TIN TỨC

Nhà văn Sơn Nam - còn đó chưa xa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-27 18:14:40
mail facebook google pos stwis
2320 lượt xem

PHẠM SỸ SÁU

Mới đó mà đã năm năm rồi. Năm năm trong chớp mắt ngậm ngùi, trong tiếc nhớ khôn nguôi về một nhà văn suốt đời dành ngòi bút mình viết về một vùng đất, những con người mà với ông quá đỗi thân thương và vô cùng gần gũi.

Mới đó mà đã năm năm. Năm năm những con đường, những cơ quan, những chùa chiền, đền miếu, những đình làng, lễ hội ở phố thị Sài Gòn hay xóm ấp miền Nam thiếu vắng bước chân ông - bước chân của con người trải dài những kiến thức đời mình trên những chuyến đi điền dã. Qua những chuyến đi, hồn đất, hồn sông, hồn người như được khai quật, tô bồi trong lớp lớp phù sa của một thời mở đất.

Ông chính là nhà văn Sơn Nam.

Đọc văn ông từ hồi còn đi học trung học, nhưng biết và gặp gỡ ông thì phải đợi đến lúc trưởng thành. Có thể nói đối với tôi, nhà văn Sơn Nam là một điều gì đó vô cùng... bí mật. Bí mật đến phút cuối cùng. Hơn 30 năm quen biết với ông, từ họp hội, làm việc cùng cơ quan, cho đến lúc gần như trở thành người "quản lý" tài chính của ông, với tôi nhà văn Sơn Nam vẫn là một người luôn mang đến điều bất ngờ choáng ngợp.

Choáng ngợp đầu tiên là hơn 30 năm sống ở Sài Gòn, dù rất nổi tiếng trên làng văn trận bút, ông vẫn là người đi ở nhà thuê, không một tấc đất chính chủ để cắm dùi. Chuyện ông đi thuê nhà ở, lúc mới đầu nghe nhà thơ Huỳnh Kim nói trong một tối tại Bắc Ninh năm 1986, tôi cứ ngỡ là chuyện đùa, mà té ra là sự thật. Mãi đến khi tôi chính thức chuyển công tác về Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tháng 11.1988, thì một trong những công việc hàng đầu phải lo là làm thủ tục cho ông và cho nhà văn Lý Lan nhận nhà. Ông thì nhận nhà trệt ở hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, gần Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, còn Lý Lan thì nhận phòng trong khu nhà góc ngã tư Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương, quận 5, gần khu La Kai. Chuyện nầy có được, nghe đâu cũng là nhờ thư tay của ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Và vì là thủ lĩnh ở hai quận nên hai anh Sáu Quang Nguyễn Chơn Trung (Bình Thạnh) và anh Năm Nghị Phạm Chánh Trực (Quận 5) phải đảm nhiệm. Bình Thạnh thì gần lăng Ông Bà Chiểu cho nhà văn Sơn Nam tiện việc đi lại tham gia Ban tế lễ lăng Lê Văn Duyệt, còn Quận 5 thì không xa trung tâm người Hoa ở Chợ Lớn để nhà văn gốc Hoa Lý Lan không xa nguồn cội. Có thể nói từ khi lên Sài Gòn làm báo viết văn năm 1955 đến khi được có căn nhà mang tên chủ hộ là mình, nhà văn Sơn Nam đã có hơn 30 năm sống ở Sài Gòn trong tư thế của người trắng tay về tài sản vật chất, chỉ có tài sản tinh thần, do bức bách của cuộc sống, phải viết lách để nuôi sống bản thân và gia đình, nên mới có nhiều tác phẩm. Hai mươi năm ở Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, ông là người làm nghề viết tự do, không trực thuộc một đơn vị quản lý nào cả, cho nên phải tự mình lo cho mình nhiều thứ, chứ chẳng có được sự ưu tiên ưu đãi nào. Mãi đến sau ngày 30-4-1975, ông mới trở thành cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ thành phố Sài Gòn - Gia Định, sau đó năm 1981, thì được biên chế chính thức trong đội ngũ cán bộ sáng tác của Hội Nhà văn TP trước khi nghỉ hưu năm 1992.

Choáng ngợp thứ hai là dù viết khá nhiều sách, nhưng hầu như ở nhà ông không còn quyển sách nào của ông cả, cho dù là một bài báo, hay một mẩu truyện ngắn, một trang bản thảo lưu. Tất cả sáng tác cũ mới của ông đều được viết tay hay đánh máy độc bản và được giao cho bộ phận sử dụng liên quan như toà soạn, nhà xuất bản hay nhà in lưu giữ. Còn bản thân ông thì lại lưu giữ sách vở của người khác để làm tài liệu tra cứu, phục vụ cho việc viết lách của ông. Có lẽ một phần do điều kiện chỗ ở không cho phép ông có tủ sách riêng ở nhà để tra cứu, nên có thể nói những địa chỉ ông thường lui tới, la cà là những nơi có nhiều sách tham khảo và nhiều tài liệu lưu trữ. Nghe rằng thời ông quen nhà văn, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển lúc ông mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, thì cái thư viện nhà ông Sển với vô số tài liệu lưu trữ lý thú là nơi gợi mở cho ông viết cuốn Tìm hiu đất Hu Giang. Cuốn sách nầy ra đời sau cuốn Chuyn xưa tích cũ in lần đầu năm 1957, sau đó ông cùng với nhà báo Tô Nguyệt Đình cùng đứng tên viết và bổ sung thêm một số mẩu chuyện để có độ dày như hiện nay. Còn tập truyện ngắn Hương rng Cà Mau thì mãi đến sau mùa xuân năm 1962 mới xuất bản, nghĩa là sau gần 7 năm, ông từ quê nhà Rạch Giá lên xứ Sài Gòn. Có thể nói Tìm hiu đất Hu Giang là tập sách biên khảo đầu tiên được viết dưới dạng văn chương lôi cuốn và thú vị, nó có số liệu, có dẫn chứng, nhưng vẫn ngồn ngộn chất thi hứng của một người sáng tác, người viết văn hơn là của một nhà khoa học kinh viện.

Ông có thói quen rất lạ là không bao giờ tặng sách cho ai, dù người đó thân quen đến cỡ nào. Ông cho rằng người đọc quý trọng mình, thì trước hết phải bỏ tiền túi ra, đồng tiền làm từ công sức lao động của mình mà có, mua sách và xin chữ ký thì ông sẵn sàng ký tặng. Cho nên dù trước 30-4-1975, lần đầu in tác phẩm nào cũng có những bản đặc biệt, có đánh số hoặc ghi ký hiệu, nhưng dường như ông không còn bản sách nào trong số đó cả. Thậm chí khi ký kết giao toàn bộ bản quyền tác phẩm của mình cho Nhà xuất bản Trẻ toàn quyền sử dụng vào tháng 3-2003, ông cũng chỉ giao cho Nhà xuất bản Trẻ thêm khoảng không tới 10 đầu sách, chưa kể những đầu sách đã in ở Nhà xuất bản Trẻ. Còn lại là tên tác phẩm thôi, Nhà xuất bản phải đi tìm, đi sưu tập để có được.

Sau những hoạt động kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh với những bài báo, bài viết, cuộc trả lời phỏng vấn phát thanh và truyền hình, những buổi nói chuyện ở cơ quan đơn vị, hình ảnh Sơn Nam như thường trực trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà văn lại trở lại với những hoạt động thường ngày của mình. Ông lại đi, lại đi, hết miền Đông lại về miền Tây. Ông đi như một thói quen không thể nào bỏ được. Và rồi khi khả năng viết dài không còn đủ, và cũng theo gợi ý của Nhà xuất bản Trẻ, ông tập trung viết lại chuyện đời mình từ ấu thơ cho đến hôm nay, nhằm giúp cho bạn đọc có thêm cơ sở để tiếp cận với thời và thế. Ông cứ viết theo từng giai đoạn, thong dong mà không gò ép, vả lại ông cũng chẳng đảm nhiệm vai trò quan chức gì to tát trong suốt cuộc đời mình, cho nên hồi ký cũng chẳng có gì phải tô, phải vẽ cho ra dáng người hiền và chân chất. Thậm chí khi viết xong từng giai đoạn như ở quê Rạch Giá lên Cần Thơ học trung học, rồi từ Cần Thơ về quê để tham gia cách mạng và đi suốt chín năm xuôi ngược sông nước miền Tây trong vai trò anh cán bộ văn nghệ kháng chiến, đến khi lên Sài Gòn sau Hiệp định Geneva cho tới ngày 30-4-1975 lịch sử được ra tù vì không còn ai canh giữ... Ông viết từng giai đoạn ngắn, không quan tâm đến việc đặt tên cho từng thời kỳ, khiến biên tập viên là tôi phải hỏi ý ông về tên sách cho mỗi tập khi xuất bản. Những tập hồi ký nhỏ ấy thật ra không nhỏ một chút nào. Nó dung chứa một giai đoạn lịch sử một cách tương đối khách quan không nhuốm màu chủ kiến. Nó thật sự là tiếng lòng của người thường dân Nam bộ, đặc biệt là người thường dân cầm bút. Bốn tập hồi ký với hơn 500 trang in được viết trong vòng hơn 3 năm, trong đó có nhiều đoạn viết tay, đôi đoạn đánh máy, và dăm ba đoạn là được cắt từ một số bài báo rồi chua thêm đôi ba câu dẫn. Về chữ viết, càng về già, chữ viết ông càng sít lại, nhỏ hơn và nhiều khi thiếu nét. Người biên tập là tôi nhiều khi phải ngồi phiên chữ ra cho rõ để kỹ thuật viên mới có thể nhập liệu được. Dù khó khăn nhiều nhưng cuối cùng bốn tập hồi ký T U Minh đến Cn Thơ, Chiến khu 9, Hai mươi năm gia lòng đô thBình An cũng đã lần lượt ra mắt bạn đọc. Có thể nói hồi ký là 4 tập sách dài hơi cuối cùng mà nhà văn viết, bởi sau đó ông chỉ viết ngắn, và cho đến năm 2006, sau khi bị tai nạn đụng xe thì gần như không viết gì nữa.

Được dịp đi ngao du cùng ông về miền Tây, ra Hà Nội trong những ngày Hội nghị viết văn trẻ tôi càng lúc càng thấy kiến văn của ông quả thật hơn người. Bên trong cái thân xác gầy mòn yếu ốm là cả một nghị lực phi thường, một tài năng chăm chỉ giũa mài và một tấm lòng vị tha đến bao la bát ngát. Nhiều người dân nghèo nhập cư nơi ông tạm ở trong những ngày rời gia đình sống lang thang ở Gò Vấp đã có công ăn việc làm, con cái được học hành nhờ vào tinh thần Mạnh Thường Quân của ông. Khi chưa bị bệnh và trở về nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, mỗi năm khi đến đầu năm học và tới dịp lễ tết, tôi thấy ông lại đề nghị xuất tiền trong nguồn ngân quỹ do tôi tạm quản lý để mua sách vở, cặp táp và quà bánh tặng các cháu nhỏ nghèo. Ông còn đích thân đến trường để xin cho các cháu được vào học trường công lập bằng uy tín cá nhân của mình. Hẳn người dân trong xóm Trũng ở phường 7 Gò Vấp chẳng thể nào quên hình ảnh của ông - nhà văn Sơn Nam. Một hình ảnh mà họ sẽ chẳng bao giờ được gặp lại. Hình ảnh một ông già nhỏ thó, kính trắng trễ mũi, điếu thuốc luôn đỏ trên môi, thường xuyên ngồi quán cà phê ở Nhà truyền thống Quận Gò Vấp trên đường Nguyễn Văn Nghi (gần ngã năm Chuồng Chó), chuyện trò với nhiều hạng người, nhiều loại người, hoặc âm thầm rút vào một góc nhỏ để đọc sách và nghiên cứu. Một con người bình dị đến tuyệt vời như thế, một con người chân đi không biết mỏi, mà những năm cuối đời phải nằm nhà quả là một... bất hạnh lớn lao.

Dù sao ông cũng giã từ cuộc đời, giã biệt chúng ta đã tròn năm năm. Một chút hồi tưởng để nhớ về ông trong những ngày tháng nầy sẽ làm chúng ta yêu hơn những trang văn ông để lại cho đời, cho mỗi con người đã đọc ông trên muôn dặm đường đời.

Viết nhân k nim 5 năm ngày mt ca nhà văn Sơn Nam, 13 tháng By năm Quý T.
P.S.S.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những vần thơ thép
Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết về nhà thơ Trần Quang Long.
Xem thêm
“Chúng ta cùng nỗ lực vì hòa bình thế giới”
Bài phỏng vấn vế tình Hữu nghị giữa các quốc gia qua cây cầu văn học
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và “Cõi lặng”
Nhiều người nói rằng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời chức vụ, quyền lực một cách thanh thản. Anh dứt áo, về quê mình, xứ Huế, xứ thơ, dù gia đình anh ở Hà Nội.
Xem thêm
Nhà văn Nguyên Hùng: Lịch sử nhìn qua giới giang hồ
Nhà văn Nguyên Hùng sinh ra ở Côn Đảo, từng sống khắp Nam kỳ lục tỉnh, thời kháng chiến chống Pháp ông làm báo ở Sài Gòn, ở chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu Đ. Thời đất nước chia cắt hai miền, ông được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động báo chí công khai. Tất cả những hiểu biết thực tế phong phú, cộng với việc tìm hiểu tài liệu công phu, giúp ông viết nên Người Bình Xuyên, ra mắt năm 1985, cuốn truyện tư liệu dày dặn như một pho tiểu thuyết chương hồi cuốn hút khiến người đọc không thể dừng lại được…
Xem thêm
Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Tôi đọc một mạch cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xong mà cứ bâng khuâng mãi. Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Xem thêm
Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng
Bài viết của nhà thơ Lê Thành Nghị
Xem thêm
Ký ức một thời trận mạc của chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, sinh năm 1918, nguyên Đội trưởng đội du kích Hòa An - Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc.
Xem thêm
Nhà văn Lương Sỹ Cầm: Như dòng sông lặng lẽ trôi
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sinh ngày 15.01.1929 tại Hà Tĩnh, hiện là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đời vào lúc 13h ngày 28.8.2023 tại Hà Nội hưởng thọ 96 tuổi. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ông đã sống, đã sáng tạo gần một thế kỷ trên cõi đời này như không hề biết mệt mỏi. Mới cách đây 5 năm, khi ở tuổi 90, ông vẫn cho ra mắt tiểu thuyết Đèn kéo quân và được trao Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng”. Tưởng nhớ nhà văn lão thành Lương Sỹ Cầm, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Hùng về ông.
Xem thêm
Từ Kế Tường đánh thức thời hoa mộng
Từ Kế Tường, tên khai sinh là Võ Tấn Tước, quê gốc ở Bình Đại – Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi tác giả đã là thư ký tòa soạn tờ Tuổi Ngọc, tờ báo dành cho thiếu nhi. Năm 1969, Huyền xưa, tiểu thuyết đầu tay của ông, được in nhiều kỳ trên báo, sau đó mới in sách, lần đầu khoảng 150.000 bản.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần cuối)
Là một trong những hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam,
Xem thêm
Phạm Vân Anh - Gót sen nở thắm biên thùy
Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.
Xem thêm
Nhạc sĩ Xuân Oanh - nhà ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ
Xuân Oanh (1923-2010) là tác giả của bài ca “Mười chín tháng Tám”
Xem thêm
Nhà thơ Vân Long và những người văn Thăng Long
Nhà thơ Vân Long làm việc ở báo Độc Lập, sau này anh về NXB Hội Nhà văn, phụ trách phần thơ.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 3)
Bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ luôn dành cho Xuân Oanh danh xưng Nhà Ngoại giao Nhân dân
Xem thêm
Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương, đôi bạn thơ và vùng hoài niệm
Bài viết của Ngô Đức Hành về đôi bạn Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương
Xem thêm
Mối tình vì hòa bình
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.
Xem thêm