TIN TỨC

Những dấu chân thơ nhiều dư vị xao xuyến

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-27 21:46:55
mail facebook google pos stwis
1051 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Sau hai ấn phẩm, tập thơ “Bầu trời dưới đáy sông” in năm 2017 và tập thơ “Muôn nỗi gần xa” in năm 2022, nhà thơ Trần Kim Dung trở thành hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Đó là chỉ dấu cho một tấm lòng thiết tha với thi ca, chân thành và tin cậy. Bây giờ, tập thơ thứ ba của nhà thơ Trần Kim Dung được ra mắt, để cùng chị rong ruổi tìm kiếm tri âm thanh thản và tận tụy. 

Nhà thơ Trần Kim Dung có nhiều năm làm hiệu trưởng Trường trung học cơ sở An Đà, Hải Phòng. Nghỉ hưu, nhà thơ Trần Kim Dung rời thành phố hoa phượng đỏ, chuyển vào sinh sống tại đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam, và tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tác văn chương mà chị ấp ôm từ thời thanh xuân. Chị lặng lẽ chạm tay những chữ nghĩa mơ màng và bồi hồi lắng nghe tiếng vọng những vần điệu bâng khuâng.

Cầm tập thơ “Những dấu chân thơ” và lần mở từng trang, chắc chắn độc giả dễ dàng nhận diện hành trình thao thức của nhà thơ Trần Kim Dung. Không chủ đích gieo ý tứ vào suy tưởng, mà chị tìm thấy chất thơ ngẫu nhiên tức cảnh sinh tình. Nhà thơ Trần Kim Dung may mắn có điều kiện thăm viếng nhiều nơi, và càng may mắn hơn khi chị có thi ca cùng nhịp bước. Những câu phiêu lãng vụt đến, những câu xôn xao bay theo, khiến chị trở thành một lữ khách hạnh phúc trên các nẻo đường nhớ thương.

Nhà thơ Trần Kim Dung luôn luôn gói ghém sự trìu mến để ghé qua từng vùng đất. Chị xem mỗi chốn xa lạ mình có dịp ghé lại, không phải một địa chỉ du lịch với dăm phút giây ngắm nghía khuây khỏa vui thú, mà giống như một miền thương yêu đích thực. Vì vậy, chị được “về” để lắng đọng cùng vạn vật, dẫu là ngọn cỏ bơ vơ ven đê hay dẫu là quán nhỏ cô quạnh cuối phố. Những bài thơ “Về Phú Yên”, “Về Điện Biên”, “Về đảo ngọc”, “Về xứ Thanh”... rung động nhờ trái tim ân cần dắt dìu tác giả ngược xuôi dặm dài mưa nắng.

Lấy tâm thế “về” làm cảm hứng chủ đạo, nhà thơ Trần Kim Dung được hít thở trọn vẹn với từng không gian thân thuộc, thẳm sâu và bình dị: “Từ trong hoa cỏ xa gần/ Vẫn nghe như tiếng rì rầm người xưa”. Không có ai là người dưng lạnh lùng trong cuộc gặp gỡ hữu duyên, nên mỗi sắc thái tao ngộ đều lưu luyến khôn nguôi: “Vừa mới đến Bến Đục/ Gạo đã thắp lửa mừng”.

Đã bỏ lại sau lưng những thăng trầm và những bôn ba, nhà thơ Trần Kim Dung dùng ánh mắt độ lượng và ấm áp để soi rọi cõi dương gian nhọc nhằn mà sẻ chia, mà nương tựa. Chị phát hiện vẻ đẹp hoa ban Tây Bắc đắm đuối “Cả núi rừng bung lụa trắng lên mây” và chị phát hiện giữa điệp trùng hiểm trở vùng cao có nét riêng quyến rũ “Đèo Pha Đin bay lên trong mây trắng/ Dốc quanh co đến tận cổng trời”.

Thơ Trần Kim Dung không cầu kỳ cũng không bóng bẩy. Chị nhẹ nhàng ghi lại những xao xuyến của mình, thành những lời tỉ tê bất ngờ. Ví dụ, “Tiếng tằm ăn rỗi như chiều đổ mưa” là một câu thơ chẳng cần bám víu vào văn bản cố định nào, cũng chẳng cần hỗ trợ bởi câu chuyện lâm ly nào. Một câu thơ không chút kỹ thuật, mà dư âm cứ bồng bềnh, cứ ngân nga. Một câu thơ độc lập, tự tại và ôn tồn, chứng minh phẩm chất thi sĩ của người viết.

Nhìn thật bao quát, nhà thơ Trần Kim Dung có thói quen thể hiện những suy tư bằng thơ lục bát. Những câu sáu chậm rãi và những câu tám giải bày, vốn thuận lợi cho tác giả muốn truy vấn những bồi hồi trong muôn trùng kỷ niệm. Nhà thơ Trần Kim Dung thong dong sử dụng lục bát để níu giữ những khoảnh khắc thoáng gặp đã gắn bó như cố nhân, khi xa vắng “Vườn chùa xanh thắm bóng cây/ Giọt chuông rơi xuống nở đầy sen thơm”, khi ngậm ngùi “Hỏi đò đứng đó đợi ai/ Cho ta làm bạn đường dài quá giang” và cả khi nôn nao “Hoàng hôn tím nữa đi nào/ Cho ta quên lối, lạc vào chốn xưa”.

Đọc thơ Trần Kim Dung, không khó để mường tượng tương đối rõ ràng một người phụ nữ đa đoan và đôn hậu. Chị giăng mắc cố hương gần gũi với mình: “Cổng làng tóc nhuộm gió sương/ Hai vai gánh nặng con đường bão giông”, và chị xót xa với cuộc mưu sinh nhọc nhằn của đứa trẻ nghèo một lần chứng kiến ở Biển Hồ, Campuchia: “Mò sâu tận đáy bùn lầy/ Mong sao vớt được một ngày trong mơ”.

Tập thơ “Những dấu chân thơ” mang phong vị của trải nghiệm nâng niu và an ủi. Những dấu chân của nhà thơ Trần Kim Dung không nhàn rỗi với từng danh thắng mà bận bịu với từng con người, dẫu chỉ lướt qua nhau giữa mùa trôi bất tận. Công trình kỳ vĩ hay thiên nhiên lộng lẫy được chị đề cập cụ thể, cũng chỉ là cơn cớ để chị sốt ruột nghĩ về mỗi số phận nhỏ bé trong thế giới hội nhập thênh thang ưu phiền.

Những dấu chân của chị đã đi đến thơ, nhờ thơ bịn rịn xoa dịu “Áo chàm thấp thoáng nương xanh/ Để ai tìm mãi dáng hình trong mơ/ Rừng nghiêng thác cuộn gió mưa/ Ngỡ đâu tiếng triệu năm xưa vọng về” và nhờ thơ thầm thì khấn nguyện “Đón năm mới miền Trung mưa rả rích/ Bỗng nhớ phương Nam chan chứa nắng vàng/ Ước gì đem được chút trời xanh mây trắng/ Để sông Hoài náo nức chuyến đò ngang”.

Sài Gòn, 5/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Mấy điều bất thường xung quanh bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ
Không phải vì tác giả là người viết kịch, có duy nhất một bài thơ được chọn vào sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, mà bài thơ này có tính bất thường. Trong sách của Hoài Thanh và Hoài Chân có những tác giả sau chỉ có một bài : Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền. Có hai tác giả được nói đến mà không trích bài nào trọn vẹn là T.T.KH, và Trần Huyền Trân. Vậy thì bài thơ của Đoàn Phú Tứ bất thường ở chỗ nào?
Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm