TIN TỨC

Dạ Hành 夜行 | Truyện ngắn của Pyun Hye Young

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-08 21:01:02
mail facebook google pos stwis
935 lượt xem

Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2023

Nối tiếp thành công của Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2022, vừa qua Trường Đại học Văn Lang được sự tài trợ từ Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc cùng với sự đồng hành của Hội Nhà văn Tp.HCM và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, đã tổ chức thành công Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2023. Workshop diễn ra trong vòng 3 tháng từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, với sự tham gia của sinh viên và cựu sinh viên thuộc chuyên ngành Hàn Quốc và Ngôn ngữ Hàn Quốc đến từ các trường Đại học trong khu vực TP.HCM. Tác phẩm luyện dịch của Workshop lần này gồm tác phẩm thơ “Ngắm em như hoa” (tạm dịch) của Nhà thơ Na Tae Ju và tác phẩm truyện ngắn “Dạ hành” (tạm dịch) trích từ tuyển tập truyện ngắn “Đêm trôi” (tạm dịch) của Nhà văn Pyun Hye Young.
 

Tác giả Pyun Hye Young


Tác giả Pyun Hye Young sinh năm 1972 tại Seoul, cô tốt nghiệp cử nhân Sáng tác Văn học Học viện Nghệ thuật Seoul và thạc sĩ Văn học Đại học Hanyang, hiện tại là giảng viên Khoa Sáng tác Văn học Đại học Myeongji. Cô chính thức bước vào sự nghiệp sáng tác văn học với tác phẩm đầu tay được đăng trên tạp chí Văn nghệ Sin Chun. Cô nổi tiếng với các tác phẩm “Đường đến trang trại”, “Đêm trôi”, “Đi về cánh rừng phía tây”,… Trong đó có 2 tác phẩm truyện ngắn “Hố đen sâu thẳm”, “Tro tàn sắc đỏ” đã được Công ty Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam và được độc giả Việt Nam đón nhận. Cô đã giành nhiều giải thưởng văn học danh giá, trong đó có giải thưởng tác giả trẻ lần thứ 1.

 


Nhóm dịch:
Trần Thị Mỹ Duyên
Trần Huyền Trang
Phan Thị Thanh Tâm 
Nguyễn Hà Mai Anh

Tác phẩm luyện dịch: Dạ hành (tạm dịch) (Trích: Đêm trôi)
Tác giả: Pyun Hye Young
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Hiền
 

DẠ HÀNH 夜行

Khi nghe thấy tiếng chuông, bà đang vệ sinh vùng kín của mình ở phía sau bếp. Thứ chảy ra từ đũng quần chỉ là nước tiểu màu vàng sẫm, nhưng phần thân dưới đã mất đi kiểm soát của bà lúc nào cũng nhớp nháp. Bà không thể lau hết được phần nước tiểu còn dính lại và cứ như thế bà đặt mình nằm sấp xuống chiếc ghế xoay. Từ ngày cơn đau chân trở nên nặng hơn, bà di chuyển từng chút một bằng chiếc ghế có gắn bánh xe. Nằm dài trên chiếc ghế, dùng hai tay đẩy xuống sàn nhà lạnh lẽo di chuyển khó khăn ra ngoài.

Chắc là con trai của bà đã gọi đến. Hôm qua cậu ta gọi điện và nói rằng hôm nay ngay sau khi làm việc xong sẽ đến đón bà. Nhưng bà không thể hỏi rõ lúc nào cậu mới đến. Đứa con trai chỉ nói những điều mình muốn sau đó liền cúp máy. Bà muốn gọi lại ngay lập tức nhưng không thể. Vì không hề biết số điện thoại của con trai mình. Nếu có gọi đến số mà mình biết thì lập tức nghe thấy thông báo số máy quý khách vừa gọi không đúng. Những việc như thế không phải chỉ xảy ra một hai lần. Mỗi lần như vậy, bà lại cảm thấy có linh cảm xấu về những việc mà con trai đang làm.

Bà thừa biết lý do vì sao con trai phải thay đổi số điện thoại thường xuyên. Trải qua nhiều lần như thế, bà nhận ra con mình lại bắt đầu làm việc gì đó, nếu việc đó không thuận lợi thì như mọi khi, nơi duy nhất cậu có thể nhờ cậy là người mẹ già của mình - người không còn gì để giúp đỡ cậu. Con trai bà đã nhiều lần rơi vào thất bại. Mỗi lần như thế, cậu phải đối đầu với những cú sốc về tâm lý lẫn kinh tế, bắt đầu kinh doanh một cái gì đó mới là cách duy nhất mà cậu nghĩ có thể khắc phục vết thương ấy. Cậu hiếm khi thừa nhận rằng thà không làm bất cứ điều gì còn hơn là bắt đầu việc gì đó. Điều duy nhất cậu ta học được thông qua những thất bại là ‘kỹ thuật’ biến mất không để lại dấu vết. Dù rằng bà đã chỉ trích những hành động thiếu suy nghĩ của đứa con không biết điểm dừng của mình, nhưng bà đã mềm lòng bởi sự dằn vặt và đồng cảm vì đã làm mất đi dũng khí và ý chí của chính con trai mình. Bà không có dũng khí để chịu đựng sự thất vọng của con trai và cũng chẳng thể nhẫn tâm để con trai mình thất vọng. Lần nào bà cũng lấy tiền của mình không thì cũng chạy vạy mượn khắp nơi để đưa cho con trai số tiền mà cậu ta muốn. Đương nhiên đó là lúc bà có tiền hoặc có tài sản để cầm cố.

Cho dù đã đưa ống nghe lên tai nhưng tiếng chuông vẫn cứ liên tục phát ra. Thì ra đấy là âm thanh phát ra từ loa của điện thoại nội bộ được gắn trên tường. Bà cảm thấy hơi thất vọng vì đó không phải là cuộc gọi mà mình chờ đợi, nhưng cũng không biết âm thanh đó là gì. Bà nhạy cảm đến mức có thể cảm nhận được có điều gì đó không ổn nhưng nhiều lúc bà cũng không biết nó là gì.

Đó là lần đầu tiên bà nghe thấy âm thanh phát ra từ loa. Bà cứ nhìn chằm chằm như thể lần đầu tiên thấy nó. Bụi bám đầy trên những khe hở của bề mặt loa. Nếu không có lớp bụi ấy thì có lẽ bà thấy âm thanh phát ra sẽ càng nguy hiểm và dồn dập hơn nhưng chính nhờ lớp bụi dày đặc này khiến bà nghi hoặc không biết âm thanh có thật sự đang phát ra từ loa không.

Phải mất một lúc lâu bà mới nhận ra rằng thứ âm thanh vừa vang lên chính là tín hiệu cảnh báo tình huống khẩn cấp, rằng bà phải nhanh chóng sơ tán khỏi đây. Bà cuống cuồng định đứng dậy thì ngã khỏi chiếc ghế xoay. Dù đã dồn hết sức vào hai cánh tay để nhấc người lên nhưng cú ngã khiến lồng ngực va đập xuống sàn đau điếng. Ngay sau đó xương ở chân như bị vặn vẹo một cách khủng khiếp và dần dần người bà  như chẻ ra làm đôi.

Bà không thể lường trước chu kỳ hay số lần cơn đau tìm đến. Cũng không có bất kỳ điều gì chắc chắn về nó ngoại trừ cường độ cơn đau mỗi lúc một tăng. Cơn đau như cứa vào da thịt bà bằng con dao găm sắc nhọn, nó túm từng mảng tóc giật phăng đi, dùng cây kim sắc nhọn đâm sâu tuốt vào tròng mắt và bóp nghẹt trái tim bà. Lúc thì khó thở, lúc mặt mày tím ngắt, đôi lúc bà tự cắn lấy lưỡi mình. Khi cơn đau ập đến, toàn thân bà đau như thể xoắn lại, chỉ có thể bất lực chờ đợi sự khủng khiếp ấy qua đi. Mặc dù khi bị cơn đau dày xéo bà không phát ra bất kỳ âm thanh nào nhưng thi thoảng trong cơn đau bà vô thức thở phì phò hệt như tiếng rên rỉ của một con thú. Những gì bà có thể làm là chịu đựng. Bởi cơn đau sẽ qua nhanh thôi và bà chắc sẽ cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút.

Đối với bà, thứ duy nhất còn sót lại chỉ có nỗi đau. Bản thân bà phải rời bỏ khu phố nơi mình từng gắn bó để chuyển đến sống ở khu chung cư sắp bị giải tỏa này, hoàn toàn rời xa những người bạn thân thiết và giờ đây bà cũng chẳng thiết tha gì việc sẽ làm bạn với hàng xóm mới. Đôi khi có những người chỉ trò chuyện qua điện thoại thôi cũng khuyên răng, ra lệnh bà đủ điều. Và khi chỉ có một mình - thường xuyên là như vậy - bà chìm vào suy nghĩ oán trách đứa con trai, người đã đẩy mình vào tình cảnh như thế này. Nhưng trên thực tế, nếu con trai bà có làm việc gì đáng để oán giận đi chăng nữa thì bà cũng tự trách mình rằng mọi lỗi lầm đều do chính bản thân bà mà ra.

Sau khi chuyển đến đây, bà không ngần ngại chia sẻ sự nghèo khó với hàng xóm của mình, nhưng chẳng mấy chốc bà nhận ra rằng ngoài điều đó thì không còn bất cứ thứ gì khác để sẻ chia. Hàng xóm của bà sẵn sàng nhặt những đồ vật mà người chuyển đi trước đã vứt bỏ và họ cũng thản nhiên quăng rác thải ra khỏi nhà mà không suy nghĩ. Không còn bất kỳ tia hy vọng nào cả, suốt cuộc đời mình, họ chưa từng nhận được bất kỳ sự chăm sóc tử tế nào nên dường như cứ chấp nhận tất cả mà không nghi ngờ gì, chấp nhận rằng bản thân mình đang bị phá huỷ, dần sụp đổ và bị vứt bỏ hệt như tòa chung này. Tất cả những gì hàng xóm của bà làm là ngồi bên đống rác, cố tránh ánh nắng ban ngày hoặc tám chuyện bên nhau như những con chó hoang lang thang.

Ngay sau khi chuyển đến, vì còn có thể cố cử động được nên bà hay đi dạo ở chung cư. Những người sống ở khu này ngoại trừ nhân viên công ty tái xây dựng ra thì chỉ có người già và những người phụ nữ trung niên luôn mang dáng vẻ mệt mỏi. Mỗi khi hàng xóm nhìn thấy bà đẩy chiếc xe nôi trống không thay vì chống gậy thì họ lại kêu ca về cơn đau nhức ở trên cơ thể và nói như thể tự hào về căn bệnh của mình. Những lúc như thế bà lại cảm thấy thật phẫn nộ. Tuy biết rằng mình không có lý do gì để nghi ngờ về nỗi đau của người khác thế nhưng mỗi khi cơn đau tìm đến, cái cảm giác đau đớn như cắt xương cộng với cơ thể cứ xoắn lại như thế khiến bà tin rằng cơn đau của bản thân là điều duy nhất còn sót lại trên thế giới. Ngay cả bác sĩ cũng không thể tìm ra nguyên nhân chính xác bởi vì bà là trường hợp duy nhất mang căn bệnh không liên quan đến sự lao động vất vả thời còn trẻ. Dĩ nhiên bà nhận thức được sự khác biệt của cơn đau như là cường độ, số lần hay chu kì và bà cũng ý thức được sự khác biệt của bản thân.

Trong lúc tiếng chuông báo động vang lên thì cơn đau cũng bất ngờ ập đến, dù cơn đau đã lắng xuống nhưng vẫn không thể nào cử động được khiến bà vô cùng hoảng sợ. Việc tự mình đi ra khỏi căn nhà là việc không thể. Thật khó để nhận biết cơn đau làm cho bà bị cô lập hay bị cô lập mới khiến bà bắt đầu đau đớn, nhưng chắc chắn rằng tất thảy những điều này đều do cơn đau thất thường đáng ghét kia.

Không biết có phải là đã muộn quá rồi không. Do quá căng thẳng nên bà đã tiểu khá nhiều ra quần. Nước tiểu từ từ chảy trên bắp đùi và thấm đẫm vào quần. Bà nắm chặt vào kệ đỡ ti vi sau đó giữ vững đôi chân run bần bật và khi đã gắng gượng nhấc được cơ thể lên thì tiếng chuông cũng đã dừng lại.

Bà từ từ co đôi chân run rẩy của mình như gập chiếc chân bàn rồi nằm xuống. Cuối cùng thì bà cũng đã cảm thấy nhẹ nhõm với cái khí lạnh quen thuộc của sàn nhà. Bà nằm đó rồi cởi quần ra, trong bóng tối mờ ảo đôi chân gầy trơ xương với cặp bắp đùi vẫn còn nguyên những vết rạn, phần lông trắng nhạt chỗ vùng kín khô ráp lờ mờ lộ ra. Phần thân dưới trần truồng trông chẳng khác nào một phần của xác chết. Nó làm bà liên tưởng đến thi hài của người chồng quá cố mà mình đã thấy mười năm trước. Chồng bà mất vì bệnh xuất huyết não, ông ấy không còn chút ý thức gì rồi cứ thế đau bệnh mà rời khỏi thế gian này. Khoảng thời gian ấy, chồng bà gầy gò đến mức vô cùng đáng thương. Phải đến lúc mặc vào người bộ đồ liệm thì mới nhìn ra được một cơ thể khỏe mạnh như trước đây của ông. Bà đã nhìn người chồng ra đi đột ngột và nghĩ mình không cần thiết phải khóc than về cái chết, van nài cũng chỉ là vô ích và cũng chẳng cần ôm lòng oán thán. Điều đó là việc sẽ xảy ra và nó chỉ là điều tự nhiên không có gì phải nói thêm. Để suy nghĩ được đến như thế bà đã mất rất nhiều thời gian cùng với đó là nỗi đau thấu khổ của mình. Dẫu vậy nhưng cũng có điều gì đó còn sót lại. Mỗi khi nhớ đến thân xác gầy guộc của chồng mình, dường như có cái gì đó khiến trái tim bà thắt lại.

Đứa con trai khi còn là một cậu học sinh thường cùng bà đến nghĩa trang ở Gyeonggi-do. Mỗi khi nhìn thấy những đám cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng, bà lại tưởng tượng đến xương cốt người chồng nằm lớp đất ẩm ướt kia đang dần phân hủy. Có lẽ dù sau khi bộ xương bị tan biến đi thì những lớp đồ liệm và quan tài vẫn còn nằm nguyên vẹn ở đó. Vào lúc mà bản thân không còn cảm thấy đau thương ngay cả khi đứng trước phần mộ của chồng thì cơn đau chân đã bất ngờ ập đến. Từ sau khi con trai tốt nghiệp, đã lâu rồi cậu không còn cùng mẹ đến thăm mộ bố ngay cả trong những ngày nghỉ vì bận công việc riêng của mình.

Bà phủi bỏ nỗi sợ vô ích rồi nằm sấp người xuống chiếc ghế xoay. Cảm giác rùng mình mỗi khi lồng ngực đè xuống chiếc ghế lành lạnh ấy bà vẫn chưa thích ứng được. Bà chống tay xuống sàn nhà rồi đẩy bánh xe ra phía ban công. Đến ngạch cửa bà bỏ chiếc ghế ra dùng hai tay lết ra ngoài. Không biết chừng bà sẽ nhìn thấy đám người nào đó đang hốt hoảng chạy thoát ra ngoài hay khói đen cuồn cuộn bốc ra từ căn hộ nào đó. Hay cũng có thể là ánh sáng chói lòa của đèn báo động chiếu về phía bà.

Mặc dù hoảng sợ trước tiếng chuông báo động nhưng thật ra từ trước đến giờ bà vẫn luôn sống trong những cảnh báo. Bà chẳng thể phân biệt được âm thanh báo động đang cảnh báo mối nguy hiểm nào. Lời nói của những người xung quanh cứ như tiếng chuông báo động lúc nào cũng reo lên trong tâm trí bà. Đại loại như nếu cứ tiếp tục di chuyển như thế thì coi chừng đôi chân bà sẽ tàn phế, sẽ có ngày bà bị đuổi cổ ra ngoài đường hay rồi bà sẽ từ mặt con trai mà thôi.

Sau khi nhìn ra bên ngoài và lắng nghe tiếng chuông báo động, bà nhận ra chẳng có chuyện gì trong dự đoán của mình xảy ra. Một lúc lâu trôi qua nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Hoàn toàn không có dấu hiệu gì cho thấy một tình huống nguy cấp đang xảy ra. Từ lối đi bộ chật chội trong khu chung cư tối om vì không có điện đường, bóng của đống rác chất chồng giữa các tòa nhà, cho đến bóng tối đen kịt của tòa nhà không còn người ở phía đối diện, mọi thứ vẫn như cũ. Mỗi ngày từ ban công nhà mình bà đều trông thấy từng cư dân của khu chung cư lần lượt dọn đi. Khi chỉ còn duy nhất một căn hộ sáng đèn, bà không thể quên đi cảm giác gấp gáp ấy trong một thời gian dài. Cho đến lúc cư dân sống trong căn hộ đấy cũng rời đi nốt, toàn bộ tòa nhà đối diện chìm trong màn đêm thì suy nghĩ không còn gì phải chờ đợi nữa lại khiến bà cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Khung cảnh chẳng khác gì những ngày khác khiến bà nhận ra chỉ có mình là người duy nhất đối mặt với tình huống nguy cấp này. Rõ ràng tiếng chuông cảnh báo đang nhắm vào bà. Không biết chừng đấy là âm thanh cảnh cáo chung cư đang bị phá dỡ. Trong một thời gian dài chỉ nghe thấy tiếng thang nâng từ những chiếc xe tải chuyển nhà, giờ đây có vẻ như quá trình phá bỏ chung cư đã bắt đầu bởi bà chỉ còn nghe thấy tiếng máy xúc.

Phải chăng tiếng chuông báo động vang lên để khiến bà đi ra ngoài? Mỗi ngày nhân viên của công ty tái xây dựng đều đến hối thúc bà bất kỳ lúc nào. Anh ta không bao giờ bấm chuông cửa mà chỉ bất thình lình đập cửa ầm ĩ để khiến bà sợ hãi rồi hỏi “Cô chuẩn bị dọn đi chưa đấy?”. Không đợi bà trả lời, lần nào anh ta cũng lớn giọng như thể hăm dọa bà rằng không được phớt lờ những thông báo của chung cư mà cứ bám trụ lại đây, anh ta cũng không quên nhắc bà đã quá thời hạn chuyển đi bao nhiêu ngày rồi và còn mấy ngày nữa là chung cư sẽ bắt đầu phá dỡ. Dạo gần đây những việc như thế lặp lại mấy lần trong một ngày.

Hôm qua cũng thế. Bà đang chuẩn bị ngủ thì nghe thấy âm thanh gõ cửa ầm ầm vang đến. “Cô chuẩn bị dọn đi chưa đấy?” Nhân viên của công ty tái xây dựng hỏi. Bà hướng về phía cửa nói to: “Tất nhiên rồi, tôi đã chuẩn bị xong rồi. Tôi luôn luôn chuẩn bị dọn đi mà”. Đó là lần đầu tiên bà trả lời điều gì đó. Anh nhân viên phía bên kia cửa như thể kinh ngạc đến nỗi ngập ngừng không nói tiếp được. Không phải anh ta hoảng hốt vì câu nói đang chuẩn bị dọn đi mà anh ta hoảng hốt vì đó là lần đầu tiên bà trả lời. Mỗi lần anh tìm đến, bà đều không phát ra tiếng động nào để cho anh biết việc mình đang làm chẳng có tác dụng gì. Thật ra là vì bà quá sợ hãi. Nếu bị phát hiện chỉ có một bà già đang sống đơn độc một mình thì chắc bà sẽ bị cưỡng chế đuổi ra ngoài mất. “Mời cậu vào nhà, thời gian qua chắc tôi làm cậu mệt lắm. Uống tách trà rồi hẳn đi.” Bà nhẹ nhàng nói. Đứa con trai ban ngày gọi đến đã tiếp thêm dũng khí cho bà. Cậu bảo rằng ngày mai sẽ đến đón nên dặn bà chuẩn bị ít đồ đạc đơn giản để mang theo. Bà sẽ rời đi. Đến nơi mà không cần phải nghe những lời cảnh cáo hay hăm dọa này nữa.

Nhân viên công ty tái xây dựng đặt tay lên tay nắm cửa. Bà không hề có ý định mở cửa ra. Anh ta từ từ xoay tay nắm thì nhận ra mình vừa bị chơi khăm. Anh tức tối xoay tay nắm vài lần rồi giật mạnh ra. Bà phá lên cười. Mỗi khi tay nắm bị giật ra bà đều cười hả hê. Bà vui sướng vì cuộc gọi của con trai mình. Tiếng bước chân của nhân viên đi xuống cầu thang nhỏ dần. Sau chuyện hôm qua, dường như có điều gì đó xảy ra giữa bà và nhân viên công ty tái xây dựng. Không chừng có điều gì đó đã biến mất giữa hai người. Chẳng hạn như là sự im lặng mà bấy lâu nay bà gìn giữ hay lời hứa về một cuộc đối thoại không hồi đáp.

Bà chồm nửa thân trên dậy rồi rướn tay ra. Bà định mở hết điện trong nhà để cho những cư dân đâu đó có thể vẫn còn sống ở khu chung cư này hay người con trai mà hôm nay sẽ đến đón biết được sự tồn tại của mình. Điện không sáng. Sau nhiều lần thử bật đi bật lại công tắc và bấm nút nguồn tivi thì bà mới nhận ra chung cư bị cắt điện. Mấy ngày trước nhân viên đã cảnh báo về việc cắt điện và giờ nó thực sự xảy ra. Tuy đây là lần đầu tiên bị cắt điện nhưng nếu bà còn ở lại đây thì chắc những việc như thế này sẽ còn tái diễn.

Như thể chực chờ từ sớm, bóng tối tràn vào căn phòng không một ánh điện. Bà ngồi duỗi thân dưới ra sàn nhà tối tăm và lạnh lẽo như mọi khi rồi lẩm bẩm “Dù sao thì vẫn còn may nhỉ?”. Bà giật mình sau khi nói như thế. Dù là cảnh báo cắt điện hay cắt nước thì cũng chẳng nhằm nhò gì bởi bà luôn tưởng tượng những tình huống còn khủng khiếp hơn như thế. Bà lẩm bẩm như thể đang nói cho ai đó nghe, chắc là cho chồng mình. Từ trước giờ bà luôn nghĩ việc làu bàu một mình chính là thứ mà khi càng có tuổi càng phải cẩn thận. Chồng bà luôn lắng nghe những câu chuyện tầm phào không đâu của bà. Ông là người dù có nhìn thấy khiếm khuyết của người khác đi chăng nữa thì cũng sẽ hưởng ứng theo mà không có bất kỳ ý xấu nào. Bà và chồng thường trò chuyện về những thứ trên trời dưới đất, cùng nhau lên kế hoạch về những chuyến du lịch xa vời và cũng tưởng tượng về tương lai của con trai mình. Mỗi khi hồi tưởng lại những khoảnh khắc tươi đẹp giúp bà đứng vững trong cuộc sống đó, bà nhận ra việc lẩm bẩm thổ lộ tâm sự của mình và giả vờ như thể người chồng vẫn lắng nghe như trước thật đáng thương.

Bà mò mẫm trong phòng tắm tối tăm, cố gắng rửa phần thân dưới rồi mới trở về phòng. Bà ước mình có thể tắm bởi vì đây có lẽ là lần rửa ráy cuối cùng trước khi rời đi, thế nhưng phải chống đỡ cả thân mình trên đôi chân gầy khẳng khiu như hai cây gậy này thì việc vệ sinh vùng kín thôi cũng thực sự rất vất vả. Ở giữa phòng, bóng đêm đen ngòm duy nhất đang há hốc miệng chờ bà. Nó trông đen và sâu hơn tất cả đêm đen tối nhất. Thứ đó là chiếc túi mà bà đã lôi ra sẵn để đựng một vài hành lý đơn giản như lời con trai đã dặn. “Mẹ đừng mang theo bất cứ thứ gì. Có mang theo thì cũng chỉ là một đống đồ vô dụng mà thôi”. Bà đã rất buồn khi nghe con trai mình yêu cầu như thế. Trong suy nghĩ của người con, bà là một người không có bất cứ kỷ vật nào chứa đựng kỷ niệm cả cuộc đời, cũng không có bất cứ tài sản giá trị nào để truyền lại cho con cháu, và dĩ nhiên những đồ vật ẩn chứa bí mật cũng chẳng có nốt. Đối với cậu ta thì những món đồ trân quý mà bà cố gắng mang theo chẳng có giá trị gì, chúng thật vớ vẩn và tốt hơn hết là nên vứt đi.

Vì quá đau lòng nên bà quyết tâm một ngày nào đó sẽ giãi bày tâm sự với con trai. Cậu ta chắc sẽ không thể hiểu được những lời bà định nói. Nếu lúc đó bà suýt khóc thì cậu ta cũng sẽ bật cười mà thôi. Dù chưa nói ra nhưng dường như bà có thể đoán trước biểu cảm của con mình. Cho đến tận bây giờ bà cũng chưa nói gì với cậu ta. Sau này cũng vĩnh viễn không nói cho cậu về bất kì bí mật nào. Có lẽ thứ duy nhất biết được bí mật của bà chỉ có đêm đen cùng với toà chung cư sắp bị giải tỏa và đôi chân tê cứng như cắm rễ sâu xuống sàn nhà.

 

Nhưng bà biết rất rõ. Rằng bản thân bà không có điều gì để tiết lộ cả. Không có bí mật nào giấu diếm con trai hay bất kì hộp thư nào mà người ta vẫn luôn mang theo mỗi khi chuyển nhà. Không có chiếc nhẫn lén lút chồng nhận từ ai đó và cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ mong muốn nhận được thứ tương tự. Dù nhìn lại bao nhiêu lần đi chăng nữa thì bí mật duy nhất của bà chính là sống một cuộc sống vô vị mà không có bất kì bí mật nào đáng để giữ trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên bà nghĩ rằng mình luôn có những chuyện mà chưa từng nói với bất kỳ ai và khi có cơ hội thì lúc nào bà cũng định kể ra nhưng cuối cùng lại chọn cách im lặng. Việc giữ một bí mật mà chính bản thân mình cũng không biết là gì đã khiến cuộc đời bà vốn cô đơn nay càng cô đơn hơn. Dẫu thế bà vẫn được an ủi bởi bản thân đang ôm bí mật mà không ai biết, cũng giống như con trai bà cũng sẽ không bao giờ biết bí mật của mẹ mình như chính bà cũng không hay biết gì về cuộc đời con trai.

Dù có buồn tủi nhưng bà cũng đã quyết định thu xếp túi hành lý thật đơn giản. Căn hộ ở tầng năm của khu chung cư không có lấy một cái thang máy. Con trai sẽ phải cõng bà xuống dưới cầu thang tối tăm không có chút ánh đèn nào, rồi cậu để bà dưới tầng một và lên lại tầng năm để lấy hành lý. So với việc lo lắng con trai sẽ vất vả thì bà không muốn nghe những lời kêu ca, trách cứ từ cậu ta hơn. Bà quyết tâm bỏ đi tất cả những thứ có thể bỏ và chỉ lấy những thứ cần thiết. Rốt cuộc vì bà chẳng thể mang theo được thứ gì nên đã trì hoãn việc thu xếp hành lý cho đến bây giờ.

Những món đồ chồng bà mua chủ yếu để phô trương lúc ông đang kinh doanh thuận lợi phải bỏ đi sau những lần chuyển nhà. Mỗi lần chuyển đi thì căn nhà mới lại nhỏ đúng chỉ bằng nửa căn nhà trước. Việc thu dọn hành lý đối với bà chỉ là vứt bỏ một nửa những thứ không cần thiết. Đến mức không cần phải gọi xe chuyển nhà vì có đến cũng chẳng có thứ gì để chất lên, bây giờ bà chỉ cần xách theo một chiếc túi duy nhất như một kẻ bỏ trốn trong đêm nhưng điều đó lại khiến bà cảm thấy bình thản. Bà đã quen với việc rời bỏ những món đồ yêu quý vì điều đó đã lặp lại quá nhiều lần. Cái tủ chè khảm trai đặt trơ trọi trong căn phòng thật không hợp hoàn cảnh, nó là một trong số những món đồ nội thất mà trước kia bà mua để trang trí phòng ngủ. Bây giờ tất cả đã được bán đi chỉ còn lại mỗi cái tủ này. Không phải vì bà hối tiếc hay là nhớ về thời sung túc lúc ấy nên mang nó theo, mà là trong những lần chuyển nhà, cái tủ đã bị trầy xước ở những chỗ rất dễ thấy nên dù có ra một cái giá rẻ mạt thì cũng không bán được. Bà không thể biết được con trai đưa mình đi đâu nhưng chắc chắn rằng đó không phải là nơi thích hợp để đặt cái tủ được khảm trai dày đặc này.

Khi nhận ra căn nhà mà đứa con trai phá sản của mình tìm được là căn hộ nằm trên tầng năm của khu chung cư không có thang máy, tồi tàn đến mức giá thuê nhà gần như là cho không, lại còn sắp bị giải tỏa thì bà mở to mắt nhìn chằm chằm thằng con trai. Cậu ta chỉ nhún vai đáp trả lại “Không như mình nghĩ. Mẹ cũng hay nói thế còn gì”. Bà thường hay nói với con trai và cũng nói với chính mình là trong cuộc sống hầu như sẽ không có việc nào diễn ra như theo suy nghĩ của bản thân và nó gần như là sẽ khác với dự tính của mình. Bà cũng hay nhắc lại những lời chồng mình từng nói cho con trai như một thói quen. Chồng bà là một người lạc quan và thoải mái, ông cho rằng thực chất cuộc sống không thuận theo bản thân chính là cuộc sống diễn ra theo trình tự đã được dự định sẵn và khi mọi thứ không theo như ý mình muốn thì mới là một cuộc đời đáng sống. Bà mơ hồ đồng ý với điều đó nhưng đến khi con trai nói như thế thì bà lại cảm thấy không hài lòng vì nó giống như những lời nói để phủi bỏ trách nhiệm.

Sau khi chồng mất thì đứa con trai mỗi năm lại tiêu tán đi số tài sản được để lại như chiếc bánh bị cắt ăn từng phần. Thậm chí cậu ta còn để lại cho bà khoản nợ ngập đầu mà có lẽ cho đến lúc chết bà cũng không thể trả được. Rõ ràng con trai bà chỉ có thể trốn tránh nghĩa vụ luật pháp bằng cách từ bỏ quyền thừa kế tài sản nếu bà chết đi. Có những lúc bà ngờ vực rằng liệu con trai có liên quan đến cái chết do bệnh của chồng hay không, nhưng có một điều bà chắc chắn được là con trai đã lấy đi từng chút một những thứ có trong cuộc đời bà và đến cuối cùng sẽ lấy đi mọi thứ.

Dù vậy không phải lúc nào đứa con trai cũng khiến bà thất vọng và phiền lòng. Người con trai đã trải qua thời thơ ấu trong vòng tay bao bọc của bà và dù nhớ lại bao nhiêu lần đi chăng nữa thì đó cũng là những ký ức đáng yêu cùng với những điều bất ngờ trong suốt cuộc đời làm mẹ khiến bà tin rằng sự hiện diện của bản thân mình là điều cần thiết với một ai đó. Hơn nữa, cậu ta còn mang lại cho bà niềm tự hào rằng trong cuộc đời của mình cũng có thứ gọi là thành công. Nhất là khi nhìn thấy gương mặt với sống mũi thẳng và cái trán cao, về mặt nhân tướng học hầu như chẳng có gì để chê.

Bà đã lo cho con trai ăn học đến nơi đến chốn và cho cậu một cuộc sống đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần đến khi trưởng thành. Với tư cách là bố mẹ, bà luôn cố gắng thấu hiểu và bao dung. Con trai thừa hưởng từ bà một ngoại hình ưa nhìn và chiều cao vượt trội, vóc dáng rắn chắc, đôi mắt hiền từ màu nâu nhạt cùng với nước da ngăm khỏe khoắn. Tuy vậy, cậu luôn đổ lỗi cho mẹ về những thất bại và cuộc sống bi quan của mình. Ngay cả khi không còn gì để cho cậu thì việc trách móc mẹ mình thật không phải đạo làm con. Vì quá ấm ức nên bà nghĩ rằng đứa con trai mà mình sinh ra không những thất bại trong kinh doanh mà còn thất bại trong cuộc sống. Không phải cứ có nợ nần thì cuộc sống sẽ thất bại nhưng hầu hết những người có cuộc sống thất bại thì luôn mang nợ nần. Thất bại không phải hoàn toàn là lỗi của cậu. Trên đời có những nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt hơn nhưng rồi lại trở thành sai lầm không thể thay đổi được, cũng có khi cái giá của sự lao động giản dị và chân chính là một cuộc sống tầm thường. Chính vì vậy nên bà biết rõ dù là việc tốt hay xấu thì cũng chỉ có thể đón nhận khi nó xảy ra. Nhưng đến cả bà còn nghĩ như thế thì cuộc đời của con trai mình sẽ chẳng còn hy vọng gì nên bà cố gắng xóa bỏ những suy nghĩ đó đi. Càng như vậy thì bà càng cảm thấy cuộc đời con trai đang tiến gần đến thất bại hơn. Bà tự trách bản thân. Trách mình là một người mẹ nhưng lại gạt bỏ sự kỳ vọng vào con cái. Bà cũng cảm thấy có lỗi vì đôi lúc chỉ lo lắng, ủng hộ con trai một cách hời hợt, mặc cho cậu hiếu thắng tự mãn với những kế hoạch rỗng tuếch của mình để rồi lần nào cũng thất bại.

Khi chuyển hành lý đến căn hộ u tối không có ánh mặt trời, bà mới thừa nhận những gì bà mong muốn ở con trai mình từ trước giờ đều là dối trá. Ngay từ đầu, bà chưa từng có suy nghĩ cuộc đời của con trai mình sẽ thành công hay thất bại, bà chỉ mong nó được bình an và sống khỏe mạnh. Nhưng không phải thế. Thật lòng mà nói thì bà chán ngấy đứa con trai chỉ khỏe mạnh mà không có chút tài sản dư giả hay địa vị trong xã hội cũng như là một cuộc sống ổn định nào. Đôi khi bà cảm thấy thất vọng đến phẫn nộ.

Cho dù đó là ngôi nhà chẳng có điểm nào ưng ý nhưng thật tốt vì không cần phải ở cùng con trai. Đã từ rất lâu, mỗi lần nhìn thấy cậu, bà cảm giác như một sản phụ mới sinh, cảm thấy thật kỳ diệu khi nhìn thấy một sinh mạng được sinh ra từ cơ thể mình và sự khác biệt của mình với sinh mệnh đó, bà cũng tự trách bản thân vì đã từng oán giận việc sinh đứa con này khiến mình chịu nỗi đau cắt da cắt thịt.

Việc sắp xếp hành lý trong bóng tối khá là bất tiện nhưng quả thực cũng chẳng tệ chút nào. Bà lo lắng không biết khi nào con trai mình sẽ đến, trước khi cậu ta đến bà phải gấp rút thu dọn hành lý vì sợ sẽ không thể mang theo những món đồ quý giá, nhưng căn phòng tối om thế này có khi lại tốt. Bởi nếu không như thế bà sẽ lấy từng thứ từng thứ một trong ngăn kéo ra và lần nào cũng chìm vào suy tư. Bà sẽ lật từng trang quyển sổ tiết kiệm không còn đồng nào, săm soi từng giao dịch rồi chìm đắm trong sự hối hận và ca thán về số tiền mình tích góp đã tiêu tan trong vô vọng. Nếu nhìn thấy giấy tờ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hưu trí đã bị hủy thì chắc cơ thể tiều tụy của bà lại lên cơn đau mất.

Cuộc đời còn lại bà sẽ sống cùng với những món đồ được sắp xếp đơn giản  trong căn phòng nhỏ và cũ kĩ hơn như thế này. Trước giờ bà đều nghĩ mình sẽ chết vì tuổi già dù là đôi chân có tàn tật và cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn. Khoảnh khắc đó có thể sẽ rất xa nhưng cũng có thể rất gần. Bà chưa bao giờ nghĩ đến việc có ai đó sẽ phát hiện thi thể hay ngửi thấy mùi xác chết của bản thân mình. Bà mơ hồ đoán rằng người đó sẽ không phải là con trai mình. Không chừng có thể là một người nào đó hoàn toàn xa lạ.

Lúc người chồng ngã quỵ vì cơn bệnh xuất huyết não và rơi vào trạng thái hôn mê, ông ấy thậm chí còn không thể lấy ra được chiếc khăn mùi xoa trong túi quần của mình. Những món đồ người chồng để lại không phải là những thứ ông ấy muốn giữ, mà do chủ nhân chúng đột ngột không còn nữa nên cứ thế bị bỏ lại. Chính bà là người đã sắp xếp lại những đồ vật đó. Trong lúc lựa chọn ra di vật của chồng, bà cảm thấy còn bàng hoàng hơn cả cái chết đột ngột của ông. Bà tự hỏi rằng liệu mình có biết gì về chồng không, có từng thấu hiểu cho những nỗi lo và hy vọng của chồng mình không. Nếu những thứ trừu tượng như vậy bà chưa từng hiểu thì liệu bà có thể kể ra cụ thể sở thích, thói quen hay tính cách của chồng mình hay không.

Tất cả các di vật để lại đều do bà chọn ra. Thay vì chiếc đồng hồ dây da màu nâu với những đường chỉ tơi tả mà chồng bà hay đeo thì bà chọn chiếc đồng hồ hàng hiệu có thể truyền lại cho con trai và cả đứa con của cậu ta sau này. Hầu như nó chưa được sử dụng tới, nhìn chẳng khác gì chiếc đồng hồ mới mua. Với tiêu chuẩn lựa chọn đấy, bà đã chọn ra vài cây bút, chiếc cặp, máy ảnh và ví tiền trong số nhiều món đồ mà chồng đã sử dụng. Đối với những vật dụng trong đời sống hằng ngày thì bà chọn ra những món đồ có chứa nhiều kỉ niệm với bản thân nhất. Chẳng hạn như chiếc hộp nhạc mà người chồng đã mua trong chuyến du lịch kỷ niệm 20 năm ngày cưới, người chọn mua nó là bà và người thi thoảng lên dây cót trong chiếc hộp để nghe nhạc ở nhà cũng chính là bà. Người chồng chỉ mua những món đồ mà bà chọn rồi đặt nó vào trong phòng làm việc của mình.

Khi tìm thấy quyển sổ nhật ký và ghi chép lịch trình công việc của chồng mình trong hộc tủ được khóa lâu nay, bà lấy làm hưng phấn bởi cảm giác tò mò và cũng cảm thấy tội lỗi như thể mình đang nhìn trộm bí mật của chồng. Phải mất mấy ngày để xem quyển số ấy. Bởi vì chỉ có người liên quan mới có thể hiểu rõ những nội dung bên trong nên bà đã dành nhiều thời gian để giải mã những ghi chép trong đó. Mỗi khi xuất hiện một cái tên lạ lẫm nào đó thì bà liền tìm trong danh sách nhân viên công ty và bạn cùng khóa, kể cả trong danh bạ điện thoại bà đều không bỏ sót cái nào. Nếu vẫn không thể tìm ra thì bà sẽ hỏi khéo những người quen mà có vẻ như có thể cho bà biết câu trả lời.

Trong suốt quá trình đó thì điều bà phát hiện ra là chồng mình chẳng có lấy một bí mật nào giấu mình. Không phải vì bà quá tin vào chồng. Cũng không phải vì bà giống những người phụ nữ khác, hay cho rằng chồng mình luôn hiền lành và chung thủy hơn bao người hoặc cho rằng chồng mình quá tinh vi nên không để lộ một sơ hở nào. Chẳng cần suy đoán và nghĩ ngợi nhiều bởi chính cuộc sống mộc mạc với những món đồ đơn giản và lịch sử giao dịch thẻ tín dụng không chút lãng phí của chồng đã nói lên tất cả.

Cảm giác căng thẳng và mong đợi một cách kỳ lạ rằng chồng mình sẽ có bí mật gì đó cùng với sự ngờ vực không chừng bản thân bị phản bội trong lúc xem nhật ký đã lấn át đi cảm giác tội lỗi vì đã không tin tưởng chồng mình. Thật cảm ơn người chồng một đời chỉ biết nghĩ đến vợ con, chăm lo cho gia đình. Việc ông ấy không có bí mật nào giấu bà hẳn là một việc đáng mừng. Bà nhớ người chồng đã rời bỏ thế giới này da diết làm sao.

Tuy nhiên cảm giác bao trùm lấy bà là nỗi thất vọng tràn trề. Bà nhận ra rằng chồng cũng như mình, cũng sống một cuộc đời không có bí mật nào để che giấu, một cuộc đời chẳng có đam mê nào để theo đuổi mãnh liệt. Điều đó khiến bà cảm thấy cuộc đời càng trở nên thật nhàm chán và vô vị đến mức phẫn nộ.

Khi nghe cậu con trai không thể kiềm chế sự hiếu kỳ chỉ tay về phía quyển sổ bà đang cầm hỏi một cách vô tư “Cái gì thế mẹ? Nhật ký của bố à? Có bí mật gì không? Bố có người khác không mẹ?”, bà liền nổi giận đùng đùng ném phăng quyển sổ vào đống quần áo cũ của chồng đang đốt ngoài sân. Bà chẳng việc gì phải xem lại quyển sổ tay đấy nữa.

Không biết mấy giờ rồi nhỉ, bóng tối nhanh chóng bao trùm căn phòng. Chiếc đồng hồ treo trên tường đã hết pin từ đời nào. Bà luôn bật tivi rồi để đó nên chẳng cần thêm đồng hồ làm gì, trước giờ cứ bỏ mặc nó như thế. Mãi đến khi bị cắt điện thì bà mới cảm thấy hối tiếc vì điều đó. Bà quan sát nồng độ của bóng đen sâu thẳm trong căn phòng. Cuộc đời bà hẳn đã trải qua hơn hai mươi nghìn đêm tối, thế nhưng đêm nay bà lại hơi hoảng sợ vì không thể nhận thức được thời gian trong bóng đêm như trước.

Không thấy con trai gọi đến. Bà quyết định sẽ mặc sẵn áo khoác ngoài vì chắc rằng nếu cậu ta đến thì với tính tình gấp gáp của cậu sẽ chẳng chịu chờ đợi lâu. Bà cố gắng mặc nhiều lớp áo nhất có thể, không phải vì thời tiết lạnh đến mức phải mặc như thế mà là phòng khi trời trở lạnh và lo lắng chỗ ngủ mà mình sẽ dọn đến không đủ ấm. Thân thể vốn đã di chuyển khó khăn nay lại càng thêm nặng nề.

Vì thật không thích hợp để rời đi trong đêm khuya nên bà đã muốn cậu con trai nhanh đến đón, thế nhưng bây giờ bà lại mong rằng con trai mình sẽ đến muộn nhất có thể. Việc cố gắng chất đầy đồ đạc vào chiếc túi nhỏ ấy khiến bà cảm thấy khó khăn như thể ép bản thân phải sống lại cả cuộc đời thống khổ này một lần nữa.

Vào khoảnh khắc đang cố gắng nhét chiếc ví vào túi áo sâu bên trong những lớp áo mặc chồng lên nhau thì bà lại tiểu ra quần. Nước tiểu thấm ướt cả mảng quần. Bà đã quen với mùi khai của nước tiểu nhưng con trai chắc chắn sẽ không như thế. Đang định thay quần thì bà nghe thấy tiếng động. Đó là âm thanh chìa khóa tra vào tay nắm cửa. Có lẽ con trai đã đến. Bà chầm chậm nhích người cố lết ra phía cửa. Thật vui khi nghe thấy tiếng con trai mở cửa, người con mà từ sau khi bà chuyển nhà đến đây chưa từng một lần ghé thăm, bây giờ lại đang mở cửa một cách dễ dàng như thể đây chính là nhà của cậu, nơi trở về sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi.

Khi phát hiện người đang đứng ngây ra trước cửa không phải là con trai, bà giật nảy mình. Dường như người đàn ông cũng sửng sốt khi thấy bà lết ra khỏi phòng hệt như một con bọ. Nhờ cái bóng nhấp nhô của khu chung cư phía đối diện mà trông anh ta có vẻ cao to vạm vỡ. Mái tóc anh ta ngắn và gọn gàng như một quân nhân. Đôi mắt đen sâu hoắm đang nheo lại vì có lẽ vẫn chưa quen với việc nhìn trong bóng tối. Người đàn ông này chẳng hề giải thích mình là ai và lý do có mặt ở đây là gì. Những điều như thế có khi lại không cần thiết. Bởi có những người làm loại công việc thản nhiên ra vào nhà người khác dù không nhận được sự cho phép. Mặc dù bản thân rất sợ nhưng nghĩ lại thì với bà đây cũng chỉ là một vấn đề đơn giản. “Ai đấy?” bà lấy hết can đảm ra hỏi. Vì nghĩ rằng mình không còn gì để mất nên bà mới có dũng khí như vậy. Người đàn ông vào nhà bà có vẻ không phải vì lòng tham mà chắc chỉ đơn giản là do tò mò hoặc bốc đồng. Giọng nói run rẩy của chính mình khiến bà càng thêm sợ hãi. Bà thấy phẫn nộ vì sự xâm nhập của người đàn ông nhưng rồi lại cảm thấy nhẹ nhõm vì nghĩ rằng dù sao đi nữa cuộc sống này cũng chẳng còn lại gì. Thế nhưng chính sự xuất hiện bất ngờ của người đàn ông này khiến bà tự hỏi rằng bản thân mình còn gì để mất hay không. Bà cứ tưởng mình sẽ có chút kiêu ngạo nếu có thứ gì đó khiến người khác thèm muốn nhưng lại hoàn toàn không phải vậy.

Người đàn ông nhún vai như thể việc thấy cảnh tượng này không phải là thứ gì quá lạ lẫm. Cái bóng đồ sộ đung đưa phản chiếu y nguyên hành động ấy. Anh ta cúi người rồi chậm rãi hướng về phía bà đang nằm. Cái bóng đen ngòm theo đó cũng đổ xuống sàn nhà nặng trĩu. Cuối cùng khi ngang với tầm mắt bà, anh ta chống một chân rồi chân còn lại khuỵu gối xuống sàn lặng thinh nhìn chằm chằm vào khuôn mặt bà. Khuôn mặt người đàn ông cách bà không quá một gang tay. Dường như anh ta đang cười như thể quan sát một việc gì đó thú vị, bà cũng không rõ nữa. Nói đúng ra là vì bản thân quá sợ hãi nên bà không thể nhìn thấy rõ diện mạo người đàn ông lạ mặt này. Bóng đen lập lòe làm khuôn mặt người đàn ông lúc thì như đang cười lúc lại giống như tức giận. Đôi lúc lại cảm nhận được cả hai. Bà phải cố gắng gồng mình trên đôi tay run rẩy để bản thân không gục ngã. Người đàn ông im lặng nhìn bà. Bằng cái nhìn lặng thinh đó thôi anh ta đã đạt được thứ mình muốn. Không mất quá nhiều thời gian, chỉ trôi qua trong hai, ba giây ngắn ngủi.

Người đàn ông từ từ đứng dậy như cái tốc độ khi ngồi xuống. Bóng anh ta phủ lên người bà rồi dần dần biến mất. Anh ta đứng thẳng người rồi cúi đầu xuống nhìn chằm chằm bà lần nữa. Không lời cảnh cáo hay uy hiếp nào, cũng không dùng đến bạo lực hay hành động cưỡng đoạt, cũng không lời chào hỏi hay xin lỗi, cứ thế anh ta mở cửa rồi đi ra ngoài.

Bà sợ hãi tim đập loạn xạ liên hồi đến mức phải đặt người nằm bệt xuống và áp chặt lồng ngực lên sàn nhà. Một lúc sau, bà ngẩng đầu lên nhìn xung quanh căn phòng tối tăm, yên tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Người lạ mặt bước vào nhà và nán lại một chút rồi rời đi ngay. Là người có chìa khóa nhà bà. Vì thế mà bà đã nghĩ đó là con trai mình. Nhưng dù ai có chìa khóa nhà bà đi chăng nữa thì cũng không có gì khác thường. Khu chung cư sắp bị dỡ bỏ này cũ nát đến mức chỉ cần dùng dây thép mỏng tra vào lỗ khóa cửa là mở được. Ngày chuyển đến đây, bà ở trong nhà khóa trái cửa lại nhưng con trai bà nghĩ rằng do cái cửa cũ và bị chặt cứng nên không mở được, sau đó anh ta dùng lực kéo và xoay tay nắm cửa liên tục. Có lần cánh cửa cũng bật ra ngay lập tức.

Bà quyết định ra ban công để chờ con trai mình đến. Ở đó bà có thể nhìn thấy ai đang đến và dù ở trong bóng tối mờ mịt từ tầng năm nhìn xuống bà cũng có thể biết được đó có phải là con trai mình không.

Bà lê đôi chân ra phía ban công và dừng lại. Cơn đau lại ùa đến. Bà nằm sấp người sát xuống sàn nhà không khác gì tấm ván gỗ. Dường như lần này bà đã biết được quy trình của cơn đau. Chịu đựng. Chờ đợi. Thời gian kéo dài như hai mươi ngàn đêm bà đã trải qua trong đời.

Cơn đau chỉ ở lại một chút rồi biến mất như mọi khi. Sau khi trải qua cơn đau kinh khủng này bà cứ nằm như thế duỗi tay ra chạm vào đôi chân cứng đờ không còn cảm giác. Đôi chân lạnh ngắt như chỉ còn mỗi da bọc xương. Tuy không có dấu hiệu tiến triển gì nhưng có thể cảm nhận được mạch máu bên trong vẫn còn đang hoạt động.

Ai đó lại một lần nữa vặn tay nắm cửa. Nhưng cũng có thể là bà nghe nhầm. Bóng tối không hề động đậy và canh giữ ở lối ra vào. Có thể là tiếng gió thổi qua khung cửa hay chỉ là thứ gì đó lướt qua và phát ra tiếng động. Tay nắm cửa bắt đầu xoay chầm chậm như thể đang chế giễu những suy nghĩ của bà. Điều bà có thể làm bây giờ là xoay người lại phía cửa và đặt lồng ngực xuống nền nhà lạnh lẽo rồi quan sát xem ai đến.

Thật tốt khi bà đã mặc nhiều lớp quần áo. Không giống với cơ thể gầy guộc trơ xương, bà hài lòng với cái bóng phồng to lên của mình nằm trên mặt đất. Bà gối người lên cái bóng và cứ nằm sấp như thế mò tìm chiếc ví để sâu trong những lớp áo. Bà vẫn chưa chuẩn bị xong bất cứ thứ gì để bỏ vào túi xách. Con dấu, chứng minh thư và một tấm ảnh trong chiếc ví là tất cả những gì bà có. Đó là bức ảnh bà đã chụp cùng chồng và con trai. Trong tấm ảnh là hình ảnh người chồng với cơ thể khỏe khoắn đang nhấc bổng đứa con trai hay thích làm mặt hờn dỗi vừa mới qua tuổi mẫu giáo.

Cửa đã mở ra. Một luồng khí lạnh tràn vào xua tan bóng tối. Ai đó bước vào nhà không chút do dự.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hội nhập văn chương Đông Nam Á: Con đường nào mới khả thi?
Theo lời mời của Hội Nhà văn Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đã có mặt tại Hội thảo văn chương trẻ Đông Nam Á - là hoạt động thuộc chương trình Văn chương trẻ Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 26 - 31.7 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Xem thêm
Chôn giấu ở Saipan
Vẫn còn đó những lưỡi lê rỉ sét được tìm thấy trong đất
Xem thêm
Chùm thơ Oh Se-young
Nhà thơ người Hàn Quốc, sinh năm 1942, tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý và sau đó là tiến sĩ văn học của Đại học Quốc gia Seoul.
Xem thêm
Chùm thơ của Svetlana Melnikova-Pivovarova
Ta là tiếng vọng của mìnhThêm yêu cuộc sống vô tình đẹp sao...
Xem thêm
Chạy đi, cha ơi! - Truyện của Kim Ae Ran
Tác phẩm truyện dịch hay của nhóm Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
Xem thêm
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc
“Workshop Dịch văn học Hàn Quốc 2022” được tổ chức với mục đích bồi dưỡng kỹ năng biên dịch văn học Hàn Quốc cho người học chuyên ngành tiếng Hàn
Xem thêm
Kết quả Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc
Bài viết giải nhất cà Vidoeclip giải nhất.
Xem thêm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng theo dấu hiệp sĩ thánh chiến suốt 30 năm
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng ở tuổi 74 ra mắt tác phẩm ‘Hiệp sĩ thánh chiến’ mà ông đã mất 30 năm để chuyển ngữ, vào sáng 17/10 tại TP.HCM.
Xem thêm
“Worshop biên dịch văn học Hàn Quốc 2022” - những tín hiệu vui
Workshop Biên dịch Văn học Hàn Quốc 2022 do Viện Dịch Văn học Hàn Quốc tại trợ, được tổ chức bởi Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc
Xem thêm
Việt Nam có một “Câu lạc bộ Đọc sách Văn học Trung Quốc”
Đường Đinh Lễ ở Hà Nội và Đường Sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam là những địa điểm đọc sách lý tưởng cho những người yêu thích đọc sách ở Việt Nam. Tại
Xem thêm