TIN TỨC
  • Góc nhìn văn học
  • Nhà văn Bích Ngân nói về nghề và những kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy

Nhà văn Bích Ngân nói về nghề và những kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-20 06:12:23
mail facebook google pos stwis
1025 lượt xem

Đa số nhà văn Việt Nam đều làm báo viết báo trước khi trở thành nhà văn và Bích Ngân là một trong số đó. Nhân ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam, Văn chương TPHCM xin gửi tới bạn đọc bài viết của nhà văn Bích Ngân về nghề nghiệp của mình vừa được đăng lại trên Báo Thanh Niên.

Nhà văn Bích Ngân nói về nghề

Nhà văn, người viết văn nói riêng và làm nghệ thuật nói chung, ai cũng biết, đó là công việc tự đày đọa, tự xoay trở vật vã, tự tìm lối thoát và tìm thấy ánh sáng của lối đi, lối đi của riêng mình.

Trước khi trở thành nhà văn, 5 năm làm phóng viên của báo Minh Hải (tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), tôi bắt đầu thấy dung lượng cho một bài viết cũng như khuôn cho một bài báo như thu hẹp mỗi ngày. Thông tin, sự kiện được bày trên trang báo chỉ là những gợn sóng lăn tăn mà cuộc sống bộn bề như dòng chảy xiết cuộn theo nó biết bao được mất. Thế là tôi muốn viết thứ gì đó không giản đơn như những bài báo được nộp đúng ngày theo yêu cầu của tòa soạn, dù tôi vẫn tiếp tục nộp bài viết, và thường là nộp bài sớm hơn thời gian quy định, nộp bài ngay sau một chuyến đi thực tế, những bài viết được viết dưới ánh đèn dầu.

Nhà văn Bích Ngân

Viết thứ gì đó không giản đơn… Và thứ tôi chọn là truyện ngắn, thể loại mà tôi thích đọc, và đọc khá nhiều, từ tác giả trong nước đến tác giả nước ngoài. Thế là tôi viết truyện ngắn đầu tay. Viết xong, tôi chép lại cho sạch, cho đẹp và gởi cho báo Văn Nghệ TP.HCM, tờ báo văn nghệ duy nhất có mặt trong thư viện của tỉnh thời đó mà tôi đọc được. Tôi gởi truyện theo địa chỉ của tòa soạn báo và không hy vọng nhiều vào việc tác phẩm đầu tay của một phóng viên tỉnh lẻ được lọt vào mắt Ban biên tập mà những thành viên ắt hẳn là những nhà văn tiếng tăm.

Khoảng 2 tuần sau, tôi nhớ mãi khoảnh khắc khó có thể quên. Nhà báo Huỳnh Lãnh, một đồng nghiệp chơi thân, bước từ trên xe lôi đạp (từ bến xe Bạc Liêu về tòa soạn là ngôi biệt thự nằm trên đường Trần Phú) vào tòa soạn. Vừa đi Lãnh vừa gọi to như hét: “Bích Ngân, Bích Ngân, đâu rồi?”. Tôi chạy ra: “Cái gì mà réo tên tui om sòm?”. Khi tôi bước tới trước mặt, Lãnh lùi lại một bước: “Bích Ngân có viết truyện gởi báo Văn Nghệ TP.HCM không?”. Tôi gật đầu: “Có…”. Tôi mới nói được từ “có”, đồng nghiệp đã nhào tới nhấc bổng tôi lên (may là lúc đó tôi nhẹ hơn bây giờ hơn hai chục ký). Khi thả tôi xuống đất, Lãnh lôi ra 2 tờ báo Văn Nghệ TP.HCM đưa cho tôi một tờ: “Tui mua và đọc ở Xa cảng miền Tây, không ngờ bạn mình viết được truyện này, tui đọc tới đọc lui trên xe muốn nát tờ báo luôn!”.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thay mặt các nhà văn tặng quà cho đơn vị y tế tuyến đầu trong đại dịch Covid-19


Kỷ niệm với nhà văn Trang Thế Hy

Truyện ngắn Đâu phải là tình yêu được in trang trọng trên trang nhất số báo năm 1985. Rồi hai tuần sau, truyện ngắn Đâu phải là tình yêu được báo Tiền Phong đăng lại gần 2 trang báo, dù chẳng xin phép tác giả mà cũng có biết tác giả ở đâu mà xin phép. Truyện viết về sự ngộ nhận giữa tình yêu với thứ na ná giống tình yêu. Có nhân vật yêu và nhân vật giả vờ yêu. Có ảo tưởng của hạnh phúc và đắng chát của nỗi thất vọng khi nhận chân ra sự thật. Vài ba độc giả dù mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhớ truyện này và có cùng nhận xét “Truyện viết rất thật, người đọc thấy mình trong đó”.

Truyện đem cho người đọc có cảm nhận “rất thật” đó, có hơn 90 % truyện là... bịa, bịa từ tình huống cho tới từng tình tiết...

Bịa mà như thật - Yếu tố quan trọng nhất của một tác phẩm văn chương. Bịa đòi hỏi trí tưởng tượng. Tưởng tượng càng phong phú, tác phẩm càng được cơi nới cả bề rộng lẫn chiều sâu.Thiếu tưởng tượng, chỉ có thể viết thể loại phi hư cấu, mà ngay thể loại này cũng cần trí tưởng tượng.

Phát huy khả năng “bịa như thật”, tôi viết tiếp. Viết chậm. Viết kỹ. Truyện nào gởi đến cũng được Ban biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM chọn đăng. Sau một thời gian, trong một dịp từ Bạc Liêu lên Sài Gòn tôi có đến tòa soạn báo Văn Nghệ TP.HCM và may mắn gặp được nhà văn Trang Thế Hy. Lúc đó, tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy hân hoan khi được biết, chính ông là người đọc và chọn đăng truyện ngắn đầu tay của tôi. Tôi cũng còn nhớ, lần thứ 2, tôi gặp nhà văn Trang Thế Hy tại căn hộ của ông ở tòa nhà văn nghệ sĩ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lần đó, ông pha trà cho tôi uống.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM tại tọa đàm, ra mắt sách Nhà văn nói về nghề sáng 18.6

 

Nhà văn Bích Ngân và nhà văn Trang Thế Hy (phải) trong một lần gặp gỡ

Ông nói ít và chỉ nói về nghề của nhà văn. Tôi nhớ ông dặn: “Đừng đem cay nghiệt của chính mình vào trang viết mà đọa đày nhân vật”. Sau này, đọc nhiều truyện ngắn của Trang Thế Hy, càng thấm hơn điều ông nói. Cuộc đời ông chịu đựng không ít đắng cay thậm chí là khổ nhục nhưng trang viết của ông luôn rộng mở yêu thương. Hầu hết truyện ngắn của Trang Thế Hy, tư tưởng của tác phẩm, một phần triết lý sống của tác giả được thể hiện ngay cả tên truyện: Mưa ấm, Vết thương thứ mười ba, Nợ nước mắt…
 

Bài học về sự cô đơn của nghề văn "ngộ ra" ở Trường Viết văn Nguyễn Du

Đâu phải là tình yêu, tên tập truyện ngắn đầu tiên của tôi do NXB Mũi Cà Mau ấn hành, rồi cũng nhờ tập truyện tôi mới đủ điều kiện thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, khóa 4 để rồi lưu luyến nhiều kỷ niệm.

Tôi không nhớ ai đưa cho tôi đọc thư tuyển sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du, chỉ nhớ là còn một tuần nữa là tới ngày thi và phải có mặt ở Hà Nội. Lúc đó, phương tiện vận tải nghèo nàn, đi lại khó khăn, từ Cà Mau lên Sài Gòn mất nửa ngày, đi xe lửa ra Hà Nội mất vài ba ngày, nếu mua được vé. Lúc đó, chỉ có đi máy bay mới kịp, dù máy bay lúc đó giá vé khứ hồi gần bằng 4 tháng lương phóng viên bậc 2 (58 ngàn/tháng) của tôi.

Đi bằng máy bay, đến Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội (103, Đê La Thành) vào cuối buổi sáng thì đầu giờ chiều tôi vào phòng thi.

Phòng thi có ba thầy và một trò. Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Minh và thầy Phạm Vĩnh Cư. Tôi đã có bằng cử nhân ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM) nên không phải thi ba môn văn, sử, địa như một số thí sinh khác. Các thầy chủ yếu trò chuyện với trò quanh việc sáng tác và môn sáng tác được coi là quan trọng nhất của Trường Viết văn Nguyễn Du.

Ba năm học ở trường viết văn, được gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi, nhiều nghệ sĩ (đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ…) tiếng tăm, nhiều chuyên gia đầu ngành (cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên),… nói về trải nghiệm nghề nghiệp, giúp cho tôi cũng như các đồng môn, không chỉ rút ngắn con đường mày mò tìm kiếm câu trả lời: Viết văn là gì? Và viết như thế nào?...

Quan trọng hơn, chính những điều học hỏi được từ những người có bề dày sáng tạo, giúp cho mình “sáng ra” nhiều điều, trong đó có việc nhận ra sự kém cõi thiếu hụt của mình (về kiến thức, về vốn sống…), cũng như tránh đi sự ảo tưởng mà ít nhiều ai cũng có về chính mình và tìm cách bù đắp những khoảng trống về nhận thức, về kiến thức, về lòng trắc ẩn, về biển cả mênh mông của tri thức…

 Một số tác phẩm của nhà văn Bích Ngân.

Ba năm học ở trường viết văn còn giúp cho tôi có được hiểu biết và cả cái linh giác để có thể phân biệt được một tác phẩm văn chương và một thứ gì đó na ná với văn chương. Thứ na ná có vô vàn, phải có kiến văn và trải nghiệm mới có thể phân biệt đâu là vàng và đâu là thau. Cũng như nhân vật trong truyện ngắn Đâu phải là tình yêu, cũng phải bị ngã một vố đau mới biết người mà mình đắm đuối yêu lại không có nhịp tim xao động của tình yêu.

Ba năm học ở trường viết văn, sau rất nhiều buổi “lên lớp” của nhiều văn nghệ sĩ tài năng, sau những lắng nghe, ghi nhận và cảm nhận; và sau khi đọc thêm nhiều tác phẩm của nhiều tài năng, tôi càng thấm thía hơn, cái giá mà người cầm bút phải trả cho nghề nghiệp, chính là sự cô đơn. Không đủ cô đơn khó mà sáng tạo. Chỉ khi thật sự cô đơn và chịu đựng được sự khắc nghiệt lẻ loi của cô đơn, con chữ từ trang viết mới có hồn, mới có thể tạo ra số phận.


Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu

Viết văn nói riêng và làm nghệ thuật nói chung, ai cũng biết, đó là công việc tự đày đọa, tự xoay trở vật vã, tự tìm lối thoát và tìm thấy ánh sáng của lối đi, lối đi của riêng mình. Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình. Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu.

Thế giới đó không phải là tấm ảnh tràn ánh sáng hay đường nét, góc cạnh lung linh của ánh sáng. Thế giới đó cũng không phải là bức tranh với những gam màu sáng, ấm.

Thế giới đó là bản hòa âm bất tận của của niềm vui và nỗi đau với vô vàn cung bậc của cảm xúc mà người thưởng ngoạn không cần phải đủ tri thức về ánh sáng hay sắc màu, cũng có thể cảm nhận và dự phần vào thế giới đó. Và thế giới đó cũng sẽ không hiện hữu nếu người sáng tạo ra nó không đủ niềm đam mê và tài năng.

Cô đơn luôn là một loài cây khó tính. Nó chỉ có thể ra lá, đâm cành, kết hoa khi bộ rễ của ăn sâu vào mạch ngầm của trần gian là hạnh phúc và nỗi đau muôn thuở của kiếp người. Và cũng không thể nào đủ cô đơn khi né tránh hay thoát khỏi cái dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống mà người viết dự phần.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (trước) và nhà văn Bích Ngân

Càng không thể đủ cô đơn khi người viết chạy trốn bản thân, xua đuổi những dày vò, né tránh sự tự vấn. Cây cô đơn chỉ ra lá đâm hoa khi bộ rễ của nó ăn sâu vào mạch nguồn của trần gian là hạnh phúc và nỗi đau của kiếp người. Nỗi đau và hạnh phúc mà sự thăng hoa của nó, khiến cho con người biết sống vì nhau và sống đẹp hơn.

Và Trường Viết văn Nguyễn Du với bao kỷ niệm đã giúp tôi thêm hành trang vững chãi với nghề viết để sáng tạo những tác phẩm chạm được vào cảm xúc người đọc. Đó là những tác phẩm viết từ mạch nguồn của Chân - Thiện - Mỹ. Những tác phẩm tôn vinh nhân cách, tôn vinh sự yêu ghét rạch ròi, tôn vinh những con người suy nghĩ và hành động quyết liệt vì sự trung thực, lẽ công bằng, lòng nhân ái và luôn đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân.

Nguồn: https://thanhnien.vn/

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm
“Vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?
Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.
Xem thêm
Văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh văn học dân gian Nam Bộ từ 1945 đến nay
Công tác sưu tầm và in ấn các tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nói chung đã được các nhà Nho thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII với các sưu tập bằng chữ Nôm, chữ Hán. Sang đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thì các sưu tập văn học dân gian được phát hành phổ biến nhiều hơn nữa. Tuy nhiên trong giai đoạn này phần lớn vẫn là các sưu tập miền Bắc hay ở một số tỉnh thành miền Trung, ở Nam Bộ việc sưu tầm và phổ biến văn học dân gian dưới dạng các tuyển tập in ấn vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức, do vậy không gian nghiên cứu văn học dân gian vùng miền cũng đồng thời bị bỏ ngỏ.
Xem thêm
Nhà thơ thì chơi với ai?
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm