tấc đất như tri kỉ của nhau. Bỏ tri kỉ mà đi, sao đành?
*
Cuối hè, trời êm như ru, ông nằm gác tay lên trán nhớ đủ chuyện cổ kim. Ông thấy mình thời trẻ, đang thúc con trâu kéo cày. Đứa con trai của ông nhảy chân sáo trên bờ đê, miệng ríu rít câu thơ khích lệ tinh thần đi làm kinh tế mới, trẻ con thời đó đứa nào cũng nằm lòng:
Nhà tôi nghèo, con tôi đông
Chồng tôi đi nghĩa vụ chưa về
Mau lên con, theo bác Ba đi làm kinh tế
Trồng khoai mì, trồng khoai lang
Ba mẹ con vác cuốc ra đồng!
Gió hắt tiếng của con ông lúc rõ, lúc rời rạc đi. Ông chạy vội lên đê, đội cái nón cời của mình cho con, dặn con ráng học để sau này không chân lấm tay bùn. Ông cần mẫn cả đời, chỉ để gót chân con ông không bám phèn và bùn đất. Giờ mọi thứ chu toàn, ông lại thấy lòng đầy mâu thuẫn. Ông quay sang hỏi bà nhà, vậy là bỏ đất này mà đi, thật hả bà? Bà ậm ừ, ông đâu tui đó, an phận như cái hồi 18 ông cưới bà về, rồi theo ông rong ruổi trên mọi nẻo đường lập nghiệp vậy. Lối đi nào cũng có cái lý riêng của nó, lòng ông lại đang ngổn ngang bao lý sự ngầm.
Sáng trong ở chân trời phía đông, ông pha ấm trà ra hiên ngồi, dáng người trầm ngâm như mặt hồ sớm xuân. Kia là cây khế mọc dại, ông không buồn nhổ đi, thoáng cái đã lớn phổng, cứ đầu hè hoa rụng trắng chân tường. Trước sân là cây lựu đỏ tính tình đỏng đảnh, mùa cho quả ngọt, mùa cho quả chua. Cội mai già ở góc sân cũng đã dốc hết sức mình cống hiến bao mùa xuân… Rồi đôi dế đụn đất làm tổ chái sau bếp, ông không buồn xua đi, đêm qua ông còn nghe chúng tụng bài ca buồn da diết. Con chim cút lót tổ gần hàng rào vỏ ốc, chạng vạng ông lại nghe tiếng nó gù đồng loại. Đụn mối ở góc vườn mỗi ngày một to, ông không muốn phá, sợ chúng chia ly. Con vò vẻ tha đất đắp tổ ngay cột nhà, mỗi ngày đều bay ra bay vào, cần mẫn lắm... Rồi những giêng hai cải ngồng ngẩn ngơ, những tháng tư hơi nóng lẫn vào đêm, những tháng bảy lá tre đổ khắp đường làng, những đêm đông tháng chạp vài lão nông ngồi phì phèo điếu thuốc. Vậy đó, bỏ đất đai, vườn tược, chuyển điệu 4 mùa mà đi sao đành?
Ông vẫn ngồi đấy, ấm trà đã lạnh tanh. Một chút gió đi hoang, lùa một bầy mưa rải nhẹ làn mưa mỏng. Trời chuyển ngâu, heo may về trước ngõ.
Tiết trời lập thu.
L.T.C.H