TIN TỨC

Nam Cao – đời viết và nghiệp

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-12-12 22:26:48
mail facebook google pos stwis
1534 lượt xem

 

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (29/10/1915 – 30/11/1951)

Cái truyện sẽ làm cho Nam Cao rất nổi tiếng, thậm chí làm nên thương hiệu Nam Cao sau này, đó là Chí Phèo, viết năm 1941, mang tên Cái lò gạch cũ, khi tác giả 26 tuổi. Cái lò gạch cũ nằm trong một chùm truyện gửi đến Nhà xuất bản Đời Mới, suýt bị bỏ quên trong bồ rác, may được Vũ Bằng moi ra, đọc từ dòng đầu đã thấy lạ, liền đọc luôn một hơi, rồi quyết định cho đưa nhà in, với cái tên mới là Đôi lứa xứng đôi, kèm một lời tựa của Lê Văn Trương; một lời tựa rất ngắn mà nói rất hay, rất trúng đặc sắc của tác giả. Thế nhưng từ khởi đầu may trong rủi ấy, hành trình viết của Nam Cao vẫn rất lận đận, dẫu nhiều chục truyện ngắn vẫn lần lượt được in trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật. Xen với truyện ngắn là một số truyện dài như Ngày lụt, Cái bát, Cái miếu, Một đời người phải bán đứt bản quyền cho các nhà xuất bản để sớm có tiền, mà vẫn không được in, rồi đành để mất. Chỉ riêng Truyện người hàng xóm là được đăng tải trên Trung Bắc chủ nhật từ tháng Tư đến tháng Chín – 1944. Còn tiểu thuyết Sống mòn “viết xong tại Đại Hoàng ngày 1/10/1944”, như được ghi ở cuối sách, thì đương nhiên là không thể in; rất có thể cũng sẽ chung số phận với các tiểu thuyết khác nếu không được Tô Hoài giữ hộ và mang theo trong ba lô lên Việt Bắc; rồi phải chờ đến 1956, sau khi Nam Cao mất 5 năm mới được in ở Nhà xuất bản Văn Nghệ.


Bốn nhà văn, nhà báo: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao (từ trái sang)

Một đời văn có thể xem là lặng lẽ, chưa lúc nào tự thỏa mãn và yên tâm, hoặc tự tin về mình – một tâm thế viết rất khác với nhiều bạn văn cùng thời, không kể Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng mà ngay cả với Tô Hoài – người kém ông 5 tuổi, nhưng vào nghề lại may mắn hơn ông. Bằng chứng là Nam Cao không có tên trong bộ sách Nhà văn hiện đại, gồm 79 người, của Vũ Ngọc Phan. Bằng chứng là trong Bản tự thuật Nam Cao gửi Ban tổ chức của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1950 có một dòng: “… trước 1945 không xuất bản được tác phẩm nào đáng kể”.

Rồi sau đó chỉ hơn một năm là chuyến đi công tác vào vùng hậu địch Liên khu Ba, trong Đoàn cán bộ Thuế nông nghiệp, bị địch phục kích; cả mấy người cùng bị bắn và dồn vào một cái hố chôn chung; phải 46 năm sau thi hài mới được đưa về làng quê Đại Hoàng – một tên làng đã vào văn Nam Cao mà trở nên nổi tiếng: làng Vũ Đại.

Như vậy, nói Nam Cao là nói một số lượng trang viết không nhiều, so với các bạn viết trước và đồng thời với ông… Cái đã được in gồm khoảng ngót 60 truyện ngắn đăng tải trên báo, một số trong đó được gom vào hai tập trước 1945, là Đôi lứa xứng đôi (Nxb Đời Mới; 1941), Nửa đêm (Nxb Cộng Lực; 1943); và sau 1945 là Cười (Nxb Minh Đức; 1946); 8 truyện viết cho thiếu nhi (nay chỉ mới sưu tầm được 3); một truyện dài chỉ mới được đăng tải trên báo trước 1945; dăm truyện ngắn cùng trên một chục bút ký, nhật ký, ghi chép viết sau 1945. Cho đến ngày hy sinh, có thể nói Nam Cao chưa được hưởng những gì gọi là hào quang, hoặc vinh quang của nghề. Phải sau khi qua đời, với bài Điếu văn của Nguyễn Huy Tưởng đọc trong Lễ truy điệu ngày 21/12/1951 ở Việt Bắc; và bài Nam Cao của Nguyễn Đình Thi viết tháng 2/1952 đăng trên Tạp chí Văn Nghệ; rồi tiếp đó là hai hồi ký của Tô Hoài in trên báo Văn Nghệ – năm 1956 thì tổn thất về Nam Cao mới thật sự thấm thía không chỉ trong giới nghề nghiệp mà là cả công chúng đông đảo. Cũng từ đây, qua Sống mòn lần đầu được in, năm 1956, qua Chí Phèo – sau lần in thứ hai năm 1957, và nhiều chục truyện ngắn trên các báo lần đầu được sưu tầm và gom lại trong hai tập Truyện ngắn Nam Cao (Nxb.Văn hóa; 1960) và Một đám cưới (Nxb Văn học; 1963) thì giới nghiên cứu, phê bình và bạn đọc rộng rãi mới có cơ hội nhận diện một gương mặt tác gia văn học xuất sắc trong giòng văn học hiện thực trước 1945. Một tác gia thực sự có gương mặt riêng, để không những không bị khuất trong bóng rợp của những người đi trước, mà còn tự mình xác lập một vị thế mới; vị thế, theo tôi – đó là sự tiếp tục đưa lên đỉnh cao và kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực 1930-1945.

  ***

Giá trị Nam Cao được khẳng định trước hết qua những truyện ngắn viết về làng quê Việt Nam những năm tiền cách mạng qua một nghệ thuật viết không hề lặp lại dấu ấn của tất cả những bậc tiền bối, gồm không chỉ các tác gia của Tự Lực văn đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, mà cả những tên tuổi lớn của trào lưu hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng. Đúng như lời một nhân vật của chính tác giả: Cái nghề văn kỵ nhất là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Tựa như A.Sêkhốp trong văn học Nga phải vạch ra một lối đi mới sau các đại thụ tỏa bóng rợp cuối thế kỷ XIX như L.Tonxtôi, F.Dotoievski. Ngay từ những truyện đầu tay Nam Cao đã rất có ý thức đem lại một nhận thức mới về người nông dân Việt trong bối cảnh làng quê đang trong một quá trình băng hoại theo hai hướng bần cùng hóa và tha hóa, nhưng tự trong căn rễ vẫn bảo lưu một giòng chảy làm nên gương mặt văn hóa, phong tục, đạo lý dân tộc trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Mỗi truyện ngắn Nam Cao như Một đám cưới, Một bữa no, Lão Hạc, Dì Hảo, Tư cách mõ, Mua danh, Đòn chồng, Rửa hờn, Rình trộm…, không chỉ là một lát cắt tươi rói của cuộc sống mà còn là những chạm khắc rất ấn tượng về những chân dung người làm nên gương mặt dân tộc một thời, thời đứng trước hai chuyển động lớn – đó là sự bần cùng hóa với những cái chết, chủ yếu là chết đói như một tiên báo cho thảm cảnh hai triệu người chết trong năm Ất Dậu; và mặt khác, là một khát vọng thoát ra khỏi mọi bủa vây dầy đặc của một sự sống đang trong… chết mòn: “chết mà chưa làm gì cả; chết mà chưa sống”.

Trên hành trình thâm nhập sâu vào những thảm trạng của bần cùng hóa, có một nhánh rẽ là sự tha hóa, với nạn nhân (hoặc tội nhân) tiêu biểu là nhân vật Chí Phèo. Đó là cái tên rồi sẽ đưa Nam Cao lên tầm cao một phát hiện mang tầm vóc thế kỷ, tựa như A.Q của Lỗ Tấn, tựa như Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng. Quả hiếm, hoặc chưa có một nhân vật nào trong văn học Việt hiện đại có được một sự sống bền lâu và lan rộng như nhân vật này của Nam Cao, do sự kết hợp tính độc đáo và tính phổ quát trên tất cả các phương diện của sự miêu tả; do cái cá biệt và cái phổ biến của hình tượng là đạt tới độ tuyệt vời viên mãn; do cái sức nhìn sâu và rọi xa của một nhà hiện thực lớn; và do một cảm quan nhân đạo kết nối được những gì trái ngược mà làm nên các nghịch lý và nghịch cảnh của đời.

Gắn với số phận người nông dân còn là cảnh ngộ của người trí thức nghèo – những nhà văn nghèo, những anh giáo khổ, trong một sự sống… mòn, và những kiếp đời… thừa. Khác với nhiều bạn văn, Nam Cao viết tiểu thuyết cứ như là viết tự truyện. Nhưng sau tất cả những Thứ, Điền, Hộ…, hoặc những gã, hắn, y… đó là sự khái quát chân dung một lớp trí thức có gốc rễ nông thôn, luôn mang khát vọng tìm đến một sự sống tinh thần có ý nghĩa; nhưng cuối cùng vẫn bị “áo cơm ghì sát đất”, càng dẫy dụa càng bị lún sâu hơn vào trạng thái… chết mòn; nó là một phát hiện rất kỳ thú của Nam Cao, in rất đậm một cảm quan mới về hiện thực ở Nam Cao. Và, như vậy là, với mở đầu bằng tập truyện Chí Phèo, và kết thúc bằng tiểu thuyết Sống mòn; chỉ trên dưới 5 năm – Nam Cao đã tạo ra được một thế giới riêng, in đậm một cảm quan mới về hiện thực, khác với tất cả các bậc tiền bối trên cả hai giòng lãng mạn và hiện thực. Riêng đối với tiểu thuyết, thì Sống mòn, quả đã làm được một cuộc cách tân thật ngoạn mục, nếu nhìn ngược về trước chỉ khoảng 20 năm với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách – người khai mạc nền văn xuôi hiện đại. Một bút pháp tự sự độc đáo. Một chủ nghĩa hiện thực tâm lý nghiêm ngặt. Một cảm quan hiện thực nhìn từ bề sâu, bề trong. Một khát vọng nhân văn được chiêm nghiệm và đúc rút từ chính bản thân. Một khả năng khám phá và dự báo. Một cách khái quát giầu sức chứa và sức mở… Tất cả đã đem lại cho thiên tiểu thuyết may mắn còn sót lại và cũng là có một không hai này những giá trị có thể nói là ổn định, là trường tồn. Đây là cuốn tiểu thuyết không có cốt, không có truyện, không có gay cấn và ly kỳ; bối cảnh truyện chỉ là sinh hoạt của mấy nhà giáo dạy tư, nhưng sao lại có sức gắn đến thế với cả cuộc đời rộng lớn; cái tiếng thì thầm của tác phẩm lại có sức ám ảnh đến thế đối với nhiều lớp người trong hành trình cuộc đời giữa bao thăng trầm của lịch sử. Cuốn tiểu thuyết tự tách ra một lối riêng, giữa bao nhiêu kiểu dạng giống nhau hoặc khác nhau, từ văn xuôi lãng mạn sang văn xuôi tả chân – xã hội; và trong khi trung thành đến từng chi tiết của đời riêng và tràn ngập những chuyện đời tư, trong khi hội nhập được hai mặt tương phản của sống và chết, của sự sống và cái chết trong một định nghĩa mòn lại nói được bao điều vừa tủn mủn vừa lớn lao của nhân thế.

  ***

Để nói về đóng góp của Nam Cao, tôi muốn gom lại trong một vài nghịch lý.

Trước 1945, gần như Nam Cao không viết gì khác ngoài bản thân mình, và làng quê mình. Tất cả những Thứ, Điền, Hộ, rồi những gã, hắn, y được Nam Cao đưa vào truyện như là tự truyện của mình, như là tấm gương của chính đời mình. Thế mà rồi không chỉ một lớp người một thời có thể vận vào mình, mà cho đến hôm nay, không biết bao tầng lớp, bao thế hệ có chung tên gọi tri thức, vẫn cứ thấy bóng dáng mình trên từng trang văn Nam Cao, trong bươn chải, vật lộn để chống đói, để khỏi chết đói, và để thoát… mòn.

Nam Cao không viết gì khác ngoài cái làng Vũ Đại quê ông. Nhưng rồi ra, dường như tất cả những cái làng quê Việt Nam tiền Cách mạng đều được thu nhỏ vào đấy, với sự lưu cữu, sự xếp lớp nhiều tầng các mặt tốt – xấu, vừa trái ngược nhau vừa bổ sung cho nhau. Những chuyện no đói và sống chết. Ma chay và cưới xin. Xó bếp và chốn đình trung. Mua danh và đi làm mõ… Rồi ăn và mặc. Làm lụng và sinh nhai. Chuyện con chó của Lão Hạc có tên cậu Vàng, lại chuyện người hẳn hoi có tên cái Cún con hoặc anh đĩ Chuột. Nhưng kỳ lạ thay, cho đến nay, cái tên làng Vũ Đại vẫn chưa chịu lùi hẳn vào quên lãng. Vũ Đại – không chỉ gợi một đơn vị làng với những ao chuôm, những lũy tre, vườn chuối, giàn trầu quen thuộc, mà còn là biểu tượng chung cho sự phong bế, trì trệ, nhếch nhác của bất cứ quần thể cư dân nào, cả nông thôn và thành thị.

Rồi còn là Chí Phèo, và nói Chí Phèo không được quên Thị Nở, một “cặp đôi” gần như “hoàn hảo”. Chí Phèo là cư dân của làng Vũ Đại. Nhưng cho đến hôm nay Chí Phèo là của khắp nơi. Anh nông dân cố cùng Chí Phèo không có tuổi trong cái truyện ra mắt cách đây 75 năm, bây giờ thật là trường thọ, và cũng không còn là của riêng làng Vũ Đại. Chí Phèo trong truyện của Nam Cao chưa bao giờ ra tỉnh, nhưng biểu tượng Chí Phèo hôm nay có mặt ở mọi công sở, cơ quan, trường học, bệnh viện. Bởi lẽ anh ta đã trở thành đại diện cho cái phần bản năng, phần khùng điên, khuất tối ở con người. Chí Phèo, ấy còn là cả một ám ảnh cho không ít quần thể người, cho không biết bao người lương thiện.

Những gì của Nam Cao, in dấu ấn Nam Cao, mang giọng điệu Nam Cao, thành sở hữu của Nam Cao đã được đón nhận ở tính phổ quát của nó, tính đại diện của nó; và ở nghịch lý này mang đầy đủ nhất giá trị văn học của tác phẩm, mang rõ nét nhất chất văn ở một tác giả. Nam Cao – chỉ bút danh ấy đủ nói với ta về sống mòn và chết mòn, về đời thừa và nước mắt, về giăng sáng và nửa đêm, về một bữa no và đòn chồng, về cười và điếu văn, về truyện tình và những chuyện không muốn viết, về những cánh hoa tàn và một cái mặt không chơi được(1)… Tóm lại, đó là cả một trữ lượng bên trong, một của kho dư đầy về con người và đất nước, về trí thức và nông dân, về nông thôn và thành thị, về người lớn và trẻ con, về đàn ông và đàn bà, về những người lành lặn và những kẻ dị dạng…, những vế vừa gắn bó, vừa như đối lập, thế nhưng bao giờ cũng tìm được sự hội tụ và hòa hợp ở văn ông.

Có lẽ rõ hơn một số người viết khác, ở Nam Cao – đời sống và đời văn là gắn bó với nhau như hai mặt một tờ giấy mỏng, soi bên này mà thấy cả bên kia. Soi vào văn ông để thấy đời; và soi vào đời để nhận thêm các giá trị từ những trang văn im lặng.

***

Từ trạng thái chết mòn của một thế hệ trí thức, và từ những cái chết thật vì đói hoặc vì khùng điên của người nông dân một vùng quê, Nam Cao đã đón nhận Cách mạng tháng Tám thật sự như một cuộc đổi đời. Nhà văn mảnh khảnh, cao gầy, dáng thư sinh, với bản tính rụt rè, ít khi nói to đã tham gia gần như đủ đầy tất cả những hoạt động xã hội của làng quê và của đoàn thể – từ là Chủ tịch xã, làm báo, viết tin, tham gia đoàn quân Nam tiến, rời quê ra Hà Nội, rồi lên Việt Bắc, ở rừng, làm báo Cứu quốc, về Hội văn nghệ, đi chiến dịch Biên giới, rồi vào vùng địch hậu Khu Ba. Ngót 6 năm cho một hành trình cùng nhân dân, từ nông thôn ra thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, cùng bộ đội và dân công, với vũ khí vẫn chỉ là ngòi bút và trang viết – những trang viết gắng theo kịp những chuyển động muôn mặt của sự sống, và là một sự sống gắng được soi nhìn bằng một đôi mắt mới, nên rất sớm chuyển được vào đường ray cách mạng. Cách mạng, như chính một tên truyện của Nam Cao in trên Tiên phong số 18 (9/1946), với dòng kết thúc: “Cách mạng! Mày gây va chạm và chém giết, nhưng chính mày lại mở lối cho con người tiến lên hòa bình”.

Sứ mệnh dựng xây, tạo nên cái mới từ trong lầm than, cũ nát của chế độ cũ luôn luôn là mục tiêu nhe nhắm của Nam Cao qua nhiều trang bút ký, nhật ký, ghi chép như Đường vô Nam, Người Việt mới, Bốn cây số cách một căn cứ địch, Ở rừng, Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng… Đồng thời là sự soi xét lại kỹ lưỡng con người mình trong đối chiếu với sự sống của quần chúng để loại bỏ dần những ủy mị, bi quan không dễ dứt bỏ ở một con người giàu sự sống nội tâm và cả nghĩ như Nam Cao. Và, khi ngòi bút đã là vũ khí thì đối tượng viết trước hết phải là cho số đông, những người còn chưa biết chữ hoặc đang thanh toán nạn mù chữ, cũng có nghĩa là phải hy sinh một phần nghệ thuật. Làm báo trong những ngày “ở rừng”, người duyệt bài đầu tiên của Nam Cao là chú giao thông người Thổ có tên Mộc. Bản thảo Chuyện biên giới viết xong ngay sau khi chiến dịch kết thúc, Nam Cao tự nguyện cắt bỏ từ hàng trăm trang còn dăm chục trang cho gọn gàng, dễ đọc.

Viết, và viết – Nam Cao không ngại bất cứ mọi đặt hàng nào của đoàn thể. Viết sách địa lý phổ thông các nước châu Âu, châu Á, châu Phi. Viết bút ký Định mức và kịch Đóng góp phục vụ chính sách Tạm vay và Thuế nông nghiệp. Viết Hội nghị nói thẳng để phục vụ cho công tác tuyên truyền trong quân đội…

Thế nhưng tận trong thâm sâu, Nam Cao vẫn nuôi mơ ước viết được một cái gì cho xứng với nghề nghiệp mình theo đuổi. Mơ ước ấy cũng đã một lần Nam Cao chạm được vào nó. Đó là mấy ngày Tết đầu 1948, nơi một làng Mán heo hút ở Vàng Kheo, để “cho đỡ nhớ”, Nam Cao viết xong rất nhanh truyện ngắn Tiên sư anh Tào Tháo. Cũng vẫn là chuyện mình, chuyện của anh nhà văn xưng “tôi” có tên Độ. Nhưng có khác với những Thứ, Điền, Hộ trước đây (hoặc “ngày xưa”), Độ bây giờ có một “đôi mắt” mới để đối thoại một cách e dè, khiêm nhường, không chút lên giọng với một bạn văn rất quen thuộc của mình trước đây là văn sĩ Hoàng.

Nhiều năm về sau, sau khi truyện được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ (số 3/1948) với tên mới là Đôi mắt, truyện này được giới nghiên cứu và giảng dạy văn học xem là một “tuyên ngôn nghệ thuật” của Nam Cao; dẫu với cái tạng quen thuộc của mình, ngay ở truyện này, theo tôi nghĩ, Nam Cao cũng không hề có ý định… tuyên ngôn với bất cứ ai.

Trở lại những ngày đầu cách mạng, trong bề bộn bao nhiêu việc lớn, Nam Cao bỗng xuất hiện trong một truyện ngắn có tên Mò sâm banh được viết rất nhanh và in ngay trên Tiên Phong số 2 (12.1945). Đây là một trong số các kiệt tác truyện ngắn Nam Cao, ghi nhận một chuyển đổi rất mới của đề tài. Đó là truyện về một người nông dân đầu tiên xuất hiện trong bối cảnh… thành phố. Ở đó, trong vai đầu bếp cho một ông chủ Tây lẳng lặng, không lời (bởi cả hai không có phiên dịch), anh ta đã đánh mất mạng sống của đứa con trai trong bể nước chỉ vì để rơi một chai sâm banh của chủ… Hơn hai năm sau là sự xuất hiện của Đôi mắt, cũng được viết rất nhanh, ghi nhận một chuyển đổi quan trọng trong quan niệm nghệ thuật. Và, sau Đôi mắt là một ấp ủ đến nung nấu cho một tiểu thuyết về chính làng quê Vũ Đại của mình, trên một bản thảo đã hai lần bị Nam Cao xé bỏ. Chính trong tâm thế đó mà có chuyến công tác “định mệnh” vào ngày 30 tháng 11.1951, khiến Chúng ta mất Nam Cao; như tên một bài viết thật cảm động của người bạn thân thiết nhất của ông – Tô Hoài.

Thuộc trong số người viết văn sớm hy sinh cho Tổ quốc, và nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất, hy sinh ở tuổi đời 36, và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. Mười năm – một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại.

Theo GS Phong Lê/Văn nghệ

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm