TIN TỨC

Nhà thơ Tâm An và tác phẩm Lục bát 68 trái mọng của mùa thơm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1995 lượt xem

Rất tình cờ, trong tiệc rượu nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chiêu đãi nhân kỷ niệm 100 ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính tại Hội nhà văn TPHCM, duyên trời đưa đẩy tôi được ngồi chung bàn với nhà thơ Tâm An. Người phụ nữ mảnh mai, giản dị, dễ mến với nụ cười hiền lành gây ấn tượng đẹp từ phút đầu tiên. Đương nhiên, chúng tôi kết nối Facebook và không lâu sau đó, rủ nhau về sống chung dưới một mái nhà: mái nhà LỤC BÁT ĐẤT PHƯƠNG NAM, để rồi kết thành đôi bạn, đôi bạn ấy …rất thân…

Nhà thơ Xuân Trà (Tâm An)

William Wordsworth nói: “Thơ tràn ra tự phát khi cảm xúc dâng cao. Nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh, cảm xúc dự tính sẽ đến nhờ một phản ứng. Từ đó, sự yên tĩnh dần biến mất và một cảm xúc đồng điệu với sự chiêm nghiệm ra đời. Đó cũng chính là điều thực sự tồn tại trong tâm trí chúng ta”. Tôi chợt nghĩ, thơ Tâm An cũng ra đời trong sự chiêm nghiệm lặng lẽ như thế. khi lần giở bản thảo tập thơ LỤC BÁT 68, với 68 bài thơ. Tôi chợt mỉm cười thật nhẹ, một thứ tình cảm dấu yêu dành cho bạn bè thân thương, mỉm cười trước cái duyên dáng nữ tính khi Tâm An chọn tên tập thơ khá ngồ ngộ, chứ không ngạc nhiên, vì tôi biết rất rõ, Tâm An yêu lục bát như  yêu bản thân mình, chị sẵn sàng hy sinh thời gian cho CLB LBĐPN đứng vững, cho tập thơ Lục Bát Phương Nam ra đời với buổi ra mắt thật hoành tráng, mãi vang vọng trong lòng bạn yêu thơ. Con số 6 8 mang nhiều ý nghĩa : “Đi qua 68 mùa xuân/Bao được -  mất /liệu có cần…/kiểm kê?”.  Tôi vui mừng vì bạn tôi đã đi được chừng ấy mùa xuân trong hành trình chông gai, để giờ đây thơ đơm hoa, thơ kết thành trái ngọt, dâng đời.

Chúng ta hãy nhẹ chân bước vào vườn thơ LỤC BÁT 68: “Chạm 68, mắt chòng chành/Hoàng hôn buông/mắt hóa thành mờ sương!”, quy luật tồn sinh là thế, nhưng tôi không tin đâu nhé, ánh mắt ấy vẫn còn tinh anh, ngời sáng lắm mà, bởi nhiều lần tôi lặng ngắm đôi mắt ấy khi Tâm An say sưa nói về thơ lục bát. Đây này, chị giải bày: “Khi buồn/mắt rớt giọt thơ/Trong veo/những nỗi niềm/ngờ nghệch/đau!” (MẮT 68). Tha thẩn quanh vườn, tôi chợt phát hiện ra rằng, vườn thơ của nhà thơ Tâm An không là vườn mộng, cũng không là vườn thượng uyển kiêu sa, ở đây chỉ có hương lành dịu ngọt của cây trái chín mọng đầu cành, dìu dặt đong đưa trong chiều vàng bát ngát. Mỗi bài thơ đều thơm lừng hương xoài ngọt, cam vàng, bưởi xanh, mận trắng, câu thơ nào cũng đang ở độ chín, nhẹ nhàng quyến rũ tâm hồn tôi, thoang thoảng men nồng sau bao ngày đơm hoa kết nụ. Chúng ta hãy lắng lòng, lặng nghe lời thì thầm, nuối tiếc diệu vợi, bởi, tuổi thanh xuân ngây thơ xinh xắn “như vừa như mới” hôm qua, và, diệu kì thay, tuổi thanh xuân tôi cũng như vậy đấy :Như vừa, như mới trúc xinh/Trẻ trung, ríu rít, đậm tình, chứa chan… (Em đi)

Trúc xinh trúc mọc đầu đình cứ lớn dần lên, thời gian trôi về phía lưng chiều hoàng hôn nhạt nắng, để từng ngày, người em gái thơ ngây ngày xưa ấy hao khuyết theo từng mùa trăng, không là em xưa nữa: “Em đi về phía không em/Mỗi ngày em lại mất thêm phần đời”

Nàng thơ hào phóng, can trường mà thi ngôn dung dị biết bao, không hề hờn trách bóng thời gian cứ mỗi ngày lặng lẽ đánh cắp một phần đời quý báu của mình. Nỗi chịu nhận âm thầm ấy, theo tôi, có thể chỉ cảm nhận được bằng chính trái tim của những con người đang ở độ tuổi hoàng hôn. “Ơ kìa, nắng cứ xô tôi/Tôi trôi theo nắng, ngày trôi theo ngày. ( Ơ Kìa ) Rộng lượng quá phải không các bạn? Vậy mà, đôi khi, bằng tâm cảm yêu đời yêu người tha thiết, nhà thơ chợt thấy mình là một “đứa trẻ lên mười”, thật đáng yêu: “Thì ra mình cũng …long lanh/Dẫu là ngượng nghịu chậm nhanh theo người.

/Lòng như đứa trẻ lên mười/Ríu ran tiếng hát tiếng cười thân thương. (Mình cũng long lanh) Để khi đứng trước gương, người phụ nữ ấy hồn nhiên điệu đà một tí. Nhìn này, nàng thơ, lòng trong như suối trong, ánh mắt nhìn đời tươi roi rói: Mỗi ngày ngồi trước gương xinh?/Điệu đà chút phấn son/ hình như vui./ Gương dòm ta/ miệng mỉm cười/Ta dòm gương/ mắt cứ tươi ánh nhìn! (Trước Gương) Lạy trời cho ánh nhìn ấy mãi mãi là ánh nhìn vô tư an nhiên như tâm tình nhà thơ dâng hiến “từng giọt tim em trong ngần” cho thơ “Đèn khuya/nghiêng bút đêm đêm/Dâng đời/từng giọt tim em/ trong ngần! (Nghiêng) tôi yêu cụm từ “nghiêng bút đêm đêm” quá và bỗng liên tưởng đến một câu danh ngôn nổi tiếng: Thi ca là những hình vẽ vĩnh cửu trong trái tim của tất cả mọi người. Câu thơ của nhà thơ Tâm An cũng là một nét vẽ vĩnh cửu khắc vào tâm hồn tôi.

      Ngoài những bài thơ tự tình cho cõi riêng lặng lẽ, tình yêu của nhà thơ Tâm An trong LỤC BÁT 68  hàm chưa tình yêu đất nước bao la, chị lên án cái xấu, cái ác, bảo vệ chân thiện mỹ, tôn vinh lý tưởng cao đẹp, với nỗi trăn trở nội tâm và khát khao cháy bỏng của con người giàu nhiệt huyết, là tình yêu dành cho mẹ cho cha, đậm sâu, hiếu thảo, thương nhớ đấng sinh thành dưỡng dục đến “tê tái cõi lòng”: “Hôm nay bỗng dáng mẹ hiền/Nụ cười tỏa nắng,/linh thiêng mẹ về/Vừa chớp mắt, sao đã mê?/Nén nhang cháy dở tái tê cõi lòng (Bên mộ mẹ)

Và dĩ nhiên, cũng không thể thiếu hình ảnh người chồng trọn vẹn chung thủy, đong đầy trong tim nhà thơ, thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ tình yêu vợ chồng son sắc của hai người: “Anh,/ngời sáng/một chân dung./Một tình yêu lớn, tận cùng nỗi đau! ( Một chân dung ). Hình bóng anh, là hơi ấm, là ngọn đuốc, là ánh nến đêm đêm hiện về cùng nhà thơ chắp cánh cho điệu vần lục bát thăng hoa. Đã xa rồi vòng tay ấm, nhưng trong giấc mơ, anh là niềm tin, là hy vọng cho nhà thơ vươn tới: “Lấp đầy trống vắng tim côi /Hôm nào anh cũng rạng ngời trong em/Anh là ngọn nến đêm đêm/Soi từng thao thức tim em run vần   (Anh là)

Phần đời còn lại nhà thơ dành cho thơ lục bát. Thơ lục bát là hơi thở của cuộc sống Tâm An bây giờ. Với chị, tình yêu lục bát đã đậm sâu lại càng đậm sâu hơn khi nhà thơ nói đến Lục Bát Phương Nam, đứa con tinh thần mà Tâm An dày công nuôi dưỡng: “Phương Nam yêu dấu của mình/Hoa thơm trái ngọt đất lành đơm bông/Con người hào sảng, thiệt lòng/Kiên cường, nhân ái - mênh mông biển trời!   (Chúc mừng lục bát phương Nam)

Thời gian cứ trôi, lênh đênh dâu bể, nói nhỏ thôi, một cô phụ mặn mà như nhà thơ Tâm An làm sao tránh được những va đập của ngọn sóng tình cảm đẩy xô. Tôi yêu quá những bộc bạch chân thực trong thơ Tâm An, chân thực đến độ nhà thơ không cần phải ẩn dụ: “Thoáng vô tình  đã  trót… va /Mắt người dưng để cứ tha thẩn… hồn!/Lạ chưa, sợi nhớ bồn chồn./Sợi thương khắc khoải hoàng hôn…trở mình! ( VA) Trái tim nhà thơ  luôn rung động theo sự biến thiên của giao cảm nội tại, lời thơ nhẹ nhàng, khoáng đạt nhưng dạt dào cảm xúc. Lạy trời, thú thực tôi cũng đã đôi lần bị  “VA” như vậy, còn các bạn thì sao? Hãy cảm ơn nhà thơ đã nói hộ chúng ta những tình cảm bâng quơ bất chợt đến với tâm hồn mình.

Sống giữa thời @, càng không thể thiếu tình bạn fb. Khi đọc thơ Tâm An, tôi cơ hồ cảm nhận có tôi trong số “người đẩu đâu” diễm phúc được nhà thơ yêu mến. Vui lên các bạn, chắc chắn có hình bóng bạn trong đó rồi : “Người đẩu đâu… lại quý thương./Vắng nhau dạ nhớ như vương tơ trời! Sớt chia cần chỉ  một vài /Nhấp chuột thôi, thoắt cùng ai cận kề. (Tình bạn fb ) Và chắc chắn trong số đó, có một người và chỉ một mà thôi, mà chính nhà thơ cũng bối rối không định danh được đó là ai, nàng thơ chỉ vu vơ, vu vơ thôi các bạn ơi? Ai nhỉ??? “Ai đem rạng rỡ bình minh/ bừng lên sắc nắng lung linh diệu kỳ? (VU VƠ…) Nàng ấy sẽ không trả lời đâu, thơ mà !

Tất cả chỉ là một cuộc rong chơi, thơ cũng là cuộc rong chơi khi tâm hồn thi nhân thăng hoa trước cảm xúc ngoại cảnh phải không các bạn. Giữa cõi hồng trần, chúng ta ai cũng nhận biết đời mình chỉ là một thoáng phù vân hư ảo: “Tôi buộc tôi/chốn hồng trần/Vui - buồn,/được - mất…/phù vân cõi người. (Tôi buộc tôi ). Và muốn biết rõ Tâm An buộc mình như thế nào thì hãy đọc câu thơ mà tôi tâm đắc nhất: “Biết yêu- yêu tận,/biết say- say cùng! Một phụ nữ yêu ra yêu, sống ra sống và say ra say, tôi chắc là nhà thơ nói về say thơ hơn là say tình.

Đại thi hào Tagore viết:

Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là Niềm vui.

Tôi thức giấc và nhìn thấy cuộc đời là Bổn phận.

Tôi hành động và, ô kìa, Bổn phận chính là Niềm vui.

Tôi chợt nghĩ, hành trình dấn thân khi viết LỤC BÁT 6-8 của nhà thơ Tân An cũng mở ra và khép lại với niềm vui như thế!

Gấp lại tập thơ, lòng tôi đầy ắp sự mến mộ về một đời thơ trong lành như sương mai, một hồn thơ thảo thơm như hoa đồng gió nội. Đó là những gì mà nhà thơ Tâm An dâng tặng cho đời, cho chúng ta. Tập thơ LỤC BÁT 68 xứng đáng được trân trọng nằm trên kệ sách mà các bạn yêu thương.

Bà Rịa, 1/2/2020
NGUYÊN BÌNH 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm