TIN TỨC

Thơ Bùi Minh Vũ từ góc nhìn địa - văn hóa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-27 17:05:19
mail facebook google pos stwis
102 lượt xem

HỒ THẾ HÀ

Bùi Minh Vũ là nhà thơ chuyên nghiệp có hành trình sáng tạo lâu dài, hình thành cá tính sáng tạo mới lạ, được bạn đọc yêu qúy và tiếp nhận nồng nhiệt. Ngoài những tác phẩm tiểu thuyết và những công trình sưu tầm, nghiên cứu truyện cổ và sử thi các dân tộc ít người ở Tây Nguyên có giá trị, anh dành nhiều đam mê và tâm huyết thể nghiệm thơ và dấn thân bạt mạng vì thơ. Đến nay, anh đã cho xuất bản 17 thi tập với thi pháp riêng, giọng điệu riêng. Mọi người dễ dàng nhận ra chất thơ và hồn thơ Bùi Minh Vũ ở các cấp độ: ngôn từ - hình tượng - tư tưởng. Tất cả đều thông qua cái nhìn có tính nền tảng mỹ học của tác giả, đó là cái nhìn địa - văn hóa mang đậm chất hiện thực - lịch sử - văn hóa Tây Nguyên. Không gian xã hội, lịch sử và văn hóa Tây Nguyên được anh chiếm lĩnh, ám ảnh và lý giải bằng cái nhìn sinh thái học, xã hội học và có cả nhân học văn hóa sâu sắc. Dĩ nhiên là chúng được dung hợp, nhào nặn và khúc xạ thành cái nhìn liên văn bản và liên khách thể dưới dạng ngôn từ nghệ thuật thi ca - một loại diễn ngôn mang tính hình tượng rất đặc biệt.


Bìa "Những tiếng đàn hồng" của Bùi Minh Vũ

Để chứng minh cho những nhận định khái quát trên về phẩm tính thơ Bùi Minh Vũ, chúng tôi xin tiếp nhận Những tiếng đàn hồng - tập thơ tiêu biểu của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023. Có thể đây không phải là tập thơ hay nhất, nhưng là tập thơ mang đậm dấu chỉ căn cước Tây Nguyên của anh mà tôi cảm nhận được một cách ám ảnh và tâm linh như có một sức mạnh ma mị/ ma thuật nào đó khiến tôi bị thu hút và ám gợi một cách đặc biệt.

Trước khi đi vào tìm hiểu tập thơ này, tôi muốn phóng lướt về một cạnh khía có tính lý luận văn học về chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ. Chủ thể ở đây là hình tượng tác giả Bùi Minh Vũ với tư cách là cái tôi trữ tình ngôi thứ nhất đang tư duy, đang cảm nhận khách thể và thể hiện chúng thành tiếng nói thi ca. Còn đối tượng/ khách thể ở đây là con người, cảnh vật mang tính địa - văn hóa Tây Nguyên. Thể loại ở tập thơ này chủ yếu là thơ tự do ngắn mà anh tỏ ra sở trường và làm chủ một cách tối đa. Còn cảm hứng nghệ thuật lại nghiêng về cảm hứng trữ tình đời tư - thế sự để lãng du và thức nhận về thiên nhiên và con người của vùng đất mà anh gắn bó sâu nặng. Cuối cùng là ngôn ngữgiọng điệu, ở đây là ngôn ngữ đời thường gần gũi và sâu lắng, tạo thành giọng điệu tự tình và đối thoại, chiêm nghiệm và triết lý, có cả giọng điệu giãi bày và nghi vấn. Tất cả đều toát lên không khí dân chủ, nồng nhiệt ngợi ca nhưng không kém phần nhức nhối khi nghĩ về những quan hệ nhân sinh và tâm linh Tây Nguyên trong cuộc sống hiện đại mà anh đang muốn truy tìm, chiếm lĩnh và cắt nghĩa chúng bằng cái nhìn thực chứng và cái nhìn hiện tượng luận thông qua thế giới hình tượng và ngôn ngữ thi ca mới lạ. Tất cả những đặc điểm trên tạo thành chất thơ và hồn thơ luôn xao động của Bùi Minh Vũ.

Tây Nguyên đã trở thành địa chỉ văn hóa, tinh thần của anh. Đây không chỉ là không gian sinh thái thiên nhiên - lịch sử - văn hoá với núi sông, nương rẫy, trăng sao, mùa màng và những đặc trưng văn hóa folklore kỳ diệu mà còn chính là sinh thái nhân văn - đạo đức - tinh thần với những con người đã làm nên hồn cốt và địa chỉ nhân văn của vùng đất âm vang, kỳ vĩ này cho đến ngày nay. Vì vậy, những trầm tích và hiên minh, những biểu tượng và cổ mẫu thấm đẫm chất sử thi và anh hùng ca được Bùi Minh Vũ tái hiện, phản ánh vừa cụ thể vừa khái quát, vừa truyền thống vừa hiện đại, làm cho không gian và thời gian như đang vận động và đồng hành cùng cuộc sống đương đại, bằng cái nhìn liên văn hóa sinh động của con người đương đại.

Thám mã được những yếu tố cấu thành nội dung tập thơ Những tiếng đàn hồng như trên, tôi muốn nương theo đó để giải mã mỹ học sáng tạo của thơ của Bùi Minh Vũ. Dù anh không tuyên ngôn nghệ thuật một cách cụ thể, nhưng thông qua những suy nghĩ và diễn đạt rời bằng thơ, chúng ta có thể thấy được sự lao động thơ và đam mê thơ đầy suy tư và trăn trở của anh: “Hì hục làm câu thơ hay/ Cho những linh hồn nhỏ/ Khó hơn chặt tre/ / Hì hụi làm bài thơ hay/ Cho những người không có linh hồn/ Khó hơn nuốt mặt trời”. Anh thấy được sự khó khăn và vất vả khi có được câu thơ hay, bài thơ hay. Mà tác phẩm hay đó phải được lấy và chưng cất từ đất và đá của thiên nhiên, biến thành tâm hồn nhà thơ thì mới mong mang chúng về với con người và cuộc đời, được họ đón nhận đầy xúc cảm và nhức nhối:

Câu thơ hay trên núi

Bay về cuối trời

Bài thơ hay trên núi

Trôi về cuối bể

Từ lồng ngực tôi đầy đất và đá

         (Từ lồng ngực tôi)

Có vậy, thơ mới bắt nhịp với hiện thực khách quan và nhà thơ sẽ nhận ra mình giữa muôn ngàn đồng vọng của nhân gian: “Cho tôi đôi tiếng nói/ Giữa muôn ngàn tiếng quen/ Cho tôi nhận ra tôi/ Giữa muôn ngàn tiếng nói” (Bắt nhịp). Đó là khát vọng cao đẹp của mỗi nhà thơ nếu họ muốn mình và thơ mình có ích, luôn đi cạnh cuộc đời bao dung và nhân ái. Anh ví việc gieo lúa trên nương cũng như việc gieo chữ trên giấy, cả hai đều phải tạo ra những mùa vàng và mùa hy vọng: “Gieo lúa trên nương/ Như gieo chữ trên giấy/ Mấy đời con kiến leo cây”. Mục đích tối thượng của việc gieo lúa và gieo chữ là phải đem lại sự sinh sôi, tốt đẹp cho sự sống: “Gieo lúa trên nương kiếp này/ Nhặt những hạt mồ hôi múa/ Gieo chữ trên giấy kiếp sau/ Nhặt những viên sỏi hát”. Vì thế, mỗi giọt mồ hôi của người gieo lúa và mỗi giọt nghĩ của người làm thơ đều có giá trị tái sinh cho sự sống tự do và hạnh phúc của con người:

Đêm đêm

Ngoài rìa

Của ngôi sao chói sáng

Hạt lúa tròn như chữ

Lẫn trong viện bảo tàng

       (Giọt mồ hôi xanh)

Cái nhìn địa - văn hóa trong thơ Bùi Minh Vũ trở thành đối tượng để anh chiếm lĩnh và phát hiện ra những thuộc tính và giá trị cả hiển minh và trầm tích để nhận thức và bổ sung những hiểu biết của mình về chúng. Trước hết và cụ thể nhất là Buôn Ma Thuột - nơi anh gắn bó và duyên nợ máu thịt: “tôi gắn bó nơi này như chồng với vợ/ chẳng còn yên tĩnh khi phải bước chân xa/ chẳng còn ngẩng đầu khi phải bước chân xa”. Bởi vì, nó đã trở thành sinh mệnh của anh để từ đó anh nhìn ra chung quanh bằng cách vực dậy những ký ức gần và ký ức xa: “vỡ trong tôi đại ngàn/ vỡ trong tôi từng giờ và ký ức”. Thiên nhiên trở thành ngôi nhà để anh nương thân và trải hết những vui buồn dâu bể trong từng cảm giác bé nhỏ:

một nửa trái tim này chạm đến

màu xanh cánh rừng mắt mẹ bao dung

chọn nơi này tôi đủ buồn vui của con suối cạn

của buổi sum vầy nằm vắt qua nương

Những so sánh để rút ra bản chất của sự sống đến mức con người anh đã tan vào từng khách thể để tồn tại và thanh tẩy: “Buôn Ma Thuột ơi/ như một cuộc đời/ như em/ những chiều không có nhau/ nghe thèm miếng cơm lam/ nhớ cầu thang mẫu hệ/ nhớ tiếng reo hò trước lễ hội cầu mưa/ em ở cùng tôi trộn vào nhau hơi thở”. Và cuối cùng là hạnh phúc trong hiện tại, đắm chìm trong không gian cây trái ngút ngàn:

Buôn Ma Thuột ơi

tôi đã mải mê bên vườn cà đắng

bỏ quên tuổi thơ gió đỏ thổi xa mờ.

      (Buôn Ma Thuột)

Nhưng rồi, Buôn Ma Thuột vắng em, trong anh, mọi vật bỗng thành cái khác “Em đi xa nên cà phê vị đắng”. Không có dấu chân ngọc của em, anh đã trở thành người biết ước mơ lãng mạn: “Ta cưỡi suối về biển/ Ta bay cùng chim về rừng/ Ta cưỡi cong nỗi nhớ”. Dẫu đó chỉ là ảo tưởng, nhưng nó làm cho anh thỏa mãn những ước mơ vô thức:

Ta leo lên tầng mấy trắng

Chơi với trời xanh

Thấy đường về buôn

Còn in dấu chân ngọc

    (Dấu chân ngọc)

Từ Buôn Ma Thuột, anh nhìn ra những khách thể thẩm mỹ mang hồn sự sống. Cái nhìn địa - văn hóa trong thơ Bùi Minh Vũ không trừu tượng mà luôn cụ thể, sinh động qua từng cảnh vật, quan hệ và chứng tích. Nhìn rừng - biểu tượng hiển minh của Tây Nguyên hùng vĩ, anh nghĩ đến những gì gắn bó với con người, rừng trở thành âm thanh vang vọng trong tâm hồn của những ai yêu rừng và gắn bó với màu xanh tươi trẻ của rừng: “Rừng sẽ không già/ Khi tóc rừng là những tiếng đàn hồng”. Rừng và con người luôn tạo sinh, hòa hợp cùng nhau để điều bình sinh thái: “Rừng sẽ không bị tàn phá/ Khi người giữ rừng là những nốt nhạc câm”. Sinh thái thiên nhiên trong thơ Bùi Minh Vũ rất cụ thể, bất ngờ nhờ cái nhìn nhân hóa và tương hợp của anh: “Khi bạn đọc thơ cho rừng nghe/ Rừng vỗ tay bằng tiếng suối chảy”. Khi ấy, rừng sẽ mở lòng bao dung, che chở con người bằng những tiếng đàn hồng kỳ diệu của thiên nhiên:

Khi bạn tự ý vào rừng

Những tiếng đàn hồng che khuất lối ra

Địa - văn hóa nơi nhà thơ đang sống và nếm trải là không gian nương rẫy bao la, ngút ngàn cây trái, tưởng như mọi vật đều nằm trọn trong màu xanh bất tận và phóng khoáng: “Rẫy cà phê bao la bao la/ Một cánh chim bay qua/ Chim bay/ Đàn chim bay/ Vẫn chưa qua cuối rẫy”, “Vẫn chưa qua hết trái xanh” đến nỗi: “Mặt trời trốn xuống đồi/ Đàn chim vẫn chưa qua cuối rẫy(Rẫy cà phê phóng khoáng). Bùi Minh Vũ hòa nhịp hoan ca với núi rừng, hoa lá theo nguyên tắc mỹ học của riêng anh: lấy sinh thái làm trung tâm luận và hướng đến cái nhìn đạo đức sinh thái khi hiểu được con người và thiên nhiên cùng tồn tại trong ngôi nhà xanh: “ta gọi cành/ gọi lá/ ta gọi ta bằng tâm hồn đắm đuối”. Nhà thơ thấy được sự cựa quậy của rừng khi có con người tương hợp: “nâng mảnh cây bỡ ngỡ/ trở dạ một cánh rừng”. Và mỗi chiếc lá là “tiếng vọng/ mũi tên xanh/ bắn ngược” (Mảnh cây bỡ ngỡ). Môi sinh luôn sinh sôi, hòa hợp với sự sống. “Suối chảy như sữa/ Đêm trăng no khò” (Suối trẻ con).

Các nhà sinh thái luận đều nhất trí cho rằng sáng tác văn học và phê bình sinh thái văn học đều tập trung phản ánh và nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường sống mà ở đó người sáng tạo là chủ thể ngôi thứ nhất đang hiện hữu mình trong từng quan hệ với cảnh và người của nhiều vùng quê khác - khách thể nhân hóa ngôi thứ hai để hiện hữu và đồng hiện các không gian địa - văn hóa và cắt nghĩa chúng theo tinh thần lấy con người và thiên nhiên làm trung tâm.

Tập thơ Những tiếng đàn hồng của Bùi Minh Vũ thể hiện mối quan hệ trên khá rõ. Thiên nhiên và con người chan hòa, cùng lắng nghe nhau: “Chiều nay/ Tôi qua suối/ Suối ngừng trôi/ Cá trêu đùa nắng mặn”. Vì vậy mà: “Suối đang tìm nơi ẩn náu/ Trong trái tim tôi” (Suối trẻ con). Nhà thơ lắng nghe từng chuyển động và cảm nhận từng vẻ đẹp của thiên nhiên đang tác động đến tâm hồn và thi ca của mình: “Đêm qua/ Tôi cõng bến nước trở về/ Bến nước lấm lem choàng qua cổ tôi/ Tấm lụa ruỗng/ / Tôi đặt bến nước ngoài rìa thành phố/ Tiếng nước xù xì mốc meo/ Bất chợt/ Trong như nước mắt”. Muôn loài luôn hòa điệu nhịp nhàng trong tiếng vọng sinh thái:

Thận trọng

Tôi tựa đầu gốc cây sung

Bảy quả rụng như núi đè thơm lựng

Thác nước ào ào

Tôi nằm vắt vẻo

Trên cành đá

Trước khi bình minh đến

                (Tiếng vọng)

Bùi Minh Vũ luôn đối chiếu lòng mình qua từng sự vật và hiện tượng trong khách thể để hiểu và hòa điệu với chúng bằng cảm quan tích cực, hướng về vẻ đẹp tương sinh, tương hợp vốn có của muôn loài: “Heo cắn trăng bờ rẫy/ Trăng/ Dịu dàng hơn/ / Gió hết hồn toài vào chòi/ Trăng cười khẩy”. Cái đẹp trong thiên nhiên không bao giờ biến mất mà luôn tạo sinh, biên đổi theo quy luật của chính nó và được anh diễn tả bằng cách tư duy của con người miền núi - luôn nhân hóa mọi sinh thể trong thiên nhiên để chúng đối thoại với con người:

Sương trườn qua lá cổ vũ

Trăng tựa gốc cây già

Heo đẹp như chiếu hoa

    (Cắn trăng)

Thiên nhiên luôn là chỗ dựa tinh thần cho con người nên con người phải tận hưởng và không thể khước từ, dẫu có lúc thiên nhiên bị thương tổn: “Tôi không thể khước từ âm thanh/ Chiếc lá non run trong gió/ Dưới gốc cây bị đẵn” hoặc “Khi chiếc lá non run run/ Có thể/ Rất có thể/ Từng ngọn cây như thanh kiếm/ Cắt đôi ánh mắt tôi”. Và dẫu vậy, con người không ngừng nuôi hy vọng vào sự tái sinh và non tơ của chồi cây, ngọn lá: “Dưới bóng trăng mới đẻ/ Thức dậy chồi non” (Tiếng hát ay ray). Chồi non đánh thức cái nhìn đầy khao khát của chủ thể:

Và vì vậy

Tôi tập nhìn

Khao khát về màu xanh của lá

   (Dưới gốc cây bị đẵn)

Địa - văn hóa được nhìn ngắm và lý giải từ tinh thần và đạo đức sinh thái sẽ làm hiện lên ý thức làm chủ sinh thái của con người. Vì vậy mà dù: “Nhớ rẫy/ Chẳng có gì bù đắp/ Nơi trái tim trống rỗng/ Đêm dài hơn đường chân trời” (Một lần nhớ rẫy) thì mỗi chủ thể hiện sinh vẫn cảm nhận được sự thanh tân kỳ diệu từ thiên nhiên: “Rẫy choàng qua cổ thời gian/ Những hạt cà đỏ mồ hôi vắt qua chiều/ Cài đóa hồng/ Sương là lạ lắm”. Có cả bến nước ráng chiều được nhân hóa thành chiếc nhẫn hồng đeo vào ngón tay buôn làng rực rỡ: “Bến nước ráng chiều/ Chiếc nhẫn hồng/ Đeo ngón tay buôn” (Nhẫn hồng). Cuối cùng là sự thanh tẩy kỳ diệu của tự nhiên:

Rẫy bức phù điêu buôn làng

Rẫy trang vở mới

Thanh tẩy trái tim tôi

Thanh tẩy nắng mưa giông bão

         (Thanh tẩy)

Bùi Minh Vũ trong Những tiếng đàn hồng đã thể hiện tinh thần sinh thái thiên nhiên theo kinh nghiệm và vốn sống của anh để thông điệp đến người đọc những quan hệ sinh thái mới, mang tính hiện đại gắn với vùng đất mà anh đang sống với những nếm trải vui buồn, ân nghĩa: “Tìm kỷ niệm bên bờ sông/ Gương mặt xưa hóa thạch/ Nghe tiếng ho thiên nhiên vọng lại/ Im lặng nhìn nhau không muốn về” (Tiếng ho thiên nhiên). Nghe tiếng ho của núi rừng (thính giác), anh chuyển sang hành động ôm, ghì, riết (xúc giác) để cộng cảm với thiên nhiên: “Tôi ghì nước/ Riết nước/ Ôm nước/ Tôi tưới nước cho cây/ Tôi tắm đất khô/ Tôi trải chiếu hoa nước nằm/ Tôi nghe hơi thở nước/ Ấm như hơi thiếu phụ”.  Từ khát khao giao hòa, nhà thơ đã thực sự làm chủ và song hành cùng thiên nhiên: “Tôi cười/ Nước khúc khích/ / Tôi ghì nước/ Nước ghì tôi/ Tôi riết nước/ Nước riết tôi/ Ôm nước vào lòng nhớ cây ngày khô hạn”. Cuối cùng là sự hòa tan trong nhau, sinh sôi trong nhau:

Nhiều khi nước là tôi

Tôi là nước

Đập một nhịp sinh sôi

(Lời khấn nước)

Sự hòa hợp và tan trong nhau giữa chủ thể và khách thể trong thơ Bùi Minh Vũ là có thật, chứng minh cho cái nhìn sinh thái lấy con người và thiên nhiên làm trung tâm mà anh cảm nhận được bằng tấm lòng yêu các sinh mệnh trong thiên nhiên, vũ trụ, thấy được tiếng nói giao tiếp, đồng vọng phong phú của thiên nhiên, nó sẵn sàng hôn phối và giao hòa với con người: “Anh lội qua suối/ Rõ ràng suối lội qua anh/ Khoảng trời lung linh/ Linh lung gắn kết/ Cỏ hoa/ Muôn thú/ Giàn giụa ánh trăng vàng/ / Giục thúc anh/ Mọc ra những cành tay/ Và gửi lại’ (Lội suối). Tính liên loài, liên chủ thể - khách thể hiện lên trong thơ Bùi Minh Vũ rất bất ngờ và mang tính đạo đức nhân văn mới mẻ.

Từ cái nhìn sinh thái thiên nhiên, Bùi Minh Vũ đã tiến thêm một bước trong nhận thức để vươn đến cái nhìn sinh thái xã hội - tinh thần để phản ánh mọi trạng thái nhân sinh. Các nhà lý luận sinh thái học cho rằng giai đoạn thứ nhất của sáng tác và phê bình sinh thái là hướng tiếp cận sinh thái học thiên nhiên (như đã tìm hiểu bên trên). Các chủ thể sáng tạo thấy được giữa con người và thiên nhiên trong mối quan hệ hài hòa vốn có của nó từ vi mô đến vỹ mô. Với luận đề “sinh thái là trung tâm”, họ đã tạo ra mối quan hệ cộng sinh, tương tác giữa con người và vũ trụ; từ đó vươn lên cân bằng sinh thái tinh thần và xã hội, tức là từ chỗ các tác giả quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thì sau đó, họ lại quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với con người. Như vậy, về mặt nhận thức, vấn đề sinh thái đã chuyển từ sinh thái học tự nhiên sang sinh thái học nhân văn. Đây chính là giai đoạn thứ hai của cảm quan sinh thái trong sáng tác và phê bình văn học. Khi ấy, mục đích của nhà thơ, nhà văn khi miêu tả thiên nhiên là để thể hiện tâm hồn, làm tôn thêm vẻ đẹp của con người đang khao khát vươn lên chiếm lĩnh thiên nhiên với những tương hợp và tương quan mới. Nhưng chưa dừng lại đó, các chủ thể sáng tạo tiến thêm một bước nữa, cộng hưởng hai giai đoạn sinh thái trên (giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai) bằng việc phản ánh sinh thái học văn hóa tinh thần. Đây chính là giai đoạn thứ ba với ngày càng nhiều những diễn ngôn sinh thái bằng thơ và văn xuôi sâu sắc, có chiều sâu văn hóa và tinh thần đạo đức, nhân văn hiện đại.

Công bằng mà nói, trong Những tiếng đàn hồng, Bùi Minh Vũ đã thực hiện được bước chuyển này trong thơ với thế giới hình tượng và diễn ngôn hấp dẫn, mới mẻ. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên giờ đây được chuyển thành mối quan hệ giữa con người với con người trong từng không gian - thời gian sự sống cụ thể.

Nhìn cánh đồng, anh thấy được thuộc tính của nó từ gương mặt thanh tú của mẹ, từ đó mọi sự sống đang nhịp nhàng, sinh động: “Cánh đồng thanh tú/ Gương mặt mẹ/ Chim rẽ đường bay/ Tha những cọng rơm mỏng”. Từ đó, sự sống cánh đồng - gương mặt trái xoan của mẹ trở nên thanh bình và no ấm trong viễn cảnh tương lại:  “Cánh đồng trái xoan/ Gương mặt mẹ/ Đường cày thời gian/ Hèn lên những chồi lửa”. Và cánh đồng bỗng trở thành khát vọng tươi non:

Ấp ủ mùa no

Bò hiền như lúa

Một cánh đồng sang

Ngàn tiếng sáo chăn dắt linh hồn những con cò trắng

Ngàn dấu chân mẹ cao đến ngọn nắng

Ngàn giọt mồ hôi mẹ ủ ấp đầy chòi

                  (Cánh đồng thanh tú)

Có mẹ, mọi muộn phiền, mỏi mệt đều tan biến để nhường chỗ cho sự im lặng trong khát khao níu giữ: “Trên tất cả những gì mỏi mệt/ Bóng mẹ hiện ra/ Hoa trái tan trên môi/ Một cõi im lìm/ Cho tôi ghì giữ” (Mãi mãi).  Vẫn là mẹ - cội nguồn của tình yêu và sự sống: “Nếu con đếm hết dấu chân mẹ trên cánh đồng/ Mẹ tin/ Lúa chạy về nhà / Không ngủ”. Mồ hôi của mẹ đã biến thành cây xanh, trái ngọt và đồng lúa trĩu bông: “Nếu con nhặt được giọt mồ hôi của mẹ/ Mẹ tin/ Đọt nắng xanh cũng vội trổ bông” (Nói với mẹ). Và đây là cách quan sát và đặc tả rất hay và lạ về mẹ của Bùi Minh Vũ:

Lưng mẹ cong núm chiêng

Còng lưng mẹ cõng lúa

Lưng mẹ cong thương nhớ

Gùi con trên lối mòn

Lưng mẹ cong niềm vui

Nhặt chồi trăng muộn

Cấy vào trái tim mình

Tỏa sáng

                (Lưng mẹ)

Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian cánh đồng và không gian miền núi Cao Nguyên hiện lên nhiều kiểu: liên hoàn và phân mảnh, hẹp và rộng, hiện thực và tâm linh. Còn thời gian thì cũng diễn ra nhiều thời khoảng và chiều hướng: sáng và chiều, chiều tà và đêm, hiện tại và quá khứ, hiện thực và tâm linh. Nhờ các kiểu không - thời gian này mà môi sinh luôn vận động, biến ảo, phản ánh sự tồn tại, hoạt động, suy nghĩ và phong tục của con người miền núi khá đặc trưng để cuối cùng giúp người đọc nhận ra địa - văn hóa của một vùng đất.

Hiện thực cánh đồng đã đập vào mắt nhà thơ bằng cái nhìn ngỡ ngàng, hoang dại như từ không gian sử thi và truyện cổ ùa về vui cùng cảnh vật: “Tôi hoang dại đứng nhìn/ bãi cỏ chăn trâu trong trái tim/ hay trên đại lộ gió lùa thênh thênh/ như dáng trâu đi” đến nỗi “Chẳng ai nhận ra tôi/ trên quảng trường cỏ xanh / đang lầm lũi tiến về bến nước tuyệt đẹp/ trong sử thi truyện cổ” (Nơi reo vang). Mối quan hệ giữa con người với con người và xã hội giờ đây lại có thêm đặc điểm và thuộc tính mới:

Em ở đó

Cứ ở đó

Lặng lẽ

Điểm tô màu âm thanh sủng ái

Vọng lại cõi thanh bình

Nơi bóng râm cây tông lông trong sương mù bến nước

mưa thuận gió hòa

ẩn náu đằng sau mùa xuân muộn

                   (Cây tông lông)

Rõ ràng sự tương tác giữa con người và môi sinh đã tạo nên bức tranh địa - văn hoá toàn cảnh của vùng đất từ phong tục, tập quán đến những kết tinh văn hoá, cổ mẫu, hình thành cách tư duy và hành vi của mỗi chủ thể người. Ở cạnh khía này, Bùi Minh Vũ có chịu ảnh hưởng ít nhiều về kiến thức dân tộc học và nhân học văn hoá tộc người, có cả sự ảnh hưởng từ tư duy huyền thoại, cổ tích… kết tinh thành hình tượng và ngôn từ rất đặc biệt mà ta bắt gặp trong các tác phẩm sử thi, anh hùng ca Tây Nguyên. Hãy xem anh nhân hoá vườn tiêu và gắn cho nó những định tính bất ngờ, không có trong trường liên tưởng của chúng ta: “Vườn tiêu mái tóc thiếu nữ đóa mặt trời/ Xanh giọt mồ hôi hạt cườm/ Thiếu nữ hái nắng mặn/ Nhặt giọt cười cần mẫn”. Cách nói lạ hoá này tạo ấn tượng thị giác lạ trong người đọc:

Mắt tôi bị giam

Trong mắt

Trong vắt

Trong vườn tiêu mái tóc thiếu nữ

Căng đầy những chiếc bao

Ánh sáng

            (Vườn tiêu)

Nhìn vùng ngoại ô quen thuộc, anh cũng gắn cho nó những thuộc tính mang tầm vũ trụ - một kiểu tư duy hướng thượng của con người miền núi: “Vùng ngoại ô/ Quen quen/ Lời gió cỏ xanh / Đen/ Mặt người lấp lánh/ Trắng/ Ngôi sao tập đánh vần” (Tập đánh vần). Mọi sinh thể luôn biến ảo với những so sánh, biến ảo để nối liền hiện thực với giấc mơ, mong những gì tốt đẹp sẽ đến trong hiện thực: “Tiếng côn trùng vọng như tiếng sáo/ Hay giấc mơ tôi/ Có thể/ Biến thành côn trùng/ Tỉnh thức những chồi non/ / Đêm dịu dàng trăng xám/ Tôi như hòn đá bị ném vào màn sương/ Ve vãn từng chú côn trùng reo vang/ Đẹp như bông hoa trên rẫy lúa”. Ngay cả trong giấc mơ cũng hiện về những liên tưởng trùng phức, nhưng đều đồng nghĩa với sự sinh sôi, biến ảo thành niềm vui và âm thanh rộn rã:

Giấc mơ có khi già hơn những ngôi sao

Tiếng côn trùng đôi khi trẻ như tiếng sáo

Gió lùa

Tiếng sáo trăng múa

Tiếng sáo lá cười

Tiếng sáo mùa trôi

Tôi lắng nghe tiếng sáo côn trùng hút mật

Đêm vỡ những vì sao

        (Tiếng sáo đêm)

Dù không gọi tên địa danh cụ thể, nhưng qua từng hình tượng, từng không - thời gian được khắc hoạ, người đọc vẫn nhận ra địa - văn hóa và địa - tâm thức Tây Nguyên rất rõ. Đây là cảnh giã gạo của tộc người miền cao lúc đêm về bên nhà sàn và dưới ánh trăng cùng những điệu khan quen thuộc: “Trăng càng xuống gần hơn/ Va chạm đến cầu thang mẫu hệ/ Em vẫn giã gạo/ Cho đến khi lời khan bắt đầu/ Tay em thoăn thoắt/ Như ngọn lửa mới nhen/ Môi thấm rượu cần/ Tay được cầm tay” (Giã gạo). Còn đây là cảnh uống rượu cần của sơn nữ rất lãng mạn và đắm đuối: “Mắt em nghiêng phía nào/ Vít rượu cần nôn nao/ Môi của em/ Trổ sắc/ Nhấm thêm đôi ngụm nữa/ Châm nước vào làm chi/ Cho say/ Đôi mắt lửa/ Ngoài kia/ Trăng dậy thì” (Rượu cần). Cái nhìn sinh thái nhân văn giờ đây được Bùi Minh Vũ thể hiện qua mối quan hệ giữa con người với con người. Nhà thơ nói hộ vẻ đẹp em trong đêm trăng nơi nương rẫy, có trăng sao và hoa trái toả sáng chung quanh:

Em đến rẫy trăng non nghệ pha tro

Suối nguồn màu quả cà chín tới

Rừng núi như trứng vừa lọt ổ

Tỏa sáng, tỏa sáng

Nhưng em không hề biết

     (Trước khi mặt trời tắm)

Ở đâu, mọi sinh thể đều diễn ra theo chiều hướng và viễn cảnh tốt đẹp: “Khi em đến/ Quả chua thành ngọt/ Nắng thèm thòm vàng mắt ngày đàng/ Mưa khao khát nước mềm như tóc/ Suối đầy lại cạn lá vàng sang xanh/Chim thay đổi giọng hát/ Màn đêm như tấm đắp/ Choàng qua đất/ Gió mong một phút phận người”. Em giờ đây đã thành suối nguồn mát rượi tâm hồn anh, anh được trôi trong thế giới nước, cả em và anh đều nước: “Lao chao em nước/ Lao chao anh nước/ Lao chao thế giới nước”. Nước là cổ mẫu có tác dụng trôi chảy, tươi mát, sinh sôi và thanh tẩy:

Em bến nước ta trôi

Lung linh thú vị như lật cuốn sách hay

Những ngón tay thon nước chảy thơm

Trên sân khấu tâm hồn anh

        (Vĩnh cửu)

Mùa xuân là thời gian đẹp và xôn xao nhất của núi rừng, khiến lòng người cũng dạt dào thương nhớ. Nỗi nhớ đầu tiên là nhớ về mẹ: “Trời tối đêm ba mươi/ Thắp ngọn đèn chờ mẹ/ Gió đòi ăn như trẻ” (Mong). Kế đến là nhớ cố hương với mùa xuân lấp loáng, đồi núi xôn xao: “Tiếng cố hương trong trẻo/ Hay tiếng suối trong veo/ Làm sao/ Bình thản làm sao” (Núi xôn xao). Trăng mở ánh vàng và lòng anh mở cửa, mọi trinh bạch ùa về cho nỗi nhớ được thanh tân. Được trở về làng là được sinh lại lần thứ hai: “Lòng tôi như cổng làng/ Gió lùa béo ngậy/ Nửa bóng ai đi” (Đêm qua). Ngôn ngữ hình tượng của Bùi Minh Vũ rất hay và lạ, làm cho người đọc phải lần tìm ẩn nghĩa phía sau câu chữ: “Tưởng tượng ra ta đó/ Trở về làng/ Như nắng/ Được sinh ra” (Tưởng tượng). Cách nói “hữu hình hoá cái vô hình” kiểu “Lòng tôi như cổng làng” và Trở về làng/ Như nắng/ Được sinh ra” là khá nhiều và khá độc đáo trong thơ Bùi Minh Vũ. Ví như các câu thơ sau thuộc cấu trúc ngôn ngữ mới và bất ngờ như thế: “Hoàng hôn chiếc giẻ rách/ Vá khâu bằng bóng đêm/ Nắm tay trăng vàng/ Lặng lẽ ngã lăn ra ký ức” (Sự nhầm lẫn). Nguyên lý đối lập và song song được anh thể hiện độc đáo trong nhiều bài thơ. Vì vậy, khả năng tạo sinh nghĩa trong thơ anh là rất đa dạng và hiệu quả.

Trên đây là cách tiếp nhận của tôi về thơ Bùi Minh Vũ. Bạn đọc khác sẽ có cách tiếp cận khác để làm đầy nghĩa cho tác phẩm của anh.

***

Vậy là từ góc nhìn địa - văn hoá, tôi đã lần theo thế giới thơ Bùi Minh Vũ để phát hiện ra vẻ đẹp và giá trị thơ anh ở các các độ ngôn từ - hình tượng - tư tưởng. Toàn bộ tập thơ Những tiếng đàn hồng được tác giả thể hiện bằng tư duy hình, tư duy ý rất mới mẻ và giàu tính sáng tạo. Tạo được hiệu quả thơ như thế là do Bùi Minh Vũ chiếm lĩnh trọn vẹn hiện thực cuộc sống, mở lòng mình hướng về khách thể và biến mọi khách thể - từ đối tượng của cái nhìn trực quan thành đối tượng nội tại của ý thức thẩm mỹ. Do vậy, mọi hình tượng/ đối tượng thơ đều trở thành ý hướng cảm xúc nội tâm, thành cảm hứng sáng tạo của chính tác giả. Anh lắng nghe sự diễn biến của mọi hiện tượng bên ngoài để hiểu lòng mình, để hưởng thụ cái đẹp khách quan thông qua sự nhập vai nồng say vào thiên nhiên và con người một cách chân thành, mê đắm. Thơ Bùi Minh Vũ thuộc mỹ học của cái đẹp và cái cao cả, nhân văn, có khả năng nội cảm hoá trực tiếp trong lòng bạn đọc.

Vỹ Dạ, tháng 7/ 2025

H . T . H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bi kịch tiếp nối bi kịch
Bài viết về truyện KHÚC BIỆT LY MẦU TÍM – truyện ngắn của Trầm Hương
Xem thêm
Nhà thơ Xuân Trường – mẫn cán và lãng tử
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết về “Hai vệt nắng chiều”, thơ Xuân Trường, NXB Hội Nhà Văn 2018
Xem thêm
Ánh sáng cuối chiều và ký ức người lính thi sĩ
Tập thơ Giọt nắng cuối chiều của Trần Ngọc Phượng là một tuyển lựa tâm huyết, ghi lại hành trình sống và cảm từ một đời người từng trải: từ trận mạc đến hậu chiến, từ ký ức cá nhân đến thế sự chung.
Xem thêm
Đặc trưng giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn
Bậc thầy truyện ngắn Nga A.P.Chekhov (1860 - 1904) từng cho rằng: “Muốn đánh giá một nhà văn, hãy xem giọng điệu văn chương của anh ta”. Như vậy, giọng điệu văn chương (hay giọng điệu nghệ thuật) là một yếu tố rất quan trọng trong tác phẩm, nhất là trong truyện ngắn, vì những đặc điểm riêng biệt của nó.
Xem thêm
Về một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì của báo Văn nghệ (phần 2)
Sau phần đầu khiến giới văn chương phải xôn xao, TS Hà Thanh Vân tiếp tục “lên tiếng” bằng phần 2 – nhiều dẫn chứng, thuyết phục hơn và không kém phần lôi cuốn…
Xem thêm
Về một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì của báo Văn nghệ (phần 1)
Bài viết dưới đây của TS. Hà Thanh Vân là một góc nhìn thẳng thắn về chất lượng một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì báo Văn nghệ.
Xem thêm
KHÁT để biển khơi và CHÁY để mặt trời!
Tự ngẫm rồi thương mình từng múa may theo tiếng kèn hư danh/ Tâm biển khơi hóa ao tù, thi tài mặt trời thành đom đóm.
Xem thêm
Bài thơ ANH QUÊN của nhà thơ Phạm Đình Phú
Bài của nhà thơ Nguyễn Đình Sinh
Xem thêm
Dưới gầm trời lưu lạc – Bản ngã nhà báo trong vỏ bọc nhà văn
“Dưới gầm trời lưu lạc” không chỉ là tựa đề một tập sách bút ký xuất sắc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, mà còn là một hành trình tinh thần đầy trăn trở giữa lằn ranh của báo chí và văn chương.
Xem thêm
Người thơ mang áo blouse
Bài của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Xuân Trường mưa mai trong nắng chiều
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Xem thêm
Nụ hôn – biểu tượng của ký ức và lòng nhân hậu
Qua lăng kính bình thơ của hai nữ nhà thơ Minh Hạnh và Nguyễn Thị Phương Nam, người đọc có thể cảm nhận được những “nụ hôn” mang hình dáng đất nước
Xem thêm
Văn chương và những ngộ nhận đáng buồn
Tôi đã đọc một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ những năm trước, nó như có tính “dự báo”, “dọn đường” cho trường ca “Lò mổ” ra đời tạo được tiếng vang. Và thi ca với sứ mệnh thiêng liêng của nó, qua trường ca “Lò Mổ” cũng sẽ vượt qua biên giới của lý trí để tới với bạn bè năm châu bốn biển.
Xem thêm
Vai trò của chúa Trịnh với thương cảng Phố Hiến
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, địa danh Phố Hiến vừa thân thương vừa thân thuộc trong trí nhớ mọi người. Phố Hiến từng là một thương cảng lớn sầm uất và quan trọng bậc nhất của xứ Đàng ngoài (miền Bắc Việt Nam).
Xem thêm
Những nụ hôn chữa lành
Đọc tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế của Phạm Đình Phú
Xem thêm
Trở lại cánh đồng thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Nhà thơ Y Phương ở miền non nước Cao Bằng đã từng tâm niệm: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ“. Quả thực, thơ ca thực sự là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo.
Xem thêm
“Những nụ hôn như thế” – từ ngọn lửa yêu thương đến ngọn nguồn hy sinh
Cảm nhận về bài thơ cùng tên trong tập thơ của Phạm Đình Phú – Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
Xem thêm
Bước đầu tìm hiểu 50 năm thơ Bình Định (1975-2025)
Bình Định – vùng “Đất võ trời văn” – không chỉ nổi tiếng với truyền thống thượng võ, mà còn là mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ thi sĩ tài hoa.
Xem thêm
Sự hồi quang ký ức trong “Bài thơ cánh võng”
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang
Xem thêm