TIN TỨC

Người mẹ đời thường trong văn xuôi nữ đương đại

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1101 lượt xem

Những va chạm trong cuộc sống tạo ra nhiều chân lí khác với chân lí về sự cao cả, thiêng liêng của tình mẫu tử. Các nhà văn nữ là người lắng nghe sự va chạm ấy, đi đến tận cùng những tra vấn và tự tra vấn, những trăn trở sâu thẳm trong con người. 

Bên cạnh sự thiêng liêng, cao cả, tình mẫu tử cũng biểu hiện đa dạng, phức tạp. Trong văn xuôi đương đại, nơi một số tác phẩm, hình tượng người mẹ được đưa về những khuôn tấc của đời thường. Lặn ngụp sâu vào chính mình trong những hoàn cảnh sống cụ thể, cộng với sự quan sát những trải nghiệm của người cùng giới, hơn ai hết, các nhà văn nữ đã thể hiện tài tình những sắc thái này trên trang viết.

Không nhìn tình mẫu tử như là sự yêu thương mặc nhiên, một chiều, Nguyễn Thị Thu Huệ phơi trải đề tài này ở nhiều chiều kích, nhiều cung bậc cảm giác. Đó là nhân vật nữ đam mê lầm lạc, bị phản bội và phải sinh ra đứa con hoang. Nỗi đau uất càng sâu khi đứa con ấy mang gương mặt của người cha như sự hiện thân của quá khứ vĩnh viễn không thể xóa bỏ. Nhân vật người mẹ trong Hậu thiên đường đã đi qua những năm tháng dài bên cạnh đứa con gái bằng sự lạnh nhạt, hờ hững, đôi khi ghét bỏ và nhìn đứa con như một “chướng ngại vật cản trở trên đường đời”: “Tôi nuôi nó đầy đủ bằng vật chất nhưng không mấy khi chăm sóc bằng tình cảm. (…) Tôi và nó ít khi gặp nhau. Tôi đi làm. Nó đi học. Buổi chiều. Thỉnh thoảng tôi ăn cơm với nó. Buổi tối. Tôi thường vắng nhà. Nó có một khuôn mặt đợi chờ. Nó hay nhìn tôi bằng cái vẻ đợi chờ đó. Nếu tôi lạnh lùng thì nó lảng đi. Tôi vui và tỏ ý muốn gần vẻ mặt ấy thoắt biến mất, thay vào bằng khuôn mặt tràn trề hạnh phúc.”

Mười lăm trang của truyện ngắn Hậu thiên đường khắc họa bức chân dung tâm lí của người mẹ khá xa lạ với ý niệm mang tính kí hiệu về sự thiêng liêng và cao cả vốn trở thành một ước lệ khi chạm đến hình tượng nhân vật này. Một phức cảm không dễ thể hiện và bộc lộ của nhân vật xưng “tôi” chứa đựng sự hoà quyện giữa những sắc thái cảm xúc khác nhau, vừa yêu thương vừa ghẻ lạnh, vừa ích kỉ vừa vị tha, vừa kiêu hãnh lại đớn đau ân hận, giày vò và nuối tiếc, vừa giãi bày, bộc bạch lại vừa tự tra vấn, vừa thuộc về quá khứ lại nối dài, lan toả và chuyển biến trong hiện tại… Người mẹ đứng trên lằn ranh của những cảm xúc ấy, trong sự đồng hiện của mọi cung bậc, mọi không gian, mọi thời gian, đồng thời, cảm xúc và ý thức lại bắt buộc phá vỡ những lằn ranh ấy để cứu vãn hiện tại giữa ân hận muộn màng. Đứa con gái sinh ra từ cuộc tình lỡ lầm thơ dại mang gương mặt của người bố đã khiến cho người đàn bà trót làm mẹ suốt đời ám ảnh một nỗi căm hận không dứt với quá khứ và hiệu ứng của cảm giác ấy phóng chiếu lên thân phận đứa con: “Ngày ấy. Khi sung sướng. Chúng tôi chỉ nghĩ đến mình. Nhưng khi đau khổ. Tôi lại hay mang nó ra mà soi mà ngắm, rồi nhìn nó như chướng ngại vật cản trở tôi trên bước đường đời. Nó chẳng có tội gì. Nó là sản phẩm của nỗi đam mê. Ai sướng. Ai hạnh phúc. Nó không biết. Chỉ được biết và được hưởng nỗi cô đơn, nỗi dằn vặt mà thôi.”

Để diễn tả phức thể hoà trộn của cảm giác ấy, người viết phải có sự thẩm thấu tâm hồn với nhân vật cao độ, để nhân vật hiện ra nơi nội tại của chính nó và khiến người đọc thấu hiểu, cảm thông, hơn nữa, nhận ra một góc hiện thực trong đời sống con người, trong tình mẫu tử. Một người mẹ ích kỉ mà vẫn độ lượng yêu thương, lạnh lùng mà vẫn nồng nàn đến khắc khoải. Ngòi bút nhà văn phải lách sâu vào tận cội nguồn gốc rễ của phức cảm ấy, căng trải nó ra ở mọi góc độ, mọi khía cạnh để miêu tả hình tượng người mẹ hiện thực, không thánh hoá cũng không thú hoá mà thuộc về đúng nghĩa con người với bản năng xúc cảm và bản năng thương yêu cao cả.

Những cảm giác gần như “phản truyền thống” này của người mẹ lại rất thực trong đời sống. Nhà văn khám phá người mẹ trước hết ở góc độ một con người, một người phụ nữ với những bản năng yêu ghét tự nhiên chứ không phải là một người mẹ bị đóng khung bằng các chuẩn mực. Hoàn cảnh trớ trêu, khắc nghiệt của đời sống đã chi phối và tác động đến họ. Chính bản thân họ không có quyền được lựa chọn và buộc phải ứng xử theo bản tính con người: đau đớn và thù hận. Vì vậy, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện bức chân dung hiện thực nghiệt ngã ở những vùng đất còn hoang dại và nghèo khó: người phụ nữ từng bị những gã đàn ông đầy dục vọng cưỡng bức, rất có thể sẽ tạo ra những “đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm” của đấng sinh thành trên cánh đồng bất tận của kiếp người (Cánh đồng bất tận).

Cùng điểm nhìn, Phan Thị Vàng Anh đã tinh tế khắc họa lại cả một tiến trình tâm lí của cô gái trẻ trong những ngày chờ đợi kết quả thực hư của cái thai sau một lần giao hoan. Bằng thiên tính làm mẹ vốn ngụ ẩn thường trực trong bản thể, Tuyền đã tưởng tượng ra cảnh tự tay nuôi nấng, chăm sóc đứa con. Thế nhưng, khi trí tưởng tượng chạm phải những khó khăn, trở ngại của cuộc sống, Tuyền rơi vào e dè, lo lắng, sợ hãi và bế tắc, nhất là lúc đối diện với tình huống bị người yêu bỏ rơi. Những xúc cảm trong cô gái không phải là một đường thẳng tịnh tiến giản đơn mà đi trên đường biên mong manh giữa các trạng thái đối lập theo hình xoắn ốc, pha lẫn vào nhau với sự biến động liên tục. Ý thức về trách nhiệm, tình thương yêu, nỗi sợ hãi mất tự do, những toan tính không lối thoát cho cuộc sống phía trước… khiến tình mẫu tử bắt đầu hình thành, nảy nở bỗng tan biến, rồi lại hiện hữu, trào dâng và trồi sụt liên tục: “Tuyền không chắc đã có đứa bé trong bụng chưa nhưng tình cảm dành cho nó đã bắt đầu phai nhạt. Bây giờ thì Tuyền không chắc mình có còn yêu đứa bé không nếu không có bố nó bên cạnh và chỉ còn nó như một cục nợ” (Có con).

Những va chạm trong cuộc sống tạo ra nhiều chân lí khác với chân lí về sự cao cả, thiêng liêng của tình mẫu tử. Các nhà văn nữ là người lắng nghe sự va chạm ấy, đi đến tận cùng những tra vấn và tự tra vấn, những trăn trở sâu thẳm trong con người. Lý Lan đã đặt ra song đề cho sự hi sinh khi đẩy nhân vật Quyên và người mẹ vào những xung đột không lối thoát. Có những va chạm tưởng chừng vặt vãnh, tủn mủn trong cuộc sống thường ngày nhưng hóa ra, khi nó lặp đi lặp lại và không thay đổi được thì bỗng phình to, khiến mọi thứ đứng trước nguy cơ đổ vỡ, mất mát. Thói quen ngăn nắp của người mẹ làm xáo trộn và gây hỏng hóc cho đời sống của người con khiến cô bức bối, ngột ngạt. Rơi vào tình huống ấy, nhân vật bắt đầu nảy sinh những nghi ngờ đối với các chân lí đã định sẵn: “Thật sự Quyên có yêu mẹ không? (…) Vậy thì tại sao hai mẹ con cứ làm khổ nhau?” (Mẹ và con). Tình cảm mẹ con của Quyên vẫn luôn được mọi người ca tụng vì mẹ Quyên, khi bị người tình bỏ rơi, đã sống đời cô độc để nuôi con, còn Quyên “vì không nỡ bỏ lại mẹ một mình” nên vẫn còn là cô gái lỡ thì chưa chồng. Trong con mắt của thế gian, họ đã hi sinh cuộc đời cho nhau. Thế nhưng, Quyên tự phản tỉnh cái chân lí cao đẹp ấy bằng sự thực rằng cô chưa lấy chồng vì “tình duyên lỡ dở”, “vì chưa thực sự yêu ai, yêu mãnh liệt để lấy làm chồng”. Và có thể người mẹ, trong quá khứ, cũng rơi vào tình huống tương tự. Một song đề hình thành khiến con người phải ngẫm nghĩ về các giá trị chuẩn và giá trị thực của đời sống: “Hồi trẻ Quyên nghĩ là sự hi sinh của mẹ là cao cả. Khi bước qua tuổi ba mươi, có lúc Quyên nghĩ mẹ có cần thiết phải hi sinh như vậy không. Người ta cần trung thực sống cuộc đời mình, hay cứ huyễn hoặc mình bằng cuộc sống cho người khác? Quyên đã nhận ra rằng khi một người biến người khác thành lẽ sống của mình thì đã chất một gánh nặng tồi tệ nhất lên vai người đó. Quyên càng ngày càng mệt mỏi với cái gánh nặng đó.”

Song đề của Quyên lại gần như trở thành phản đề tuôn chảy hối hả và không ngừng ám ảnh với nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn Thành phố không mùa đông của Nguyễn Thị Thu Huệ khi nhận được lá thư chỉ mươi dòng của người mẹ. Một lá thư thông báo đầy đủ thông tin sự kiện và thông tin tình cảm khi quyết định chia tay của đôi vợ chồng khoác vẻ ngoài hạnh phúc sau bao năm “sống vì con”. Bao câu hỏi day dứt, lật ngược mọi chân lí, mọi giá trị về tình yêu, hạnh phúc và sự hi sinh được đặt ra đầy trăn trở: “Bố mẹ bây giờ đang tự sống cho mình! Thế nào là sống cho mình và sống cho mình thì khác sống cho người nhỉ? Bao năm nay, cứ cho là bố mẹ sống cho tôi, bố mẹ cũng có mất gì đâu? Tại sao lại sinh ra tôi trên đời, rồi lại phải sống vì tôi cơ chứ? Hay bố mẹ vin vào tôi như một thứ an ủi, một cứu cánh là họ cũng ghê lắm, giỏi giang lắm, họ phải như vậy là vì tôi?”

Như vậy, con người đã tự tạo ra các chuẩn mực giá trị hay bị những chuẩn mực giá trị đóng khuôn và cuốn xoáy vào? Đặt trong sự phức tạp, chằng chéo của hiện thực, mối quan hệ giữa người mẹ và đứa con đã bộc phát ra toàn bộ bản chất với sự đan xen, chuyển hóa của nhiều cung bậc, tính chất, trạng thái bên ngoài tính “ước lệ hóa” vốn được loài người định dạng sẵn. Trong phức thể phong phú ấy, tình mẫu tử không chỉ khuôn vào chính nó, không chỉ lấy nó làm cái đích duy nhất để miêu tả. Ở mức độ sâu hơn và khái quát hơn, từ mối quan hệ mẹ – con, các tác giả đã tái hiện cả mối quan hệ của con người nói chung. Đó là con người trong tính cá nhân, cá thể; con người của những tính cách, suy nghĩ và cảm xúc hiện thực; con người lựa chọn giữa bản thân và tha nhân…

Việc xây dựng người mẹ nhỏ bé, yếu đuối và bất lực cũng là sự co giãn thước tấc của hình tượng trong khuôn khổ hiện thực của chính nó. Người mẹ bao giờ cũng được xác định khi đặt trong quan hệ với đứa con. Điểm nhìn từ cảm hứng của cái thiêng luôn đặt người mẹ trong vị thế của sự sinh thành và dưỡng dục, nuôi nấng và che chở, một vị thế toàn năng: “Mẹ bao giờ cũng tìm ra được một cái gì trong những hoàn cảnh khắc nghiệt” (Tâm hồn mẹ – Nguyễn Huy Thiệp).

Thế nhưng, theo quy luật tất yếu của vận động, sự lớn dậy, vững vàng và độc lập của đứa con luôn tỉ lệ thuận với sự già cỗi, yếu ớt dần của người mẹ. Đến một lúc, họ hoán vị cho nhau và đứa con trở thành người chi phối, bảo bọc, còn người mẹ lại biến thành kẻ bị phụ thuộc, kiệt quệ.

Cảm hứng thương cảm gắn liền với cái bi khi tiếp cận hiện thực đời thường đã đưa ngòi bút của nhiều nhà văn đến chân dung người mẹ ở những ngày tháng cuối cuộc đời. Nguồn năng lượng thể xác cạn kiệt khiến họ trở thành chiếc bóng thầm lặng, xa hơn nữa là thành kẻ thừa thãi, và đau đớn hơn, thành chướng ngại vật trong cuộc sống đang rào rạt, tràn trề sinh lực của đứa con. Bà mẹ trở nên yếm thế, dồn ép mọi chuyển động của mình ngay cả lúc ăn, lúc ngủ, lúc thở về trạng thái tĩnh, khép nép và rúm ró để tránh va chạm gây nên đổ vỡ với những đứa con: “Nhưng cái lí ấy chỉ đủ sức bắt bà mẹ ngồi yên chớ không thuyết phục được tâm tư bà phải yên tĩnh. Bà nghĩ, không biết từ hồi nào cái bọn dưới quê cũng cùng một giọng với bọn ở thành, cái ngữ coi thường mọi cố gắng của bà mẹ chung quy cũng chỉ vì cuộc sống của chúng nó. (…) Nhưng nghĩ cho cùng chúng nó đều đã thành ông chủ bà chủ cả rồi, chúng cần được phán thế này thế nọ trong ngôi nhà của chúng” (Người của mỗi người – Dạ Ngân).

So sánh tác phẩm Người của mỗi người (Dạ Ngân) với Mẹ và con (Lý Lan), có thể thấy sự tương đồng khi tái hiện hiện thực. Ở điểm nhìn trần thuật hai chiều, cả khi tiêu điểm trần thuật là người mẹ (Người của mỗi người) hay là đứa con (Mẹ và con), những người mẹ già cỗi, yếu ớt đều tồn tại trong tình trạng cô độc, lạc lõng, rời rạc đến tận cùng và thậm chí, đối lập với đứa con của mình. Họ thu dần vào thái độ nhẫn nhục, cam chịu: “Bà lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh kệ sách, đôi mắt cam chịu nhìn bức tường trống” (Mẹ và con); “Bà mẹ thấy mình bị xúc phạm nhưng bà chưa lần nào để lộ tâm trạng đó, bởi bà biết phận mình bây giờ là kẻ ăn theo trong nhà” (Người của mỗi người).

Một quy trình tâm lí diễn ra theo trình tự tất yếu. Ban đầu, những người mẹ gắng gượng kháng cự lại hoàn cảnh bằng đức hi sinh được gán cho họ từ quá khứ vàng son với đứa con. Họ giữ lại cho mình chút hào quang cuối của địa vị cao cả ngày xưa: “Bà không thèm chấp, ai lại đi chấp nhặt con cái mình” (Người của mỗi người); “Luôn luôn bà tự nhủ rằng nó là con gái của mình. (…) Bà nhủ là mình sẽ chịu đựng được, mình ráng chịu đựng đi, nó là con gái của mình” (Mẹ và con). Họ hoạt động bằng bộ máy cơ thể rệu rã với năng lượng của nguyên lí tình mẫu tử để trông chờ và khao khát bình yên, hạnh phúc cho mình, cho đứa con, để không trở thành kẻ thừa thãi: “Cái lí tình thương đang chỉ cho bà nhìn thấy bao nhiêu công việc mà bà phải thu xếp cho tinh tươm trong ngày tai họa này, cốt để làm hài lòng chúng nó” (Người của mỗi người); “Bà thường cố gắng tự suy diễn và nghĩ ra cái gì đó bà có thể làm để san sẻ hay để vui lòng con gái” (Mẹ và con). Rồi họ hành xử theo bản năng, rất thực, rất con người với ý nghĩ về sự trả thù bằng việc bỏ đi, bằng cái chết. Thế nhưng, cách hành xử nào cũng thất bại, một phần vì không có nơi nương tựa, một phần vì giằng xé lương tâm, sợ làm tổn thương đứa con. Mọi nỗ lực đều bị nén ép vào thế tuyệt vọng, những mâu thuẫn không thể hòa giải. Hình tượng người mẹ trở nên bất lực như “một chiến sĩ không vũ khí, không yên cương, không áo giáp”, và bị rút gọn lại, “bước đi lựng chựng như một đứa trẻ”, để rồi cuối cùng, bi kịch hóa trong diện mạo đầy chua xót: “Bà mẹ lò dò bước xuống, khật khừ không khác gì một bà lão ăn mày vì đói khát, nhọc mệt và đau nhức” (Người của mỗi người).

Hình tượng người mẹ trong văn học hôm nay đang dần bị lột bỏ những lớp áo thiêng liêng và hiện ra trong dáng vẻ hiện thực. Các nhà văn nữ để cho những người mẹ lầm lạc được cất lên tiếng nói giãi bày tâm tư sâu kín của mình, bộc bạch những ẩn ức mà họ phải nén chịu. Người mẹ luôn tồn tại với hai tư thế: tư thế con người cá nhân trong quan hệ với chính mình và tư thế người mẹ trong quan hệ với đứa con. Khi hai tư thế này đối nghịch nhau, họ rơi vào bi kịch của sự lựa chọn, sự được mất. Họ bị phán xét từ xã hội, từ chính đứa con và khát khao được minh giải. Trong những trang viết của mình, Dạ Ngân, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và các nhà văn nữ khác hướng đến những hiện thực trong cuộc sống đời thường. Những ý nghĩa nhiều khi rải rác, âm thầm, mờ nhạt giữa cuộc sống bộn bề mà con người có lúc quên lãng hoặc không nhận ra, nhưng nhà văn lại nhận thấy và đánh thức nó bằng nghệ thuật ngôn từ.

 Hồ Khánh Vân/Vanvn

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm